Thursday, April 27, 2023

VNTB – Những “việc cần làm ngay” từ 25 năm trước giờ “vũ như cẩn”!
Hoàng Lan Mộc Châu
27.04.2023 5:16
VNThoibao



(VNTB) – Lời của ông Linh như nước đổ đầu vịt

 Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh từ giã đảng cộng sản Việt Nam ngày Mồng 2 tháng Tư Âm lịch năm 1998, nhưng đến nay những lời ông hối thúc đảng của ông phải làm ngay sau ¼ thế kỷ vẫn không biến chuyển. Sự kiên trì “một bước không đi, một ly không rời” thật đáng kinh ngạc, và tính ỳ đó quả đúng là giá trị không thể chối cãi của đảng cộng sản Việt Nam.

Khi làm Tổng Bí Thư, ông Linh đã chỉ ra Những việc cần làm ngay  đề cập đến hàng loạt những tồn tại trong hệ thống chính trị và kinh tế Việt Nam,  khơi gợi ra những vấn đề hết sức cấp thiết và có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với tiến trình mở cửa và hội nhập quốc tế của Việt Nam hay nói cách khác là quá trình chuyển đổi cơ bản từ nền kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Một loạt bài viết của N.V.L đã chỉ ra “sức ỳ” và những “thói hư tật xấu trong xã hội đang bị che khuất” mà lúc bấy giờ không ai dám nói tới. 

Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, trong những bài viết của mình, tác giả N.V.L phê phán các hành vi quan liêu, vô trách nhiệm, lãng phí, hách dịch, tham nhũng…(1) 

Chiều 24/4, báo Nhân Dân chính thức khai trương trang thông tin đặc biệt Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và “Những việc cần làm ngay” tại địa chỉ http://nguyenvanlinh.nhandan.vn.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết, một số đại biểu đánh giá rằng, việc ra mắt trang này rất đúng thời điểm, bởi đang có tình trạng “trên nói, dưới không triển khai” đã và đang tồn tại.

Ông Minh nói,”[lúc này], cần làm sao thúc đẩy tinh thần “nói và làm” ở mọi cấp từ trung ương đến địa phương, từ các bộ, ban ngành cho đến các cá nhân. Đó là điều mong muốn”.

“Chúng tôi không thể khiến cho những lãnh đạo đang không dám nói, không dám làm mà chuyển sang làm.” “Nếu chúng ta cứ lo sợ, không dám đổi mới, không dám làm cái gì mới mẻ, không dám sáng tạo thì xã hội sẽ giậm chân tại chỗ, thậm chí tụt hậu”(2)

 Người dân bình thường thích nói toạc móng heo ra là, những điều ông Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh dạy là cần thiết, từ trung ương đến địa phương phải làm ngay, nếu không làm là chết, nhưng từ 25 năm nay, đảng vẫn không nhúc nhích.

Sau ông NVL là hàng loạt TBT, vị nào cũng là học trò xuất sắc của lãnh tụ kiệt xuất, vị nào cũng được thổi phồng là được đồng bào,  đảng viên yêu thương hết lòng, hết sức, hết trí khôn, nhưng  đã không dạy được đảng viên làm theo lời dạy của lãnh tụ HCM và hiện nay dưới triều đại ngài TBT Trọng, quyền hành tột đỉnh, bao trùm lên toàn cõi Việt Nam, với lò bát quái, với quạt ba tiêu, tưởng chừng quyền uy có thể đốt cháy cả thế giới cũng chưa làm được việc tiền bối NVL chỉ báo.

Đương thời, TBT Nguyễn Văn Linh đã yêu cầu phải làm ngay những việc gì và cho đến hôm nay sau 25 năm, trải qua bao nhiêu thời TBT không ai làm? Thực ra, ông Linh chỉ yêu cầu đảng của ông làm ngay, chỉnh sửa ngay tất cả những điều ngày hôm nay ông TBT Trọng yêu cầu ĐCSVN làm, nhưng mọi thứ vẫn “vũ như cẩn”.

Bài đầu tiên ông Linh yêu cầu phải làm ngay là giảm tốc độ tăng giá khoảng tháng 5/1987. Lúc này tất cả hàng hóa đều trong bàn tay quốc doanh. Ông Linh nêu lên các nguyên nhân khiến giá cả tăng, yêu cầu trừng trị bọn phá hoại, và “Quần chúng phải có phong trào lên án ngay cả một số cán bộ, cơ quan làm bậy.” TBT quên nhắc đến nguyên nhân chính khiến giá hàng hóa vùn vụt bay cao là cách quản lý kinh tế rừng rú khiến lạm phát trong thời điểm đó tăng hàng ngày, nhanh lên đến 3 con số và. Hơn nữa, lạm phát càng tăng càng có lợi cho quan chức, chẳng hạn như các xí nghiệp, nhiều cửa hiệu ghìm hàng, chờ giá lên vút đỉnh mới bán để tư túi thế nào thì ai cũng biết. Lời của ông Linh như nước đổ đầu vịt.

Báo chí thời đó ca ngợi tác giả NVL là người Nói Và Làm, hay Người Phá vỡ sự im lặng đáng sợ, cường điệu hơn, báo Nhân Dân còn gọi ông NVL là người Nhảy Vào Lửa!

Tại sao người dân im lặng trước các tệ nạn xã hội?

Sống trong chế độ hà khắc người dân  không dám nói về các tệ nạn xã hội chỉ vì sợ. Đó là nguyên nhân chính. Người  dân sợ hãi về hậu quả mà họ có thể gánh chịu nếu lên tiếng, lo sợ bị đối xử tệ hơn hoặc bị trả thù. Người ta sợ chính quyền như sợ các tay anh chị xã hội đen, loại lưu manh du đãng chỉ kiếm cớ là dằn mặt, đánh đập người khác. Hơn bọn xã hội đen một bậc, chính quyền có thể và sẵn sàng ‘nâng quan điểm’ người dám nói về các tệ nạn xã hội là phản động. Cho nên dân không dám can thiệp vào chuyện của người khác hoặc không muốn dính líu đến những vấn đề xung quanh. Và cũng vì biết việc can thiệp vào tệ nạn xã hội là dụng chạm đến cả hệ thống của những phe phái trong chính quyền cho nên giả đui, giả mù, không quan tâm hoặc không muốn giải quyết các vấn đề xã hội, dẫn đến sự im lặng của cả người dân và cả nhân viên chính quyền.

Người dân đã thế, đảng viên càng im lặng. Ngoài bị áp lực không khác người dân, họ còn im miệng vì dù làm lớn làm bé trong chính quyền, từ xã áp đến địa phương, họ đều là những kẻ lạm quyền, muốn giữ quyền lực và lợi ích, và do đó không muốn nói ra hoặc giải quyết các vấn đề xã hội một cách minh bạch. Ngoài ra chẳng ai không tham nhũng. Tham nhũng để được hối lộ để giữ im lặng về các vấn đề xã hội hoặc để cho phép hoạt động phi pháp. Đảng viên còn mang tâm lý sợ hãi hơn thường dân. Đảng viên, quan chức có thể sợ hãi về việc phải đối mặt với các hậu quả nếu họ lên tiếng, mất việc, mất ghế, thậm chí bị đuổi khỏi đảng, vị trí béo bở và là chỗ dựa của cả họ hàng, gia tộc. Họ đùn đẩy trách nhiệm cho vác đơn vị,  tổ chức khác. Họ thỏa mãn, tự hài lòng lòng vì ‘bị áp lực từ các thế lực khác’, chẳng hạn như nhóm lợi ích đặc biệt a,b,c nào đó cũng trong đảng, hoặc những người có quyền lực, tác động đến các quyết định của chính quyền để “ngậm miệng cho lành!”

Tuy nhiên, những  vấn đề TBT Linh muốn làm ngay để chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng thì đã có từ ngày đảng mới sinh ra. Ông Hồ Chí Minh khản giọng kêu đồng chí của ông sửa sai, và có đến nay vẫn như vậy, nếu không nói còn tồi tệ hơn 

 Việc những việc cần làm kéo dài hết chính phủ này đến chính phủ khác mà vẫn không giải quyết thì lý do chính là sao?

Đảng cộng sản có kinh nghiệm hơn bất cứ đảng nào trên thế giới về đấu tranh giai cấp và cướp chính quyền, xâm lược ‘giải phóng’, nhưng họ hầu như thiếu kinh nghiệm và năng lực trầm trọng  để đối phó với vấn đề xã hội hệ quả xấu xa của chủ nghĩa cộng sản. Chỉ có thay đổi hoàn toàn tư duy cộng sản thì các tệ nạn trong nước mới có cơ may giảm bớt.

Tính độc tài, kiêu ngạo khiến họ không thể hợp tác và đối thoại với người dân,  không thể tìm ra  sự thỏa hiệp giữa các bên liên quan hoặc không có đủ sự đồng thuận để thực hiện các giải pháp đúng đắn. Hơn thế nữa bệnh kiêu ngạo cộng sản, lạm quyền và tham lam khiến cho dù họ có ra các quyết định gì đi nữa cũng bị lúng túng, ràng buộc bởi chính họ,  các quyết định của họ bị ảnh hưởng bởi nhiều phe phái  và không thể đưa ra các giải pháp hiệu quả.

Tất cả các điều trên khiến người dân mất niềm tin vào chính phủ và họ tin không thể giải quyết các vấn đề xã hội, điều này khiến các nỗ lực của chính phủ có thế nào chăng nữa dưới mắt người dân chỉ là trò hề. Ví dụ gần đây nhất, mang tính hề nhất là việc quản lý vỉa hè ở các thành phố lớn.

Thêm nữa những vấn đề xã hội có thể được tạo ra hoặc gia tăng bởi sự thay đổi trong các hoàn cảnh kinh tế, chính trị và xã hội, khiến cho chính phủ khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề này. Chính phủ  chú tâm tăng gia kinh tế bất chấp các tệ nạn xã hội phát sinh.

Trong bối cảnh xã hội dưới chế độ độc tài đảng trị, tệ nạn xã hội không thể ngăn chận, sửa chữa được vì nó là thuộc tính của chế độ luôn thiếu tính minh bạch và trách nhiệm. Chế độ độc tài đảng trị thường thiếu tính minh bạch và trách nhiệm trong việc quản lý các vấn đề xã hội, và các quyết định thường được đưa ra một cách độc đoán mà không được đưa ra bằng cách tham khảo ý kiến của người dân và các chuyên gia. Chủ nghĩa cộng sản thất bại trong việc tạo ra một nền tảng kinh tế ổn định. Chế độ độc tài đảng trị thường không có một nền tảng kinh tế ổn định và độc lập, khiến cho kinh tế dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài và có thể dẫn đến sự mất cân đối và suy giảm. Đặc biệt với nền kinh tế quái thai, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiềm ẩn sự bất ổn rất nguy hiểm. Xã hội Việt Nam hiện nay có vẻ như phồn thịnh hơn trước, không phải nhờ tài kinh bang tế thế của đảng mà do họ có được viện trợ và đầu tư nước ngoài, và hơn nữa họ đang bóc lột hết tài nguyên quốc gia. Bóc lột tài nguyên để tăng trưởng kinh tế nhất thời, nhưng lại không đầu tư đúng và đủ vào các lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng, khiến cho các vấn đề xã hội không được giải quyết triệt để.

Trên tất cả,  chế độ độc tài đảng trị đàn áp các nhà hoạt động xã hội và  nhân quyền, khiến cho sự phát triển của các vấn đề xã hội bị gián đoạn và các quyền con người bị vi phạm. Điều này khiến có thể kết tội ĐCSVN đồng lõa và nuôi dưỡng các tệ nạn trong xã hội và trong đảng. Chế độ độc tài đảng trị không khuyến khích sự đồng thuận và sự tham gia của người dân trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, khiến cho các giải pháp không được đưa ra một cách bền vững.

Từ 25 năm trước TBT Nguyễn Văn Linh kêu gọi những việc cần phải làm ngay, cho đến nay không việc nào giảm thiểu, không những thế còn tăng lên và sự im lặng muôn thuở của người dân vẫn còn đó.

_______________

 

(1),(2) https://nhandan.vn/thuc-day-phong-trao-noi-va-lam-trong-giai-doan-moi-post749480.html


 



No comments:

Post a Comment