Thursday, April 6, 2023

'Mặt xanh, mặt đỏ' của châu Âu sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình
Tác giả,Tessa Wong
Asia Digital Reporter, BBC News
06.04.2023
BBC

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Bà von der Leyen và ông Macron đã gặp nhau vào đầu tuần này tại Paris để chuẩn bị cho chuyến công du đến Trung Quốc

Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen, gặp ông Tập Cận Bình, dự kiến hai nhà lãnh đạo sẽ cùng phát đi một thông điệp về sự đoàn kết, trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách lợi dụng sự rạn nứt tiềm tàng giữa các quốc gia đồng minh châu Âu.

Tổng thống Pháp và người đứng đầu Ủy ban châu Âu đã bay đến Bắc Kinh vào thứ Tư 05/04 và sẽ được Chủ tịch Trung Quốc đón tiếp vào hôm nay 06/04.

Chuyến đi chung của họ là nỗ lực mới nhất đáng chú ý từ các nhà lãnh đạo châu Âu trong việc cùng tham gia với Trung Quốc, trước đó Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez đã đến Bắc Kinh trong những tháng gần đây.

Giống như hai nhà lãnh đạo Đức và Tây Ban Nha, ông Macron và bà von der Leyen sẽ hối thúc ông Tập tiến hành thêm các bước tiếp theo để chấm dứt cuộc chiến tranh Ukraine, đồng thời cải thiện mối quan hệ thương mại đang ngày càng xấu đi giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của liên minh này.

Giới quan sát châu Âu cũng cho rằng hai nhà lãnh đạo sẽ luân phiên cùng giải quyết vấn đề với phía Trung Quốc.

Với các nỗ lực lôi kéo sự chú ý của ông Vladimir Putin, Tổng thống Pháp có thể sẽ đóng vai 'mặt xanh'. Người phát ngôn Điện Élysée nói với các phóng viên là ông Macron thấy có "các điểm đồng nhất với các đề xuất từ phía Trung Quốc" về việc chấm dứt cuộc chiến tranh.

Trong khi đó, một số người gọi bà von der Leyen là "mặt đỏ từ Brussels", đề cập đến mối quan hệ vững chắc của bà với Tổng thống Mỹ Joe Biden và những tuyên bố ủng hộ lập trường của Nato.

Vài ngày trước khi đến Bắc Kinh, bà von der Leyen đã có bài phát biểu với ngôn từ mạnh mẽ chỉ trích ông Tập trong việc duy trì tình hữu nghị với ông Putin. Liên quan đến bản kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm của Trung Quốc, bà nhấn mạnh bất kỳ kế hoạch nào nhằm củng cố việc sáp nhập của Nga "đơn giản là không khả thi".

Bà von der Leyen cũng thúc đẩy một khái niệm "giảm rủi ro", một phiên bản ôn hòa hơn về ý tưởng của Mỹ trong việc tách khỏi Trung Quốc, theo đó châu Âu sẽ phải có tiếng nói cứng rắn hơn về ngoại giao, đa dạng hóa nguồn lực thương mại và bảo vệ nền thương mại và công nghiệp của mình.

Cùng nhau, hai nhà lãnh đạo đại diện cho "hai lối suy nghĩ khá khác nhau của châu Âu về Trung Quốc", Tiến sĩ Andrew Small, nhà nghiên cứu cấp cao từ German Marshall Fund cho biết.

"Một bên là về Trung Quốc tăng cường ủng hộ Putin trong cuộc chiến, đặc biệt về vấn đề viện trợ vũ khí sát thương. Họ cũng muốn nói ở một mức tối thiểu, điều đó sẽ gây tổn hại đến toàn bộ mối quan hệ với châu Âu."

Nhưng với việc ông Macron đến cùng một phái đoàn đông đảo gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, "mối quan hệ kinh tế và thương mại vẫn tiếp tục ngay cả trong bối cảnh này... thông điệp là châu Âu và Pháp sẽ vẫn muốn hợp tác kinh doanh".

Quan trọng là bà von der Leyen đến Trung Quốc là theo lời mời của ông Macron.

Điều này sẽ tái đảm bảo là họ sẽ giữ vững lập trường, Tiến sĩ Smalll nói, không chỉ các quốc gia thành viên EU ngờ vực về cách tiếp cận của ông Macron đối với Nga và Trung Quốc, mà người Mỹ cũng sẽ dõi theo chặt chẽ.

Mỹ chưa gặp lãnh đạo Trung Quốc kể từ sau chuyến đi của Ngoại trưởng Antony Blinken đến Bắc Kinh vốn rất được mong chờ, nhưng rồi bị hoãn, liên quan đến vụ căng thẳng khinh khí cầu gián điệp. Chuyến đi lần này có thể là chuyến đi gần nhất mà người Mỹ có thể 'facetime' với ông Tập vào lúc này, và ngay trước khi rời Pháp, ông Macron đã trao đổi với ông Joe Biden, và thảo luận về các kế hoạch lôi kéo sự tham gia của Trung Quốc.

Sự thể hiện tình đoàn kết của ông Macron và bà von der Leyen cũng là một nỗ lực nhằm dập tan bất kỳ hy vọng nào của Trung Quốc nhằm lợi dụng sự khác biệt ngay trong lòng châu Âu. Một số nhà quan sát tin rằng đây là một mục tiêu của Bắc Kinh khi họ cố gắng chiêu dụ các phần khác của châu Âu rời khỏi quỹ đạo của Mỹ.

Thế nhưng với các quốc gia thành viên vẫn còn duy trì mối quan hệ gần gũi với những cấp độ khác nhau đối với Trung Quốc, EU chưa nghĩ ra một sự đồng thuận rõ ràng về cách đối phó với Bắc Kinh. Một số nước như Pháp và Đức thì muốn duy trì các mối quan hệ thương mại, trong khi số khác, đặc biệt các quốc gia từng thuộc Liên Xô, vốn lo lắng Nga sẽ tiếp tục muốn mở rộng bờ cõi sau Ukraine, sẽ muốn cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Các nhà quan sát cũng cảnh báo nguy cơ là Trung Quốc có thể được khuyến khích sử dụng mối quan hệ với Nga như đòn bẩy nhằm vào châu Âu.

Thay vì chỉ tuân theo sự lãnh đạo của Mỹ và Nato, châu Âu phải rõ ràng vạch ra lằn ranh đỏ của mình và đề ra những hậu quả khi Trung Quốc vượt qua lằn ranh này, Janka Oertel, Giám đốc chương trình châu Á, tại European Council on Foreign Relations nói.

"Người Trung Quốc cần phải hiểu rủi ro là gì. Đây là cơ hội để người châu Âu nói rằng, 'Đây là vấn đề của quý vị, quý vị có thể tránh như hồi năm 2014 [trong thời gian Nga sáp nhập Crimea], nhưng quý vị đã chọn không làm điều này - vì vậy quý vị giờ thế này'," Tiến sĩ Oertel nhận định.


NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Ông Macron lần cuối cùng đến Bắc Kinh gặp ông Tập là vào năm 2019, trước khi đại dịch Covid bùng phát

Thế thì Trung Quốc sẽ có thể phản ứng thế nào?

Bà von der Leyen sẽ được tiếp đón với sự đề phòng. Bài phát biểu của bà hồi tuần rồi đã khiến người Trung Quốc phật lòng, khiến Đại sứ Trung Quốc tại EU, ông Phó Thông phản pháo nhanh chóng, tuyên bố bài phát biểu đó bao gồm "rất nhiều sự xuyên tạc và diễn dịch sai lầm" và "cố tình bóp méo những lập trường của Trung Quốc".

Trung Quốc sẽ không mấy hào hứng với khái niệm "giảm nguy cơ" của bà, nhưng có thể không có lựa chọn nào ngoài việc chấp nhận, các chuyên gia cho biết. Trong bất kỳ trường hợp nào, Trung Quốc có thể khó khăn trong chuyện phản đối khi chính đang nỗ lực để trở nên tự lực hơn về mặt kinh tế, khi ông Tập ca ngợi chiến lược "lưu thông kép" của mình.

"Người Trung Quốc cũng không muốn bị mắc kẹt trong một tình huống mà họ quá phụ thuộc vào Mỹ hoặc Nga," Reuben Wong, phó giáo sư khoa học chính trị, chuyên về quan hệ Á-Âu tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết.

Bị tác động thêm từ cuộc chiến tranh Ukraine, sự đoàn kết ngày càng tăng giữa các đồng minh Phương Tây - được củng cố thêm qua việc Phần Lan gia nhập Nato vào ngày thứ Ba 04/04 - cho thấy "diễn biến nghiêm trọng về quan hệ ngoại giao" đối với Trung Quốc, cho thấy "rất ít chỗ trống để họ giữ một lập trường không thể xoay chuyển", ông Vũ Cường, một cố vấn chính trị độc lập từ Bắc Kinh nhận định.

Ông Vũ lưu ý rằng lộ trình duy nhất mà Bắc Kinh có thể thực hiện là hợp tác hơn trong việc tìm ra giải pháp, như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt thương mại. Bước đi gần đây của Trung Quốc nhằm cấm hàng nhập khẩu vào Lithuania, liên quan đến việc nước này quyết định cho phép Đài Loan mở một đại sứ quán không chính thức tại đây, đã khiến châu Âu không mấy vui vẻ, và châu Âu đáp trả bằng những công cụ của riêng họ nhằm ngăn chặn điều mà họ xem là sự cưỡng ép kinh tế.

Nhưng điểm mấu chốt nhất sẽ là cuộc chiến Ukraine.


NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Ngày 21/03, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố kế hoạch hòa bình của Trung Quốc cho Ukraine có thể được dùng làm căn cứ để chấm dứt chiến tranh

Quan tâm đến việc đánh bóng uy tín của mình với tư cách là một người dàn xếp các cuộc đối thoại, ông Macron ủng hộ hội đàm với những nhân vật chính trong cuộc đàm phán. Sự thiếu minh bạch của giới lãnh đạo Trung Quốc đồng nghĩa có ít bằng chứng cho thấy ông Tập có thể bị ảnh hưởng từ cách tiếp cận như vậy.

Ông Macron cũng bắt đầu chiến dịch Trung Quốc của mình ngay sau chuyến đi của ông Tập đến Nga, khi đó Bắc Kinh và Moscow ít nhất đã công khai rõ ràng với phần còn lại của thế giới là "tình hữu nghị không có giới hạn" của họ vẫn thật sự không bị ảnh hưởng.

Điều này có thể đồng nghĩa chuyến đi của ông Macron đến Trung Quốc "có thể kết thúc như chuyến đi của ông ấy đến Nga và những cuộc hội đàm với Putin phần lớn cho thấy vô dụng", ông Vũ nhận định.

"Trong tháng qua, chúng ta đã thấy một cơn gió ngoại giao lớn từ phía Trung Quốc, cho thấy sự trở lại chính trường thế giới của Bắc Kinh. Theo trường hợp này, Trung Quốc tự tin khẳng định lập trường của mình, vì vậy sẽ không dễ dàng dao động."

Nhưng những người khác cho rằng điều này chính xác bởi vì Trung Quốc có thể quan tâm phối hợp với Macron nhằm chấm dứt cuộc chiến mà Nga đã phát động - tận dụng cơ hội để cho thế giới thấy quốc gia này có thể làm điều mà người Mỹ cho đến nay đã không thể làm được.

Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã tự quảng cáo mình là một nhà trung gian hòa bình thay thế, đưa ra những tài liệu về khái niệm và khiến thế giới ngạc nhiên khi nhúng tay vào một thỏa thuận khôi phục ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran.

"Khi cuộc chiến Ukraine cuối cùng kết thúc, Trung Quốc sẽ muốn ngồi ở bàn đàm phán... lần này với vai trò là một nhà kiến tạo hòa bình. Vì vậy điều này sẽ thật sự củng cố thành tích của họ trong nền ngoại giao quốc tế," Tiến sĩ Wong cho biết.

Trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine tiếp tục tác động lên nền kinh tế toàn cầu, sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục bị thu hẹp, "cũng chỉ vì lợi ích của Bắc Kinh khi họ bắt đầu điều chỉnh chút ít thông điệp của họ đối với người Nga", ông nói thêm.

Không nghi ngờ gì nữa đây sẽ là một mục tiêu quan trọng nhất trong tâm trí của ông Macron và bà von der Leyen, khi họ cùng bước trên chiếc thảm đỏ được Bắc Kinh trải ra để tiếp đón.


Tin liên quan




No comments:

Post a Comment