Phúc Lai - Nhận xét về tin tức hóng được từ cuộc xâm lược Ukraine của Putox ngày 15/04/2023
samedi 15 avril 2023
Thuymy
• Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Cộng hòa Pháp Thierry Burkhard đã đến thăm Ukraine. Ở đây, ông này đã gặp Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine V. Zaluzhny. Họ đã thảo luận về tình hình ở mặt trận, bao gồm nhu cầu về đạn pháo của Ukraine;
• Hội đồng EU đã thông qua việc phân bổ 1 tỉ Euro theo Quỹ Hòa bình Châu Âu (EPF) để hỗ trợ Lực lượng Vũ trang Ukraine. Chính phủ Đức chấp thuận yêu cầu của Ba Lan gửi 5 máy bay phản lực MiG-29 tới Ukraine;
• Na Uy đã tuyên bố 15 sĩ quan tình báo đang làm việc trong đại sứ quán Nga ở Oslo là những người không được hoan nghênh (“persona non grata”);
• Tại Samarkand, một cuộc họp đã được tổ chức giữa S. Lavrov và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương, trong đó cái gọi là "sáng kiến hòa bình" của Bắc Kinh liên quan đến cuộc chiến của Nga chống Ukraine cũng được thảo luận.
Bình loạn : Báo chí xứ Tây Phi giật tít dạng như Quỹ Hòa bình Châu Âu bị… mất đi 1 tỉ Eu để mua đạn pháo cho Ukraine bắn, tui có nhìn thấy loáng thoáng trên app BaoMoi nhưng hôm nay không tài nào tìm thấy bài đó. Hồi lâu lắm cũng đã nói với con: làm nhà báo, phóng viên… thời nay càng dễ hư hỏng – khi mà xã hội nhiễu nhương, con người rồ dại hết cả lên. Thằng khốn nào làm cái bài đó rồi cũng phải sám hối chết thôi. Ai cũng thế, nói một câu tạo nghiệp một câu. Thử hỏi cái thằng đó xem đất nước nó bị xâm lược nó có dám viết những thứ tương tự vậy không.
2. Việc Lavrov gặp Tần Cương có gì liên quan đến việc Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc mới nhậm chức được đôi tháng, chuẩn bị thăm Nga hay không?
Thực chất của tất cả các cuộc gặp mang tính ngoại giao này bao giờ cũng có nhiệm vụ thăm dò lẫn nhau, chứ không chỉ gặp xã giao. Việc Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thăm Nga đầu tiên sau khi nhậm chức để đánh tiếng: Trung Quốc vẫn coi Nga là đối tác quan trọng nhất, đối tác hàng đầu về quốc phòng. Tất nhiên trên thực tế, người ta chơi với ai thân nhất, hoặc tập trung nhất vào đối tượng thân thiện cũng như thù địch nào, lại là chuyện khác.
Chúng ta hãy cùng hình dung, bộ trưởng quốc phòng hai nước gặp nhau sẽ có những cú show hàng, mà với Nga thì lúc này chẳng dễ: những thứ có thể gọi là xịn nhất, cũng đã cháy như diêm trên chiến trường Ukraine. Người ta có thể giải thích rằng cái sự cháy đó là do yếu kém của cái quân đội mang tiếng là thứ hai thế giới nhưng do tổ chức quá tồi nên vũ khí xịn vẫn bị đốt đùng đùng. Nhưng rõ ràng là ngay người Trung Quốc cũng đã nhận ra những yếu kém của hệ vũ khí Liên Xô mà chính họ cũng đang kẹt trong đó.
Trung Quốc sẽ yêu cầu người Nga cho xem những bí mật quân sự chôn sâu nhất từ trước đến nay, và đổi lấy những lời hứa hão. Vậy lời hứa đó có thể là gì? Sau đây là những thông tin (nguồn chưa rõ ràng) do một người bạn của tui nhắn:
- “Ông Tập gần như nói thẳng là nếu Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan thì Trung Quốc sẽ bán vũ khí cho Nga với giá trị tương ứng. Còn về chiến tranh, Tập cũng gần như nói thẳng ra là sẽ không ủng hộ Nga tấn công Ukraine và chiếm lãnh thổ. Nhưng nếu như vũ khí Phương Tây được dùng để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga mà khiến Nga sụp đổ thì Tập sẽ viện trợ quân sự cho Nga, viện trợ có điều kiện chứ không phải là không hoàn lại.”
Đây là những thông tin chưa kiểm chứng, vì vậy độ tin cậy của nó không được cao, tuy nhiên chúng ta vẫn thấy nó có một số điểm hợp lý. Từ đó, chúng ta cũng có thể hình dung được rằng Lavrov có gặp Tần Cương và nói về kế hoạch hòa bình của Trung Quốc, thì Tần Cương sẽ khẳng định: Nga phải rút quân. Có điều, N.ga rút đến đâu thì Trung Quốc không can thiệp – miễn là cứ làm thế nào để người Ukraine chấp nhận được để có một thỏa thuận ngừng bắn sau đó là hiệp ước hòa bình.
Điều này cũng có nghĩa là một số hiện trạng được giữ nguyên: Hiện nay Mỹ chưa bán vũ khí gì cho Đài Loan thôi thì cứ tạm tính từ đầu năm 2023, nhưng từ thời điểm chiến tranh ở Ukraine kết thúc, thì việc đó… chưa tính được. Đồng thời, rõ ràng là Trung Quốc không can thiệp vào việc Phương Tây vẫn tiếp tục hỗ trợ vũ khí cho Ukraine để giành lại lãnh thổ đã mất của mình, chỉ can thiệp khi Ukraine dùng những vũ khí đó “tẩn” sâu vào lãnh thổ Nga nhưng lại còn phải “gây ra mối đe dọa cho sự tồn tại của chính quyền Putox.”
Nếu những thông tin này là có thật (tui cho rằng chỉ 50/50 thôi) thì quan điểm của Trung Quốc khá rõ ràng: cuộc chiến tranh của Putox là phi nghĩa, Putox cần tự chịu trách nhiệm và tự tìm cách rút ra khỏi cuộc chiến, nhưng vẫn phải theo cách rút quân. Nếu không rút thì Ukraine họ đánh cho bằng vũ khí Tây, ráng chịu.
Nhưng không được quên tay Lý Thượng Phúc, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sang thăm Nga rất có thể sẽ thảo luận về nhu cầu của Nga trong trường hợp cần Trung Quốc hỗ trợ. Đây là cơ hội ngàn năm có một để Trung Quốc đánh giá được những gì đã mất và những gì còn lại trong kho của người Nga, từ đó xác định chính sách quốc phòng và thậm chí, cả chiến lược địa chính trị nữa.
3. Các sự kiện chiến sự chính
• Tên tội phạm đứng đầu Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner Prigozhin đã buộc phải nhận ra và thừa nhận những tổn thất nghiêm trọng về số lượng của các tù nhân ở Ukraine, chủ yếu là tại khu vực Bakhmut;
• Ở Bakhmut, vẫn đánh nhau. Tin trưa ngày hôm qua 14/04 (chiều tối giờ Hà Nội): Theo hướng Bakhmut, kẻ thù tiếp tục các hoạt động tấn công. Các trận chiến khốc liệt cho thành phố Bakhmut vẫn tiếp tục. Kẻ thù đã cố gắng tấn công vào các vùng lân cận của Bohdanivka và Predtechyne nhưng không thành công.
Bình loạn : Tui đính kèm bài này một bản đồ của ngày 13 và ngày 8 tháng Tư, cả hai cái cùng của nguồn Bộ Tổng tham mưu Ukraine và hai bản đồ của ISW. Trên bản đồ của Ukraine không thấy có sự khác biệt của vùng trung tâm thị xã. Trên bản đồ của ISW còn thấy ngày 13 vùng do quân Ukraine làm chủ ở trung tâm còn nhỉnh hơn ngày 8 tháng Tư một chút. Còn nếu so sánh hai nguồn với nhau, thì khi căng lên cùng một màn hình tui nhận ra rằng bản đồ của Ukraine thận trọng hơn, khi tô vùng do quân Ukraine làm chủ nhỏ hơn ISW một chút.
Nhìn chung những tiểu tiết đó chẳng quan trọng. Quan trọng là Prigozhin đã kiệt quệ, và Nga đã phải dùng các loại bộ đội khác vào Bakhmut nhưng tình thế vẫn không thay đổi có lợi rõ rệt.
Tiếp theo, tui đính kèm một bản đồ chiến trường vùng Kharkiv, có lẽ đây là một bản đồ rất tốt mà các bác rất nên xem qua. Trên đó nó thể hiện các tuyến đường tiếp tế gần nhất và quan trọng nhất của Nga cho chiến trường Donbas, hiện chỉ cách chiến tuyến có 60 ki-lô-mét đường chim bay (mũi tên xanh ngắn ở dưới) và khoảng 75 ki-lô-mét (mũi tên xanh dài hơn một chút ở trên). Đặc biệt đầu mối giao thông quan trọng Starobilsk chỉ cách Nevske nằm khá sâu trong hậu phương Ukraine – cỡ gần 10 ki-lô-mét có 65 ki-lô-mét đường chim bay.
Những phác họa này sẽ cho phép chúng ta cùng hình dung về việc Nga phải tiếp tế cho Donbas bằng những tuyến đường xa hơn (như tuyến đường sắt Rostov – Luhansk chẳng hạn). Đây cũng là thách thức cho người Ukraine vì nếu chưa có những vũ khí bắn tầm xa hơn, hoặc máy bay thì việc tấn công sâu vào hậu phương của Nga là khó. Đồng thời trên bản đồ chúng ta cũng thấy các làng mạc vùng Donbas chi chít, cho phép quân Nga phân tán lực lượng và cả hậu cần trên một địa bàn rộng lớn với mật độ các khu dân cư cao. Đánh cho họ đói tuyệt đối không dễ tí nào, vì vậy rất có thể sẽ có những cách tiến hành chiến tranh khác cho chiến dịch tấn công sắp tới.
4. Về chuyện một người lính tù binh chiến tranh người Ukraine bị hành quyết man rợ, đây không phải là lần đầu người Nga hành động như thú vật. Rất xin lỗi vì hành động đính kèm theo đây một tấm hình (đã bị làm mờ) về một vụ hành quyết khác năm 1918. Đại úy quân đội Sa hoàng Rosinski đã bị những người Bolshevik bắt giữ ở đâu đó trên chiến trường Belarus.
Những người Bolshevik đã tra tấn đại úy để khai thác thông tin nhưng anh đã từ chối cung cấp. Sau đó, họ cứ tiếp tục tra tấn vì cảm giác tàn ác bẩm sinh bệnh hoạn nào đó. Tất cả là “kẻ thù” (của nhân dân) nên không có gì phải thương xót. Bọn chúng đã đâm xuyên qua hậu môn người đại úy, ấn vào một cành cây trong khi anh ấy vẫn còn sống. Tất nhiên sau đó thì anh ta không thể sống được với cực hình này.
Nào, bây giờ thì ai có thể nói rằng người Nga là nhân hậu?
P/S : Ảnh kinh quá post lên thằng Mark nó không đồng ý nên phải xóa đi.
5. Đoán mò
Tui tin rằng người Nga trên chiến trường Ukraine dù đã đủ độ ô hợp và lởm khởm, nhưng vẫn đang cố gắng thích ứng với tình hình mới. Cả ở Donbas (hôm trước tui đã viết) lẫn miền Nam, thậm chí cả Crimea họ đang cố gắng xây dựng những phòng tuyến phòng thủ - mà như tui đánh giá là mức độ chắc chắn vừa phải, không được như hồi ở Kherson. Chẳng hạn ở Kherson hồi tháng Chín năm ngoái họ dùng rất nhiều lô cốt bê tông đúc sẵn được đưa đến, nhưng năm nay thì khác. Xuất hiện trên mạng nhiều ảnh về hầm hào lính Nga chuẩn bị dùng bao đất xếp nhưng khá mỏng (một lớp) và xập xệ.
Ở Kherson vùng tả ngạn cũng như ở Zaporizhzhia người ta ghi nhận có những đoạn chiến hào người Nga đào dài đến hàng chục ki-lô-mét. Rõ ràng là họ đang nghiêm túc chuẩn bị cho một trận phòng ngự cổ điển và mong đợi người Ukraine sẽ tấn công trực diện như họ vẫn đang làm. Tui không biết người Ukraine có sẽ làm như vậy không, nhưng hồi họ giải phóng vùng hữu ngạn Kherson thì họ đã làm rất khác: dùng HIMARS bắn vào hai cửa cống của đập Nova Kakhovka, khiến cho 60% chiến hào người Nga đào để chờ đón quân Ukraine, ngập nước. Không còn khả năng giữ, thì phải rút.
Ở mặt trận phía Nam, mật độ các khu dân cư thấp hơn bên Donbas khá rõ, nên chắc hẳn chiến thuật phá hậu cần sẽ vẫn có tác dụng. Đồng ý với tui, cách đây 4 ngày (hôm 11/04) bà Natalia Humenyuk, người đứng đầu Trung tâm báo chí điều phối chung của Lực lượng Phòng vệ miền Nam Ukraine, đã nói trên sóng Radio.Donbass:
“Thực tế là họ (người Nga) tiếp tục di chuyển ra xa khỏi tiền tuyến và các đường giao thông để đảm bảo rằng họ sẽ nằm ngoài tầm bắn vũ khí của chúng tôi. Nhưng chúng tôi đang cố gắng duy trì kiểm soát hỏa lực trên các tuyến đường tiếp vận để họ không thể sử dụng chúng, dù đã cố gắng rút lui một khoảng cách xa như vậy. Vậy là, chúng tôi đang theo dõi hành động của họ, cố gắng ngăn chặn vận chuyển, việc ngăn chặn không chỉ các đoàn xe thiết bị và nhân lực kéo lên tiền tuyến, mà còn cả việc rút lui”, bà cho biết. Cũng theo Humeniuk, một “giai đoạn chuẩn bị mạnh mẽ” đang được tiến hành khi Lực lượng Vũ trang Ukraine đang tiếp tục phá hủy tiềm năng của quân đội Nga.
Đó cũng là lý do từ trước đến nay trong nhiều bài viết của mình, tui đề cập rất nhiều đến vấn đề giao thông và khoảng cách của các đầu mối giao thông đến tiền tuyến, và đoán chắc là người Ukraine sẽ tấn công vào quân đội Nga một cách nhiệt tình theo chiến thuật “phi chiến đấu” hay “phi xung đột trực tiếp.” Họ sẽ kiểm soát các đầu mối giao thông theo thời gian thực và có các phương án đế bắn mục tiêu từ trước khi nó đến đầu mối đó. Chẳng hạn: một đoàn xe sắp qua ngã ba Phù Việt, nghĩa là chỉ nửa giờ sau nếu thuận lợi nó sẽ qua ngã ba Đồng Lộc. Các dàn HIMARS có sẵn các vị trí bắn, phần tử bắn tiến đến vị trí chắc chắn phải nhanh hơn xe tải, và khoan cho cả đoàn khoảng vài chục mũi từ đầu đoàn đến cuối đoàn.
Thực tế thì cách đánh này người Nga sẽ không có cách nào chống được vì vậy chỉ có một phương án duy nhất là nghi binh – như trong chiến tranh Việt Nam bộ đội Bắc Việt đã dùng các âm thanh giả để lừa cây nhiệt đới, sau khi máy bay Mỹ đến ném bom xong thì đoàn quân thật mới đi qua. Tuy nhiên với tình trạng kiệt quệ khí tài thì không dễ cho người Nga để làm việc này chút nào. Liệu có đủ xe bơm hơi không chú Lee Shimuo?
Để đối phó với chiến tranh chiến hào – trận địa của người Nga, chắc chắn phải có nhiều đạn pháo chụp và khi đó thì sẽ rất khó khăn cho lính Nga để tự bảo vệ mình trước chúng (khổ!). Nhưng mà cũng đáng thôi, khôn hồn thì trốn đi.
Hướng Nam như vậy sẽ dễ dàng hơn một chút về mật độ phòng thủ của Nga, nhưng lại khó ở khâu vượt sông. Vì vậy tấn công các mục tiêu của Crimea là tử huyệt rất hay, đề nghị các bác tham mưu Ukraine nghiên cứu.
ISW nó đánh giá là Nga không còn khả năng tổ chức nhiều mũi tấn công trên suốt tuyến mặt trận trong cùng một lúc, do đó chỉ những hướng đã xác định như Kupyansk, Bakhmut và phía tây thành phố Donetsk là còn có thể. Cá nhân tui thì cho rằng: cho đến giờ phút này chưa ai nhìn thấy xe tăng Challenger, Leopard… ở đâu, lính mới huấn luyện cũng không thấy nốt, vậy là người Ukraine vẫn đang cố gắng xoay sở với lực lượng hiện có, giữ những đơn vị dự bị chiến lược lớn chỉ để đánh một trận cho xong.
Về thế trận phòng ngự kiểu chiến hào của Nga, đầu tiên là họ muốn lặp lại cách người Ukraine đã làm trong suốt 8 năm nội chiến ở Donbas. Sau đó, khi người Ukraine tấn công với một đợt, hai đợt cho đến khi mất phần lớn lực lượng vào những trận đánh giành trận địa, thì người Ukraine sẽ thua. Cuộc chiến sẽ ngã ngũ và lợi thế nghiêng về phía Nga.
Để chuẩn bị cho một thế trận như vậy – với đường chiến tuyến dài khoảng 800 ki-lô-mét như hiện nay, phải bố trí lực lượng trên một chiều sâu mặt trận tối thiểu 10 ki-lô-mét, nếu không thì vô nghĩa. Nhìn lại trận đánh Kursk năm 1943, hồi đó Cụm tập đoàn quân Trung tâm Đức đã tạo được một khu lõm ăn sâu vào tuyến phòng thủ của quân đội Liên Xô ở phía bắc Kursk 70 km trong khu vực Lyudinovo, Mtsensk và Oryol. Cách thành phố Kursk khoảng 100 km về phía nam, Cụm tập đoàn quân Nam của Đức đang chiếm đóng Kharkov - Belgorod, tiến sát thành phố Vovchansk và cũng tạo nên một khu lõm thứ hai tại đây. Giữa hai chỗ lõm này là chỗ lồi Kursk, một trận tuyến hình cánh cung nhô về phía tây có chiều dài trên 500 ki-lô-mét. Trong vòng cung đó có hai phương diện quân Liên Xô, hai bên cánh cung cũng có hai phương diện quân và sau cánh cung đó có một phương diện quân dự bị.
Như vậy khi chuẩn bị một thế trận phòng ngự, Hồng quân Liên Xô thuộc 2 Phương diện quân đã phải bố phòng trên hai cánh chính – gốc của chỗ lồi mỗi cánh một phòng tuyến dài khoảng 200 ki-lô-mét. Sau khi Stalin đồng ý với kế hoạch của Zhukov, từ cuối tháng Tư năm 1943 đến đầu tháng Sáu năm 1943, Hồng quân đã xây dựng ba tuyến phòng thủ tại khu vực Oryol - Lgov - Kursk - Oboyan - Vovchansk - Elets - Stary Oskol - Novo Oskol và Voronezh dài trên 600 km, sâu gần 300 km. Tại chỗ lồi Kursk bố trí 3 lớp phòng thủ tuyến ngoài, chạy gần như song song với tuyến mặt trận, lần lượt cách tuyến đầu 5 đến 8 km, 15 đến 25 km và 30 đến 35 km với ba trung tâm vững chắc là Lgovsk, Kursk và Shchigry.
Bố phòng trên tuyến phòng thủ trên, họ có binh lực gồm: 1.880.000 quân, 29.000 pháo và súng cối, 4.938 xe tăng và pháo tự hành, về sau được chi viện thêm khoảng 2.500 chiếc (trong đó có khoảng 40% là xe hạng nhẹ, 55% là xe hạng trung và khoảng 225 xe hạng nặng, 2.792 – 3.549 máy bay. Tất nhiên không thể so sánh quy mô của hai trận đánh năm 1943 và 2023 được, vì thế nếu Nga có chuẩn bị được 500.000 quân trên cái mặt trận 8.000 ki-lô-mét vuông, thì cũng chỉ đạt 62,5 người trên MỘT TRIỆU MÉT VUÔNG. Lại phải nhìn lại lần nữa, trận Kursk, Hồng quân đào được 5.000 ki-lô-mét chiến hào, trong khi hiện nay cứ cho là còn chiến hào cũ của 8 năm nội chiến đi, thì tỉ lệ còn dùng được sau một năm chiến tranh vừa qua là bao nhiêu?
Nghe 5.000 ki-lô-mét thấy con số 70 ki-lô-mét chiến hào lính Nga đào được ở Kherson, quá thảm hại. Khó người khó ta, những con số bị lộ ra bảo là người Ukraine chỉ huấn luyện mới được có dưới 20 lữ đoàn và những con số về xe tăng, bọc thép… đều hẻo. Thế mạnh hơn hẳn của người Ukraine chỉ có những vũ khí chính xác do đó họ buộc phải vận dụng chúng một cách thông minh còn quân cán thì phải giữ như giữ con ngươi của mắt mình.
Những diễn biến mà tui vừa điểm tin cho thấy người Ukraine đã dùng những vũ khí chính xác có trong tay đẩy lùi thành công chiến tuyến của người Nga khá xa ở một số hướng mặt trận miền nam. Đây là tiền đồ rất tốt cho việc đổ bộ, đồng thời với những hình dung trên đây cho thấy dù Nga có chuẩn bị đến đâu chăng nữa, cũng không thể “bao sân” hết được chiến tuyến 8.000 ki-lô-mét vuông cả.
Đó là chưa nói đến việc Hạm đội Hắc Hải của họ bây giờ liệu có khả năng chống được đổ bộ từ phía biển để đánh vào phía sau phòng tuyến hay không. Các chi lưu, phụ lưu của sông Dnipro cũng là những con đường dẫn sâu vào phòng tuyến của quân Nga có thể được sử dụng. Vì vậy người Ukraine sẽ dùng kỳ binh để tiến hành chiến dịch tấn công, còn lực lượng chính chỉ tiến lên tiếp quản khi vỡ.
Trong một diễn biến khác, nhiều khả năng ngày lễ chiến thắng phát xít 09/05 năm nay trên nước Nga sẽ không có duyệt binh vì sợ… bạo loạn, cấm tụ tập đông người.
Quân đội thứ nhì thế giới đấy các bác ạ.
PHÚC LAI 15.04.2023
No comments:
Post a Comment