VNTB – 11 dự án BOT muốn được giải cứu: tổng kinh phí gần 14.800 tỷ đồng
Dân Trần
12.04.2025 4:57
VNThoibao

Bộ Xây dựng vừa công bố con số 11 dự án BOT giao thông đang cần được giải cứu với lý do “cần cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn tài chính”. Từ đó Bộ này trình Quốc hội đề xuất xem xét bố trí kinh phí gần 14.800 tỷ đồng để “tháo gỡ vướng mắc”.
Nghe qua thì có vẻ là “cứu nguy”, nhưng càng nhìn kỹ thì càng thấy đây là một cú “áp phe” trắng trợn, trơ trẽn, nơi mà lợi ích nhóm, quan hệ thân hữu và bàn tay của những quan tham thao túng mọi thứ – từ khâu lập dự án, phê duyệt, thi công đến cả thu phí. Người dân thì bị bóp kiệt túi tiền, doanh nghiệp thì ngán ngẩm môi trường đầu tư, còn đất nước thì tụt hậu vì cái gọi là “phát triển hạ tầng” kiểu BOT.
Mô hình BOT (Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao) từng được xem là một giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn lực xã hội vào đầu tư hạ tầng, giảm áp lực ngân sách. Nhưng thực tế thì các dự án BOT ở Việt Nam đều bị biến tướng với quy trình thường thấy: lập dự án thiếu minh bạch, định mức đầu tư bị đội giá, vị trí đặt trạm thu phí sai quy định, thời gian thu phí bị kéo dài vô lý, và cuối cùng là ép người dân phải trả tiền cho những con đường đáng lẽ thuộc về họ.
Hầu hết các dự án BOT giao thông đều thấp thoáng bóng dáng của quan chức, thậm chí là người nhà, sân sau, nhóm lợi ích. Chính vì thế mới có chuyện những dự án nghìn tỷ được phê duyệt chóng vánh, vượt chi phí, thiếu kiểm toán, rồi đặt trạm sai vị trí để tận thu dân. Đây không còn là lỗi hệ thống, mà trở thành là sự cấu kết có chủ đích để trục lợi.
Từ đó, những “con đường BOT” mọc lên như nấm. Để rồi sau khi quan chức ăn chia no nê, các “ông chủ BOT” lại khóc lóc xin tiền dân để “gỡ khó khăn”, viện lý do thua lỗ vì lưu lượng xe ít hơn dự tính. Trong kinh doanh thì lời ăn, lỗ chịu. Nhưng nhà nước cộng sản thì khác, cứ mỗi lần lỗ là lại quay sang xin “cơ chế đặc thù”, xin rót ngân sách. Có lẽ kinh tế xã hội chủ nghĩa là vậy, lời quan hưởng, lỗ dân chịu, cho nên nhiều người cho rằng BOT ở Việt Nam như một ổ ký sinh trùng là vậy.
Đã từng có lúc người dân vô cùng bất mãn, tới mức những cuộc biểu tình phản đối BOT diễn ra mỗi ngày, mỗi giờ trên khắc các trạm BOT trên cả nước. Thế rồi công an vào cuộc, tìm đủ mọi cách để bắt giam những lái xe, nhà hoạt động phản đối BOT. Hàng chục người đã bị bắt giam với những bản án bất công như tội “gây rối trật tự công cộng”, “tuyên truyền chống phá nhà nước”, “lợi dụng quyền tự do dân chủ”… Nổi tiếng trong những người bị bắt giam có Hà Văn Nam, Đặng Thị Huệ, Trương Châu Hữu Danh, ít nổi tiếng hơn là các lái xe trong nhóm Bạn Hữu Đường Xa. Những người chỉ cố gắng lên tiếng phản đối bất công, tham nhũng…
Rung cây doạ khỉ, nhà cầm quyền bắt hết những người có ảnh hưởng để đe doạ phần còn lại. Thế rồi người dân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc móc hầu bao ra trả phí; dù đó là tuyến đường độc đạo, dù đó là nơi từng được xây từ ngân sách rồi “phù phép” thành BOT. Người dân trở thành con tin trong một ván bài đã được sắp đặt sẵn.
Chỉ vì một đám tham quan, mà cả nước phải gánh chịu những hậu quả nhãn tiền khi chi phí vận tải bị đội lên vô lý, kéo theo giá thành hàng hoá tăng cao, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Doanh nghiệp vận tải, nông dân, tiểu thương, tất cả đều bị ảnh hưởng. Chưa kể đến niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài cũng sụt giảm nghiêm trọng khi thấy hạ tầng giao thông bị trói buộc bởi tham nhũng và chi phí không chính thức.
Không ai muốn đầu tư vào một quốc gia mà chỉ riêng việc vận chuyển hàng hoá thôi cũng đã phải “nộp tô” qua hàng chục trạm BOT vô lý. Không ai muốn đầu tư vào một thị trường mà pháp luật bị bẻ cong để phục vụ một nhóm người, còn nhân dân thì bị xem là cái “máy ATM” bất đắc dĩ. Hạ tầng giao thông là điều cần thiết, nhưng cái dân cần hơn nữa là sự phát triển thật sự không phải những con đường để “bê tông hóa tham nhũng”. Không thể nào xây dựng một đất nước hiện đại, bước vào kỷ nguyên vươn mình bằng cách để cái ác, cái hèn và cái tham ngự trị trên từng cây số đường xá như vậy!
___________________
Tham khảo:
https://tapchitaichinh.vn/diem-danh-11-du-an-bot-giao-thong-dang-xin-co-che-dac-thu-go-vuong.html
No comments:
Post a Comment