Đã đến đích thiên đường!!!!
Chủ Nhật, 05/21/2023 - 12:28
Gió Bấc
RFA
Dù cứ lập đi lập lại công thức mỗi nhiệm kỳ đại hôi đảng (năm năm), cả nước tiến một bước lên chủ nghĩa xã hội nhưng có lúc đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng cũng băn khoăn bối rối là chưa biết bao giờ mới tới. Nhưng nếu lấy phân phối bao cấp, cơ chế xin cho vàng son mẫu mực làm tiêu chí mô hình XHCN thì sau đại hội 13, ánh sáng vừng đông chủ nghĩa xã hội đã lóe lên sáng chói. Năm 2022, cả nước đã văn minh hoành tráng xếp hàng mua xăng dầu theo định mức 30.000. Năm nay, hành khúc cúp điện luân phiên đã ngày càng dồn dập. Nếu hạn hán kéo dài, bạn vàng tích nước trên thượng nguồn Mê Kông thì viễn ảnh tươi đẹp phân phối gạo theo đầu người sẽ tái hiện.
Ngành y tế vừa qua cũng đã tiết kiệm ngoại tệ, ngân sách rất lớn tẩy chay không nhập thiết bị y tế, thuốc đặc trị của bọn tư bản giãy chết, tái sử dụng dao mổ, máy cũ, thuốc men. Tỷ suất sinh và tử cũng được cân đối, cân bằng mà không cần vận động sinh đẻ có kế hoạch. Các cơ sở hỏa táng được tăng thu nhập nhờ hoạt động hết công suất mà không cần phải thu thêm phí kiểu xã hội đen của Đường Nhuệ*.
Cứ nắng nóng là cúp điện!
Những thành tựu tốt đẹp chết người thiếu xăng, thiếu điện hiện nay hoàn toàn không có yếu tố khách quan là do ảnh hưởng hậu quả chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ hay âm mưu thủ đoạn của thế lực thù địch cấm vận bao vây kinh tế hoặc khủng hoảng toàn cầu do dịch bệnh COVIDt, xung đột do xứ U Cà khiêu khích người anh cả Putin. Tất cả là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của đảng, nhờ tài quản lý tinh tướng của những hột giống đỏ được ươm mầm và đào tạo trong môi trường cộng sản thuần chủng, bằng lý luận Mác Lênin, đạo đức Hồ Chí Minh chính thống. Đó là những Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, … có quá trình phấn đấu trưởng thành từ đội ngũ hậu bị của đảng, từ cơ sở phát triển đi lên, được đảng chăm sóc, bồi dưỡng đào tạo thành trí thức xã hội chủ nghĩa chân chính hai bằng cử nhân, cao cấp lý luận, tiến sĩ quản lý hành chính công.
Để xảy ra thiếu xăng, thiếu điện đã thể hiện sự yếu kém trong quản lý, nhưng đề ra những giải pháp chống ngập, tiết kiệm điện ngớ ngẩn càng làm cho người ta ngán ngẩm trí tuệ sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của các nhà quản lý. Mấy năm trước có bà đại biểu từng đề ra giải pháp chống ngập bằng lu chứa nước. Mấy ngày gần đây, chính quyền thành Hô lại kêu gọi cán bộ, người dân hạn chế mặc vest để tiết kiệm điện.
Không đợi đến tiến sĩ, kỹ sư, mọi người dân với kiến thức phổ thông hẳn đều biết Việt Nam nằm trong đới khí hậu nhiệt đới gió mùa, một năm hai mùa mưa nắng. Việt Nam có cơ quan khí tượng thủy văn theo dõi và dự báo thời tiết, lưu lượng nắng mưa một thời gian dài trước khi nó xảy ra. Điện lực cũng như các ngành kinh tế khác không thể không xem xét các yếu tố này khi xây dựng chiến lược, kế hoạch của ngành. Năng lượng để tạo ra nguồn điện hiện nay rất đa dạng ngoài điện than, điện khí hóa lỏng, nhiệt điện diezen, thủy điện còn có điện gió, điện mặt trời, nếu dự liệu cân đối tốt các nguồn cung cấp thì có thể điều hòa đáp ứng nguồn điện trong mọi điều kiện thời tiết.
Thế nhưng mãi đến trung tuần tháng 5, khi nguồn nước cho thủy điện đã cạn kiệt, nhu cầu điện tăng cao thì ngành điện lực và cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương mới cuống cuồng họp khẩn để bàn chuyện thời sự đột xuất là thiếu điện. Cũng giống như tình trạng ngập nước do mưa, từ “kỷ lục” thường để tận dụng để bao biện cho sự yếu kém cả về năng lực lẫn phẩm chất, trách nhiệm của người quản lý. Năm nào cũng có mưa lớn kỷ lục, nắng nóng kéo dài kỷ lục.
Biện pháp tốt nhất là cúp điện
Trung tuần tháng 5, như người vừa du hành từ ngoài hành tinh trở về, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với UB QL vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN, PVN; TKV và Tổng công ty Đông Bắc về kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia trong những tháng cao điểm nắng nóng năm 2023.
Đại diện EVN kêu cứu việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (5, 6 và 7) sẽ rất khó khăn. Đặc biệt hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600 MW đến 4.900 MW.
Ông Nguyễn Hồng Diên yêu cầu: trong bất cứ hoàn cảnh nào, hệ thống điện quốc gia cũng phải được đảm bảo, đáp ứng cho nhu cầu phát triển KT-XH, nhu cầu thiết yếu của đời sống sản xuất, kinh doanh của người dân, thì EVN phải thực hiện ngay việc phát động phong trào tiết kiệm điện trong toàn ngành, phối hợp với UBND các tỉnh, thành và các khách hàng sử dụng điện lớn cùng chung tay tiết kiệm điện.
Một chỉ đạo hết sức mâu thuẫn và lẩn quẩn: ngành điện phải đảm bảo nhu cầu xã hội - muốn bảo đảm thì phải tiết kiệm. Giống bảo ngành lương thực không được để dân đói, muốn không đói thì không được ăn no.
Ông Bộ trưởng gốc tuyên giáo nhấn mạnh, “tiết kiệm cần phải được coi là một giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, đẩy mạnh truyền thông hơn nữa về việc tiết kiệm điện, nhất là với các khách hàng sử dụng điện lớn”.
Trước nguy cơ thiếu điện, đại diện Ban truyền thông EVNCPC tha thiết: "Mong nhận được sự chia sẻ và tích cực phối hợp của người dân và các khách hàng sử dụng điện thông qua việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm trưa và tối. (1 )
Tóm lại là ngay giữa khi nắng nóng, toàn xã hội đang cần điện nhất, bộ chủ quản và ngành điện lực đã ép cả xã hội vui vẻ tiết kiệm điện sau khi tình thương mến thương tăng giá điện từ đầu tháng 5.
Không mặc áo vest, khuyến khích áo dây!
Lệnh trên đã ban thì cấp dưới phải tuân hành. Thành Hồ đã nhanh nhảu ba hành quy định tiết kiệm điện từ A đến Z từ đèn đường, thắp sáng, bản quảng cáo đến máy lạnh, … Tiên tiến hơn nửa là quy định không mặc áo vét trong các lễ lạc hội hè.(2 ) May là chỉ đạo này quên khuyến khích quý cô quý bà mặc áo dây đi họp cho thêm phần tiết kiệm
Cộng đồng mạng xã hội nhanh chóng tìm ra tấm gương người anh hùng tiết kiệm điện mẫu mực nhất là Nhạc Bất Quần chưởng môn phái Hoa Sơn trong Tiếu Ngạo Giang Hồ của nhà văn Kim Dung, Mong rằng ông Phan Văn Mãi ghi nhớ tên tuổi này để đề nghị tặng huy chương.
Cũng theo điệp khúc muôn thuở của con đường đi lên XHCN, sau tăng giá điện, tiết kiệm điện sẽ là cúp điện. Thành Hồ ra lịch cúp điện nhưng sau đó lại thông tin đính chính là hoãn cúp có lẽ là để người dân vui vẻ thêm được vài ngày ( 3)
Nhưng thực tế, thành Hồ vẫn cúp, đời sống người dân xáo trộn, sản xuất kinh doanh lập tức bị đình đốn, Báo Tuổi trẻ đưa tin “Nhiều nơi TP.HCM bị cắt điện, hàng quán tạm nghỉ”. ( 4)
Thủ đô ngàn năm văn vật, Hà Nội niềm tin hy vọng cũng không khá hơn. Chính báo chí lề phải đồng loạt đưa tin “Hà Nội lên lịch cắt điện nhiều địa điểm, có nơi cắt điện liên tiếp hai ngày”
Đến lúc này thì ngành điện lực công khai thừa nhận là cúp điện là tình trạng chung đang xuất hiện ở một vài địa bàn, ông Trần Việt Hòa, cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, cho hay “trong thời kỳ nắng nóng và mùa khô hằng năm, luôn phải đối mặt khó khăn về đảm bảo cung ứng điện.
Lý do là hệ thống có nhiều nguồn thủy điện, năng lượng tái tạo phụ thuộc vào thời tiết. Thực tế nhiều hồ thủy điện thiếu nước, về mực nước chết và gây khó khăn cho vận hành, cung ứng điện”. ( 5)
Thiếu điện bẩn, dư điện sạch!
Thật sự có phải Việt Nam đang thiếu nguồn cung nên phải tiết kiệm, phải cắt điện luân phiên?
Thực tế chừng như ngược lại. Việt Nam chỉ thiếu điện do Tổng công ty điện lực VN sản xuất và phân phối nhưng còn thừa lượng rất lớn nguồn điện mặt trời, điện gió do các cơ sở tư nhân sản xuất nhưng không được EVN tiếp nhận thu mua. Năm 2022, báo chí lề phải từng kêu gào về tình trạng thửa điện, các đơn vị tư nhân bị cắt giảm điện. “thời gian qua, một số đại diện nhà máy điện gió, điện mặt trời đã phải kêu trời vì bị yêu cầu cắt giảm công suất phát, có nơi đến 70%. Cụ thể, vào ngày 2/1, đại diện 1 nhà máy điện gió cho biết, lúc 1h30 chiều tốc độ gió đạt 12,8m/s, nhưng công suất thực tế nhà máy điện gió ở khu vực miền Trung này được phép phát lên hệ thống chỉ đạt 4,6MW; công suất thực của nhà máy đã bị cắt giảm đến 38,4MW.
Nhìn vào số liệu về công suất phát của điện gió, điện mặt trời và sản lượng điện do EVN huy động vào năm ngoái cũng có thể thấy, tuy công suất lắp đặt đã chiếm 27,5% tổng công suất nguồn điện của cả nước, nhưng sản lượng điện sạch được huy động chỉ chiếm tỷ lệ 11,5%. Điều này cho thấy, việc giới đầu tư phát triển điện gió, điện mặt trời thường xuyên than bị giảm công suất phát không phải không có cơ sở.”( 6)
Điều bất hợp lý là điện gió, điện mặt trời là điện sạch, không tác hại môi trường lẽ ra phải tận dụng và giảm công suất các nhà máy điện than, nhiệt điện. Nhưng EVN vẫn làm chuyện mà người thường cũng nhìn thấy là lãng phí, bất công,
Quốc doanh thiếu, tư nhân không có chỗ dùng!
Tình trạng ấy đến nay vẫn còn nguyên. Tệ hơn nửa là nguồn phát triển điện mặt trời và điện gió rất lớn nhưng bị cản trở chủ yếu từ phía EVN và người cha đỡ đầu chống lưng là Bộ Công Thương qua các quy định thủ tục hành chính rối rắm, trên dưới bất nhất, trên bảo dưới không nghe. EVN vừa là nhà sản xuất lại vừa là đơn vị thu mua, cung ứng điện độc quyền nên thêm việc chèn ép giá cả làm những dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành không thể bán hoặc chỉ bán với giá rẻ mạt.
Báo chí trong nước đã phản ánh tình trạng hiện nay là “Hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch; trong đó, có 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió và 6 dự án điện Mặt Trời) với tổng công suất gần 2.091MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm.
Số dự án này không được hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm theo các quyết định trước đây.
Trong cuộc họp mới đây giữa Bộ Công Thương, EVN và 84 nhà đầu tư điện gió, điện Mặt Trời dở dang, các nhà đầu tư kiến nghị EVN huy động điện với giá tạm tính 6,2 cent/kWh; đồng thời, cho phép dự án hoàn thành đầu tư xây dựng, chấp thuận nghiệm thu được đóng điện và ghi nhận sản lượng.
Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 21/QĐ-BCT quy định khung giá phát điện nhà máy điện Mặt Trời, điện gió chuyển tiếp vào đầu tháng 1/2023.
Cụ thể, giá trần dự án điện Mặt Trời chuyển tiếp là 1.185-1.508 đồng/kWh và điện gió là 1.587-1.816 đồng/kWh, tùy loại hình.
Tuy nhiên, EVN cho biết họ chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Công Thương về phương pháp đàm phán và hiện chỉ có một nhà đầu tư gửi số liệu liên quan đến các thông số đầu vào để tính toán phương án giá điện của dự án đó.
Để tránh lãng phí nguồn năng lượng sạch, các nhà đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, báo cáo Chính phủ về những kiến nghị mà các nhà đầu tư đã nêu ra trước đó về những khó khăn, bất cập trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tại quyết định 21 và thông tư 01.
Các doanh nghiệp mong Thủ tướng chỉ đạo giao Bộ Công Thương sớm ban hành các quy định hướng dẫn theo thẩm quyền, làm cơ sở pháp lý cho EVN và chủ đầu tư đàm phán.” (7 )
EVN và các tổ chức kinh tế, chính trị, của Việt Nam đã rất nhuần nhuyễn triết lý tốt đẹp của lối sống XHCN là “một người vì mọi người, mọi người vì một người”. Một người ở đây là đảng, nhà nước, các ông lớn quốc doanh đang độc quyền lo cho mọi người dân từ chuyên được nghe bài hát này, không được xem quyển sách kia, độc quyền lo điện nước, xăng dầu. Kẻ nào lơ mơ chạm đến sự hy sinh cao quý ấy sẽ u đầu sức trán.
Vì sự hy sinh cao cả ấy nên ai góp ý, kêu than sẽ trở thành phản động, chống đối chính quyền, lợi dụng quyền tự do dân chủ. Khi có mỗi tình huống bất trắc hoăc do họ vung tay quá trán lỗ lã vài ba chục ngàn tỉ thì mọi người chịu khó móc túi trả tiền điện cao hơn, vui vẻ tắt máy lạnh, đốt đèn dầu, ăn mặc theo kiểu Nhạc Bất Quần.
Cánh cửa thiên đàng đang mở ngay trước mắt.
* Đường Nhuệ là trùm xã hội đen, cho vay nặng lãi và thu tiền bảo kê dịch vụ thiêu xác người ở tỉnh Thái Bình trong thời kỳ Nguyễn Hồng Diên làm Chủ Tịch, Bí thư tỉnh ủy.
4-https://tuoitre.vn/xuat-hien-cat-dien-luan-phien-bo-cong-thuong-noi-da-n...
6-https://cand.com.vn/Thi-truong/noi-lo-giam-phat-cua-cac-nha-may-dien-gio...
No comments:
Post a Comment