VNTB – Nhà nước pháp quyền ở chính thể độc đảngHoài Nguyễn
22.04.2023 12:16
VNThoibao
(VNTB) – Tư pháp là độc lập, pháp quyền một quốc gia không thể “độc quyền” trong tay một đảng phái chính trị.
“Đối thoại Nhà nước pháp quyền” (ETR) giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang Đức vừa diễn ra hôm 21/04/2023 tại thành phố Hạ Long.
Hồi cuối năm ngoái, theo nhận xét của ông Phan Đình Trạc – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, thì Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, là, “lần đầu tiên Đảng xác định rõ đặc trưng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam”.
Tám đặc trưng đầy mơ hồ
Theo phân tích của ông Phan Đình Trạc, bước đầu Đảng đã đưa ra tám đặc trưng bao gồm: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đây là đặc trưng riêng có của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là tất yếu lịch sử, quy luật của xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, nhân tố bảo đảm bản chất, sự thành công của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đặc trưng này khẳng định Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật. Công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân vừa là bản chất, vừa là mục tiêu của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là lấy con người làm trung tâm, bảo đảm quyền con người và phát triển con người toàn diện; mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Đây là đặc trưng xuyên suốt bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đây là đặc trưng thể hiện giá trị đặc thù của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán. Đây là đặc trưng mang tính phổ biến của mọi nhà nước pháp quyền; là điều kiện cần và đủ để bảo đảm xã hội có trật tự, kỷ cương.
Độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đây là một trong những đặc trưng cốt lõi, được thừa nhận rộng rãi, như một giá trị không thể thiếu của nhà nước pháp quyền.
Tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Mưa dầm, thấm lâu?
Ở “Đối thoại Nhà nước pháp quyền” (ETR) giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang Đức vừa diễn ra hôm 21/04/2023 tại thành phố Hạ Long, ban tổ chức cho biết các hoạt động của chương trình tập trung vào trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực thi pháp luật với nội dung trải đều trên một số lĩnh vực chính như pháp luật hình sự, dân sự; pháp luật tố tụng hình sự, dân sự; pháp luật kinh tế, hành chính; thực thi một số điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế.
Phía Đức nhận đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật, bao gồm cả đào tạo hàn lâm, nghiên cứu và đào tạo các nghề tư pháp, là một trong những nội dung hợp tác trọng tâm giữa hai bên.
Quan sát diễn biến ở buổi đối thoại, ghi nhận một điều là các đặc trưng mà ông Phan Đình Trạc viện dẫn, nếu áp dụng mang tính tuyệt đối thì sẽ gần như khựng tất cả các nội dung học thuật, vì tư pháp là độc lập, pháp quyền một quốc gia không thể “độc quyền” trong tay một đảng phái chính trị nào cả.
Có lẽ đành hy vọng mưa dầm thấm lâu sẽ giúp có những thay đổi về quyền tự do chính trị, tự do biểu đạt trong hướng đến một nền tư pháp độc lập không chịu sự ràng buộc của định hướng xã hội chủ nghĩa.
No comments:
Post a Comment