Wednesday, February 15, 2023

VNTB – Rối rắm với quy định quyền sử dụng đất của “hộ gia đình”
Thới Bình
16.02.2023 2:57
VNThoibao



(VNTB) – Về nguyên tắc thì đất đai vẫn do Nhà nước là đại diện độc quyền chủ sở hữu và quản lý.

 Nói hộ gia đình nhưng không biết hộ là ai? Có nơi xác định hộ khẩu tại thời điểm đó, có nơi xác định hộ khẩu hiện tại. Có người khiếu nại vì không có trong hộ khẩu nhưng cũng là thành viên trong hộ gia đình, cùng làm kinh tế…

Xóa hộ khẩu, vậy căn cứ nào cho xác nhận “hộ gia đình”?

Bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cựu Chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM nhìn nhận quy định “sổ đỏ” (tức giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) ghi tên hộ gia đình đang là một vướng mắc đưa đến các tranh chấp trong các gia đình khi thực hiện các vấn đề khác liên quan đến thủ tục hành chính.

“Việc này cũng gây khó khăn khi công chứng. Nói hộ gia đình nhưng không biết hộ là ai? Có nơi xác định hộ khẩu tại thời điểm đó, có nơi xác định hộ khẩu hiện tại. Có người khiếu nại vì không có trong hộ khẩu nhưng cũng là thành viên trong hộ gia đình, cùng làm kinh tế… Chúng tôi ủng hộ dự thảo sửa đổi luật đất đai lần này bỏ khái niệm “hộ gia đình”. Dần dần, chúng ta cũng phải chuẩn hóa việc này” – bà Ung Thị Xuân Hương nói.

Bà Trịnh Thị Thanh Bình, cựu Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre, nói rằng khi còn làm thẩm phán, bà đã rất đau đầu về việc đất cấp cho hộ đại trà theo quy định của luật đất đai trước đây. Theo đó, phôi sổ đỏ của Bộ Tài nguyên – Môi trường in sẵn là cấp cho hộ gia đình, đến khi ai xin cấp, dù là vợ chồng hay cá nhân thì cũng ghi là hộ.

“Từ chuyện này phát sinh hàng ngàn vụ tranh chấp đất. Người dân tranh chấp với nhau rồi kiện ra tòa bất tận. Rồi việc ăn chặn, ăn giật, bội tín cũng từ câu “cấp cho hộ” này” – bà Bình nói.

Qua nhiều lần sửa đổi luật đất đai, đã có nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình. Trước đây cấp sai cho đối tượng hộ gia đình thì bây giờ cơ chế tháo gỡ như thế nào để người dân có được quyền sử dụng đất hợp pháp của chính vợ chồng hay cá nhân được thừa kế, hoặc chuyển nhượng hợp pháp để tránh nhập nhằng.

“Đến khi người ta gỡ được câu “hộ gia đình” thì không biết bao nhiêu tốn kém, tranh chấp gây tan nát biết bao gia đình. Qua 4 lần sửa luật đất đai rồi, một câu sai thôi mà hàng triệu hộ gia đình xào xáo, tranh chấp vì chuyện này” – cựu Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre nhấn mạnh về những thiệt hại không kể siết của việc “bút sa gà chết” và “bảo thủ” lập pháp này.

Những diễn giải mê hồn trận

Luật sư T.T., kể rằng trong tham vấn thân chủ lúc xảy ra các tranh chấp về quyền sử dụng đất, thì phía các thẩm phán thụ lý thường diễn giải như sau: Sổ đỏ hộ gia đình là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Không phải ai có tên trong hộ khẩu là có chung quyền sử dụng đất, mà phải đáp ứng 2 điều kiện: Thứ nhất, có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng. Thứ hai, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Do đó, những người cùng huyết thống mà sinh ra sau thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất thì không có chung quyền sử dụng đất.

Còn sổ đỏ cá nhân là người có quyền sử dụng đất do được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất bằng các hình thức như: Nhận chuyển nhượng (mua đất), nhận tặng cho, nhận thừa kế, chuyển đổi quyền sử dụng đất với người khác.

Sổ đó cá nhân quyền sử dụng đất là tài sản riêng cá nhân người đứng tên sổ đỏ; cá nhân được cấp sổ đỏ có toàn quyền quyết định trong việc chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế… nếu đủ điều kiện theo quy định. Trừ trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng nhưng chỉ có vợ hoặc chồng đứng tên.

…Từ góc nhìn như trên cho thấy các rối rắm về thủ tục sổ đỏ xem ra là điều không mấy dễ dàng xử trí, khi về nguyên tắc thì đất đai vẫn do Nhà nước là đại diện độc quyền chủ sở hữu và quản lý.


BÀI CŨ HƠN

No comments:

Post a Comment