Monday, May 29, 2023

VNTB – Lạm phát ở Việt Nam bắt đầu tăng mạnh
Đông Đô
30.05.2023 6:55
VNThoibao


(VNTB) – Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản (loại trừ giá lương thực, năng lượng) tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

 Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố vào chiều ngày 29/5/2023, thì giá lương thực, thực phẩm tăng, giá điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 tăng 0,01% so với tháng trước.

So với tháng 12/2022 CPI tháng Năm tăng 0,4% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,43%. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,83%.

Theo đó, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 5/2023 tăng 0,24% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,29%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm; nhóm thực phẩm tăng 0,22%, tác động tăng 0,05 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,26%, tác động tăng 0,02 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 5/2023 tăng 0,29% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,27% (Gạo tẻ thường tăng 0,28%; gạo tẻ ngon tăng 0,23%; gạo nếp tăng 0,2%). Giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu tiếp tục ở mức cao.

Bên cạnh đó, giá các mặt hàng lương thực chế biến khác như giá mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tháng Năm tăng 0,53% so với tháng trước; bột mì tăng 0,48%; bột ngô tăng 0,25% và bánh mì tăng 0,37%.

Chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 5/2023 tăng 0,22% so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu tập trung ở một số mặt hàng thực phẩm tươi chủ yếu do nhu cầu ăn uống của người dân tăng trong dịp nghỉ Lễ 30/4 – 1/5.

Giá nhóm rau tươi, khô và chế biến tăng 0,87% so với tháng trước, chủ yếu do giá rau bắp cải tăng 3,53%; giá su hào tăng 3,26%; rau dạng củ, quả tăng 0,93%; rau gia vị tươi, khô tăng 2,93% vì thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến nguồn cung. Giá dầu mỡ ăn và chất béo khác tăng 0,09% so với tháng trước, trong đó mỡ động vật tăng 0,62%.

Giá đường, mật tăng 0,64%; sữa, bơ, phô mai tăng 0,31%; bánh, mứt, kẹo tăng 0,13%; trà, cà phê, ca cao tăng 0,2% do giá đường tăng 0,76% vì chuẩn bị bước vào những tháng giáp vụ, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dùng đường tăng và giá đường thế giới duy trì ở mức cao.

Số liệu trên tương đồng với chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tháng 5/2023 tăng 0,26% so với tháng trước do thời tiết nắng nóng và dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 kéo dài nên nhu cầu tiêu dùng tăng. Trong đó, giá uống ngoài gia đình tăng 0,83%; giá ăn ngoài gia đình tăng 0,18%; đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,26%.

Giá điện sinh hoạt tháng Năm tăng 2,62% so với tháng trước, giá nước sinh hoạt tăng 2,19% được giải thích là do thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện, nước của người dân tăng lên.

Giá gas trong tháng tăng 0,31% so với tháng trước do từ ngày 01/5/2023, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 2.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới tăng 5 USD/tấn (từ mức 550 USD/tấn lên mức 555 USD/tấn).

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê thì lạm phát cơ bản (gọi là cơ bản vì CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục) tháng 5/2023 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 4,54% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,83% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,55%).  Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 5 tháng đầu năm 2023 giảm 15,27% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 8,51% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Con số về tỷ lệ lạm phát nêu trên nếu đặt trong bối cảnh công nhân thất nghiệp, doanh nghiệp đình đốn làm ăn ngày càng lan rộng thì quả thật đang là hồi chuông gióng giã của ‘báo tử’ cho đời sống người lao động Việt Nam vốn lây lất khi buộc phải ‘sống mòn’ của kế sách “zero covid – ai ở đâu ở yên đó” đầy khắc nghiệt dưới thời chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.


No comments:

Post a Comment