Chỉ thị mới của Thủ tướng chống nạn quan chức né tránh, đùn đẩy công vụ là “cần thiết, nhưng hơi muộn”
Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.04.20
RFA
AFP
Tin từ truyền thông chính thống Nhà nước Việt Nam vào ngày 20/04/2023 cho hay, Thủ tướng Việt Nam ông Phạm Minh Chính có công điện về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.
Công điện số 280 được nhiều báo của Nhà nước dẫn nội dung chính ra chỉ thị thay thế, điều chuyển cán bộ không dám làm, thiếu trách nhiệm, trong đó có tinh thần yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao.
Hôm 20/04, từ Hà Nội, một cựu quan chức, từng là Vụ trưởng của một Ủy ban trực thuộc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thời kỳ trước đây, ông Trần Tiến Đức, bình luận về động thái này của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, ông Đức nói:
“Tôi xin nói thẳng rằng công điện này là việc làm cần thiết, kịp thời, tuy nhiên với tôi vẫn là hơi muộn. Thực ra, quan sát tình hình thực hiện công vụ của một số cơ quan, một số công chức, quan chức Nhà nước Việt Nam trong thời gian vừa qua, có thể thấy rằng đúng là có một sự trì trệ.
Chỉ lấy một thí dụ rất đơn giản là ở bệnh viện, ở các bệnh viện tại Việt Nam, chúng ta thấy rằng trong một thời gian dài có vấn đề thiếu thuốc, thiếu những phụ tùng cho trang, thiết bị. Cho nên bệnh nhân phải chờ, bệnh nhân không có thuốc và thậm chí bệnh nhân phải ra ngoài.”
Đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm giải trình
Đi tìm lý giải cho vấn đề được đưa ra như một thí dụ điển hình này, ông Trần Tiến Đức, người cũng được biết đến là một nhà báo, nhà quan sát thời sự Việt Nam, nói:
“Tôi nghĩ rằng những công chức mà có trách nhiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của nhân dân, từ cấp cao nhất là cấp Bộ trưởng, cho đến các giám đốc bệnh viện, tới những người là trưởng khoa, những người phụ trách vấn đề vật tư, hậu cần, đều phải chịu trách nhiệm.
Nhưng vấn đề tại sao? Có nguyên nhân sâu xa nhất, tôi vẫn nghĩ đó là vấn đề tuyển chọn cán bộ, công chức, bởi vì khi chúng ta (Việt Nam) tuyển chọn được những người có năng lực, đạo đức, mà đạo đức ở đây không phải là đạo đức bình thường mà là đạo đức nghề nghiệp, thì chắc chắn người ta sẽ thấy rằng bản thân phải làm gì, phải làm như thế nào.”
Theo ông Trần Tiến Đức, người còn được biết thêm là một nhà quan sát xã hội dân sự và phản biện xã hội, thì trách nhiệm được đặt ra ở đây không phải chỉ có tính cách là thứ trách nhiệm bình thường, mà là trách nhiệm giải trình, ông giải thích thêm:
“Đây là điều hết sức quan trọng. Chính vì sự thiếu trách nhiệm trước công chúng, cho nên có những khi những người không có đạo đức nghề nghiệp làm những việc vi phạm pháp luật, và từ việc vi phạm pháp luật đó, chúng ta thấy có rất nhiều người bị xử lý kỷ luật.
Bị xử lý như thế, mà tôi nghĩ hiện tượng “Đốt lò” là cần thiết khi mà có những người tham ô và tham ô một cách trắng trợn. Nhưng lại cũng có chuyện là người ta sợ, người ta sợ vì năng lực người ta hạn chế, cho nên nhiều khi không phân tích được đúng đắn mọi tình huống, và vì năng lực hạn chế, cho nên rất là sợ.
Sợ phải chịu trách nhiệm, sợ phải ra quyết định, sợ phải giải trình với cấp trên những hành động của mình và chính vì những hành động như vậy, cho nên mới dẫn tới chuyện người ta đùn đẩy cho nhau.”
Ông Trần Tiến Đức phân tích thêm về tính phức tạp của vấn đề, trong cơ chế hiện nay ở Việt Nam liên quan công vụ và thực thi công vụ ở khu vực công, ông nói:
“Ở rất nhiều cơ quan mà tôi được biết, mà tôi quen với nhiều người, người ta bảo rằng bây giờ có những ngành mà ở phía trên do có rất nhiều những ngành khác giám sát, họ không có quyền quyết định về những việc thuộc thẩm quyền của họ, và những cơ quan ở phía trên cũng lại đùn đẩy nhau, vì không có ông nào lại muốn có một chữ ký để mà đồng ý, và cứ phải xem chừng.
Chính vì thế rất nhiều chuyện cứ kéo dài thời gian, không chỉ trong ngành y tế đâu, mà trong những ngành khác cũng thế. Thí dụ, vừa rồi đi cùng với công điện của Thủ tướng Chính phủ, người ta có chiếu một cảnh về sân bay Long Thành, trong đó có bên thuộc Tổng Công ty Hàng không của Việt Nam là tổng công có trách nhiệm thực hiện sân bay đó, thì không hoàn thành công việc.
Mà không hoàn thành công việc, thì lại có rất nhiều việc khác liên quan giải phóng mặt bằng, liên quan các việc a, b, c này kia, nhưng mà người có trách nhiệm lại cũng không dám có quyết định, và những cơ quan liên quan cũng không thể phối hợp, hợp tác.”
Mới chỉ giải quyết "phần nổi"
Chính vì vậy, theo ông Trần Tiến Đức, công điện 280 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính là quan trọng, song còn có điều quan trọng hơn mà theo vị cựu quan chức một Ủy ban trực thuộc Chính phủ này, như ông nói tiếp đó là:
“Công điện của Thủ tướng Chính phủ là quan trọng, nhưng theo tôi nó mới chỉ giải quyết phần nổi thôi. Phần nổi ở đây là thế này, người ta sẽ nói rằng: ‘Ừ, bây giời giao cho tôi thì tôi sẽ có quyết định a, b, c này’, nhưng người ta có dám làm và dám chịu trách nhiệm không, thì đấy là vấn đề.
Cho nên vấn đề là khung pháp lý để đảm bảo cho những người dám làm, dám nghĩ, dám thực hiện, mà có thể yên tâm mà làm. Tôi nhớ rằng cách đây có thể một tháng, thì bà Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà có nói rằng ‘khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm sẽ không phải chịu kỷ luật’, nhưng câu hỏi đặt ra là làm sao không phải chịu trách nhiệm, nếu như việc làm sai trái của họ vi phạm pháp luật, cho nên hành lang pháp lý là những văn bản luật, dưới luật phải được quy định rất chặt chẽ và đồng bộ.
Tôi có theo dõi những phiên họp của các Đại biểu Quốc hội mà ông Chủ tịch Vương Đình Huệ điều hành, trong đó có những văn bản mà người ta đệ trình lên có rất nhiều kẽ hở, do đó khi thực thi, nó rất dễ dẫn đến chuyện vi phạm.”
Đến đây, ông Trần Tiến Đức cho rằng ở Việt Nam còn có chuyện các bộ các ngành, thuộc khối hành pháp được giao xây dựng đệ trình những văn bản, những dự luật v.v…, trong khi việc này ở nhiều nước tiến bộ phát triển là công việc của khối lập pháp với các dân biểu, đa phần là những chính khách, nhưng rất giỏi và chuyên nghiệp về soạn thảo luật pháp, được các bộ phận trợ lý, giúp việc cũng rất chuyên nghiệp hỗ trợ, trong quá trình xây dựng, đệ trình dự luật, còn hiện tượng bộ ngành tự xây dựng luật, rồi lại thực hiện, theo ông Đức, là việc vừa “đá bóng, vừa thổi còi”, do đó cũng là một vấn đề gây ra những vấn đề thiếu khách quan, thiếu chuyên nghiệp trong làm luật.
Về khía cạnh này, để công việc hành pháp, trong đó có thực hiện các công vụ thực sự có hiệu quả, ông Trần Tiến Đức nói:
“Việt Nam muốn được thế, tôi nhắc lại yêu cầu của rất nhiều người Việt Nam, trong đó có các trí thức rằng, Nhà nước phải tách bạch ra, trong đó có hành pháp, tư pháp và lập pháp. Tất cả mọi chuyện, nếu có gì xảy ra, thì có sự giám sát lẫn nhau và giám sát sớm, chứ đừng để xảy ra rồi mới xử lý như những vụ Việt Á (nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19), hay là “chuyến bay giải cứu” v.v…, mà trong những vụ đó, cũng mất đi rất nhiều cán bộ, nhiều người mà đã có sự lựa chọn rất kỹ càng qua các cấp lãnh đạo của Đảng Cộng sản sau bao nhiêu kỳ Đại hội rồi.”
Làm gì để thực thi công lệnh được hiệu quả, thực chất?
Theo truyền thông, báo chí chính thống của Nhà nước Việt Nam, hôm 21/02/2023, Thủ tướng Việt Nam ông Phạm Minh Chính đã có một thông điệp được báo chí Nhà nước đưa tin trong một phiên họp của Ban chỉ đạo Nhà nước với các công trình, dự án quan trọng, quốc gia, trọng điểm trong ngành giao thông vận tải, nói rằng “Ai sợ trách nhiệm thì đứng sang một bên”.
Đến nay sau chừng gần hai tháng, ông Chính lại đưa ra công điện này, trong đó có lặp lại quan điểm trên. Khi được hỏi, cần làm gì để việc thực thi công điện của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam được hiệu quả, thực chất, ông Trần Tiến Đức nói:
“Tôi nghĩ việc đầu tiên, cũng như trong công điện đã nói, là những ai mà không làm được, thì phải cho thôi việc, việc đó phải rõ ràng và dứt khoát thôi, thí dụ như trong công việc, như ở một công ty thôi, nếu một người không làm được việc, thì chắc chắn ông giám đốc sẽ thải hồi người đó.
Tôi nghĩ trong công việc của Nhà nước cũng như vậy thôi, Thủ tướng cũng phải dám xử lý, từ những ông Bộ trưởng. Bộ trưởng mà không làm được việc, thì thải hồi, mà quyền đó, theo tôi phải giao thực quyền cho ông Thủ tướng, chứ nếu không, bây giờ mỗi ông Thứ trưởng, khi lên rồi, muốn thay thì phải qua Ban Bí thư của đảng, rồi nếu là Bộ trưởng mà muốn thay, lại phải qua Bộ Chính trị. Như vậy mà công việc nếu như là nước sôi, lửa bỏng, thì không bao giờ có thể làm được.
Thứ hai là phải có sự giám sát của dân, mà giám sát của dân là ai? Đó là giám sát trước hết bởi các Đại biểu Quốc hội. Các Đại biểu Quốc hội là phải có trách nhiệm, những thành viên của các Ủy ban của Quốc hội theo dõi từng vấn đề như là kinh tế, kế hoạch, về vấn đề như là xã hội v.v… Đây là những lĩnh vực rất cụ thể và anh phải lắng nghe được ý kiến của dân, của cử tri của mình, có trách nhiệm giải trình trước cử tri của mình và có ý kiến.
Và thứ ba nữa, tôi đồng ý là phát huy vai trò của xã hội dân sự, xã hội dân sự là phải có quyền, ít nhất là những tổ chức xã hội dân sự mà đã được nhà nước chính thức công nhận, như là Liên Hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật, họ có rất nhiều những hội nhỏ, thành viên, những viện nghiên cứu, họ có đủ năng lực để giám sát.
Nhưng đáng tiếc là có những người có ý kiến phản biện rất là chính thức thôi, chứ không phải là khác, nhưng vẫn chịu sự đàn áp, bắt bớ, như là ông Giao ở Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao đã phát biểu rất đàng hoàng, mà bây giờ cứ bất cứ ý kiến phản biện nào mà cứ coi đấy là tiếng nói của ‘thế lực thù địch’, thì tôi nghĩ cái đấy rất là không nên.”
Ông Thủ tướng đã làm tròn vai và phối hợp trong tứ trụ thế nào?
Nhân dịp này, khi được vấn ý, ông Trần Tiến Đức, người còn được biết đến trong tư cách con trai thứ của Thị trưởng đầu tiên và có thời gian giữ chức vụ này lâu dài nhất trước đây ở thành phố Hà Nội dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa từ 10/10/1954, đưa ra bình luận về việc liệu Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Phạm Minh Chính đã làm tròn vai chưa và phối hợp trong nội bộ Tứ trụ được đánh giá thế nào. Tứ trụ là cách gọi không chính thức, nhưng được truyền thông và một số giới, cùng người dân ở Việt Nam sử dụng, với các vị trí trong đó còn lại gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước và Chủ tịch Quốc hội. Ông Đức nói:
“Tôi không còn là người gần gũi trực tiếp với các bộ máy công quyền nữa, vì tôi đã nghỉ hưu từ lâu rồi, tôi chỉ quan sát những hoạt động của ông Thủ tướng, chủ yếu qua truyền thông, báo chí, nhưng nhận xét đầu tiên của tôi là ông Phạm Minh Chính có thể hiện một sự trẻ trung và năng động, dù tuổi cũng là 60 và hơn rồi.
Ông dám xông xáo, đi vào những công việc mà là những điểm nóng để mà giám sát, thí dụ như là sân bay Long Thành ông đã đến, những dự án đường cao tốc ông cũng đã đến rồi, đến với dân trong thời kỳ Covid-19 ông cũng đã tới, rồi đến những bệnh viện như vừa rồi sau khi có những văn bản mà thay đổi chế độ đấu thầu trong ngành y tế, ông cũng có đến. Thì tôi thấy đó là một điểm mà tôi cho là điểm cộng (+) của ông ấy.
Và còn quan hệ trong Tứ trụ, mà trước hết với ông Tổng Bí thư, tôi nghĩ rằng trước hết, nếu mà ông đã được làm những việc như vậy, thì trước hết là quan hệ phải tốt, ít nhất là bên ngoài chúng ta có thể thấy được. Tức là tôi chưa thấy hiện tượng mà ông Tổng Bí thư can thiệp vào những việc mà ông Thủ tướng làm, mà tôi thấy đấy là quan trọng.”
Đó là về mặt nội trị, còn trên bình diện bang giao quốc tế, đối ngoại, tiếp tục đưa ra đánh giá về Thủ tướng Việt Nam thể hiện qua những công việc đã làm tới nay, ông Trần Tiến Đức nói tiếp:
“Về mặt đối ngoại, tôi thấy ông Chính cũng năng động, ít nhất là trong phát ngôn, tôi thấy ông ấy không có hiện tượng ‘chém gió’ như là một ông Thủ tướng cũ.
Còn quan hệ giữa ông Nguyễn Tấn Dũng trước nữa, với ông Nguyễn Phú Trọng thì chúng ta cũng đã biết rồi là nó không tốt, và nó tạo ra một sự không thống nhất giữa người lãnh đạo Chính phủ với người lãnh đạo Đảng Cộng sản, và cuối cùng dẫn đến việc ông Thủ tướng Dũng phải ra đi.
Tôi nghĩ rằng đấy là những nhận xét ban đầu, nhưng mà cũng đã sắp sửa hết một nửa nhiệm kỳ của ông Thủ tướng Phạm Minh Chính rồi. Chắc chắn bây giờ, nếu là những nhiệm vụ, mục tiêu mà ông đã hứa với quốc dân và quốc tế, thí dụ như việc về môi trường, ông đã hứa rất trịnh trọng tại một Hội nghị Quốc tế ở bên Anh quốc mà ông đã đi dự, chẳng hạn phải đẩy mạnh nhanh năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, thì cũng có vẻ ông cũng vẫn bị tác động của những thế lực mà người ta vẫn muốn giữ cái cũ, như là muốn giữ nhà máy điện than v.v…
Hoặc là nhiều mục tiêu mà Việt Nam đã hứa, nhưng thực hiện đến nay rất chậm, cho nên những sự chuyện ấy, tôi nghĩ là phải có sự cải thiện nhiều, nhưng trong lĩnh vực về năng lượng xanh, tôi vẫn rất băn khoăn về việc chính quyền bắt một nhà hoạt động mà tôi đã từng gặp, người mà rất ủng hộ năng lượng tái tạo và rất không ủng hộ việc sử dụng phát triển ngành điện than, mà cuối cùng bà cũng đã bị bắt vì chuyện bị cáo buộc là ‘trốn thuế’ gì đấy.
Những người như vậy, chúng ta (chính quyền) phải nghĩ rằng họ thực sự có tâm với đất nước, và chúng ta không nên sợ rằng họ là thế lực thù địch.”
Nhắn nhủ, lưu ý gì về nhân quyền và phản biện với Thủ tướng?
Trên đây, nhà báo, nhà quan sát thời sự Việt Nam, ông Trần Tiến Đức đề cập trường hợp nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh, giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh GreenID, người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng quốc tế danh giá trong lĩnh vực môi trường quỹ môi trường Goldman, đã bị chính quyền bắt và xử tù vì cáo buộc “trốn thuế”.
Về lĩnh vực nhân quyền, mà mới đây Tòa án tại Hà Nội đã tuyên án, xử tù một nhà hoạt động ôn hòa trong xã hội dân sự khác, kỹ sư, blogger Nguyễn Lân Thắng, một cộng tác viên nhiều năm của RFA Tiếng Việt với bản án sáu năm tù giam, hai năm quản chế. Nhân dịp này, khi nói về thông điệp gì có tính khuyến nghị, như một lưu ý mong muốn đưa ra với ông Thủ tướng Phạm Minh Chính của Việt Nam cho thời gian tới đây và đi tới hết nhiệm kỳ, ông Trần Tiến Đức nói:
“Có những người không hẳn là bất đồng chính kiến đâu, nhưng vì có những chuyện mà có những người muốn bày tỏ quan điểm của họ để đất nước này được tiến lên, có thể quan điểm của họ không trùng lặp hoàn toàn với quan điểm chính thống của nhà nước Việt Nam, nhưng tôi nghĩ rằng những chuyện đó, chúng ta nên tôn trọng.
Chỉ khi nào ai đó thực sự vi phạm luật pháp, thì mới có thể xử họ, và những điều khoản trong Bộ luật Hình sự mà nêu rằng ‘tuyên truyền chống phá Nhà nước’ v.v…, thì nó rất là chung chung, và viết trong luật như thế, thì bên buộc tội có thể diễn giải nó theo nhiều cách khác nhau, và như vậy rất là khó cho những khi, mà như ông Chủ tịch nước vừa rồi cũng nói là ‘hoan nghênh những tiếng nói phản biện.
Nhưng mà một khi tiếng nói phản biện của người ta, mà người ta không yên tâm khi người ta nói, thì chắc chắn sẽ không nghe được những tiếng nói chân chính.”
Trở lại với công điện của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam được nhiều báo chính thống của Nhà nước loan tin hôm 20/4, một bài trên báo mạng Tiền Phong dẫn nội dung cho hay:
“Thời gian gần đây ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương…
No comments:
Post a Comment