Thursday, April 6, 2023

Phần Lan thắng, Putin thua
Ngô Nhân Dụng
06/04/2023
VOA

Cờ Phần Lan được kéo lên tại trụ sở NATO ở Brussels khi nước này trở thành thành viên thứ 31 của liên minh.

Khi tấn công Ukraine năm ngoái, một trong những lý do Vladimir Putin nêu ra là ngăn chặn không cho khối NATO bành trướng. Bây giờ kết quả ngược lại. Putin đã thua lớn trên mặt ngoại giao.

Một người tự cảm thấy mình đang hạnh phúc, nếu được hỏi có muốn thay đổi gì trong đời sống không, thì chắc sẽ nói “không!”

Một dân tộc thì khác. Dân Phần Lan, 5.5 triệu người, thấy họ sống rất hạnh phúc, đứng đầu thế giới suốt 5, 6 năm vừa qua. Nhưng họ lại muốn thay đổi: Nước Phần Lan vừa mới ký hợp đồng làm thành viên thứ 31 của khối NATO, Liên minh Bắc Đại Tây Dương.

Một người đang sống hạnh phúc chắc cũng làm như vậy: Kết thân với bà hàng xóm bên tay mặt vì lo ông hàng xóm bên trái có thể lấn áp, xâm phạm đến nhà mình.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto giải thích rằng chính phủ Nga không cho nước ông được tự do lựa chọn. Họ “muốn tạo ra một vùng trái độn chung quanh nước họ,” nhưng “chúng tôi không phải là một cái vùng,” ông nói khi đến Bruxelles họp kỷ niệm 74 năm ngày thành lập NATO.

Tổng Thư Ký NATO, ông Jens Stoltenberg nói rằng bây giờ “Nga không thể tính toán sai lầm, nghi ngờ quyết tâm của NATO sẵn sàng bảo vệ Phần Lan; điều này giúp Phần Lan yên tâm hơn, mạnh hơn, và tất cả chúng ta bình an hơn.”

Phần Lan gia nhập NATO làm chính phủ Nga nổi giận. Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Grouchko coi đây là một hành động đe dọa trên nước Nga, và cảnh cáo sẽ áp dụng những “biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh quân sự” tại biên giới hai nước.
Trước đây, biên giới này vẫn không yên ổn. Trong lịch sử, dân tộc Phần Lan đã phải đấu tranh giành độc lập giữa hai nước lớn là Thụy Điển và Nga. Khi chế độ Nga hoàng tan rã năm 1917, Phần Lan được độc lập, nhưng phải chấp nhận không bao giờ chống Nga. Trong thời Đại chiến Thứ Hai, quân Nga đã tiến đánh Phần Lan từ tháng 11 năm 1939. Cuộc Chiến tranh Mùa Đông đến tháng Tư năm 1940 chấm dứt vì người Phần Lan kháng chiến dũng cảm. Quân sĩ không nhiều, súng đạn ít hơn, họ mặc đồ mầu trắng, nấp dưới những tấm khăn trải giường trắng, trượt ski hoặc mang giầy có lưới đan đi trên tuyết, đánh du kích khi biến khi hiện, sau hai tháng rưỡi đuổi được quân Nga, ký hòa ước vào tháng Tư 1940, nhưng vẫn phải chấp nhận nhường một phần lãnh thổ. Trong thời Chiến tranh Lạnh, Phần Lan giữ vai trò trung lập giữa hai khối Nga, Mỹ, và tiếp tục chính sách đó sau khi Liên Xô sụp đổ, cho tới năm 2022.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã gửi lời chúc mừng tới Tổng thống Sauli Niinisto. Nga xâm lăng Ukraine khiến các nước trung lập ở Bắc Âu thay đổi chính sách ngoại giao. Các nước láng giềng khác của Nga cũng đều lo có thể bị Vladimir Putin nhòm ngó. Ba nước vùng Baltic, và Ba Lan, Bulgaria, Albania, Cộng Hòa Czech, Rumania đã vào khối NATO rồi.

Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập giữa năm 2022, ba tháng sau khi quân Nga đánh Ukraine. Cả hai nước đều gửi vũ khí giúp Ukraine không khác gì các nước NATO. Phần Lan đã gia nhập Liên hiệp Âu châu từ năm 1995. Một cuộc nghiên cứu dư luận cuối năm 2022 cho biết 78% dân chúng ủng hộ việc vào khối NATO.

Thụy Điển còn phải chờ vì chưa được Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đồng ý. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Thụy Điển đang nhận những chiến binh trong lực lượng PKK được tị nạn. PKK là tổ chức của người Kurds, sống ở Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ muốn lập một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cũng có mặt tại Brusselles dự lễ thâu nhận Phần Lan.

Tổng thống Niinisto tuyên bố nếu Thụy Điển chưa được vào thì việc Phần Lan gia nhập NATO chưa hoàn tất. Ông Stoltenberg hy vọng đến tháng Bảy năm nay, khi NATO họp thượng đỉnh ở Lithuania thì sẽ thâu nhận thêm Thụy Điển. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã được mời tới dự khán.

Sau khi thu nhận Phần Lan, biên giới giữa khối NATO và nước Nga sẽ dài gấp đôi, thêm 1,340 km. Trước đây, chỉ có Estonia và Latvia nằm giáp nước Nga. Biên thùy Na Uy, một nước thuộc NATO, với Nga dài 200 km. Vùng Kaliningrad của Nga nằm giữa Ba Lan và Lithuania, hai nước trong NATO.

Về mặt quân sự, cuốn The World Factbook của cơ quan tình báo Mỹ CIA chỉ kể Phần Lan có 22,000 quân hiện dịch, so với 850,000 quân Nga. Nhưng Phần Lan có thể huy động một lực lượng 280,000 binh sĩ trong chế độ quân dịch được trang bị vũ khí tân tiến, cùng với 900,000 quân trừ bị. Nhưng từ nay NATO được quyền sử dụng các hải cảng, đường biển và không phận Phần Lan nếu cần. Việc bảo vệ các nước đồng minh vùng Baltic và Na Uy, Thụy Điển sẽ dễ dàng hơn.

Ngay bây giờ, việc thâu nhận thêm Phần Lan vào NATO không thay đổi gì về mặt quân sự. Về mặt tâm lý, dân Phần Lan có thể yên tâm rằng nếu bị Nga tấn công, tất cả khối NATO sẽ đem quân đến giúp. Ngược lại, Phần Lan cũng sẵn sàng gửi quân đi chiến đấu ở các nước khác trong khối.

Chính phủ mới ở Phần Lan sẽ quyết định có cho phép quân đội nước ngoài vào trong nước hay không, như Ba Lan, Rumania và các nước Baltic đã chấp nhận. Họ cũng sẽ quyết định có nhận vũ khí nguyên tử hay không. Nhưng ngay bây giờ, được chiếc dù nguyên tử của Mỹ, Anh, Pháp bảo vệ, họ phải chuẩn bị một chiến lược về vũ khí hạch tâm và quan điểm về kiểm soát các vũ khí đó.

Khi tấn công Ukraine năm ngoái, một trong những lý do Vladimir Putin nêu ra là ngăn chặn không cho khối NATO bành trướng. Bây giờ kết quả ngược lại. Putin đã thua lớn trên mặt ngoại giao.

Phát ngôn viên chính phủ Nga Dmitry Peskov tuyên bố rằng việc Phần Lan gia nhập NATO chứng tỏ khối này nhắm bành trướng để bao vây nước Nga. Ông đe dọa Nga sẽ phản ứng thích đáng, tùy theo NATO sẽ đưa tới Phần Lan những thứ vũ khí nào. Ông nhắc lại rằng giữa hai nước hiện không có tranh chấp lãnh thổ, nhưng Nga sẽ có những biện pháp quân sự để trả đũa và đề phòng. Ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO xác nhận sẽ không gửi quân đội tới Phần Lan, trừ khi nước này kêu cứu.

Trong khi đó các tin tặc từ nước Nga đã mở một chiến dịch tấn công tin học ở Phần Lan. Các hệ thống máy điện toán của quốc hội Phần Lan bị tràn ngập đến tê liệt. Bà Sanna Marin, cựu thủ tướng mới thất cử, cũng là một nạn nhân. Một nhóm tin tặc Nga mang tên NoName057 đứng ra nhận họ chủ mưu, vì muốn trừng phạt Phần Lan. Trước đây nhóm này đã từng nhận trách nhiệm đã đánh phá các hệ thống tin học ở Mỹ và các nước khác.

Đó là những hành động phản đối duy nhất mà Nga có thể thi hành. Trên chiến trường Ukraine, quân Nga đang tắc nghẽn không chiếm được thành phố Bakhmut. Trong khi các nước NATO đang gửi thêm xe thiết giáp, đại pháo tới giúp Ukraine chuẩn bị cuộc phản công mùa Xuân; Mỹ đóng góp $2.6 tỷ mỹ kim. Cuộc tổng phản công mùa Xuân của quân Ukraine sắp bắt đầu.

Nhiều người cho rằng chế độ Vladimir Putin sẽ sụp đổ nếu quân Nga thất bại ở Ukraine. Điều đáng lo ngại nhất là biến cố này sẽ gây hỗn loạn không khác gì vụ sụp đổ của Liên bang Xô Viết năm 1991. Phần Lan, khối NATO đều phải chuẩn bị đối phó.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment