VNTB – Kết quả lấy phiếu tín nhiệm: Tuyệt mậtLynn Huỳnh
18.05.2023 11:40
VNThoibao
![](https://vietnamthoibao.org/wp-content/uploads/2023/05/Hoi-nghi-trung-uong-20230516.jpeg)
(VNTB) – Chẳng một ai biết cụ thể về mức tín nhiệm của Bộ chính trị được đánh giá ra sao
Điều khôi hài là, nếu việc bỏ phiếu tín nhiệm nhằm làm trong sạch bộ máy vì nước vì dân, thì rất cần công khai cho quốc dân được biết.
Thế nhưng, “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư được công khai trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng”. Có nghĩa là chỉ nội bộ các vị có tên trong danh sách Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở khóa được lấy phiếu tín nhiệm đó biết mà thôi.
Việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh trong Đảng được thực hiện theo Quy định 96/2023 của Bộ Chính trị. Theo quy định này thì việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3, tức năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp. Trong đó, các ủy viên Trung ương sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu. Việc lấy phiếu được thực hiện theo chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Các ủy viên Trung ương Đảng sẽ ghi phiếu tín nhiệm đối với các chức danh thuộc diện Trung ương quản lý gồm: Tổng bí thư, thường trực Ban Bí thư. Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và phó chủ tịch Quốc hội là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư. Thủ tướng và phó thủ tướng là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư; bộ trưởng Bộ Quốc phòng, bộ trưởng Bộ Công an là ủy viên Bộ Chính trị.
Trưởng ban Đảng và tương đương là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là ủy viên Bộ Chính trị hoặc ủy viên Ban Bí thư. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam là ủy viên Bộ Chính trị hoặc ủy viên Ban Bí thư. Bí thư tỉnh ủy, thành ủy là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư.
Như vậy, danh sách các chức danh được Trung ương lấy phiếu tín nhiệm là các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư.
Quy định 96 nêu rõ kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn. Xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.
Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Đối với người được lấy phiếu tín nhiệm ở hai nơi thì việc đánh giá tín nhiệm đối với cán bộ sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định trên cơ sở xem xét tổng thể kết quả phiếu tín nhiệm ở từng nơi.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư được công khai trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Với quy định trên nên Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII vừa kết thúc sau hai ngày rưỡi làm việc, cụ thể mức tín nhiệm ra sao với các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, thì công chúng và bao gồm luôn đảng viên quan chức không nằm trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chẳng một ai biết cụ thể về con số đó ra sao.
Chính vì không tường minh nên có thể “hoài nghi toàn tập” về những phát biểu từ phiên khai mạc đến bế mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII.
No comments:
Post a Comment