Toàn quyền Úc thăm Việt Nam: Đôi ủng dưới chân sao ông Thưởng lại đặt lên bàn tiệc?
Hải Lê
07/04/2023
VOA
Toàn quyền Úc, David Hurley, gặp thủ tướng Việt Nam, Phạm Minh Chính, hôm 4 tháng Tư tại Hà Nội. (Photo: WVR/Nguyen Hong)
Giữa tuần qua, truyền thông Việt Nam và Úc rộ lên về chuyến thăm cấp cao của Toàn quyền nước Úc David Hurley và phu nhân đến Hà Nội nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023). Cả khách mời lẫn chủ nhà đều đánh giá cao sự kiện có ý nghĩa quan trọng này, nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ “Đối tác Chiến lược” giữa hai nước trong thời gian tới. Trong buổi tiếp Toàn quyền Úc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá cao sự phát triển tích cực, nhiều mặt trong các lĩnh vực hợp tác song phương Việt - Úc thời gian qua, nhất là trên lĩnh vực thương mại và giao lưu nhân dân. Sau khi nghe ngài Toàn quyền David Hurley trao đổi về kết quả cuộc hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo Việt Nam và các hoạt động của đoàn, Tổng Bí thư nhất trí với phương hướng phát triển quan hệ hai nước trong thời gian tới, đồng thời nhấn mạnh những kết quả đạt được trong triển khai quan hệ “Đối tác Chiến lược” Việt Nam - Úc là nền tảng để hai nước hướng tới những cột mốc mới cao hơn, trong đó có việc nâng cấp lên quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện”.
Toàn quyền David Hurley và phu nhân đã được phía Việt Nam nghênh tiếp với sự trọng thị được giới quan sát cho là ở cấp độ cao nhất có thể, theo lễ tân cả của Đảng lẫn Nhà nước Việt Nam. Báo chí Úc chú ý ngoài cuộc tiếp kiến “thượng đỉnh” nói trên từ Tổng bí thư Trọng, Toàn quyền Úc còn hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Truyền thông Úc cũng nếu bật các điểm nhấn, nhìn từ phía Canbera về các cuộc tiếp xúc cấp cao nói trên, đó là, Úc và Việt Nam tăng cường quan hệ trong bối cảnh căng thẳng an ninh trong khu vực dâng cao. Dư luận cũng nhắc lại dấu mốc lịch sử: Cách đây 5 năm, hai nước đã ký kết quan hệ “Đối tác Chiến lược” và hiện đang thảo luận về việc nâng cấp mối quan hệ này trở lại thành quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện”. Theo giới phân tích, điều này sẽ nâng quan hệ Việt – Úc lên ngang tầm với các 5 đối tác khác của Hà Nội là Trung Quốc, LB Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và có thể cho phép hai nước Úc, Việt từ nay hợp tác an ninh và quân sự chặt chẽ hơn. Một khi mức độ quan hệ ngoại giao càng cao thì mức độ tin cậy chính trị giữa lãnh đạo hai nước càng lớn. Các chuyên gia cho biết thêm, thương mại song phương đang phát triển nhưng vẫn còn có chỗ cho đầu tư nhiều hơn.
Tuy nhiên, trên một bàn tiệc ngoại giao như vậy, tại sao tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lại ngang nhiên đề nghị phía Úc hãy xử lý “những người chống phá” Việt Nam từ nước ngoài?
Đề nghị này của tân Chủ tịch nước không khác gì việc rút một đôi ủng đang đi dưới chân đặt lên trên đặt bàn tiệc ngoại giao thịnh soạn đang khoản đãi thượng khách (Hỏi theo tinh thần một ngạn ngữ ở Đông Âu phải thốt lên trong tình huống này: “How do you get boots on the table?” – Sao lại có thể đặt đôi ủng đang đi dưới chân lên bàn tiệc?”). Xin hỏi ông Thưởng: Ông có biết giới “phản động chống phá Việt Nam” từ bên ngoài là những ai không? Họ chính là “khúc ruột ngàn dặm” mà hàng năm vẫn miệt mài gửi hàng chục tỷ đô la ngoại hối về cho các ông tiêu xài đấy! Không chỉ có thế! Phần đông trong số họ vẫn chỉ là những cá nhân hay tổ chức lên tiếng đấu tranh qua ngòi bút hay bàn phím, qua các cuộc vận động ủng hộ tù nhân lương tâm, qua các cuộc biểu tình tố cáo các chính sách độc tài của nhà cầm quyền. Một thái độ tranh đấu dũng cảm và dứt khoát nhưng ôn hòa và đúng luật như vậy thì có nước dân chủ nào mà luật pháp lại có thể bắt họ đưa về Việt Nam để các ông tống vào nhà lao?
Ông Thưởng nhận được “Boomerang”
Chắc chắn thái độ ôn hoà và đúng luật ấy của cộng đồng người Việt không chỉ ở Úc châu, mà còn từ nhiều nước khác nữa, đã được dóng lên những tiếng nói của sự thật và công lý, khiến chế độ độc tài toàn trị luôn luôn lo lắng và “quan ngại” – như chính cách diễn ngôn của những kẻ giả danh cộng sản! Hoàn toàn chia sẻ với Lâm Bình Duy Nhiên khi Facebooker này chỉ ra rằng: “Đường đường là lãnh đạo cao cấp của một quốc gia mà lại lo lắng, lo ngại những cá nhân hay tổ chức độc lập với chế độ đến mức phải yêu cầu đối tác xử lý giùm! Quân đội trong tay, độc đảng, độc tài toàn trị. Cả trăm triệu dân không còn buồn bàn đến chính trị. Chỉ một số nhỏ, ít oi dám lên tiếng chỉ trích chế độ thì đã bị khủng bố, hành hung, bỏ tù hay bị trục xuất khỏi quê hương. Bên ngoài vài triệu người tị nạn cộng sản nhưng suy cho cùng cũng chẳng còn mấy ai phản kháng và tranh đấu cho một Việt Nam dân chủ. Vậy mà Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và cả bộ máy cầm quyền cũng lo ngại đánh tiếng yêu cầu Toàn quyền David Hurley, phải kiểm soát, xử lý các cá nhân, tổ chức có thể sử dụng lãnh thổ Úc để tiến hành các hoạt động bị cho là “chống phá Việt Nam”.
Mà đâu chỉ với Úc, dường như trong các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo Việt Nam với các chính khách Mỹ, Canada, Pháp, Anh hay Đức thì Việt Nam vẫn hay có thái độ kẻ cả, yêu cầu các quốc gia này xử lý những ai dám lên tiếng chống đối họ. Thậm chí đội ngũ dư luận viên của Ban Tuyên giáo còn hăm doạ sẽ yêu cầu các quốc gia trên dẫn độ tất cả “bọn phản động” về Việt Nam để đảng trừng phạt! Nhưng hãy xem phản ứng phía Úc như thế nào? Ngay trong ngày đầu chuyến công du Hà Nội của Toàn quyền David Hurley, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) tại Úc đã ra thông cáo kêu gọi Toàn quyền David Hurley phải nêu ra với giới lãnh đạo Việt Nam các quan ngại về những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, cả công khai lẫn trong các cuộc gặp riêng. Theo bà Daniela Gavshon, Giám đốc HRW, việc thảo luận tình trạng của hơn 160 người bị bỏ tù chỉ vì ôn hòa thực thi các quyền con người cơ bản, là thật thiết yếu. Toàn quyền David Hurley cần phải thúc giục Chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả những tù chính trị. Ngài Toàn quyền phải ra kêu gọi đặc biệt về việc trả tự do ngay và vô điều kiện đối với công dân Úc gốc Việt 73 tuổi Châu Văn Khảm, cùng các nhà hoạt động có tiếng khác như Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng, Hoàng Đức Bình, Lê Đình Lượng, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Cấn Thị Thêu.
Thân nhân của ông Châu Văn Khảm, một người Úc gốc Việt đang bị bỏ tù tại Việt Nam, cũng kêu gọi Toàn quyền David Hurley nêu trường hợp của ông Khảm với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam trong chuyến thăm chính thức đến Việt Nam, hãng thông tấn ABC của Úc đưa tin. Xem vậy để thấy lời yêu cầu của Chủ tịch Võ Văn Thưởng đưa ra với Toàn quyền David Hurley nói ở trên lại trở thành phiên bản của một trò chơi phổ biến trên toàn nước Úc, gọi là trò chơi Boomerang, tạm dịch ra tiếng Việt: “Gậy ông lại đập lưng ông!” Hiệu ứng Boomerang mô tả tình huống tâm lý xã hội trong đó ông Thưởng trình bày một thông điệp thuyết phục tới người nhận, ở đây là Toàn quyền David Hurley, nhưng sau đó Việt Nam đã được nhận lại được kết quả với lập trường ngược lại, không phải là phiên bản gốc mà thông điệp mong muốn. Về cơ bản chúng là “boomerang” từ phía đối nghịch với chủ đề mà thông điệp này xuất phát. Hiệu ứng này được tạo ra khi tỉ lệ phản đối lớn hơn tỷ lệ ủng hộ thông điệp gốc.
Là người có được đào tạo về triết, không rõ ông Thưởng biết gì về nguyên lý “Boomerang” trong Tâm lý học trước khi ông nêu vấn đề với Toàn quyền Úc? Mà hình như Minh triết Á Đông cũng từng dạy: “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy”. Trong con mắt người xưa, vị trí như ông Thưởng không biết có được xếp vào hạng “Quân tử” hay không, chỉ biết điều ông nói ra với ngài David Hurley chẳng khác nào ông vãi các hạt sạn vào bữa tiệc thịnh soạn đãi khách. Cho dù phát ngôn viên của Văn phòng Chính phủ Canberra đã không trực tiếp trả lời câu hỏi liệu ngài Hurley có nêu ra trường hợp của ông Châu hay không. “Mặc dù chúng tôi không được cung cấp chi tiết cụ thể về các cuộc thảo luận giữa Toàn quyền và các nhà lãnh đạo quốc tế, nhưng Ngài sẽ nêu bật một loạt vấn đề bao gồm mối quan hệ thương mại, văn hóa và giao lưu nhân dân mạnh mẽ giữa Úc và Việt Nam.” Trong một tuyên bố khác, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho biết họ đã tận dụng mọi cơ hội để nêu vụ việc của ông Châu lên các cấp cao nhất của chính phủ Việt Nam, đồng thời cho biết thêm các nhà chức trách Việt Nam đã biết về "sự quan tâm chặt chẽ" của Úc đối với trường hợp của ông này. Bộ Ngoại giao Úc đã 70 lần nêu với Chính phủ Việt Nam về trường hợp ông Châu.
No comments:
Post a Comment