Tuesday, May 30, 2023

Nhờ phòng không Ukraina, hỏa tiễn Nga không còn dọa được dân Kiev
Thụy My
Đăng ngày: 30/05/2023 - 08:34
RFI

Hôm nay 29/05/2023 lễ Pentecôte (Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống), chỉ có Le Figaro xuất bản và Le Monde ra từ cuối tuần qua, các báo khác cập nhật tin trên trang web. Chiến tranh ở Ukraina, ông Recep Tayyip Erdogan tái đắc cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, trần nợ Mỹ là những đề tài được chú ý nhiều nhất.

Một drone của Nga bị bắn hạ trên bầu trời Kiev trong đợt tấn công vào thủ đô Ukraina ngày 28/05/2023. REUTERS - GLEB GARANICH

Hầu hết dân thủ đô Ukraina vẫn ở yên khi báo động oanh kích

Liên quan đến Ukraina, trang web La Croix nhận thấy « Tại Kiev, sống với những cuộc tấn công thường lệ vào ban đêm của Nga ». Đa số dân chúng thủ đô không còn chạy đến tạm trú trong métro, do lực lượng phòng không dùng vũ khí phương Tây viện trợ tiêu diệt được hầu hết hỏa tiễn và drone Nga.

Khi còi báo động hú vang lúc 1 giờ sáng, cô Bohdana vơ lấy chiếc túi xách ở chân giường, đựng một chai nước, một chiếc mền mỏng và một tấm lót để qua đêm trong ga tàu điện ngầm. Đa số những người đi trên đường là các bà mẹ, đôi khi đẩy xe nôi, bên cạnh là con nhỏ. Bohdana ngủ được vài tiếng rồi trở về, bắt đầu một ngày làm việc. Các công ty đã quen với việc nhân viên đến hơi trễ, hay tranh thủ chợp mắt tại văn phòng. Nhưng theo nhà hoạt động chuyên quyên góp để giúp quân đội, những người chạy vào metro như cô chỉ là thiểu số, có người chỉ cần ngủ ở xa cửa sổ, và đại đa số thì vẫn ở yên trên giường.

Kể từ đầu tháng Năm, còi báo động réo lên khoảng ba lần một tuần. Đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ nhật 28/05 chẳng hạn, phòng không Ukraina loan báo đã bắn hạ được 52/54 drone do Iran sản xuất, trong đó có trên 40 chiếc tấn công vào thủ đô. Tại Kiev, những mảnh vỡ của drone rơi xuống một trạm xăng đã làm một người thiệt mạng và hai người khác bị thương. Nhưng các nạn nhân ngày càng hiếm hoi nhờ các giàn hỏa tiễn địa-không hoạt động hiệu quả.

Mất nhiều xe tăng ở Vuhledar, Nga tấn công thường dân để trả đũa

Le Figaro tả lại những chuyến đi cứu trợ của linh mục Chính thống giáo Oleh Tkatchenko ở Vuhledar, thành phố ở phía nam Donbass, nơi từng diễn ra một trận chiến xe tăng ác liệt. Vị linh mục là người duy nhất còn đến cứu trợ Vuhledar, hai hoặc ba lần một tuần, cùng với người trợ lý. Chỉ còn vài trăm người trong số hơn 15.000 dân trụ lại đây. Thành phố dành cho công nhân mỏ có ba trường học và sáu nhà trẻ, nay không còn một trẻ em nào, bé cuối cùng đã được di tản vào mùa thu.

Hồi mùa đông, lữ đoàn 155 của Nga tấn công ồ ạt vào Vuhledar nhưng bị đánh bại sau nhiều ngày chiến đấu, bị tiêu hủy mất 130 xe tăng và thiết giáp. Một chiến thắng mà thành phố nhỏ bé phải trả giá đắt, vì quân Nga cay cú bắn phá thường xuyên. Hôm 22/04, sáu quả bom FAB-500 có thiết bị dẫn đường loại mới đã ném xuống Vuhledar, trong số đó một quả đã làm một tòa nhà 8 tầng tan thành tro bụi. Quảng trường trung tâm giờ là một hố lớn sâu ít nhất hai mét. Cách đây vài ngày lại thêm một loạt hỏa tiễn Grad, quân Nga dùng cả bom phốt-pho gây cháy.

Nhật báo công giáo La Croix không quên nhắc lại lời Đức giáo hoàng Phanxicô trong thánh lễ hôm Chủ nhật 28/05 tại đại giáo đường Thánh Phêrô ở Roma. Ngài than thở « Quá nhiều chiến tranh (…), điều ác mà con người làm ra thật khó thể tin được ». Đồng thời cảnh báo : « Ngày nay trên thế giới, có quá nhiều bất hòa, chia rẽ. Chúng ta đều liên quan với nhau nhưng lại tách rời nhau, bị tê liệt bởi vô cảm và bị sự cô đơn chế ngự ».

Dniepr, dòng sông Ukraina trở thành giới tuyến

Đặc phái viên Le Figaro cũng tìm đến bên dòng sông Dniepr của Ukraina, mà quân Nga đã biến thành một giới tuyến. Thành phố Enerhodar đang bị Nga chiếm đóng, chính quyền chọn cách lưu vong thay vì hợp tác với quân xâm lược. Thị trưởng Dmytro Orlov vốn là kỹ sư của nhà máy điện nguyên tử Zaporijia nằm trong thành phố cho biết, nhà máy không chỉ chịu nhiều nguy cơ vì bom mìn của Nga, mà còn bị đe dọa vì mực nước sông Dniepr xuống thấp : trung bình 16 mét nay chỉ còn 13 mét. Ở dưới mức 12 sẽ rất nguy hiểm vì ngay cả khi nhà máy hoàn toàn ngưng hoạt động, vẫn phải làm mát bằng nước sông. Nếu không vật liệu phóng xạ sẽ bị nóng lên, làm tan chảy cấu trúc, phóng xạ đầu độc đất và dòng sông.

Theo ông Orlov, nước sông xuống thấp là do Nga. Đập Kakhovka ở thượng nguồn Enerhodar bị Nga nắm quyền kiểm soát, bị đặt mìn, ngày càng hư hại nhiều hơn, nước thoát đi nhiều làm cho khúc sông Dniepr chảy đến Zaporijia ít nước hẳn đi. Vào mùa hè, gần 1 triệu cư dân trong vùng có nguy cơ thiếu nước uống, chưa kể nông dân không còn nước tưới. Việc thao túng nguồn nước còn mang tính chiến lược : trên toàn chiến tuyến Dniepr, quân Nga ở thế thủ. Làm nước dâng lên ở Kherson sẽ hạn chế việc quân Ukraina băng qua, còn ở khúc Zaporijia dù mực nước thấp vẫn là trở ngại vì bề rộng dòng sông ở đây rộng đến 20 kilomet. Nga dùng sông Dniepr để biến toàn bộ Ukraina thành con tin, Kiev không dám tấn công mạnh để tránh một thảm họa nguyên tử quốc gia, thậm chí cho cả châu lục.

Belarus khủng bố những người phản kháng

Ở Belarus, nước láng giềng và là chư hầu của Matxcơva, Le Monde nhận thấy « một không khí khủng bố toàn diện ». Kể từ khi Nga xâm lăng Ukraina, chế độ Minsk đã gia tăng đàn áp, bóp nghẹt mọi ý hướng chống đối. Nhà độc tài Alexandre Lukachenko còn cho chận cả máy bay thương mại để bắt một nhà báo đối lập, tổ chức cả một cuộc khủng hoảng di dân khổng lồ ở biên giới châu Âu và cho Vladimir Putin mượn lãnh thổ của mình để xâm lăng Ukraina. Hoàn toàn thần phục ông chủ điện Kremlin, Lukachenko cũng cho phép đặt các đầu đạn nguyên tử Nga trên đất Belarus. Theo một điều tra của cơ quan tư vấn Chatham House, đến 74 % dân Belarus chống lại việc này.

Trước đó phong trào biểu tình chống bầu cử gian lận đã bị đè bẹp, hàng ngàn người bị tống giam hay phải lưu vong, báo chí độc lập bị khóa miệng, xã hội dân sự bị tiêu diệt. Gần ba năm đã trôi qua nhưng trấn áp vẫn tiếp diễn. Chỉ một cái « like » dưới một bài đăng từ hai năm trước trên mạng xã hội có thể dẫn đến nhà tù ; bị lãnh án nặng vì lên tiếng phản đối chiến tranh hay đưa hình quốc kỳ Ukraina. Người tù bị hành hạ, tra tấn, lăng nhục và đôi khi còn xâm hại tình dục.

Belarus hiện có trên 1.500 tù chính trị, nhưng còn mấy ngàn nhà đối lập khác vẫn bị giam giữ trong những điều kiện khắc nghiệt. Nhiều người dân nói với Le Monde nạn đàn áp thô bạo như vậy là chưa từng thấy kể từ nhiều thập niên - bắt giam bừa bãi, giám sát ngặt nghèo. Họ phải sống thu mình lại, và một thiểu số tiếp tục đấu tranh bí mật như thời Liên Xô cũ. Không ít người đặt hy vọng cuối cùng vào một chiến thắng của Ukraina.

Erdogan tái đắc cử : Nga ủng hộ vì lợi ích trước mắt

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi « Erdogan tuyên bố chiến thắng », thông tín viên Le Figaro cho biết ngay trong đêm qua tổng thống tái đắc cử kêu gọi « đoàn kết và tương trợ ».Đứng trên nóc một chiếc xe buýt ở khu phố Uskudar nơi ông đi bỏ phiếu, Recep Tayyip Erdogan sau khi nói lời cảm ơn đã mỉa mai đối thủ Kemal Kiliçdaroglu : « Bye bye Kemal », dưới những tràng pháo tay vang dội. Phe đối lập đầy thất vọng, cho rằng cuộc bầu cử này « bất công nhất » trong lịch sử đất nước.

Trên trang web L’Express, nhà phân tích Kerim Has nhận xét, Vladimir Putin đã ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch tranh cử của Erdogan, và Gazprom hoãn việc trả nợ đến sang năm. Nhưng chưa hẳn việc Erdogan tái đắc cử có lợi cho Matxcơva, vì tính cách tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ rất bất định. Khó thể biết ông ta có tiếp tục hỗ trợ Ukraina hay không, bên cạnh đó còn giúp Azerbaïdjan gây áp lực với Armenia, đồng minh của Nga, ảnh hưởng đến lợi ích Matxcơva ở vùng Kavkaz. Tương tự, quân Thổ vẫn đóng ở Syria, dù Bachar Al Assad, đồng minh quan trọng của Nga luôn đòi rút đi. Trong tương lai Erdogan hoàn toàn có thể cung cấp drone tác chiến cho Moldova, siết chặt quan hệ quân sự với Kazakhstan và các nước Trung Á khác.

Nhưng Matxcơva ủng hộ Erdogan vì quyền lợi trước mắt. Trước cuộc chiến kéo dài với Ukraina, Putin cố tránh cho nền kinh tế khỏi sụp đổ do cấm vận của phương Tây, và Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước chủ yếu giúp Nga tránh né trừng phạt. Cũng theo Kerim Has, chính khách nhiều thủ đoạn này chận không cho Thụy Điển vào NATO để kiếm phiếu của phe dân tộc chủ nghĩa, nhưng sau bầu cử rất có thể Erdogan sẽ không còn chống đối.

Nhật Bản « phân vân giữa đôi dòng »

Về châu Á, đặc phái viên Le Monde có bài điều tra « Nhật Bản : Một quần đảo giữa hai dòng nước ». Ngọn gió độc chiến tranh Nga-Ukraina đã thổi tới tận vùng Viễn Đông, trong bối cảnh chiến tranh lạnh Mỹ-Trung. Tokyo tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng với trên 300 tỉ euro, thay đổi chủ thuyết quân sự, đi xa dần Hiến Pháp chủ hòa sau Đệ nhị Thế chiến.

Nhật hiện có 4 tàu chở trực thăng và hàng không mẫu hạm, 20 tàu ngầm tấn công, hơn 100 phi cơ tiêm kích trong đó có những chiếc F-35 đời mới nhất. Sắp tới sẽ tự sản xuất vũ khí và mua thêm 400 hỏa tiễn hành trình Tomahawk của Mỹ, để đạt đến những mục tiêu cách xa 1.000 kilomet từ căn cứ ở đảo Cửu Châu (Kyushu).

Giáo sư Mitsuhisa Fukutomi của đại học Hitotshbashi ở Tokyo phân tích, chính phủ đảng Dân chủ Tự do (PLD) của thủ tướng Fumio Kishida một mặt muốn sửa đổi Hiến Pháp, mặt khác buộc phải tính đến dư luận vốn rất nhạy cảm về vấn đề này. Chiến lược mới nhằm bảo đảm răn đe hiệu quả, trước sự hung hăng của Trung Quốc, đe dọa từ Bắc Triều Tiên và những động thái đáng ngại của Nga từ sau khi gây chiến với Ukraina, xung quanh « Lãnh thổ phương Bắc » - mà Matxcơva gọi là « quần đảo Nam Kuril », bị Nga chiếm đóng vào cuối Đệ nhị Thế chiến.

Nhà cựu ngoại giao Kuni Miyake nhận xét : « Những người cuối cùng thuộc thế hệ baby-boomer cánh tả vốn chống Mỹ, chống chế độ, chống tư bản chủ nghĩa và thân Trung Quốc đã về hưu hoặc qua đời, để lại một thế hệ quyết tâm hơn trong việc tăng cường khả năng chiến lược của đất nước ».

Trần nợ công Mỹ gây bất ổn cho kinh tế thế giới

Nhìn sang nước Mỹ, Le Figaro « Biden và Cộng Hòa thỏa thuận về hồ sơ gai góc : Nợ » sau một tuần thương lượng gay go, và bên nào cũng cho rằng mình thắng. Cộng Hòa khoe giảm được chi tiêu mà không phải tăng thuế, còn Nhà Trắng dù có vài nhượng bộ nhưng vẫn cứu vãn được những điểm chính của chương trình. Tuy nhiên văn bản này còn phải được lưỡng viện thông qua rồi mới chuyển lên tổng thống phê chuẩn, và phe cực đoan của mỗi đảng đều tỏ ra không hài lòng. Nếu không thỏa thuận được với Quốc Hội, chính phủ có nguy cơ thiếu tiền trước ngày 5 tháng Sáu. Một tình huống phi lý lặp đi lặp lại trong lịch sử, có nguy cơ làm xáo trộn sự ổn định tài chánh toàn cầu.

Le Monde cho rằng « Nên chấm dứt với "cơn lên đồng tập thể" về trần nợ công ». Thêm một lần nữa, Hoa Kỳ lại rơi vào cơn ác mộng, việc thương lượng về mức trần nợ công luôn khiến thế giới nín thở chờ đợi. Nền kinh tế đứng đầu toàn cầu nếu vỡ nợ sẽ gây ra cơn địa chấn lớn. Tuy nhiên theo tờ báo, có thể tương đối lạc quan. Trần nợ công của Mỹ đã được nâng lên 78 lần kể từ 1960, nhưng trong lần khủng hoảng gần đây, suýt nữa điều tệ hại nhất đã xảy ra. Năm 2011 dưới thời Obama, cơ quan Standard & Poor’s đã đánh hạ bậc AAA của Hoa Kỳ. Hôm 25/05, Fitch đặt Mỹ dưới sự giám sát « tiêu cực ».

Hoa Kỳ là một trong những nước hiếm hoi có cơ chế trần nợ, trao cho đảng Cộng Hòa một đòn bẩy để bắt bí. Những phương thuốc thường xuyên được đề nghị, chẳng hạn nêu ra Tu chính án 14 theo đó « giá trị nợ công của Hoa Kỳ được luật pháp cho phép (…) không thể được đặt lại vấn đề ». Hay cho đúc một đồng bạch kim trị giá 1.000 tỉ đô la, nhập vào Quỹ Dự trữ Liên bang, sau đó phát hành trái phiếu...Những giải pháp khó thực hiện về pháp lý, cho thấy tính giả tạo đáng buồn cười của tình hình.

Lãnh đạo Cộng Hòa ở Hạ Viện, Kevin McCarthy, được bầu sau 15 vòng bỏ phiếu, khó thể xoay sở trước phe dân túy cực hữu luôn muốn phá những thỏa thuận với Nhà Trắng. Theo Le Monde, việc Hoa Kỳ muốn kiểm soát số nợ của mình hoàn toàn chính đáng, nhưng lại vận dụng một cơ chế gần như trò chơi chính trị có nguy cơ gây bất ổn tài chánh thế giới. Một sự đồng thuận chính trị cần có trước, với các quy định cụ thể, chứ không phải là một ván bài tẩy mà số phận kinh tế thế giới bị lệ thuộc vào đó.

No comments:

Post a Comment