Trần Tiến Dũng - Không gian tiếng Hoa và mùi vị món Tàu Chợ Lớn
mercredi 31 mai 2023
Thuymy
KHÔNG GIAN TIẾNG HOA và MÙI VỊ MÓN TÀU CHỢ LỚN
Vào một buổi xế chiều tháng tư, chúng tôi ghé ăn mì chỉ cá trên đường Cao văn Lầu, quận 6. Món ăn này nổi tiếng một thời của người Hoa-Chợ Lớn. Và điều đặc biệt mà chúng tôi phát hiện chính là người Hoa ở Chợ Lớn không còn dùng tiếng Hoa để nói chuyện nữa.
Quanh khu vực bán mì chỉ cá là những người đàn bà người Hoa già có, trẻ có, họ đang nói chuyện về công việc, chồng con... bằng một thứ tiếng Việt không hề lơ lớ giọng chút nào. Thật khác với Chợ Lớn những năm trước 1975, những năm đó khó mà tìm ra người giao dịch nói chuyện bằng tiếng Việt ở các quận có đông người Hoa như quận 5, 6, 11.
Đi chợ Bình Tây ngày nay hẳn nhiên sẽ mất đi một điều thú vị là nghe tiếng Tiều, tiếng Quảng, tiếng Hẹ hoặc một thứ tiếng Việt xưng ngộ, gọi nị hay chế, hia... Một khi đánh mất sự địa vị một thời là tiểu Hongkong, cả khu vực Chợ Lớn hôm nay từ kinh tế, văn hóa gần như đã là một phế tích của những người Trung Hoa lưu vong.
Tượng ông chủ lớn Quách Đàm không còn ở Chợ Bình tây nữa, tượng Đức Khổng tử trước chợ Kim Biên được thay bằng tượng Hải Thượng Lãn Ông. Con kênh Bãi Sậy phía sau chợ Bình Tây đã bị lấp, cầu Ba Li Cao, cầu Bình Tiên bị dỡ bỏ, rạp hát Hồng Liên, Minh Phụng không còn hát...
Từ sau 1975, nếu kể về những công trình có tính biểu tượng của Chợ Lớn đã mất hoặc tự lụi tàn thì không thể kể hết. Nhưng vấn đề là sự cào bằng văn hóa đã đánh mất bản sắc của một địa danh văn hóa từng một thời vinh danh tính nhân văn đa văn hóa của Sài Gòn và miền Nam.
Chúng tôi hỏi một người bạn là nhiếp ảnh gia TVĐ rằng, anh có chụp được tấm ảnh nào về những phố hẻm đặc trưng của người Hoa Chợ Lớn không thì anh lắc đầu. Anh hỏi lại chúng tôi: "Nó ra sao?" Chúng tôi tả nó gồm một cái cổng và cửa gỗ là lối vào chung, bên trong nhiều căn hộ sống vây quanh một khoảng sân trống vừa là giếng trời vừa là công viên chung. Những phố hẻm như vậy trước đây có nhiều, không chỉ là nơi tứ đại đồng đường chung sống mà có khi cả họ, cả làng người Hoa cùng chung sống.
Một nhà báo lớn tuổi đi cùng chúng tôi kể. Vào những năm cuối của thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, khi mà giới chủ và giới trung lưu người Hoa chợ Lớn đóng vàng đi vượt biên bán chính thức. Một cán bộ miền bắc vào tăng cường được cấp một căn nhà trong một hẻm phố như vậy. Lần đầu anh tới chơi thì giếng trời chung vẫn còn nguyên, lần sau anh tới thì mỗi vị cán bộ được cấp nhà chiếm một góc giếng trời nuôi heo, nuôi gà thậm chí có người còn cuốc lên trồng khoai để cải thiện, đến cái cửa cổng chung bằng gỗ cũng chia nhau làm củi đốt.
Khi nói về những vùng trũng văn hóa ở Việt Nam, người ta thường nghĩ ngay đến đồng bào các dân tộc vùng miền núi, bà con các vùng sâu ở các tình miền Tây chớ ít ai nghĩ đến giới lao động người Hoa Chợ Lớn. Từ sau năm 1975, các trường học của người Hoa ở Chợ Lớn đều bị quốc hữu hóa. Đại đa số người Hoa Chợ Lớn thuộc giới lao động nên việc con em người Hoa học tiếng Việt chỉ cốt sao để cho biết đọc, biết viết. Thế nên những thế hệ con em người Hoa sau 1975 vừa mơ hồ về văn hóa gốc của mình vừa kém cỏi về văn hóa bản địa là điểu hiển nhiên.
Một người đàn ông gốc hoa, tuổi bốn mươi làm nghề giao mối hủ tíu kể. Đa số con em người Hoa là học nghề, có khi là nghề do gia đình truyền lại, như nhà tôi đây ba đời làm nghề giao mối hủ tíu, giao mối thôi nghe, còn làm lò hủ tíu là gia đình khác làm, chia nhau mỗi người một việc vậy mà sống mấy đời, học cao chưa chắc ăn bằng." Từ câu chuyện của anh giao hủ tíu chúng tôi liên hệ đến một người thanh niên người Hoa làm nghề làm chìa, sửa ống khóa. Anh nói. "Tui sanh ra ở Chợ Lớn, không biết một chữ Việt hay chữ Hoa nào, từ nhỏ học nghề, cứ lấy mắt mà đo, chìa loại nào làm cũng được, khóa số cở nào nghe qua tiếng bi chạy là mở cái rụp, khóa điện tử hả, đưa đây, trả đúng giá là bắn liền".
Trở lại với món ăn mì chỉ cá, loại mì mịn như sợi chỉ may, đặc biệt là mì chỉ nấu với loại cá gộc. Từng miếng cá gộc xắt bằng lóng tay cái, thịt cá toàn nạc, thơm mềm. Cô bạn nhà văn NL cùng đi nói với bà bán mì. "Nhà tôi trước cũng ở quân 6, ăn mì chỉ ăn cháo cá từ nhỏ. Mỗi khi có bệnh bà ngoại tôi không cho ăn món gì khác ngoài mì chỉ, cháo cá, bà nói là ăn dễ tiêu. Nhưng dạo gần đây không biết kiếm đâu mà ăn cho đở nhớ." Bà bán mì chỉ cho biết. "Nhà ngoài góc đường Hậu Giang-Cao văn Lầu bán rồi, dời vô đây mua nhà nhỏ hơn, mất khách nhiều."
Các bạn hãy để ý trong bức hình xe mì Tàu này, các bạn có ngó thấy mấy cái ghế xếp không? Chân ghế bằng sắt, mặt ghế bằng gỗ và có thể nói không quá đáng rằng đây là một loại ghế chuyên dụng của các xe bán hàng rong ở Sài Gòn-Chợ Lớn và nhiều tỉnh thành miền Nam Việt Nam ngày xưa.
Tuổi thơ chúng tôi từng ngồi và luôn luôn thèm được đặt đít lên cái ghế này. Tôi và nhiều thế hệ người phương nam như tôi được ngồi ghế này từ lúc chân chưa chạm đất để mắt ngó tranh kiếng vẽ tích Tàu hoặc cảnh sơn thủy trong lúc chờ ông Các Chú nấu mì. Chờ đợi tô mì với cái lỗ mũi hít ngào ngạt mùi nước lèo, hành phi, tóp mỡ... và cổ họng nuốt ngược nước miếng là chờ đợi được lên hương sự sống của chính mình.
Thật khó tin khi cả không gian gốc cội văn hóa Hoa từ một món ăn được mở ra mà chỉ với một loại xe và ghế được chế để tiện cho khách và tiện cho chủ trong việc bán và ăn rong trên phố.
Chợ Lớn từng một thời là vương quốc của những món ăn ngon với vô số nhà hàng, tiệm ăn nổi tiếng, sáng rực ánh đèn suốt đêm, thì ngày nay đến những món ngon đặc vị của đô thị này cũng chỉ nuôi sống lây lất những đầu bếp kế thừa những vua bếp từng vang danh. Khi được biết hiện nay cả khu Chợ Lớn chỉ còn duy nhất một tiệm bán loại mì chỉ, thì tô mì chỉ chúng tôi đang ăn vừa có vị rất ngon vừa có vị ngậm ngùi.
Sài Gòn 30-05-2023
TRẦN TIẾN DŨNG
No comments:
Post a Comment