Tuesday, May 30, 2023

Liên minh Mỹ-Nhật-Philippines đang được hình thành để đối phó với Trung Quốc?
Trọng Nghĩa
Đăng ngày: 30/05/2023 - 15:31
RFI

Từ ngày 01 đến 07/06/2023, lần đầu tiên tuần duyên ba nước Philippines, Nhật và Mỹ tổ chức một cuộc tập trận chung ở Biển Đông, ngoài khơi tỉnh Bataan, phía tây bắc Philippines. Dù Manila khẳng định rằng cuộc tập trận chỉ là một hoạt động thường lệ giữa lực lượng tuần duyên thuộc các nước đối tác, nhưng theo giới phân tích, hoạt động này là một bước mới trong chiến lược của Mỹ muốn hình thành các liên minh nhỏ tại vùng châu Á-Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc.

Ảnh minh họa: Khu trục hạm chở trực thăng Nhật Bản JS Ise (hàng 1, trái) cùng tập trận với các nhóm tác chiến tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth (hàng 1, phải) và Mỹ USS Ronald Reagan và USS Carl Vinson tại Biển Philippines ngày 03/10/2021. AP - Gray Gibson

Trong khu vực, Hoa Kỳ đã có mặt trong các nhóm như Aukus, kết hợp ba nước Úc, Anh và Mỹ, cũng như là nhóm Quad, tức là Bộ Tứ, liên kết Nhật, Mỹ, Úc và Ấn Độ. Bên cạnh đó, Washington cũng đang nỗ lực thúc đẩy hai đồng minh có hiệp ước phòng thủ với mình là Seoul và Tokyo hòa thuận với nhau để củng cố một liên minh tay ba Mỹ-Nhật-Hàn, vừa để đối phó với Bắc Triều Tiên, vừa nhằm đặt Trung Quốc trong tầm nhắm.

Ý tưởng về một liên minh tay ba mới bao gồm ba nước Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã được đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây, kể từ khi ông Ferdinand Marcos Junior, được cho là thân Mỹ, lên cầm quyền tại Manila, thay thế ông Rodrigo Duterte bị coi là thân Trung Quốc.

Theo hãng tin Anh Reuters, cuộc tập trận của lực lượng bảo vệ bờ biển ba nước Mỹ, Nhật và Philippines vào thượng tuần tháng 6, là sáng kiến của Hoa Kỳ và Nhật Bản, đã tiếp cận Philippines về việc tổ chức diễn tập hàng hải chung vào tháng 2, đúng vào thời điểm Manila cáo buộc Trung Quốc có các hoạt động gây hấn ở Biển Đông, vùng biển rộng lớn mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Tờ báo Nhật The Japan Times ngày 01/05/2023 đã nhắc lại rằng cả Tokyo và Washington đều muốn siết chặt thêm quan hệ quốc phòng với Manila trong bối cảnh hai nước ngày càng lo ngại về các động thái quân sự của Bắc Kinh gần Đài Loan. Đối với Mỹ và Nhật, Philippines kết hợp hai yếu tố, vừa có vị trí địa lý gần Đài Loan, vừa là nước ở tuyến đầu trên mặt trận Biển Đông.

Trang mạng thông tin Axios của Mỹ ngày 02/05 đã trích dẫn ông Eddie Paruchabutr, chuyên gia tại trung tâm tham vấn Hội Đồng Đại Tây Dương Atlantic Council, nguyên là một nhà hoạch định chiến lược của quân đội Hoa Kỳ từng phục vụ tại Philippines khẳng định rằng vị trí của Philippines khiến cho nước này trở nên rất quan trọng trong bất kỳ cuộc khủng hoảng Đài Loan nào.

Đối với ông, để có thể phản ứng hữu hiệu trong trường hợp Đài Loan bị Trung Quốc tấn công, Hoa Kỳ cần đến các chỗ dựa trên lãnh thổ Philippines vì “nếu không có Philippines, Mỹ sẽ có ít lựa chọn hơn”, trong lúc các lực lượng của Hoa Kỳ có thể bị "lênh đênh trên đại dương" và dễ bị tên lửa Trung Quốc tấn công, nếu không tiếp cận được các sân bay và cảng ở Philippines.

Tổng thống Marcos ngay từ tháng Hai, đã cho biết ông đang xem xét một thỏa thuận an ninh ba bên được đề xuất và đến cuối tháng Ba, nhiều nguồn tin báo chí tiết lộ rằng đó là một thỏa thuận khung đã được cố vấn an ninh quốc gia của ba nước bàn bạc.

Phát biểu trước chuyến thăm của ông Marcos, một quan chức cấp cao của Mỹ xin giấu tên nói rằng cả ba nước đều hy vọng thắt chặt hơn mối quan hệ an ninh. Một trợ lý của Eduardo Ano, cố vấn an ninh của tổng thống Philippines Macros, cho biết vào cuối tháng 3, đề xuất về việc hình thành một cơ chế đối thoại an ninh ba bên đã được Tokyo đưa ra khi Nhật Bản tìm cách phối hợp với các đồng minh để dự phòng Trung Quốc gây khủng hoảng trong vấn đề Đài Loan. Và như hãng tin Nhật Bản Kyodo đã nhấn mạnh, tại Thượng Đỉnh Biden-Marcos ở Washington hôm 01/05 vừa qua, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thiết lập “những phương thức hợp tác ba bên” với Nhật Bản.

Trong một chừng mực nào đó, có thể nói là cuộc tập trận của lực lượng tuần duyên Mỹ, Nhật và Philippines từ đầu tháng 6 tới đây là biểu hiện cụ thể đầu tiên của cơ chế hợp tác ba bên đó.

No comments:

Post a Comment