Sunday, May 28, 2023

Ở tuổi 100, Henry Kissinger vẫn luôn gây tranh cãi
Minh Anh
Đăng ngày: 28/05/2023 - 16:54
RFI

Thứ Bảy, 27/05/2023, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thổi cây nến thứ 100. Ông được xem là một trong những nhân vật chính trị tiêu biểu nhất của Mỹ, từng được trao giải Nobel Hòa bình năm 1973. Henry Kissinger, là một nhà ngoại giao nổi tiếng nhất và được lắng nghe nhất. Nhưng ông cũng là nhân vật gây tranh cãi và bị ghét nhất.

Ảnh lưu trữ: Henry A. Kissinger (T) và trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Lê Đức Thọ tại Gif Sur Yvette, ngoại ô Paris, ngày 13/06/1973. AP - Michel Lipchitz

Sinh ngày 27/05/1923 tại Furth, vùng Bavière, Henry Kissinger, người Đức gốc Do Thái, tên thật là Heinz Alfred Kissinger. Năm ông 15 tuổi, khi Hitler lên cầm quyền, ông cùng gia đình đã di tản sang Mỹ. Năm năm sau, ông được nhập quốc tịch Mỹ. Có cha là giáo viên, Henry Kissinger từng tham gia đơn vị phản gián quân sự và nhập ngũ quân đội Mỹ trước khi theo đuổi con đường học hành sáng lạn tại trường Harvard, nơi ông từng giảng dạy.

Theo AFP, nhắc đến Kissinger là người ta nhớ đến hai sự kiện quan trọng, có thể nói là đã làm nên tên tuổi ông trong nền ngoại giao quốc tế : Thứ nhất, ông khởi động tiến trình hạ nhiệt căng thẳng với Liên Xô và nối lại bang giao với Trung Quốc thời Mao Trạch Đông sau những đợt đi bí mật để tổ chức chuyến công du Bắc Kinh lịch sử cho tổng thống Mỹ Nixon năm 1972.

Thứ hai, ông âm thầm tiến hành đàm phán với Lê Đức Thọ nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam, trong lúc Mỹ tiếp tục dội bom Hà Nội lần cuối cùng vào cuối năm 1972. Việc ký kết một lệnh ngưng bắn đã mang lại cho ông cùng với nhà đàm phán Việt Nam giải Nobel Hòa Bình năm 1973. Đây cũng là một trong số các giải gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử Nobel Hòa Bình.

« Thiên thần » hay « quái vật » của ngoại giao Mỹ ?

Với một số người, Henry Kissinger là một người có tầm nhìn vượt thời gian, một nhà hiền triết minh mẫn dày dạn kinh nghiệm. Là một tác nhân không thể thiếu của nền ngoại giao thế giới trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, giải Nobel Hòa Bình này đã khai đường cho việc xích lại gần với Nga và Trung Quốc trong những năm 1970, một tầm nhìn thực tế khôn ngoan về thế giới, một dạng chính trị thực dụng theo kiểu Mỹ.

Một dấu hiệu cho thấy tầm nhìn đó của ông vẫn không thay đổi, thứ Ba, 23/5 trước các vị khách mời, ông đánh giá rằng Hoa Kỳ có bổn phận bảo vệ lấy các « lợi ích sống còn » của mình. Ông nói : « Chúng ta phải luôn tỏ ra mạnh hơn để chống chọi với mọi áp lực ». Hay khi nói đến chiến tranh Ukraina, ông kêu gọi một lệnh hưu chiến. « Chúng ta đã đi đến một điểm ở đó chúng ta đã hoàn thành mục tiêu chiến lược. Ý đồ quân sự của Nga nhằm nuốt chửng Ukraina đã thất bại ».

Nhưng với nhiều người khác, ông lại là một tên « tội phạm chiến tranh ». Họ tiếp tục tố cáo đó là một thế lực xấu xa hành động nhân danh kẻ có quyền lực. Tờ báo cánh tả Mỹ, The Nation đăng một biếm họa mô tả bác sĩ Kissinger sẵn sàng nuốt chiếc bánh rỉ máu từ mọi cuộc xung đột gắn liền với những trang đen tối trong lịch sử nước Mỹ : Từ việc hậu thuẫn cuộc đảo chính quân sự năm 1973 ở Chilê ; Cuộc xâm lược Đông Timor và đương nhiên là cuộc chiến tranh Việt Nam.

Reed Kalman Brody, một luật gia chuyên về nhân quyền, được AFP trích dẫn, nhắc lại : « Theo tôi, chẳng còn chút nghi ngờ, chính sách của ông đã làm cho hàng trăm ngàn người chết và phá hủy nền dân chủ tại nhiều nước. » Ông chưa bao giờ phải lo lắng với tư pháp. Một đơn kiện đã bị bác năm 2004.

Trong một cuộc điều tra đăng ngày 24/5, trang mạng điều tra báo chí, The Intercept, dựa vào các tài liệu lưu trữ của Lầu Năm Góc và các nhân chứng còn sống sót, đã khẳng định rằng chiến dịch dội bom của Mỹ tại Cam Bốt, giai đoạn 1969 – 1973, mà Henry Kissnger là người lập kế hoạch, đã bị đánh giá thấp, số thường dân thiệt mạng cao hơn rất nhiều so với số liệu chính thức đưa ra.

Sử gia Muntassir Mamoon, trường đại học Dacca nhấn mạnh rằng ông Kissinger đã « tích cực hậu thuẫn nạn diệt chủng ở Bangladesh » năm 1971. Do vậy, nhà sử học này còn cho rằng « chẳng thấy có lý do gì để ca ngợi Kissinger ». Nhận định này của ông đã được nhiều người đồng chia sẻ, trong đó có người Việt.

Nhà sử học Carolyn Eisenberg, trường đại học Hofstra tại Mỹ cũng có cùng nhận xét khi đánh giá : « Điều mỉa mai là người ta chỉ nhớ đến việc ông ấy mang lại hòa bình mà quên hết những gì ông ấy đã làm để kéo dài chiến tranh không chỉ tại Việt Nam mà cả ở Cam Bốt và Lào. »

Nay đã ở tuổi « thất thập cổ lai hy », Henry Kissinger ngày càng ít xuất hiện trước công chúng, mà chủ yếu qua các hội thảo trực tuyến. Nhưng sự trường thọ của người đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong nền chính sách đối ngoại Mỹ trong nửa cuối thế kỷ XX quả đã là một điều ngoại lệ !

No comments:

Post a Comment