VNTB – Im lặng hơi lâu rồi đấy thưa Bộ Giáo dục Đào tạo…Diệp Chi
29.05.2023 5:42
VNThoibao
(VNTB) – Khoảng nửa năm trôi qua, Bộ Giáo dục Đào tạo vẫn chưa thông qua việc thi tiếng Pháp
Xôn xao câu chuyện về dừng tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế của tháng 11 năm 2022 với lý do việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát…) dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước đã phản ánh như: thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ…, tưởng chừng như đã được giải quyết.
Nhưng không, đâu đó vẫn tồn đọng những vấn đề về thi cử các ngôn ngữ quốc tế. Mà hơn hết, điều đó lại ở các thành phố lớn phía Nam, trong đó có cả TP.HCM, đô thị được coi là trung tâm văn hóa và cả tài chính của cả nước.
“Hiện tại các trung tâm khảo thí miền Nam chưa được phép tổ chức thi DELF DALF trở lại nên không có lịch đâu em nhé. Khi nào các trung tâm được phép tổ chức lại, em có thể liên hệ các trung tâm để hỏi lịch thi”, đó là thông tin về thi cử đến từ Viện Pháp ở Việt Nam.
“Là một người học tiếng Pháp từ lúc vỡ lòng, dù không đi thi, chỉ học cho biết thêm ngoại ngữ, tôi cũng thắc mắc tại sao lại có nghịch lý như thế? Vì sao một thành phố lớn nhất nhì cả nước mà lại không được tổ chức thi lấy bằng?”, anh Minh, một người dân đi học tiếng Pháp ở một trung tâm chia sẻ thắc mắc.
“Theo dõi thông tin truyền thông, thì lý do tôi được biết là vì cơ sở vật chất không đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu thi cử. Nếu vậy, tại sao những năm về trước vẫn có thể tổ chức thi cử?
Cái bằng được cấp vẫn có thể đi được quốc tế. Trong khi vì cái lý do của Bộ đưa ra, đã ảnh hưởng không biết bao nhiêu con người, học sinh có, sinh viên có, người đi làm cũng có. Tôi nghĩ Bộ nên xem xét lại cái lý do này. Thoạt nhìn thì có vẻ vì thí sinh, vì chất lượng cuộc thi. Nhưng xét kỹ ra thì nó… bá láp vô cùng”, ông Tư thợ hồ chia sẻ.
“Đi ra Đà Nẵng, Huế hay Hà Nội thi thì không khó nhưng ít nhiều hao tốn tiền bạc, rồi sức khoẻ. Nếu ở thành phố, thi xong trưa về nhà, nghỉ ngơi, phải khoẻ hơn khi về khách sạn nghỉ ngơi không?
Cá nhân em thấy ăn cơm nhà vẫn ngon hơn ăn cơm tiệm. Gia đình quây quần vui hơn, rồi ba mẹ hỏi thăm tình hình thi cử như thế nào một cách trực tiếp chứ không thông qua thiết bị điện tử. Cũng mong Bộ Giáo dục Đào tạo xem xét lại để các bạn thí sinh khác không phải cực”, một thí sinh chuẩn bị đi thi chia sẻ.
“Là một lao động bình thường, theo tôi biết, đơn cử ở xứ tôi ở, TP.HCM không nhiều điểm thi cho lắm. Nếu tiếng Anh thì có Hội đồng Anh với tổ chức gì đó của Úc thì phải. Còn tiếng Pháp thì hình như đại học Sư phạm với Idecaf. Ủa, là một trường đại học, là một trung tâm thuộc Sở ngoại vụ, anh nói không đủ điều kiện cơ sở vật chất là không đủ như thế nào? Thiệt chẳng thể nào hiểu nổi”, bà Hai, một nội trợ xem tin tức hằng ngày lắc đầu.
Câu hỏi được đặt ra, từ năm 2022 cho đến nay, ngót nghét cũng khoảng nửa năm trôi qua, vì sao Bộ Giáo dục Đào tạo vẫn im hơi lặng tiếng, chưa thông qua trong vấn đề thi cử, cụ thể hơn là với ngôn ngữ tiếng Pháp, ở hai thành phố lớn là TP.HCM và Cần Thơ. Trong khi đó, tiếng Anh thì giải quyết lại có phần… tích cực hơn.
Ngờ vực rằng, đó có phải là làm khó thí sinh khu vực phía Nam trong vấn đề thi cử? Hay chăng, do “phân biệt đối xử” trong ngôn ngữ? Hay do không nhiều thí sinh dự thi nên cũng chẳng thèm quan tâm?
No comments:
Post a Comment