Hun Manet liệu có giống cha mình? Quan hệ CPC – Việt Nam sau khi Phnom Penh có Thủ tướng mới
Bình luận của Mai Luân
2023.07.29
RFA
AFP
“Cha nào con nấy!” Câu tục ngữ lâu đời này liệu có lột tả được quan hệ giữa hai cha con Hun Sen và Hun Manet. Trong tương lai? Bang giao Việt Nam – Campuchia rồi đây sẽ giữ được đà như từ trước đến nay hay sẽ có những thay đổi?
“Giỏ nhà ai quai nhà nấy”?
Hun Sen tuyên bố từ chức, đưa con trai trưởng Hun Manet lên làm Thủ tướng mới của đất nước chùa tháp (1). Tin này không gây bất ngờ nhưng đủ “nóng” đối với những ai quan tâm đến mối bang giao Việt Nam – CPC cũng như vai trò tương lai của đất nước chùa tháp trong bàn cờ chính trị châu Á đầy biến động. Theo Khmer Times ngày 27/7/2023, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đã công khai kế hoạch thay thế hầu hết các vị trí trong nội các nước này với những gương mặt trẻ. Người phát ngôn CPP Sok Eysan tiết lộ: “Dưới nhiệm kỳ thủ tướng của Đại tướng Hun Manet, 90% nội các hiện nay sẽ bị thay thế. Đảng CPP sẽ đề xuất những cán bộ mà chúng tôi đã trui rèn”. Khmer Times dẫn nguồn thạo tin khẳng định, nội các mới gồm 30 Bộ trưởng, cùng 10 Phó Thủ tướng và 11 Bộ trưởng cấp cao. Các thành viên nội các mới nằm giữa độ tuổi 38 – 65, trong đó các thành viên dưới 50 tuổi chiếm đa số. Các Bộ trưởng cấp cao chủ chốt của chính phủ sẽ từ chức sau khi tân Quốc hội được triệu tập vào tháng 8 tới đây, Samdech Hun Sen tuyên bố hôm 26/7 như vậy. Ông Hun Sen cũng cho biết, Quốc vương Norodom Sihamoni đã tán thành việc bổ nhiệm Manet ngay sau cuộc họp sáng 26/7 (2).
Đối với một số người, Hun Manet là khuôn mặt tươi mới, đại diện cho thế hệ tương lai, người sẽ đưa CPC tiến xa hơn nữa. “Tôi đến đây 15 năm trước khi chưa có những tòa nhà chọc trời,” cựu Chủ tịch AmCham Anthony Galliano nói về thủ đô Phnom Penh. Gần đây, ông đã tiếp đón Hun Manet với tư cách là khách mời danh dự của AmCham. “Ông Hun Manet quan tâm đến việc làm thế nào để chúng tôi có thể thu hút thêm đầu tư vào trong nước, làm thế nào để chúng tôi có thể cải thiện thương hiệu, hình ảnh của đất nước trước các nhà đầu tư quốc tế.” Nhưng thương hiệu của CPC gắn liền với thân phụ của Hun Manet, người đã cai trị mạnh mẽ trong gần bốn thập kỷ. Sau bầu cử, có một số nghi ngờ rằng, liệu người con trai sẽ quản trị khác cha mình hay không trong giai đoạn tới đây? “Hun Manet đã được tiếp xúc với dân chủ, nhân quyền... Nhưng ông ấy lại lớn lên dưới một chế độ rất chuyên quyền,” Kasit Piromya, cựu Ngoại trưởng Thái Lan, thành viên trong hội đồng Nhân quyền của Nghị viện ASEAN, bày tỏ và cho biết về mô hình quản trị của Hun Manet, vẫn là mô hình “gia đình kiểm soát đất nước”. Ông Kasit Piromya hoài nghi: “Nếu như Hun Manet tự do hóa bản thân, thì đó là khởi đầu cho quá trình kết thúc của sự thống trị của một gia đình đối với nền chính trị CPC. Nhưng liệu ông ấy có tự làm suy yếu mình như thế không?” Chỉ số Dân chủ chấm theo hệ thống EIU vào tháng 2 đã cho Campuchia điểm 0,00 về quy trình bầu cử và tính đa nguyên, khi so sánh với 28 quốc gia khác, bao gồm một số quốc gia đàn áp nhất thế giới (3).
Hun Manet là người CPC đầu tiên tốt nghiệp Học viện quân sự West Point (Mỹ). Ông lấy bằng Thạc sĩ Kinh tế tại Đại học New York và bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Bristol. Năm 2003, Hun Manet nói với những người viết tiểu sử của cha mình rằng, ông đánh giá cao các khía cạnh của văn hóa Mỹ, như cách mọi người “có tự do và cơ hội để làm bất cứ điều gì họ muốn”, hoặc “sự khoan dung đối với tính đa dạng” và “được nhìn mọi thứ từ những góc độ khác nhau…”. Nhưng đến năm 2015, Manet cũng lại nói với ABC rằng CPC phải giữ gìn hòa bình, ổn định và an ninh “bằng bất cứ giá nào”. Theo Giáo sư từ Đại học Griffith Lee Morgenbesser, không nhất thiết được giáo dục ở phương Tây thì nhà cai trị sẽ ôn hòa hơn. Giáo sư Morgenbesser cho rằng: “Con trai của một nhà độc tài kế vị nhà độc tài, thì câu chuyện luôn là anh ta là một nhà cải cách tiềm năng, một người ôn hòa tiềm năng, một người tiến bộ tiềm năng, vì anh ta được giáo dục theo phương Tây. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy những điều này trở thành hiện thực cả!” (4)
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng bầu cử
Còn quá sớm để đưa ra dự báo về bang giao Việt Nam – Campuchia rồi đây sẽ giữ được đà như từ trước đến nay hay sẽ có những thay đổi! Trước mùa bầu cử vừa qua ở CPC, dư luận thấy ông Hun Sen đưa ra nhiều tuyên bố “cứng rắn” liên quan đến Việt Nam, như đề nghị Hà Nội phải chuẩn bị bắt giữ ông Sam Rainsy, nhân vật đối lập nổi tiếng ở CPC, nếu ông ấy nhập cảnh vào Việt Nam, theo một bài đăng hôm 7/6 trên trang Facebook chính thức của vị thủ tướng, có hơn 14 triệu người theo dõi. Hun Sen cũng cảnh báo rằng, quan hệ hai nước “sẽ có vấn đề”, nếu Việt Nam không làm như vậy. Trong bài đăng trên Facebook về lễ động thổ đường cao tốc Phnom Penh-Bavet hôm 7/6, có đoạn: Thủ tướng Hun Sen đưa ra lời đề nghị kể trên với chính phủ Việt Nam thông qua Đại sứ của nước này ở Phnom Penh, ông Nguyễn Huy Tăng (5). Cũng như trước đó ông dọa sẽ bắn bất cứ chiếc “drone” nào nghi xuất phát từ Việt Nam trong thời gian có khủng hoảng Tây Nguyên. Thật ra thì ông Hun Sen chỉ “làm le” ra vẻ ta đây có quan điểm cứng rắn với với chính quyền Hà Nội. Còn trên thực tế, giữa hai nước vốn đã có Hiệp định dẫn độ rồi thì việc gì ông phải “la làng” lên như vậy!
Tuy nhiên, nhân dịp bầu cử Quốc hội khóa 7 của CPC ngày 23/7/2023, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng Chủ tịch CPP, Thủ tướng Hun Sen. TBT Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Việt Nam đã bày tỏ tin tưởng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và CPC sẽ ngày càng được củng cố và phát triển mạnh mẽ, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho Cộng đồng ASEAN, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới (6). Tuy nhiên, di sản liên quan đến bang giao Campuchia – Việt Nam mà Hun Sen để lại là khá phức tạp. Theo nhà báo Huy Đức, có nhiều người Việt Nam mong muốn Hun Sen tiếp tục cầm quyền ở CPC, vì Hun Sen là người do Việt Nam đưa lên. Nhiều lãnh đạo Việt Nam lo ngại chính quyền rơi vào tay đối lập. Đúng là các nhà đối lập ở CPC từng khai thác chủ nghĩa dân tộc bài Việt để bịp dân. Nhưng, những năm qua, chưa có đối lập nào cầm quyền hoặc đệ trình chính sách chống Việt Nam nào để ta biết chắc họ có thực sự chống người Việt như họ tuyên bố. Trong khi đó, Hun Sen đã chống người Việt bằng chính sách xuyên suốt trong những năm cầm quyền của mình (7).
“Quyền lực luôn có khuynh hướng tha hóa”. Không ai tránh được quy luật này và Hun Sen là ví dụ tiêu biểu của sự “tha hóa tuyệt đối” sau gần 39 năm làm Thủ tướng. Trên tài khoản Facebook của mình, Hun Sen đã sử dụng ngôn ngữ bạo lực để tấn công đối lập và có lúc Hun Sen, thậm chí, còn chia sẻ sự nuối tiếc khi đã không “bắn” vào đoàn người biểu tình năm 2013, năm bầu cử mà [theo các nhà quan sát] Hun Sen thua trên thực tế (8). Nay tuy đã chuyển giao quyền lực, nhưng Hun Sen cũng từng chỉ ra rằng, ông ấy mong đợi người thừa kế của mình phải cai trị theo mô hình của chính mình và nếu không, ông ấy có thể giành lại quyền lực. “Nếu con trai tôi không đáp ứng được kỳ vọng... tôi sẽ tiếp tục vai trò Thủ tướng của mình”, Hun Sen nói, theo tờ Phnom Penh Post. Khi được hỏi liệu con trai mình có thể cai trị theo cách khác không, Hun Sen cười: “Bằng cách nào? Bất kỳ sự khác biệt nào như vậy có nghĩa là phá vỡ hòa bình và hủy hoại những thành tựu của thế hệ cũ.” (9)
________
Tham khảo:
1. https://www.bbc.com/vietnamese/world-66298059
2. https://www.khmertimeskh.com/501331745/end-of-an-era-pm-hun-sen-stepping-down-after-helming-nation-for-over-38-years/.
(3 – 4) https://www.reuters.com/world/asia-pacific/like-strongman-like-son-cambodias-hun-manet-makes-political-debut-2023-07-20/.
5. https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-campuchia-hun-sen-de-nghi-viet-nam-bat-sam-rainsy-canh-bao-se-co-van-de/7126535.html.
6. https://tuoitre.vn/lanh-dao-dang-nha-nuoc-viet-nam-chuc-mung-campuchia-bau-cu-thanh-cong-20230725195211277.htm
(7 – 8) https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/pfbid02ZAbZ5bcw37yr4Xjx44C9AAtqZwjdRoFMJVV863YBXQZVYNoPW3uyqvcRu9TnDVE9l
(9) https://www.reuters.com/world/asia-pacific/like-strongman-like-son-cambodias-hun-manet-makes-political-debut-2023-07-20/
No comments:
Post a Comment