Saturday, April 8, 2023

Nguyên thủ Pháp thuyết phục chủ tịch Trung Quốc gọi điện cho tổng thống Ukraina
Thu Hằng
Đăng ngày: 07/04/2023 - 11:24Sửa đổi ngày: 07/04/2023 - 11:27
RFI

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) nói chuyện tại Đại lễ đường Nhân dân, ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 06/04/2023. REUTERS - GONZALO FUENTES

Trong ngày thứ ba và cũng là ngày cuối cùng chuyến công du cấp Nhà nước, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến tỉnh Quảng Đông giao lưu với hơn 1.000 sinh viên Đại học Tôn Trung Sơn ngày 07/04/2023, sau đó sẽ ăn tối với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trước đó, tại Bắc Kinh, nguyên thủ Pháp đã kêu gọi chủ tịch Trung Quốc thuyết phục Nga trong hồ sơ Ukraina. Ông Tập có thể sẽ gọi điện cho tổng thống Ukraina Zelensky ''vào thời điểm thích hợp''.

Đặc phái viên RFI Julien Chavanne tường trình từ tỉnh Quảng Đông :

Nếu đúng như vậy thì sẽ là điều chưa từng thấy kể từ đầu cuộc chiến bởi vì cho đến nay, Bắc Kinh vẫn từ chối hồi âm Kiev. Theo điện Elysée, ông Tập Cận Bình cho biết sẵn sàng gọi điện cho tổng thống Ukraina khi ông ấy quyết định.

Thông báo được đưa ra trong hậu trường, chỉ vài giờ sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Pháp và Trung Quốc. Đây là một bước tiến nhỏ nhưng dù sao vẫn là một bước tiến. Và là một thắng lợi nhỏ của ông Emmanuel Macron.

Tại Đại lễ đường Nhân dân, tổng thống Pháp đã kêu gọi chủ tịch Trung Quốc hành động và mong chờ có những bảo đảm về việc Trung Quốc không chuyển giao vũ khí cho Nga. Đứng trước ông Macron, ông Tập Cận Bình tỏ ra muốn trấn an và khẳng định : « Đây không phải là cuộc chiến tranh của tôi ».

Một nhà chính trị gia Pháp tóm tắt một cách lịch sự rằng lay chuyển người khổng lồ Trung Quốc là cả một quá trình dài hơi. Ngoài ra, theo chuyên gia này, người quá quen với các chuyến công du Bắc Kinh, thì lời mời ông Emmanuel Macron đến Quảng Đông thứ Sáu này (07/04) là một tín hiệu tốt. Nếu không ảnh hưởng đến chiến lược của Trung Quốc, Pháp vẫn là một đối tác được lắng nghe. Và đối với ông Emmanuel Macron, đó là điều chính yếu.

Nhật báo Pháp Le Monde cho rằng dù có những cái bắt tay, những bước tiến nhỏ, « con đường hòa bình » mà tổng thống Pháp hy vọng phác ra hiện vẫn lâm ngõ cụt. Còn chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, đi cùng tổng thống Pháp đến Bắc Kinh, cảnh báo Trung Quốc rằng « cung cấp vũ khí cho kẻ xâm lược là đi ngược lại với luật pháp quốc tế và sẽ gây tổn hại đáng kể » cho mối quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu.

Ngày 07/04, điện Kremlin cho biết theo dõi « cuộc trao đổi quan trọng » giữa chủ tịch Trung Quốc với tổng thống Pháp và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc có thể sẽ không để áp lực bên ngoài làm thay đổi lập trường về cuộc xung Ukraina.

Ngoài chủ đề chính là Ukraina, chuyến công du của ông Macron còn nhằm thắt chặt quan hệ với Trung Quốc về nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại, đầu tư, văn hóa, đào tạo đại học. Chiều 07/04, nguyên thủ Pháp phát biểu trước hơn 1.000 sinh viên Đại học Tôn Trung Sơn (Sun Yat-sen) và trả lời một số câu hỏi. Là một trong những trường nổi tiếng ở Trung Quốc, Đại học Tôn Trung Sơn là đối tác của 24 trường tại Pháp và tham gia hệ thống các trường đào tạo kĩ sư trong khuôn khổ Viện Năng lượng nguyên tử Pháp-Trung.

Theo AFP, sau cuộc gặp với sinh viên, ông Macron ăn tối với ông Tập Cận Bình, sau đó sẽ lập lượt gặp hai nhà đầu tư lớn của Trung Quốc là ông Đường Kiêu Hùng (Tang Jiexiong), chủ tịch tập đoàn Wencan chuyên cung cấp linh kiện cho ngành công nghiệp xe hơi, và ông Giang Long (Jiang Long), tổng giám đốc của XTC New Energy Materials chuyên về sản xuất vật liệu cho pin lithium.

No comments:

Post a Comment