Thursday, April 20, 2023

VNTB – Phản đối suông?
Hồng Dân
20.04.2023 11:48
VNThoibao



(VNTB) – Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết, lập trường của Việt Nam “đối với lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc đơn phương ban hành trái phép” là nhất quán và đã được nhiều lần khẳng định rõ trong các năm qua.

 Ông Đoàn Khắc Việt cho rằng: “Lệnh cấm đánh bắt cá này” đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế được xác lập theo Công ước Luật Biển (UNCLOS) 1982.

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam, không làm phức tạp tình hình, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông”, ông Việt nhấn mạnh.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao đưa ra bình luận trên trước việc vào ngày 13-3, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc (MOA) ban bố lệnh cấm đánh bắt cá đối với nhiều vùng biển. Lệnh cấm đánh bắt áp dụng cho tất cả loại tàu cá, kể cả tàu phụ trợ nghề cá. Đối với khu vực có những vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông, lệnh cấm trái phép của Trung Quốc bắt đầu từ 12g ngày 1-5 đến 12g ngày 16-8.

Tin tức cho biết phía Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường sử dụng tàu thực thi pháp luật để “giám sát, tuần tra, bắt giữ và xử phạt các hành vi vi phạm”. Ở đây có một lưu ý là trong luật hải cảnh mà Trung Quốc thông qua hồi đầu năm 2021, hải cảnh Trung Quốc được trao quyền dùng “tất cả biện pháp cần thiết”, gồm vũ khí.

Luật hải cảnh, điều 46 ghi: “Với một trong những tình huống dưới đây, nhân viên hải cảnh có thể sử dụng vũ khí hoặc các thiết bị, công cụ tại hiện trường:

Thứ nhất, cần ép buộc tàu bè dừng di chuyển khi truy đuổi, ngăn lại, kiểm tra, lên tàu theo luật. Thứ hai, cưỡng chế xua đuổi, cưỡng chế lai dắt tàu bè theo luật. Thứ ba, trong quá trình thi hành nhiệm vụ theo luật, gặp phải trở ngại, điều gây phương hại. Thứ tư, trong tình huống khác cần phải dừng hành vi phạm tội, phạm pháp ngay tại chỗ”.

Theo điều 47, một trường hợp mà hải cảnh Trung Quốc có thể sử dụng “vũ khí cầm tay” nếu cảnh cáo đã đưa ra vô hiệu là khi tàu bè nước ngoài xâm nhập vào “vùng biển thuộc quản lý của Trung Quốc”, và tham gia phi pháp hoạt động sản xuất, từ chối tuân theo lệnh dừng tàu và những hoạt động mà theo họ là phi pháp.

Điều 48 thuộc chương 6 ghi: “Trong các tình huống sau, nhân viên hải cảnh có thể sử dụng các vũ khí trên tàu hoặc trên máy bay bên cạnh vũ khí cầm tay: Thứ nhất, thi hành nhiệm vụ chống khủng bố trên biển. Thứ hai, xử lý sự việc bạo lực nghiêm trọng trên biển. Thứ ba, tàu và máy bay chấp pháp bị tấn công bằng vũ khí hoặc phương thức nguy hiểm khác”.

Còn điều 49 ghi: “Khi nhân viên hải cảnh sử dụng vũ khí theo luật, họ có thể sử dụng trực tiếp vũ khí nếu cảnh báo không kịp hoặc sau khi cảnh cáo có thể dẫn tới hậu quả nguy hại nghiêm trọng hơn”.

Như vậy, Luật hải cảnh này của Trung Quốc sẽ biến tàu thuyền của các quốc gia ven biển hoạt động hợp pháp trong vùng biển của mình, được xác lập theo UNCLOS 1982, trở thành các hoạt động bất hợp pháp và là đối tượng để lực lượng Hải cảnh Trung Quốc tấn công, trục xuất, thậm chí nổ súng.

Liện quan chuyện ‘cấm biển’ này, Viện Nghiên cứu Biển Nam Trung Hoa, thuộc Đại học Hạ Môn (Trung Quốc), từng đưa ra khuyến cáo trịnh thượng như sau:

“Bản thân lệnh cấm đánh cá là tốt cho tính bền vững của các nguồn lực hải sản ở trên Biển Đông [theo cách gọi của Việt Nam]. Chính quyền Việt Nam nên ủng hộ lệnh cấm đánh cá, thay vì phản đối nó.

Có ý kiến của nhà nghiên cứu từ Việt Nam cho rằng lệnh cấm đánh cá mà Trung Quốc thực thi trên Biển Đông thời gian qua là vô lối.

Không, lệnh cấm đánh cá không phải chống ngư dân Việt Nam mà về cơ bản nó được hướng vào việc kiểm soát chặt chẽ ngư dân Trung Quốc. Và bản thân lệnh cấm đánh cá là tốt cho tính bền vững của các nguồn lực hải sản ở trên Biển Đông.

Chính quyền Việt Nam nên ủng hộ lệnh cấm đánh cá, thay vì phản đối nó. Điều có thể làm duy nhất chỉ có thể là thông qua đàm phán song phương.

Hai chính phủ và các chuyên gia từ hai nước này cần ngồi xuống và nói về một cách thức hợp lý hơn để thực thi lệnh cấm đánh cá, thay vì phản đối nó trên Biển Đông.

Hãy tư duy thế này có nhiều điều chúng ta có thể làm được, những việc này không dễ, nhưng đáng làm điều đó…”.

Một ý kiến phản bác lập luận trên từ phía Hội Nghề cá Việt Nam: “Vậy thì, liệu cứ đều đặn hàng năm, cứ bắt đầu vào mùa đánh bắt cá của ngư dân, từ tháng đầu tháng 5 đến giữa tháng 8, “lệnh cấm đánh cá” được ban hành là nhằm vào mục đích gì?

Chúng tôi cho rằng lệnh cấm này không nhằm mục đích làm “tốt cho tính bền vững của các nguồn lực hải sản” trên Biển Đông, mà chủ yếu là cắt đứt nguồn sống của ngư dân Việt Nam. Ngăn cản ngư dân Việt Nam ra khơi bám biển quê hương, không những vì mưu sinh mà còn có nghĩa vụ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép…”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển của Việt Nam động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam và hướng dẫn ngư dân tổ chức thành đoàn, đội khi đi sản xuất để hỗ trợ nhau trên biển; kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng về các hành vi vi phạm của tàu cá nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam.

Bộ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường giám sát hoạt động khai thác hải sản của tàu cá trên các vùng biển thông qua hệ thống giám sát tàu cá bằng vệ tinh, có biện pháp cảnh báo cho các tàu cá khi cần thiết và đặc biệt quản lý chặt chẽ việc xuất/cập bến của tàu cá hoạt động trong thời gian này.

Phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các địa phương kịp thời thông báo các vụ việc đột xuất phát sinh trên biển đối với tàu cá và ngư dân về đường dây nóng của Cục Kiểm ngư, số điện thoại 024- 62737323.


No comments:

Post a Comment