Nhật Bản đặt hệ thống phòng thủ phi đạn trong tình trạng báo động vì Triều Tiên
Reuters
29/05/2023
VOA
TƯ LIỆU: Các binh sĩ của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản đi ngang qua một đơn vị tên lửa Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) sau khi Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thị sát đơn vị này tại Bộ Quốc phòng ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 8 tháng 10 năm 2017.
Nhật Bản ngày thứ Hai đặt hệ thống phòng thủ phi đạn đạn đạo của mình trong tình trạng báo động và tuyên bố sẽ bắn hạ bất cứ tên lửa nào đe dọa lãnh thổ của mình, sau khi Triều Tiên thông báo về kế hoạch phóng vệ tinh từ ngày 31 tháng 5 đến ngày 11 tháng 6.
Triều Tiên, nước sở hữu vũ khí hạt nhân, nói họ đã hoàn thành vệ tinh do thám quân sự đầu tiên và lãnh tụ Kim Jong Un đã phê duyệt những bước chuẩn bị cuối cùng cho vụ phóng.
Đây sẽ là bước đi mới nhất của Triều Tiên trong một loạt vụ phóng phi đạn và thử vũ khí những tháng gần đây, trong đó có một vụ thử phi đạn đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn mới.
Tokyo dự liệu Triều Tiên sẽ bắn phi đạn mang theo vệ tinh của họ bay ngang qua chuỗi đảo phía tây nam của Nhật Bản như đã làm vào năm 2016, một phát ngôn viên của bộ quốc phòng Nhật Bản cho biết.
Các nhà phân tích cho rằng vệ tinh mới này là một phần của chương trình công nghệ do thám bao gồm máy bay không người lái, nhằm mục đích cải thiện khả năng tấn công các mục tiêu trong thời chiến, theo Reuters.
"Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp hủy diệt đối với phi đạn đạn đạo và các phi đạn khác được xác nhận sẽ đáp xuống lãnh thổ của chúng tôi," bộ quốc phòng Nhật Bản nói trong một phát biểu.
Nhật Bản sẽ sử dụng phi đạn Standard Missile-3 (SM-3) hoặc Patriot Missile PAC-3 để tiêu diệt phi đạn của Triều Tiên, bộ nói thêm.
Bất kì vụ phóng phi đạn nào của Triều Tiên đều sẽ vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án hoạt động hạt nhân và phi đạn của nước này, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói với các phóng viên.
"Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi Triều Tiên kiềm chế phóng phi đạn," văn phòng của ông nói trên Twitter, và nói thêm rằng họ sẽ hợp tác với Mỹ, Hàn Quốc và các quốc gia khác và làm tất cả những gì có thể để thu thập và phân tích thông tin từ bất kì vụ phóng nào.
Hàn Quốc đã cùng với Nhật Bản kêu gọi Triều Tiên hủy bỏ kế hoạch mà họ mô tả là "bất hợp pháp."
"Nếu Triều Tiên xúc tiến, họ sẽ phải trả giá và chịu hậu quả," người phát ngôn bộ ngoại giao Hàn Quốc nói trong một phát biểu.
Triều Tiên đã nhiều lần thử phóng các vệ tinh "quan sát trái đất," trong đó có hai vệ tinh dường như đã được đưa lên quỹ đạo thành công, lần gần đây nhất là vào năm 2016.
Vào tháng 5, lãnh tụ Kim đã thị sát một cơ sở vệ tinh quân sự, thông tấn xã nhà nước KCNA cho biết.
Vào tháng 4, Nhật Bản đã điều đến Biển Hoa Đông một tàu khu trục mang phi đạn nghênh cản SM-3 có thể tấn công các mục tiêu trong không gian, và điều phi đạn PAC-3 phóng từ mặt đất, được thiết kế để tấn công các đầu đạn gần mặt đất hơn, tới quần đảo Okinawa.
No comments:
Post a Comment