Monday, April 24, 2023

Nhà nước và người dân
Thái Hạo
24-4-2023
Tiengdan

[Có rất nhiều người vẫn chưa hiểu nhà nước là gì, và có quan hệ thế nào với người dân. Bài viết này chỉ dành cho đối tượng bạn đọc ấy, nên viết một cách đơn giản và nôm na. Những vị đã biết thì xin bỏ qua để khỏi mất thời gian].

Hãy hình dung: có một nhóm người sinh sống trên một mảnh đất, ngoài cuộc sống riêng thì họ có những việc chung phát sinh, như vệ sinh môi trường, đường sá đi lại, trộm cắp trong làng, kẻ thù bên ngoài, v.v.. Đây là những việc “cha chung” nhưng phải có người “khóc”, không thể bỏ mặc được, vì nó ảnh hưởng tới sự tồn vong của cả cộng đồng.

Thế là tất cả dân làng họp nhau lại, bầu ra một cái ban chuyên lo những việc chung ấy. Ban này được dân làng giao nhiệm vụ soạn thảo ra các quy định tốt nhất và hợp lý nhất buộc tất cả phải tuân thủ, ai vi phạm thì sẽ bị xử phạt, ngay cả các thành viên trong cái Ban ấy cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, trước khi đưa ra áp dụng, thì các quy định này phải được dân làng đồng ý thông qua, nếu chưa thì tiếp tục bàn thảo, cho đến khi nào đa số người dân thấy “ngon lành” rồi thì mới quyết định sử dụng.

Đây chính là một hình dung về nhà nước và sự ra đời của nhà nước (dân chủ).

Như thế, nhà nước thực chất là một bộ máy do dân thiết kế ra. Ở đó, những người điều hành công việc chung là người làm thuê cho dân, được dân trao cho một số quyền nhất định để điều hành công việc và được dân trả công. Ai làm không tốt công việc được thuê khoán ấy thì dân sẽ không thuê nữa và tìm người khác thay vào. Nói bằng ngôn ngữ chữ nghĩa thì mối quan hệ giữa nhà nước và dân là một bản hợp đồng có điều kiện, mà ở đó dân là ông chủ còn thành viên nhà nước là người được dân ký kết hợp đồng lao động.

Rõ ràng, từ bản chất của mối quan hệ này, “cán bộ” không phải là cha mẹ dân, càng không phải là ông chủ của dân, mà phải hiểu ngược lại. Quyền lực là của dân, tiền bạc cũng của dân, bộ máy nhà nước ấy cũng là của dân. Nếu đến một lúc dân thấy cách thiết kế bộ máy điều hành như vậy không còn phù hợp nữa, thì họ sẽ thay đổi, thậm chí bỏ đi và dùng một mô hình khác tốt hơn.

Trên đây là nôm na về nhà nước dân chủ. Quay ngược về quá khứ, đã từng có những mô hình nhà nước không có bản chất mối quan hệ giữa 2 bên như vừa trình bày. Ví dụ, có một cá nhân nào đó tự tập hợp một nhóm người, dùng bạo lực áp đảo cả làng rồi tự lập ra các ban bệ, thiết lập các quy định (pháp luật) và bắt tất cả người dân phải tuân theo mà không ai có quyền đòi hỏi hay thay đổi.

Nhà nước loại này là mô hình quân chủ. Cái ông đứng đầu nhà nước ấy gọi là vua, tức là hiện thân của nhà nước; tất cả quan lại là người giúp việc cho ông ta, chứ không phải giúp việc cho dân. Nó không phải do dân lập ra và dân không có quyền hành gì cả. Nó cai trị dân bằng ý chí cá nhân, “luật là tao, tao là luật”; nếu người dân nào không tuân theo thì nó sẽ dùng lực lượng bạo lực của mình để trấn áp, bỏ tù hoặc giết chết. Lúc này, ngược lại với nhà nước dân chủ, người dân chỉ là người làm thuê, là bề tôi, là nô lệ – gọi chung là thần dân, cho đứng thì được đứng, bắt ngồi thì phải ngồi.

Trong mô hình nhà nước này, nếu gặp được một ông vua tốt bụng và có trí tuệ thì dân được nhờ chút đỉnh, bằng không thì lãnh đủ, cuộc sống tối tăm lầm than không bút mực nào tả xiết.

So sánh để thấy, nhà nước dân chủ tốt hơn, đảm bảo hơn, ổn định hơn và nhân văn hơn hẳn.

Nay, thời kỳ quân chủ đã đi qua, mỗi người dân cần ý thức một cách sâu sắc rằng, mình mới là ông chủ, còn “cán bộ” và “lãnh đạo” chỉ là người làm thuê, được mình trả công và phải thực hiện công việc được giao một cách nghiêm túc. Chớ hiểu rằng, cán bộ là vua quan còn mình chỉ là hạng tôi tớ. Ký hợp đồng, giao việc, và giám sát làm việc; nếu thấy ai trong bộ máy làm không đúng, không tốt thì nhắc nhở, vi phạm nặng thì đuổi đi. Người dân nào luôn luôn sống trong tâm thế và tư thế ấy thì gọi là công dân, còn ngược lại thì là thần dân, là nô lệ.

Nhiều người sẽ phản đối rằng, đây chỉ là lý thuyết, đừng có nằm mơ! Đúng, nhưng nếu không có suy nghĩ, tinh thần và ý thức của cái lý thuyết này trong đời sống cá nhân của mỗi người dân thì cũng sẽ không bao giờ có được thực tế như mong muốn.

Có câu, dân nào thì chính quyền ấy. Muốn có một chính quyền tiến bộ, thì người dân phải tiến bộ trong suy nghĩ trước đã. Có thể quên đi tất cả, nhưng dứt khoát không bao giờ được quên rằng mình là một người công dân.

No comments:

Post a Comment