VNTB – Quyền tự do công đoàn đã… chìm vào quên lãngHoài An
31.05.2023 12:32
VNThoibao
Tin tức từ Bộ Y tế cho biết, “để chuẩn bị cho việc công bố hết dịch Covid-19, dự kiến vào cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 bàn thảo liên quan đến nội dung này”, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói như vậy với báo chí.
Theo bộ trưởng Đào Hồng Lan, khi công bố hết dịch có nghĩa là chuyển từ bệnh nhóm A sang bệnh nhóm B đối với dịch Covid-19. Bà Lan nhìn nhận Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch Covid-19, và công bố này nên được hiểu là không còn tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, nhưng đại dịch chưa kết thúc.
Một chuyên gia lĩnh vực y tế dự phòng Bộ Y tế, về cơ bản việc chuyển Covid-19 sang nhóm B thì khi mắc Covid-19 sẽ không được miễn phí điều trị như trước.
“Tuy nhiên, về vấn đề này chúng tôi cũng đã có tính toán phù hợp. Hiện người dân tham gia bảo hiểm y tế rất cao, trong khi đó với những bệnh nhân mắc Covid-19 đồng thời mắc bệnh lý nền cũng vẫn phải chi trả chi phí điều trị các bệnh khác trừ Covid-19. Vì vậy, chi phí cho điều trị Covid-19 chỉ ảnh hưởng phần nhỏ bộ phận người dân”, vị này nói.
Khi đã có thể yên ổn chuyện dịch bệnh, và trong bối cảnh hậu dịch giã vẫn ngổn ngang những ‘di chứng’ nặng nề đến đời sống người lao động, rất cần xem xét về thực thi quyền tự do công đoàn, bởi đây còn là đáp ứng của thỏa thuận ở nhiều hiệp định kinh tế thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã cam kết.
Tuy nhiên tính đến hiện tại thì mọi chuyện vẫn còn là “kế hoạch dự tính”.
Liên quan đến Công ước số 87 của ILO (Tổ chức Lao động Thế giới) về tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức (1948), theo thông tin từ thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh thì, bộ này đã xác định các nhóm công việc cụ thể sẽ được thực hiện đề xuất gia nhập Công ước gồm: Thành lập Tổ nghiên cứu liên ngành đề xuất gia nhập Công ước số 87; Nghiên cứu nội dung Công ước số 87 và các tài liệu có liên quan tới Công ước; Rà soát, hệ thống hoá pháp luật Việt Nam có liên quan Công ước số 87; Khảo sát đánh giá thực tiễn thực hiện quyền tự do liên kết, bảo vệ quyền tổ chức và khả năng Việt Nam gia nhập Công ước số 87; Xây dựng các tài liệu trong Hồ sơ trình gia nhập Công ước số 87 theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016; Tham vấn ý kiến các chuyên gia, họp kỹ thuật, hội thảo tham vấn Hồ sơ trình Công ước số 87; Thực hiện các thủ tục chính thức trình đề xuất, gia nhập Công ước số 87 theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016.
Vẫn theo ông Thanh thì trong năm 2023, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện các tài liệu trong Hồ sơ trình gia nhập Công ước số 87 và tiến hành các hoạt động tham vấn, lấy ý kiến, học tập kinh nghiệm… theo quy định của Luật Điều ước quốc tế.
Trong cách hiểu về Quyền tự do hiệp hội là một trong những tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được ILO ghi nhận trong tuyên bố về quyền tự do nơi làm việc năm 1988, và được thể hiện thông qua công ước 87 năm 1948 về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức và công ước 98 năm 1949 về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, cho thấy quyền tự do công đoàn mà Bộ Luật lao động của Việt Nam đã chấp nhận, xem ra còn phải chờ đợi thời gian ‘không xác định’ cho thực thi.
Sở dĩ đầy bi quan như vậy vì quyền tự do hiệp hội được hiểu là quyền của các cá nhân được tự do liên kết, tập hợp lại với nhau thành nhóm để theo đuổi những hoạt động tập thể hướng đến những lợi ích, mục đích hay sự quan tâm chung.
Tự do hiệp hội đề cập đến quyền của người lao động và người sử dụng lao động, được thành lập và tham gia vào các tổ chức theo lựa chọn của họ một cách tự do và không sợ bị trả thù hoặc can thiệp. Điều này bao gồm quyền thành lập và liên kết với các công đoàn và các tổ chức quốc tế.
Tự do hiệp hội liên quan đến quyền thương lượng tập thể, cho phép người lao động thương lượng điều kiện làm việc của họ một cách tự do với người sử dụng lao động của họ. Những quyền này là phổ quát và áp dụng không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, giới tính, nghề nghiệp, quốc tịch hay quan điểm chính trị.
Quyền này được áp dụng cho tất cả người lao động và người sử dụng lao động, kể cả những lao động trong nền kinh tế phi chính thức, những người không thường xuyên có hợp đồng lao động chính thức…
No comments:
Post a Comment