Monday, May 22, 2023

Volodin yêu cầu Ba Lan trả cho Nga 750 tỷ USD vì phản bội 'cuộc giải phóng 1945'
22.05.2023
BBC

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Là người thân tín của TT Putin, ông Vyacheslav Volodin nay giữ chức Chủ tịch Duma Quốc gia

Chủ tịch Viện Duma Quốc gia Nga "đòi Ba Lan 750 tỷ USD tiền công giải phóng và tái thiết đất nước" sau Thế Chiến II.

Chủ tịch Quốc hội Nga (Duma Quốc gia), ông Vyacheslav Volodin vừa nêu ra yêu cầu "cấm hàng hóa, xe cộ của Ba Lan" vào Nga để trừng phạt cho sự "phản bội".

Nhà chính trị Nga nói "Liên Xô đã hy sinh to lớn để giải phóng Ba Lan khỏi quân xâm lăng phát-xít".

Viết trên mạng xã hội Telegram hôm cuối tuần, ông Volodin nói vấn đề này sẽ được "đưa ra Hội đồng Duma ngày 22/05" để bàn thảo, theo Reuters hôm 21/05/2023.

Là một nhân vật lãnh đạo của đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất, ông Vyacheslav Volodin đột nhiên tham dự vào các tranh cãi lịch sử về cục diện châu Âu sau Thế Chiến II.

Đây không phải là lần đầu tiên ông tỏ ra ủng hộ Tổng thống Putin bằng lời nói mạnh.

Sau khi Nga xâm lăng Ukraine, ông Volodin từng đề xuất tịch thu nhà của bất cứ người Nga nào "dám phê phán chiến dịch quân sự đặc biệt".

Dùng lời lẽ nặng nề, nay ông lên án "Ba Lan đã phản bội ký ức lịch sử" vì để giải phóng nước này khỏi sự chiếm đóng của phát-xít, các chiến sĩ Liên Xô đã trả giá rất cao.





Ông cũng nhắc rằng 1/3 lãnh thổ phía Tây và vùng duyên hải Baltic của Ba Lan sau 1945, là "do Liên Xô trao cho".

"Đây là các vùng nhiều trung tâm công nghiệp, có nền văn hóa cao."

Về một phần của câu chuyện này, ông Volodin đã nói không sai.

Sau 1945, Stalin quyết định xóa sổ các lãnh thổ của Đức ở phía Đông và chuyển cho Ba Lan.

Các vùng đất trù phú, đô thị hóa lâu năm này gồm tỉnh Đông Phổ bên bờ Baltic, vùng Tây Phổ cũ (xung quanh Poznan - Đức gọi là Posen), vùng biển Pomorenia, tỉnh công nghiệp Silesia.

Đây là phần thưởng cho công lao của quân đội CH Nhân dân Ba Lan cùng Liên Xô chống đế chế Hitler.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Thành phố Gdansk từng có đa số dân là người nói tiếng Đức, được trao cho Ba Lan năm 1945

Nhưng Stalin đã lấy toàn bộ vùng phía Đông CH Ba Lan II (1918-1939), gồm các thành phố lớn như Lviv, Vilnius, nhập vào Liên Xô.

Đây là điều ông Volodin không nhắc tới. Hàng triệu dân ở các vùng đất này bị trục xuất không thương tiếc, ai bị quy là giai cấp "bóc lột" có thể bị đày đi Siberia.

Theo ông Volodin, sau Thế Chiến II Liên Xô đã "viện trợ cho Ba Lan tái thiết các đô thị và khu công nghiệp".

Khoản tiền này, nếu tính ra tiền hiện này thì lên tới con số số Ba Lan "cần trả cho Moscow" là 750 tỷ USD, theo nhà chính trị Nga.

Vì không có hiệp ước quốc tế nào công nhận "bồi thường công giải phóng" - người Ba Lan gọi là chiếm đóng lần hai bởi Liên Xô - ông Volodin đề xuất giải pháp cấm hàng xuất khẩu của Ba Lan vào Nga.

Cụ thể hơn, ông Volodin muốn ra lệnh cấm các xe hàng của Ba Lan đem thực phẩm, hàng tiêu dùng vào Nga với tổng trị giá khoảng 8,5 tỷ USD/năm. Lệnh cấm này sẽ "khiến cho Ba Lan đau đớn", ông nói.

Volodin nói tiếp, "cách tốt nhất là Ba Lan trả lại hết các lãnh thổ đã giành được", theo trang báo Wprost.pl ở Ba Lan. Tuy vậy ông không nói Ba Lan cần trả lại các tỉnh cho nước nào: Đức, hay Nga,

Biên giới với Đức và Nga

Các hiệp ước song phương giữa CHND Ba Lan và CHDC Đức thời XHCN đã đồng ý về đường biên giới Đức-Ba Lan như hiện nay, dọc trên sông Oder/Odra.

Cuối thập niên 1970, CHLB Đức ký tiếp với Ba Lan, công nhận đường biên giới đó và từ bỏ mọi lãnh thổ từng thuộc Đế chế Đức ở Đông Âu, nhất là vùng mỏ Silesia hiện đa phần do Ba Lan và Czechia làm chủ.

Ba Lan có biên giới trên bộ và trên biển với Nga ở vùng Baltic. Quân cảng Kaliningrad của Nga nằm kẹt giữa Ba Lan và Lithuania, hai nước thành viên Nato.

Mới nhất đây, Ba Lan tuyên bố sẽ dùng lại tên Krolewiec cho thành phố Kaliningrad, theo tên gọi cũ của Ba Lan khi vùng đất thuộc công tước Phổ, thần phục vua Ba Lan vào thế kỷ 14.

Nga đã phản đối quyết định này của Cục bản đồ Ba Lan.

Tội ác của phát-xít Đức và Liên Xô

Tháng 9/1919, Liên Xô phối hợp với quân đội Hitler để cùng tấn công Ba Lan từ hai hướng. CH Ba Lan bị xóa sổ.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Hai tướng Đức, Mauritz von Wiktorin và Heinz Guderian lên bục cùng chỉ huy trưởng đơn vị xe tăng Liên Xô, Semyon Krivoshein duyệt hàng quân Đức-Nga ở Brest-Litovsk ngày 22/09 sau khi hai bên hợp đồng đánh chiếm CH Ba Lan

Mùa hè năm 1944, Hồng quân Liên Xô tiến vào lãnh thổ Ba Lan khi quân Đức rút chạy.

Liên Xô tuy thế đã dừng lại ở bờ đông sông Wisla, để Đức tàn sát hàng trăm nghìn quân dân Ba Lan trong Khởi nghĩa Warsaw.

Phải đến tháng 1/1945, khi các lực lượng chính của Wehrmacht rút về dần khỏi Ba Lan, Liên Xô mới cho mở chiến dịch Vistula-Oder (Vislo-Oderskaya operatsiya).

Nguyên soái Ivan Konev chỉ huy cánh quân phía Nam đánh qua Ba Lan vào Dresden để lên hội quân với lực lượng do Nguyên soái Gregory Zhukov chỉ huy (cánh phía Bắc), tại Berlin.

Các binh đoàn Liên Xô và Ba Lan (quân đội nhân dân) có giao tranh không lớn với Đức trên đất Ba Lan vì quân Đức đang trên đà tháo chạy về nước.

Các cuộc chiến chỉ trở nên dữ dội khi quân Đồng minh vấp phải lính Đức tử thủ ở các đô thị của Đức.

Theo sử gia Mark Kramer (Davis Center, ĐH Harvard) thì trong Thế Chiến II, Liên Xô thiệt hại về người nhiều nhất: 25 triệu, nhưng về tỷ lệ dân và binh lính bị giết thì Ba Lan lại còn cao hơn.

Chừng 6 triệu công dân Ba Lan, chiếm 17% dân số năm 1939, gồm cả 3 triệu người Do Thái, đã bị thiệt mạng trong thời gian Thế Chiến II.

Đa số họ bị giết bởi quân Đức và một con số lớn bởi công an Liên Xô (NKVD) trong các cuộc vây bắt, thanh trừng nhằm vào thường dân, tù binh, trí thức Ba Lan, Mark Kramer đánh giá.

Ngay sau khi "giải phóng" Ba Lan năm 1945, Liên Xô áp đặt chế độ quân quản, dùng công an, quân đội trấn áp toàn bộ xã hội Ba Lan.

An ninh Liên Xô công khai truy bắt những người kháng chiến chống Đức nhưng không theo cộng sản ở Ba Lan để xử bắn, bỏ tù.




Các lãnh đạo cộng sản "trái ý" Kremlin như Phó thủ tướng Wladyslaw Gomulka cũng bị tước chức, bỏ ngục không án.

Làn sóng khủng bố của Liên Xô kéo dài đến 1953, khi Stalin chết và phe cộng sản Ba Lan chỉ thực sự chỉ được trao quyền quản lý đất nước năm 1956, khi ông Gomulka lên làm Tổng Bí thư.

Vấn đề sâu nặng hơn cả trong quan hệ của Liên Xô và Nga với các nước Đông Âu và Baltic đến từ chỗ tâm lý văn hóa.

Những nước nhỏ hơn nhưng có lịch sử lập quốc, tôn giáo lâu đời hơn Nga luôn từ chối sự thống trị bởi một dân tộc Nga đông dân hơn nhưng bị cho là lạc hậu hơn họ về văn hóa.

Tin liên quan




No comments:

Post a Comment