Sunday, April 16, 2023

Phiên xử ông Nguyễn Lân Thắng và ngoại giao Việt – Mỹ
Yên Khê
15-4-2023
Tiengdan
16/04/2023

Ngày 12-4-2023, trong một phiên xử kín, ông Nguyễn Lân Thắng đã bị Tòa án Hà Nội kết án 6 năm tù, 2 năm quản chế, tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Thử đặt câu hỏi, vì sao chính quyền Việt Nam lại mang ông Thắng ra xử ngay trước chuyến thăm Việt Nam của ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken?

Rõ ràng là vụ xử ông Thắng với những cái tội “tày đình”, đâu phải là một sự khéo léo ngoại giao mà Hà Nội có thừa. Mọi người đều biết rằng mỗi lần các viên chức Mỹ đến các quốc gia lộn xộn nào đó (như Việt Nam chẳng hạn), thì phía Mỹ hay mang những chuyện về nhân quyền, pháp trị… ra nói, nhất là các chính trị gia đảng Dân chủ Mỹ, vốn hay lo chuyện “bao đồng” về dân chủ, nhân quyền.

Có thể ai đó sẽ lập luận rằng chuyến đi của ông Blinken đột ngột quá. Nhưng đó chỉ là bề nổi vì chuyến đi này chỉ mới được tiết lộ qua lời của các nghị sĩ Mỹ thăm Việt Nam trước đó. Nhưng chuyến đi này đã được hoạch định từ lâu, mà một trong những mục đích là động thổ tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội, biểu tượng quyền lực của cường quốc số một thế giới. Việc điều đình thuê đất dài hạn đâu phải một sớm một chiều, mà nó đã được các chức sắc đảng và nhà nước Việt Nam bàn đi bàn lại, tranh cãi nhau đủ lẽ, rồi mới đi đến thỏa thuận với phía Mỹ.

Chuyến đi của ông Blinken hoàn toàn không có yếu tố bất ngờ. Và cho dù có bất ngờ đi nữa, nếu muốn, chính quyền Việt Nam vẫn có thể dời ngày xử án, hoãn lại cho đến khi ông bộ trưởng Mỹ rời khỏi Việt Nam. Với toàn bộ quyền lực trong tay, việc dời ngày xử án đâu phải là chuyện gì lớn lao!

Nhưng họ cứ xử ông Thắng vài ngày trước khi ông Blinken đến, như để trêu chọc người Mỹ vậy. Các ông đại sứ, lãnh sự, tùy viên… của bộ ngoại giao Việt Nam ở Mỹ chắc chắn rất bối rối. Nhưng các viên chức công an thì không bối rối tí nào, và có vẻ như họ rất đắc ý.

Đây là bức tranh rất rõ của sự kèn cựa nhau giữa các nhánh quyền lực của Việt Nam, dù rằng nhánh nào cũng nằm dưới sự chỉ bảo của đảng cộng sản cả. Nhưng chưa chắc việc đảng chỉ huy hết mọi thứ đồng nghĩa với chuyện không có những tay đàn em ngỗ nghịch không vâng lời.

Sự kèn cựa nhau ở đây có hai mặt, hoặc là kèn cựa về quyền lợi, chẳng hạn như các anh công an sẽ rất muốn hưởng các chuyến đi hải ngoại của các viên chức ngoại giao. Nhưng sự kèn cựa quan trọng nhất chính là điều mà mọi người hay nói về hai phe cấp tiến và bảo thủ trong giới cầm quyền ở Việt Nam. Trong câu chuyện xử ông Thắng, có lẽ phe bảo thủ, vốn sợ (vừa sợ vừa thích) thế giới phương Tây. Họ cứ mang ông Thắng ra xử để làm cản trở phe ngoại giao, vốn mang tinh thần cấp tiến hơn.

Nhìn chung, nếu xem các phe phái nội bộ đảng cộng sản là một, thì vụ xử ông Thắng cũng là một cú … đu dây địa chính trị của Hà Nội, giữa phương Tây với người anh em thù hận phương Bắc.

Thế nhưng, Mỹ cũng đu dây. Trong bài phát biểu của ông Blinken tại Hà Nội, ông chỉ đề cập chuyện dân chủ, nhân quyền vào đoạn cuối, và dĩ nhiên không đề cập đến ông Thắng. Không rõ trong các buổi gặp mặt kín với các quan chức Việt Nam, họ có đề cập đến ông Thắng hay không.

Thay vào đó, người Mỹ lại đưa một cái ý nhắc khéo Hà Nội khi đề cập đến sách lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Ông Blinken nói rằng, tự do và rộng mở có nghĩa là các quốc gia có quyền chọn đối tác của mình. Ý ông bảo, này ông Trọng (Tổng bí), ông Chính (Thủ tướng), ông Thưởng (Chủ tịch) ơi, Trung Quốc là cái thá gì mà nó cấm các ông chơi với chúng tôi?!

Và để làm mạnh hơn ý này, sau đó người Mỹ nói thêm rằng, nước Mỹ cung cấp thêm cho các ông Việt Nam chiếc tàu tuần duyên thứ ba, chúng tôi sẽ giúp các ông gìn giữ chủ quyền, yên tâm đi!

Dĩ nhiên giới tranh đấu dân chủ ở Việt Nam, mà một tác giả cho rằng rất ít ỏi trong một bài viết trên Tiếng Dân, sẽ không hài lòng. Nhưng ông Blinken có nhắn với họ, ở đoạn cuối bài phát biểu, rằng dân chủ, nhân quyền vẫn tiếp tục được bàn bạc.

No comments:

Post a Comment