Nguyễn Đăng Mạnh - Chân dung Dương Thu Hươnglundi 24 avril 2023
Thuymy
Tôi nhớ trong một cuộc họp rất đông văn nghệ sĩ nghe Hoàng Tùng nói chuyện, ở câu lạc bộ báo chí xế xế Nhà hát lớn. Có lẽ nghe chán quá, nhiều người bỏ xuống tầng trệt giải khát. Giữa chỗ đông người, Dương Thu Hương nói lớn: “Trừ anh Hoàng Ngọc Hiến là thày tôi, anh Nguyễn Đăng Mạnh là người tôi kính trọng, còn tất cả bọn phê bình đều là giòi bọ. Riêng Phan Cự Đệ là con chó ngao”.
Hồi tôi còn ở nhà B10, khu tập thể Đồng Xa, chị có đến vài lần. Một lần chị đến với đạo diễn điện ảnh Tiến. Tôi đi vắng. Khi về, thấy có một mảnh giấy gài ở cửa, ghi mấy chữ: “Em đến anh cùng với Tiến để trao đổi về tác phẩm của nhà văn trâu bò của chúng ta (tức cuốn Người đàn bà trên chuyến tầu tốc hành của Nguyễn Minh Châu, chị muốn chuyển thành kịch bản phim). Rất tiếc, anh đi vắng. Ngày mai em lại đến. Nếu anh không có nhà thì cái trường Đại học Sư phạm của anh sẽ bị đốt”.
Hồi chị viết Bên kia bờ ảo vọng, ban đầu đưa đến nhà xuất bản Lao động. Lúc ấy Ma Văn Kháng làm giám đốc. Kháng ngại không in, có lẽ vì sợ đụng đến Nguyễn Đình Thi. Chị đưa cho nhà xuất bản Phụ nữ và được chấp nhận. Trên đường đi về, tình cờ chị gặp Ma Văn Kháng và một anh nữa cũng ở Nhà xuất bản Lao động. Họ đi xe đạp ngược chiều nhau. Dương Thu Hương gọi hai anh kia đỗ xe lại và nói dõng dạc: “Này hai thằng mặt dày, sách của tao in rồi!”.
Trong một cuộc hội thảo khoa học kỷ niệm 35 năm văn học cách mạng (1980), Dương Thu Hương lên diễn đàn, chị phát biểu “Đôi điều suy nghĩ về nhân cách của người trí thức”, phê phán nhiều văn nghệ sĩ tư cách rất hèn. Chị cũng phàn nàn về đời sống nhà văn. Chị nói: “Viết một tác phẩm rất khó nhọc mà nhuận bút thấp. Nếu tôi không say mê văn chương thì tôi đi làm thợ may hay bán bánh rán còn sống tốt hơn. Cả hội nghị đói, anh nào cũng mặt xanh nanh vàng cả. Ta có quá nhiều nhà thơ và anh hùng mà thiếu người làm kinh tế…”
Lại nhớ một lần tôi cùng Dương Thu Hương, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Văn Hạnh được trường Đại học Sư phạm Việt Bắc mời nói chuyện. Hôm Dương Thu Hương đăng đàn diễn thuyết, tôi có đến nghe. Chị vừa nói vừa đi đi lại lại rất hiên ngang. Tôi nhớ loáng thoáng, mở đầu chị phê phán Hồ Chí Minh: “Năm điều bác Hồ dạy, không nói yêu cha mẹ nên bây giờ trẻ con hư hỏng hết.”
Lúc đó có một anh cán bộ giảng dạy đứng lên hỏi, đại khái, có phải tác phẩm nào đấy của chị là kết quả của chuyến đi thực tế ở đâu đó không? Chị mắng luôn anh cán bộ nọ: “Lẽ ra tôi không thèm trả lời. Việc gì tôi phải đi thực tế! Chỉ có bọn cán bộ lãnh đạo quan liêu mới phải đi thực tế chứ! Chính tôi là thực tế, còn phải đi đâu?”
Có một lần tôi đến Dương Thu Hương lúc chị còn ở Ngô Thì Nhậm. Chị nói, ông Đỗ Mười có sai một anh thư ký đến mời chị đến gặp. Chị trả lời : “Ông Đỗ Mười hay Đỗ mười một muốn gặp tôi thì đến đây mà gặp”. Tôi và Dương Thu Hương có một cuộc rong chơi có thể gọi là một cuộc “bát phố” Hà Nội rất thú vị. Từ Ngô Thì Nhậm, chị rủ tôi đi bộ. (Dương Thu Hương rất cảnh giác, không đi xe đạp, không đi xe máy, sợ bị thủ tiêu). Chúng tôi cứ đi lang thang từ phố này sang phố khác. Thỉnh thoảng chị lại chỉ nhà này nhà nọ, hỏi tôi: “Anh có biết nhà ai đây không?”. Tôi không biết. Chị nói: “Cớm đấy!” Theo chị, Trần Quốc Vượng, Phạm Hoàng Gia cũng là cớm.
Đi mãi, mỏi chân, chúng tôi vào ăn ở một cái quán ven đường Trần Quốc Toản chỗ giáp Trần Bình Trọng. Ăn xong, tôi rủ Dương Thu Hương đến nhà Văn Tâm chơi. Văn Tâm ở Phan Bội Châu, gần đấy. Hương nói: “Văn Tâm là thằng khốn nạn, không đến!”. Tôi ngạc nhiên nói, Văn Tâm không phải thế đâu, cũng là người tử tế. Chị nói: “Thôi được, đã là bạn của anh thì đến cũng được”. Văn Tâm hôm ấy hơi mệt, vào thấy đang nằm trên giường. Vợ chồng Văn Tâm thấy Dương Thu Hương đến thì cảm động lắm, vội vàng tiếp đón niềm nở.
Nhìn thấy bức tranh Lưu Công Nhân vẽ Văn Tâm treo trên tường, tôi nói: “Tranh của Lưu Công Nhân”. Dương Thu Hương nói “Lưu Công Nhân là thằng khốn nạn!”. Từ Đà Lạt, nó dám viết thư gọi: “Em vào đây với anh – Thằng khốn nạn!” Chị Cam, vợ Văn Tâm nói: “Chị uống ca cao nhé!” Dương Thu Hương: “Không, uống cà phê”.
Chị Cam: “Cà phê chúng tôi cũng có nhưng để bị hả mất rồi!”
Dương Thu Hương: “Thì ra ngoài phố uống!”.
Vợ chồng Văn Tâm phải nài khéo chị mới ở lại.
Bỗng Dương Thu Hương chỉ mặt Văn Tâm nói: “Anh là thằng khốn nạn!” Văn Tâm ớ người, không hiểu sao. Dương Thu Hương giải thích: “Anh làm thầy dùi phá đám cuộc tình của Cao Xuân Hạo và Phương Quỳnh phải không?’’ (Lúc này Dương Thu Hương còn chơi thân với Phương Quỳnh).
Văn Tâm phân trần: “Anh không hề can thiệp gì đến cuộc tình ấy. Thậm chí anh còn cho đấy là mối tình đầu tiên thật sự là tình yêu của Cao Xuân Hạo. Chẳng qua là vợ Hạo trong Nam dọa sẽ thuê bọn voi xanh voi đỏ ra phá tan nhà Phương Quỳnh, vì thế họ phải chia tay”. Dương Thu Hương không nói gì nữa.
Đấy khẩu khí của Dương Thu Hương là như vậy. Thế mà khi đến nhà tôi, vợ tôi thấy chị có vẻ rất hiền. Cười rất tươi. Tính cách Dương Thu Hương như vậy, nên viết văn cũng dữ dội lắm.
Hồi ấy tôi viết bài Những phiên tòa của Dương Thu Hương (1986) là muốn diễn tả cái chất văn quyết liệt ấy. Chất văn này mà được phát huy trong thể văn bút chiến, tranh luận thì phải biết! Sau này quả là chị đã trở thành ngòi bút chính luận rất sắc sảo. Sắc sảo hơn văn tiểu thuyết. Chính Dương Thu Hương cũng không đánh giá cao văn tiểu thuyết của mình. Có lần chị nói với tôi: “Văn của em là văn cải lương, anh đọc làm gì!”. Dương Thu Hương rất có ý thức viết văn không vì mục đích văn chương mà vì mục đích chính trị, mục đích chiến đấu cho lợi ích dân tộc, cho chân lý – chị tuyên bố như thế.
Hồi Dương Thu Hương mới ở tù ra, tôi tình cờ gặp ở quán cà phê vỉa hè chỗ 51 Trần Hưng Đạo. Không hiểu sao chị lại ngồi với một nữ trung úy công an rất xinh xắn (Dương Thu Hương là nữ mà lại mê những cô gái đẹp). Đối với những người có liên quan đến chị mà phải làm việc với công an khi chị bị tù, chị nghi ngờ tuốt và khinh tuốt, như Đỗ Đức Hiểu (từng dạy chị tiếng Pháp), Nguyễn Huy Thiệp, cả Nguyên Ngọc và người bạn gái xinh đẹp và thân thiết của chị là Phương Quỳnh. Chị hỏi tôi: “Này, có phải Nguyễn Huy Thiệp sợ vãi đái ra phải không?”.
Dương Thu Hương thích nói năng kiểu dân dã, kể cả nói tục. Thích giọng đời. Không thích giọng văn chương. Coi nhiệm vụ công dân lúc này là cao hơn nhiệm vụ làm văn.
Nhân chuyện Hoàng Ngọc Hiến nghe Đỗ Chu nói dối đi hội chen về mà tưởng thật, và chuyện anh dại dột tham gia vào một đảng nào đấy, Dương Thu Hương gọi Hiến là đồ ngốc, “nếu là đàn bà thì chửa hoang hàng tỉ lần”.
Ở Dương Thu Hương, dường như nói bạo, nói thô, nói tục là để át đi một cái gì có thực trong lòng là những tình cảm đằm thắm, là sự nhạy cảm về lý tưởng, do đó tự thấy là yếu đuối. Con người dữ mà thực ra lành. Đốp chát đấy mà hay nể người. Rất cảnh giác mà lại cả tin. Dễ bị lừa. Thách thức kẻ thù, hiên ngang đối mặt với kẻ thù, sẵn sàng cô độc giữa bầy sói, nhưng lại cần tình bạn.
Ôi! Tình bạn vô tư, chân thật sao mà hiếm có trên đời, nhất là đối với một cô gái xinh xắn trên đất Việt Nam này! Cho nên viết văn là nhu cầu tất yếu, là lẽ sống, để có thể có người tri kỷ mà không có tình dục xen vào. Văn chương là người bạn vô tư. Dương Thu Hương hay viết về tình yêu – đúng ra là những vụ án tình. Nhưng trong truyện của chị, xem ra không hề có tình yêu tốt đẹp, được ngợi ca như là hạnh phúc đời người. Tình yêu trong tác phẩm Dương Thu Hương, hoặc chỉ là tình yêu ảo vọng của những cô gái ngây thơ và lãng mạn, hoặc chỉ là thứ “tình chài gái, lừa gái” của những gã Sở Khanh hiện đại.
Dương Thu Hương tuyên bố thoải mái: “Tôi là con đàn bà lại đực (Còn Nguyễn Khải là thằng đàn ông lại cái)”. Chị thích chơi với bạn trai nhưng rất ghét những thằng cứ muốn chuyển sang tình yêu nam nữ, như Lê Đạt, Trần Đĩnh… Khi nhận thấy có biểu hiện như thế, lập tức chị đuổi luôn. Dương Thu Hương cũng không thích phiền lụy đến những gia đình mà do chồng có quan hệ với chị mà vợ chồng lủng củng.
Có lần Dương Thu Hương rủ Nguyễn Duy Tiến (một tiến sĩ toán có giúp đỡ gì đó đối với con hay cháu của chị) đi nhậu cho vui. Nhưng khi biết vợ Tiến có ý nghi ngờ, ghen tuông, chị cắt luôn, không chơi với nữa. Riêng tôi và Hoàng Ngọc Hiến vẫn được chị coi là bạn vô tư. Với chúng tôi, chị có thể nói như nam giới với nhau về thói dâm ô của người này người khác, như chuyện Hoàng Tùng nửa trên, nửa dưới như thế nào đó…
Một người có vẻ sắc sảo và luôn cảnh giác như thế mà đã nhiều phen bị lừa… Chẳng hạn chuyên làm nhà làm cửa gì đấy với Lam Luyến, hay chuyện mua phải thuốc bổ rởm (làm bằng thuốc tăng trọng lợn) bị phù và lở loét khắp người. Tóm lại Dương Thu Hương có vẻ giầu nam tính – tính cách mạnh, ăn nói ngổ ngáo – nhưng thực chất vẫn là một phụ nữ giầu tình cảm và luôn có mặc cảm của một cô gái trong xã hội Việt Nam với những thành kiến, những định kiến về người phụ nữ. Ăn nói tạo tợn dữ dội, bốp chát, ngang tàng, đúng là một cách để che dấu sự mềm yếu của nữ tính và để đối phó với những định kiến xã hội nói trên. Cho nên chị mới phải “tự thiến” (Uống thuốc diệt dục). Có ba điều dễ mắc phải và dễ bị lợi dụng, bị vu khống là danh, lợi, tình dục. Danh lợi chị không thèm. Nhưng tình dục thì phải “tự thiến”.
Dương Thu Hương đã từng có lúc tưởng chỉ còn vất vào nhà xác (uống nhầm aspirine bị chảy máu dạ dầy). Hai lần uống thuốc tự tử. Lấy phải thằng chồng vũ phu, bị nó đánh có thương tích (Nguyễn Văn Hạnh nói, có lần Dương Thu Hương dùng mưu trả thù: lừa chồng chui đầu vào gầm giường nhặt hộ cái gì đó, rồi lấy gậy quật thật lực).
Dương Thu Hương không giấu tôi chuyện gì. Hỏi gì cũng nói: Hương sinh ở Thái Bình (quê nội) được một năm thì nhà chuyển đi Bắc Giang, chỗ giáp Bắc Ninh (Việt Yên). Nhà bị bom, chuyển vào thị xã Bắc Ninh cho đến hết kháng chiến chống Pháp. Học trường Hàn Thuyên cho đến 1964. Sau đó học trường lý luận nghiệp vụ Bộ Văn hóa. Từng cắn máu tay viết đơn xin đi tuyến lửa Quảng Bình (1966- 1975).
Chín năm ở tuyến lửa. Khi chiến thắng thì vỡ mộng: lý tưởng vấp phải thực tế đầy tiêu cực, bị phá sản. Những thần tượng bị sụp đổ. Tự coi như bị lừa dối, chị từ bỏ thơ, xoay ra viết văn xuôi để lên án những kẻ đã làm vấy bùn lên lá cờ lý tưởng của mình. Từ nay, tất cả đều phải cảnh giác, chỉ tin ở mình thôi. Chấp nhận sống cô độc, chấp nhận sống giữa kẻ thù để chiến đấu.
Nhưng thật ra có tin ở một cái gì mới hăng hái chửi bới, phủ định như thế chứ! Chín năm ấy dẫn đến sự vỡ mộng, nhưng cũng là chín năm rèn luyện một niềm tin ở mình và cuộc sống.
Dương Thu Hương kể chuyện với tôi, chị lấy phải một thằng chồng thô bỉ mà mãi không bỏ được. Ông bố là một sĩ quan quân đội rất phong kiến, không cho bỏ chồng. Ông bắt con phải kiểm điểm chỉnh huấn theo kiểu Tầu, học được ở Quế Lâm. Con gái lớn mà bắt đứng úp mặt vào tường. Ly dị chồng rồi vẫn thế (Dương Thu Hương thế mà lại là đứa con ngoan, rất sợ bố). Mãi sau ông cụ mới hiểu ra. Sáng sớm hôm ấy, ngồi đầu giường con đang ngủ, hút thuốc lào, nhìn con, thương con, ông hối hận. Giờ ông mới hiểu, do biết thằng rể thực chất là một thằng đểu. Mười bốn năm sống với nó, còn gì là đời con gái!.
Có lần Nguyễn Tuân mời Dương Thu Hương đến chơi. Chị từ chối, vì thấy ông ấy kiêu ngạo quá. Nguyễn Tuân nhắc lại. Chị nói: “Cháu chè, thuốc, rượu, chả biết”. Vậy là Dương Thu Hương không thích quan hệ trên dưới kiểu gia trưởng. Con người này sinh ra thích bình đẳng, có máu dân chủ.
Dương Thu Hương đặc biệt căm ghét bọn trí thức hèn nhát, trí thức quý tộc đi Volga mà hèn. Căm ghét khái niệm “đi thực tế”. Bọn quan lại: đi ôtô, xa thực tế mới cần đi thực tế. Còn nhà văn là phải sống với thực tế cả đời chứ! Đâu còn loại nhà văn tháp ngà!
Sau khi đi tù về, Dương Thu Hương ở một căn hộ thuộc một chung cư ở Trung Tự (A8, B17). Sống một mình. Hai con có chồng có vợ, trưởng thành cả rồi. Chị hay mời tôi với Hoàng Ngọc Hiến (gần đây thêm Nguyễn Thị Bình) đi ăn, khi ở nhà hàng Phú Gia, khi ở nhà hàng Vân Nam, thường vào dịp đầu xuân hay sau một chuyến đi nước ngoài về. Chị không muốn có quan hệ với bạn mới, sợ liên luỵ đến người ta.
Gần đây, Dương Thu Hương luôn tự nhận mình là giặc, và là một người đàn bà nhà quê, răng đen, mắt toét, mặc váy. Chị nói, dân tộc Việt Nam thực ra là một dân tộc nông dân. Chị thích văng tục vì đấy là ngôn ngữ nông dân. Phải nói bằng ngôn ngữ nông dân mới diễn đạt được đích đáng mọi sự thật.
Nhưng Dương Thu Hương là người rất công bằng. Có lần chị được mời sang Pháp. Một đám Việt kiều ở một tỉnh nào đó mời đến nói chuyện. Bọn này muốn chị mạt sát Hồ Chí Minh. Nhưng chị vẫn đánh giá Hồ Chí Minh, dù sao cũng là một nhân vật vĩ đại. Thế là chúng tức tối, có thằng đến khách sạn doạ đánh chị. Dân Việt Nam là thế, hay bè phái. Mà bè phái thì bất chấp chân lý, bất chấp lẽ phải.
Hồi ấy nhiều người cứ tưởng Dương Thu Hương ở lại Pháp không về. Thực ra đúng thời hạn, chị về ngay.
Gần đây, chị lại sang Pháp. Lần này chị chủ trương ở lại. Ở trong nước, bị quấy nhiễu quá, không làm việc được. Có hồi người ta cắt cả điện thoại của chị. Viết truyện, Dương Thu Hương thường hay luận về vấn đề hạnh phúc của những cô gái trẻ. Những cô gái hợm hĩnh và lãng mạn, chẳng hiểu tình yêu và hạnh phúc là gì, cứ chạy theo những tình yêu mơ mộng và huyền hoặc, để cuối cùng đánh rơi mất tình yêu và hạnh phúc thực của mình.
Dương Thu Hương từng luận về hạnh phúc như một người đầy trải nghiệm: nó như quân xúc xắc trong trò chơi. Cần thì không đến. Không cần lại đến. Nhưng nó đến mà đánh rơi nó, đánh mất nó như chơi. Hạnh phúc phải do chính mình quyết định. Là ý thức, là hiểu biết, nhưng nó cũng là sự hồn nhiên, chân thực, thật thà, trước hết với mình. Đừng có dại nghe ai xúc xiểm – vì hạnh phúc chỉ có cá nhân mình mới hiểu được.
Không rõ Dương Thu Hương tự thấy đời mình thế nào, còn theo tôi, chị chưa bao giờ có hạnh phúc. Đời người đàn bà như thế là khổ lắm.
Tôi thật sự khâm phục Dương Thu Hương. Cảm phục sự dũng cảm của chị – sự dũng cảm đã phải trả giá rất đắt: một người yêu đời, rất cần tình bạn và sự cảm thông, mà phải sống cô độc, một mình chống chọi với cả một Nhà nước.
Tôi cũng thật sự thương Dương Thu Hương, một người đàn bà như thế là khổ lắm. Hiện nay Dương Thu Hương đang ở Pháp.
Nghe nói tiểu thuyết Chốn vắng của chị được dịch và Những thiên đường mù sắp được chuyển thành kịch bản phim.
Xin chúc mừng chị.
NGUYỄN ĐĂNG MẠNH
Láng Hạ 01.5.2007
(Theo Phần Năm, Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)
No comments:
Post a Comment