Friday, July 28, 2023

VNTB – Cái gì mới làm nên thầy tu?
Huyền Linh
28.07.2023 6:46
VNThoibao




(VNTB) – “Chiếc áo không làm nên thầy tu”.

 Nhân cách đặt vấn đề của bài báo “Thầy chùa” ăn thịt chó của tác giả Ngọc Lan trên trang Việt Nam Thời Báo, với phần kết có so sánh với những người tu hành ở tịnh thất Bồng Lai, cho thấy cần thiết làm rõ về quyền tự do lựa chọn phép tu của công dân.

Báo chí nhà nước đã từng dồn dập chỉ trích nhóm những người tu hành ở “tịnh thất Bồng Lai” đã giả chùa, giả sư. Các lập luận mang tính quy kết, đa phần được báo chí trích dẫn từ biện giải của thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM.

Nhà sư Thích Nhật Từ nói rằng khái niệm cơ sở Phật giáo được xem xét dưới 3 góc độ: Thứ nhất, theo luật Tín ngưỡng tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam thì “tịnh thất Bồng Lai” chưa từng đăng ký nên không thuộc cơ sở tôn giáo.

Thứ hai, xét trên phương diện giới luật của Phật giáo, trong quá trình hoạt động, ông Lê Tùng Vân sử dụng khái niệm “tịnh thất”, sau đó đổi thành “chùa”, “thiền am”, “thiền viện”. Đây là những khái niệm Phật học chỉ cơ sở vật chất của Phật giáo với phạm vi xây dựng lớn nhỏ khác nhau. Chùa là khái niệm chung. Thiền viện là khái niệm chỉ cho pháp tu; thiền, thiền am và tịnh thất chỉ khái niệm một ngôi chùa nhỏ của Phật giáo.

Ở góc độ này, theo thượng tọa Thích Nhật Từ thì ông Lê Tùng Vân không làm đúng theo những gì Đức Phật quy định nên không thể gọi là cơ sở tôn giáo của Phật giáo vì người trong cơ sở phải là người xuất gia, thọ giới Sa di, Tỳ kheo.

Thứ ba, ở góc độ giáo hội, ông Lê Tùng Vân nói không theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì đó là quyền lựa chọn, và đó không phải vấn đề quan trọng vì theo bất kỳ một giáo hội nào, cũng phải tuân thủ quy định của giáo hội đó. Thượng tòa Thích Nhật Từ cho rằng một khi ông Vân chưa từng tham gia giáo hội nào, nên việc tự xưng: thiền am, tịnh thất, thiền viện đều sai (?)

Những lý luận trên của nhà sư Thích Nhật Từ là căn cứ giới luật của đạo Phật theo cách hiểu của cá nhân nhà sư Thích Nhật Từ.

Còn việc thể hiện và lựa chọn cách biểu hiện về niềm tin tôn giáo của những người tu hành ở tịnh thất Bồng Lai, đã được Hiến pháp Việt Nam bảo hộ. Như vậy về nguyên tắc, các cáo buộc đi ngược lại Hiến định, là không chấp nhận.

Luận bàn về chuyện người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo, thượng tọa Thích Quảng Kiến nhìn nhận theo sự phát triển của xã hội, nhiều điều giới thời Đức Phật khó có thể áp dụng triệt để trong thời đại ngày nay, do đó theo tinh thần “khai giá” (linh hoạt và hạn chế), những “khinh giới” (giới nhẹ), như có thể thấy, đã được gia giảm, linh hoạt phần nào trong đời sống Tăng-già hiện đại.

Những điều nói trên ít nhiều liên quan đến sự việc trước đây trên truyền hình và internet xuất hiện “hai nhà sư hát triệu view” tham gia chương trình Tuyệt đỉnh song ca 2017. Lưu ý, ở đây họ chỉ mang hình thức tu sĩ chứ không phải Tỳ-kheo, do vậy các chỉ trích mang tính quy chụp dễ dẫn đến người đời đánh mất niềm tin vào Tam bảo.

Tạm kết ở đây bằng câu chuyện của hòa thượng Thích Đỗng Minh.

Năm 1978, hòa thượng Đỗng Minh bị bắt, sau hai năm ở tù trở về, hòa thượng đổi y Bắc tông sang y Nam tông, không vì chuyện này mà nói rằng giới thể “vô biểu” của hòa thượng bị mất hoàn toàn.

Thầy Tuệ Sỹ viết: Hòa thượng Đỗng Minh là một số rất ít trong các Tỳ-kheo trì luật của Tăng-già Việt Nam kể từ khi Phật giáo được trùng hưng, Tăng thể được chấn chỉnh và khôi phục… Ngài xứng đáng là bậc Long Tượng trong chốn tòng lâm, đời sống phạm hạnh nghiêm túc, phản chiếu giới đức sáng ngời, tịnh như băng tuyết (trích Tự ngôn trong bản Việt dịch Luật Tứ phần, thầy Tuệ Sỹ viết tại Quảng Hương Già-lam, cuối Đông, 2549).

Và khi hòa thượng Đỗng Minh viên tịch, hòa thượng Trí Quang kính tiến tán tụng: “Kính cúng dường bậc Đại đức tôn quý trong hàng tứ chúng, một đời trì luật, thuận Giới giải thoát (prātimokṣa)” (Phụng cúng chúng trung tôn, thiện thuận giải thoát giới 奉供眾中尊善順解脫戒) (trích Kỷ yếu Tưởng niệm Tôn sư, trang 71).


No comments:

Post a Comment