Sunday, May 28, 2023

Bộ Quốc phòng: Hơn 600 điểm đất quốc phòng có tranh chấp với dân
2023.05.26
RFA

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu trước Quốc hội vào tháng 5/2023
Gia Hân/Thanh Niên

Bộ Quốc phòng Việt Nam mới đây cho biết những lo ngại về tình trạng quản lý đất quốc phòng bao gồm việc quản lý người nước ngoài ở khu quân sự và việc tranh chấp đất đai giữa Bộ và người dân tại hơn 600 điểm đất.

Báo Nhà nước hôm 26/5 cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang vào cùng ngày đã trình bày tờ trình dự án luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trước Quốc hội.

Ông Giang nói sau 28 năm thực hiện, Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994 bộc lộ những vướng mắc, bất cập, một số nội dung chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Các vấn đề được Bộ trưởng Quốc phòng nêu cụ thể bao gồm: việc lấn chiếm, xâm canh trái phép vào phạm vi được giao quản lý, bảo vệ; tình trạng xây dựng các quy hoạch, cấp phép hoạt động ở một số dự án phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý người nước ngoài cư trú ở một số địa phương, khu vực có liên quan đến công trình quốc phòng và khu quân sự chưa chặt chẽ…

Theo thống kê của Bộ Quốc phòng, hiện có hơn 600 điểm đất quốc phòng liên quan đến tranh chấp, lấn chiếm, cấp chồng chưa giải quyết xong.

Một báo cáo của Bộ Quốc phòng hồi tháng 2/2022 đề cập cụ thể đến các khu tranh chấp đất gây nhiều tranh cãi gần đây giữa người dân và quân đội bao gồm: Trường bắn TB1 (tỉnh Bắc Giang), Trường bắn TB3 (tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu), sân bay Miếu Môn (Hà Nội).

Dự án Trường bắn TB1 ở tỉnh Bắc Giang bắt đầu từ năm 2003 ảnh hưởng đến khoảng 3.000 hộ dân chủ yếu là những người dân tộc Nùng và Dao. Những hộ dân bị ảnh hưởng đã gửi hàng ngàn đơn khiếu kiện khắp nơi vì cho rằng mình không được đền bù thoả đáng.

Dự án sân bay Miếu Môn ở ngoại thành Hà Nội là vụ tranh chấp đất gây nhiều chú ý vào năm 2020 khi chính quyền địa phương điều khoảng 3.000 công an đến cưỡng chế đất của người dân vào rạng ráng ngày 9/1/2020. Vụ xung đột đã khiến ba người chết bao gồm hai công an và một người dân. Vụ việc đã dẫn đến việc bắt giữ 29 người dân Đồng Tâm với những cáo buộc tội “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ”. Hai người trong số này bị kết án tử hình về tội “Giết người”. Toà phúc thẩm vào ngày 9/3/2021 đã tuyên y án “tử hình" đối với hai người dân Đồng Tâm.

Tin, bài liên quan
TIN VIỆT NAM

No comments:

Post a Comment