Tuesday, May 30, 2023

Những đồn đoán xung quanh khả năng Zelenskyy gặp Tập Cận Bình
Nguồn: Katsuji Nakazawa, “How Zelenskyy sparked speculation he was on his way to meet Xi,” Nikkei Asia, 25/05/2023
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
30.05.2023
NghiencuuQT

Cuộc gặp mặt trực tiếp của hai nhà lãnh đạo sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc có chấp nhận các điều kiện của Ukraine hay không.

Khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy bước xuống sân bay Hiroshima vào chiều thứ Bảy ngày 20/05/2023, sự xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh G-7 của ông đã trở thành chủ đề nóng trên toàn cầu.

Nhưng đã có một lời đồn xuất hiện trong nhóm các nhà ngoại giao và nhà báo có mặt tại sự kiện ngày hôm đó, xuất phát từ phương tiện di chuyển của vị tổng thống Ukraine. Phải chăng Zelenskyy sẽ tiếp tục bay tới Bắc Kinh để hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình? Cuộc gặp đó sẽ làm rung chuyển thế giới.

Zelenskyy chọn đến Sân bay Hiroshima, nơi nổi tiếng là xa trung tâm thành phố, trên chiếc Airbus A330 do Không quân Pháp cung cấp.

Ông đã không hạ cánh xuống Căn cứ Không quân Thủy quân Lục chiến Mỹ Iwakuni, ở tỉnh Yamaguchi lân cận, trên một chiếc máy bay của chính phủ Mỹ.

Iwakuni dường như là lựa chọn hợp lý nhất, xét đến sự an toàn của Zelenskyy. Không lực Một của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Iwakuni, Tổng thống Barack Obama cũng làm vậy khi ông đến thăm Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima vào năm 2016. Từ Iwakuni đến Hiroshima chỉ cần một chuyến bay ngắn bằng trực thăng.

Ngay trước chuyến đi Nhật Bản, Zelenskyy đã gặp một phái đoàn từ Trung Quốc do Lý Huy, đặc phái viên của Bắc Kinh về các vấn đề Á-Âu, dẫn đầu đến Kyiv.

Nếu Zelenskyy và Lý thảo luận về vấn đề hậu cần của chuyến đi đến Bắc Kinh, máy bay của chính phủ Pháp có thể chở nhà lãnh đạo Ukraine thẳng tới Trung Quốc sau hội nghị thượng đỉnh G-7. Đương nhiên, chuyến đi đến Trung Quốc sẽ không phải trên một chiếc máy bay quân sự của Mỹ, xét đến tình trạng hiện tại của quan hệ Mỹ-Trung.

Chiếc Airbus A330 của Không quân Pháp đã chở một vị khách bất ngờ tới hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Hiroshima. (Ảnh của Tomoki Mera)

Quan hệ giữa Mỹ và Pháp đang lung lay sau những tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về Đài Loan. Trả lời phỏng vấn nhân chuyến công du Trung Quốc, nhà lãnh đạo Pháp nói rằng châu Âu không nên để bị cuốn vào những cuộc khủng hoảng không phải của mình.

Macron chẳng buồn che giấu sự bất mãn khi phải hành động theo sự dẫn dắt của Mỹ, và thường nói rằng Pháp đang khám phá con đường riêng của mình.

Sáng Chủ nhật (21/05/2023), Macron tươi cười đứng cạnh Zelenskyy để chụp ảnh trước phiên họp đặc biệt của G-7 về vấn đề Ukraine. Ông dường như rất tự hào về vai trò quan trọng của Pháp trong việc đưa Zelenskyy đến Hiroshima.

Người thứ hai đứng cạnh Zelenskyy lại không phải là Biden, mà là Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, chủ nhà của thượng đỉnh lần này. Còn Biden đứng cạnh Kishida.

Trong khi đó, một trong những mục đích của Zelenskyy khi bay tới Hiroshima là để gặp mặt trực tiếp, đồng thời tìm kiếm sự thấu hiểu và hợp tác từ các nhà lãnh đạo của các nước phương Nam. Nhiều quốc gia mới nổi và đang phát triển được mời tham dự G-7 với tư cách là khách mời vẫn còn do dự trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga vì xâm lược Ukraine.

Điều quan trọng là Zelenskyy đã ngồi lại với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, một nhà lãnh đạo phương Nam. Ông cũng có các cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Ấn Độ, Indonesia, và Hàn Quốc đều là thành viên của nhóm G-20.

Trung Quốc tự xem mình là nhà lãnh đạo của 20 quốc gia mới nổi G-20 này. Một nhà ngoại giao từ một quốc gia G-20 có ảnh hưởng nhận định, “Tập không thể không lo lắng về động thái của các nước G-20 ở Hiroshima.”

Tại một trong những cuộc gặp quan trọng nhất vào cuối tuần 20/05, Zelenskyy đã ngồi lại với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người đang giúp Nga tài trợ cho các hoạt động quân sự bằng cách mua năng lượng từ nước này. © Reuters

Đến chiều Chủ nhật, sau khi thượng đỉnh G-7 kết thúc, Zelenskyy đã đến thăm Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima và bảo tàng liền kề, nơi lưu giữ ký ức về quả bom nguyên tử năm 1945.

Zelenskyy đã thay trang phục của mình, mặc một chiếc áo nỉ màu đen có chữ “Ukraine” màu trắng, thay cho chiếc áo phông màu xanh olive đặc trưng của ông.

Từ bảo tàng, Zelenskyy và Kishida chậm rãi đi bộ về phía đài tưởng niệm dành cho các nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử năm 1945 và cùng đặt hoa. Nhà lãnh đạo Ukraine đã nghĩ gì trong lần tản bộ đó?

Zelenskyy sau đó nói với các nhà báo rằng những bức ảnh đau lòng trưng bày tại bảo tàng, ghi lại cảnh Hiroshima trong đống đổ nát, đã khiến ông nhớ đến Bakhmut, thành phố phía đông Ukraine, nơi đang diễn ra giao tranh ác liệt.

Nhận xét của ông phản ánh một khao khát mạnh mẽ: được nhìn thấy các thành phố bị chiến tranh tàn phá ở Ukraine một ngày nào đó sẽ thịnh vượng trở lại, giống như Hiroshima.

Nhưng để đến được giai đoạn tái thiết, trước tiên ông cần tạo điều kiện để chấm dứt chiến tranh, và thiết lập một khuôn khổ đảm bảo rằng hòa bình sẽ kéo dài.

Một lệnh ngừng bắn nửa vời sẽ là không đủ, bởi lực lượng Nga có thể bắt đầu lại chiến dịch tấn công của họ bất cứ lúc nào.

Tập Cận Bình có thể trở thành nhân vật chủ chốt trong quá trình đó, và việc Zelenskyy gặp mặt Tập trực tiếp ở Bắc Kinh là có thể hiểu được.

Tuy nhiên, lần này, suy đoán về việc Tổng thống Ukraine sẽ dừng chân ở một nước châu Á khác sau Hiroshima đã tan thành mây khói, khi Zelenskyy lên máy bay của chính phủ Pháp để trở về nhà vào tối Chủ nhật.

Ngày 21/05, Volodymyr Zelenskyy và Fumio Kishida đã đến đặt hoa tại đài kỷ niệm các nạn nhân của vụ đánh bom nguyên tử năm 1945, gửi một thông điệp nhẹ nhàng tới Vladimir Putin của Nga. © Reuters

Một số nhà ngoại giao ở Hiroshima và các chuyên gia theo dõi hội nghị thượng đỉnh G-7 từ nước ngoài cho rằng một số điều kiện nhất định sẽ phải được đáp ứng thì chuyến thăm của Zelenskyy tới Bắc Kinh mới diễn ra.

“Điều đó sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc phản công quy mô lớn mà Ukraine dự kiến phát động,” một người trong nhóm này nói.

Một người khác lưu ý rằng vấn đề phụ thuộc vào mức độ mà Bắc Kinh chấp nhận các điều kiện mà Kyiv đặt ra cho các cuộc đàm phán hòa bình với Moscow.

Các nhà phân tích nhận định, Trung Quốc sẽ phải, chí ít là ở hậu trường, bày tỏ thiện chí hợp tác với Ukraine, để khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ trước cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24/02/2022.

Tuần trước tại Ukraine, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba cảnh báo Lý Huy rằng Kyiv sẽ không chấp nhận bất kỳ đề xuất hòa bình nào nếu nó đòi hỏi họ phải mất lãnh thổ hoặc đóng băng xung đột.

Volodymyr Zelenskyy, trong trang phục màu xanh olive, chụp hình cùng chủ nhà hội nghị thượng đỉnh G-7 Fumio Kishida (phải) và Emmanuel Macron (trái). Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đứng cạnh Kishida. © Reuters

Một mặt, Tập Cận Bình có lẽ sẽ cảm thấy nhẹ nhõm: Khi đến Hiroshima, Zelenskyy đã thu hút sự chú ý toàn cầu khỏi một tiêu điểm khác của hội nghị thượng đỉnh G-7, đó là cách gây áp lực với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan cũng như nhiều vấn đề khác.

Một nguồn tin ngoại giao từ một quốc gia G-7 thừa nhận rằng, do có hai phiên họp liên quan đến Ukraine – một vào chiều thứ Sáu và một vào sáng Chủ nhật – nên có rất ít thời gian để thảo luận về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn triệu tập Hideo Tarumi, Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh, và gửi công hàm phản đối mạnh mẽ thượng đỉnh ở Hiroshima, tuyên bố rằng hội nghị này đã thổi phồng các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

Dù vậy, các nhà lãnh đạo G-7 vẫn duy trì lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc trong thông cáo chung của họ.

Bản thông cáo viết, “Chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng bức.”

Ngoài ra, “Chúng tôi xin tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan, rằng nó là điều không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế.”

Nhưng tài liệu cũng nói rằng “cần phải hợp tác với Trung Quốc, xét đến vai trò của nước này trong cộng đồng quốc tế và quy mô nền kinh tế của nước này, trong các thách thức toàn cầu cũng như các lĩnh vực có lợi ích chung.”

Volodymyr Zelenskyy đến sân bay Hiroshima vào ngày 20/05 để hội đàm cuối tuần với các nhà lãnh đạo toàn cầu và thăm Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình. © Kyodo

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Hiroshima, Biden tiết lộ rằng chính quyền của ông đang xem xét dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc.

Chính quyền của ông đang cân nhắc vấn đề này, đồng thời cũng xem xét khả năng diễn ra cuộc gặp giữa các bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore vào tháng 6.

Việc hồi sinh đối thoại an ninh Mỹ-Trung, một cuộc đối thoại có thể giúp ngăn chặn cuộc đụng độ giữa các cường quốc, là có thể xảy ra.

Zelenskyy sẽ để mắt đến những diễn biến đó. Cuộc gặp tiềm năng của ông với Tập sẽ diễn ra vào thời điểm thích hợp. Nhưng ngày đó không phải là hôm nay.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

No comments:

Post a Comment