Vãn hồi hòa bình tại Ukraina: Trung Quốc nhập cuộc, Phương Tây hoài nghi
Trọng Nghĩa
Đăng ngày: 27/04/2023 - 16:16
RFI
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 26/04/2023 rốt cuộc đã đồng ý nói chuyện qua điện thoại với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai bên từ ngày đồng minh chiến lược của Bắc Kinh là Nga xua quân xâm lược Ukraina vào năm 2022, lãnh đạo Trung Quốc đã khẳng định vai trò tác nhân hòa bình của Bắc Kinh và hứa sẽ cử một phái đoàn tới Ukraina và các nước xung quanh để tìm một “giải pháp chính trị” cho cuộc chiến đã kéo dài hơn một năm.
Là người đã từng nhiều lần bày tỏ ý muốn được nói chuyện trực tiếp với ông Tập Cận Bình với hy vọng thuyết phục được nhân vật này có quan điểm thuận lợi hơn đối với Ukraina, tổng thống Zelensky dĩ nhiên là đã tỏ ý hoan nghênh ý kiến của người đồng cấp.
Trên mạng Twitter, ông Zelensky còn bày tỏ tin tưởng rằng cuộc thảo luận một tiếng đồng hồ với ông Tập Cận Bình “sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển quan hệ song phương” giữa hai nước và nhắc lại rằng trước lúc bị Nga xâm lược, Ukraina đã có Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu.
Trong một động thái cụ thể, tổng thống Ukraina đã thông báo bổ nhiệm Pavlo Ryabikin, cựu bộ trưởng các ngành công nghiệp chiến lược, làm đại sứ mới của Ukraina tại Bắc Kinh, một chức vụ vẫn bị bỏ trống kể từ tháng 2 năm 2021.
Nếu Kiev có dấu hiệu rất hoan nghênh điều có thể gọi là sự nhập cuộc của Trung Quốc trong việc vãn hồi hòa bình tại Ukraina, thì hai đồng minh phương Tây chủ chốt của Ukraina là Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu lại không che giấu thái độ hoài nghi.
Vào lúc Nhà Trắng cho rằng còn quá sớm để nói rằng hòa bình đang ở chân trời, thì lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu Josep Borell nhắc nhở rằng một nền hòa bình đúng đắn phải tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina.
Thái độ hoài nghi của phương Tây không phải là không có cơ sở. Vào tháng 2 vừa qua, Bắc Kinh đã công bố một bản lập trường 12 điểm về Ukraina, kêu gọi đối thoại và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của tất cả các nước. Văn kiện này thường được coi là một kế hoạch hòa bình, nhưng đã bị phương Tây chỉ trích vì từ ngữ rất mơ hồ.
Mặt khác, quan hệ càng lúc càng chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc, đặc biệt là từ khi Nga xâm lược Ukraina đã khiến phương Tây hoài nghi về tính chất trung lập của Trung Quốc, một yếu tố cần thiết đối với một nhà trung gian hòa giải trong một cuộc chiến. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn từ chối lên án Matxcơva về cuộc xâm lược, dùng lại định nghĩa của Nga, xem cuộc chiến là một chiến dịch đặc biệt, thậm chí coi cuộc xung đột là một "cuộc khủng hoảng".
Bên cạnh đó, các tuyên bố của hai ông Tập Cận Bình và Putin, nhân chuyến thăm Nga của lãnh đạo Trung Quốc tháng 3 vừa qua, theo đó quan hệ song phương Nga-Trung đã bước vào một "kỷ nguyên mới", cũng không góp phần giải tỏa nghi ngại về tính vô tư của Bắc Kinh.
Giải thích về lý do vì sao Trung Quốc lại tỏ thái độ năng nổ hơn trên vấn đề Ukraina vào lúc này, chuyên gia Pháp Antoine Bondaz, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến lược Pháp FRS, nói đến một chiến lược thực dụng và cơ hội của Trung Quốc.
Trả lời RFI ngày 26/04, chuyên gia Bondaz cho rằng Trung Quốc hiện đang cảm thấy áp lực từ phía châu Âu thêm nặng nề, trong bối cảnh hợp tác xuyên Đại Tây Dương được tăng cường. Khi chấp nhận, sau 14 tháng chiến tranh, gọi điện cho Volodymyr Zelensky, Tập Cận Bình như muốn gửi đi một thông điệp nhằm gây chia rẽ nội bộ phương Tây, đặc biệt giữa châu Âu với Mỹ, mà Bắc Kinh xem là kẻ thủ lợi nhờ cuộc chiến Ukraina.
No comments:
Post a Comment