Trump tung đòn « sấm sét » vào Trung Quốc: Ai sẽ buông tay trước ?
Thụy My
Đăng ngày: 11/04/2025 - 07:36Sửa đổi ngày: 11/04/2025 - 07:42
RFI
Tổng thống Donald Trump ngưng áp dụng tăng thuế cho tất cả các nước trong 90 ngày, trừ Trung Quốc và tăng mức thuế quan lên đến 125 % đối với hàng Trung Quốc sau khi Bắc Kinh áp thuế 84 % cho hàng Mỹ. Sự kiện diễn ra vào tối qua theo giờ Paris đã được các báo hôm nay 10/04/2025 kịp thời bình luận.

Tổng thống Mỹ thẳng tay giáng thuế lên Trung Quốc
Libération nhận xét « Trump nện dùi cui vào Trung Quốc và dành cho phần còn lại của thế giới một khoảng thời gian tạm nghỉ », Le Figaro coi đây là một sự quay ngược ngoạn mục.
Vào lúc « thuế đối ứng » bắt đầu có hiệu lực từ nửa đêm ở Washington, tức 6 giờ sáng Paris, Donald Trump loan báo tin trên. Thị trường chứng khoán đang xuống dốc, sau thông báo bất ngờ này đã khởi sắc ngay, chỉ số Dow Jones tăng 5,61 %, Nasdaq tăng 12,16%... Le Figaro cho rằng ông Trump chắc đã nhường bước trước tình trạng hoảng loạn bắt đầu cảm thấy được ở Hoa Kỳ. Tại các siêu thị Mỹ, người tiêu thụ đổ xô mua các mặt hàng có thể tích trữ lâu như cà phê (số bán tăng 21 %), ketchup hay xà bông vì sợ tăng giá.
Đối với các công ty nhập hàng từ Trung Quốc, đó là cơn ác mộng. Từ Thượng Hải đến Quảng Đông, các nhà nhập khẩu Mỹ thà bỏ lại số hàng đã đặt và trả tiền trên cảng, thay vì đóng số thuế quá lớn khi đến Hoa Kỳ. Trong khi chờ đợi có sự thay đổi, họ phải trả chi phí cho các công ty vận chuyển dù hàng vẫn nằm tại chỗ. Một nhân viên công ty xuất khẩu Trung Quốc cho biết tất cả hàng hóa từ Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia chưa kịp chất lên tàu đều bị bỏ lại. Các doanh nghiệp châu Âu lo ngại nếu tình trạng này kéo dài, các cảng Trung Quốc sẽ bị tắc nghẽn và thế giới nhanh chóng thiếu container, việc giao hàng sang châu Âu bị chậm lại.
Phí vận chuyển hàng không ở Frankfurt tăng 28,2 % do nhiều phụ tùng cho xe hơi Đức được đưa sang bằng máy bay để tránh thuế mới. Tất cả các lãnh vực đều bị ảnh hưởng, từ mỹ phẩm, rượu cho đến nhiều loại hàng tiêu dùng khác. Bắc Kinh còn bị tấn công gấp đôi, ngoài thuế hải quan « đối ứng », các gói hàng nhỏ đặt mua từ các nền tảng thương mại điện tử như Shein hay Temu bị đánh thuế 90 %.
Sau « Ngày Giải phóng » đến « Ngày Đầu hàng » ?
Theo Libération, mối đe dọa ngày càng rõ nét về khủng hoảng tài chánh có lẽ đã buộc tổng thống Mỹ phải thối lui. Sau « Ngày Giải phóng » được tuyên bố mới cách đây một tuần, đã đến « Ngày Đầu hàng » chăng ? Vì sao lại có sự quay ngược này ? Trên mạng Truth Social, Donald Trump cho biết tăng thuế vì Trung Quốc « thiếu tôn trọng », và hoan nghênh 75 nước muốn thương lượng. Rồi đến bộ trưởng tài chánh Scott Bessent tươi cười ra khỏi Phòng Bầu dục, ca ngợi « sự can đảm » của tổng thống, đã duy trì chiến lược đàm phán thành công. Tiếp đến, hàng loạt nhân vật phe ông Trump lên tiếng khen ngợi chiến thuật tuyệt vời của tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên một nhà bình luận Fox News thân Trump vẫn cho rằng Nhà Trắng đã « đầu hàng ». Lý do là lãi suất cho trái phiếu 10 năm của Mỹ đã tăng lên 5 %, thị trường đang lao dốc. Không phải sự thăng trầm của thị trường chứng khoán, mà sự thăng bằng của hệ thống tài chánh Mỹ là trung tâm của sự chú ý. Nhật Bản, nước giữ nhiều trái phiếu Mỹ nhất, đang lo bán ra và trái phiếu được bán ồ ạt có nghĩa là người ta không còn tin tưởng vào kinh tế Mỹ. Đáng ngại hơn cả việc hàng ngàn tỉ đô la trên thị trường chứng khoán bốc hơi là biểu hiện cho sự mất lòng tin vào khả năng thanh toán của Hoa Kỳ.
Theo New York Times, đây là mục tiêu tranh luận chính tại Phòng Bầu dục sáng thứ Tư giữa ông Trump và các quan chức phụ trách kinh tế. Trước đó Jamie Dimon, tổng giám đốc ngân hàng JPMorgan-Chase loan báo khả năng suy thoái, cựu bộ trưởng Larry Summers cảnh báo khủng hoảng tài chánh trầm trọng. Nguy cơ sụp đổ tương tự như hồi năm 2008 hay 2020, nhưng lần này chỉ do cách hành xử của Donald Trump. Chính viễn cảnh này đã thuyết phục tổng thống phải xem xét lại. Libération cũng ghi nhận ảnh hưởng của bộ trưởng Scott Bessent đã tăng lên, trong khi các nhân vật cứng rắn như cố vấn Peter Navarro vắng mặt trong cuộc họp ở Phòng Bầu dục. Vài giờ sau, khi xuất hiện trước báo chí, Donald Trump nhìn nhận « người dân bắt đầu cảm thấy bị thiệt hại ».
Ván bài tẩy thương chiến : Donald Trump tạm lùi bước
Đối với Les Echos, « Trump đã lùi một bước trong ván bài tẩy thương chiến ». Ông rắn giọng với Trung Quốc, nhưng hy vọng hòa giải sau đó. Washington cũng tìm cách siết lại hàng ngũ với các « đồng minh » đã không còn cảm thấy mình là đồng minh trong thời gian gần đây. Bởi vì chiến tranh thuế quan rốt cuộc khiến Hoa Kỳ phải thiệt hại nếu liên tục bị trả đũa. Khi xuất khẩu nông sản sụt giảm, cử tri của ông Trump phải chịu thiệt. Washington đang chuẩn bị trợ giá cho nhà nông, trong nhiệm kỳ đầu của Donald Trump số tiền tài trợ là 28 tỉ đô la.
Không chỉ trả đũa bằng thuế quan, Bắc Kinh còn hạn chế 12 công ty thâm nhập thị trường Hoa lục, trừng phạt 6 công ty bán vũ khí cho Đài Loan và hạ giá đồng nhân dân tệ. Liên Hiệp Châu Âu ưu tiên cho thương thuyết, nhưng hôm thứ Ba chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã thảo luận với thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, trong khi Hoa Kỳ không muốn một mình chống lại tất cả. Hôm thứ Tư, Donald Trump tuyên bố có thể dàn xếp với châu Âu hay Hàn Quốc về việc trả chi phí bảo vệ quân sự của Hoa Kỳ.
Sự quay ngược của ông Trump đã khiến thị trường Nasdaq kết thúc một phiên khả quan nhất từ 20 năm qua, chỉ số chứng khoán Mỹ thu hồi lại được những gì đã mất sau « Ngày Giải phóng ». Tuy nhiên Washington vẫn không từ bỏ chủ trương bảo hộ. Mức thuế « sàn » 10 %, cộng với 125 % đánh vào hàng Trung Quốc làm tăng mức thuế quan 25 điểm, cao nhất từ 100 năm qua. Các công ty vừa và nhỏ Mỹ, không có tiềm lực như các tập đoàn, sẽ là nạn nhân đầu tiên của thương chiến.
Trong một bài viết khác, Les Echos cho rằng tổng thống Mỹ đã đi quá xa trong chủ trương bảo hộ. Hoàn toàn đóng cửa với hàng nhập, về mặt kinh tế là ngu ngốc. Sản xuất quần áo hay giày thể thao tại Hoa Kỳ với giá thành cao và nhân công không đủ sẽ làm giá bán tăng vọt. Các xe hơi lắp ráp tại Détroit không có phụ tùng từ Canada hay Mêhicô sẽ mắc tiền hơn. Tuy trên khía cạnh địa chính trị cũng cần bảo vệ một số lãnh vực, nhưng vấn đề là liều lượng.
Lý do Trung Quốc dám đương đầu với Hoa Kỳ ?
Vì sao Bắc Kinh dám so găng với Washington ? Ai sẽ buông tay đầu tiên ? Les Echos thử lý giải qua việc trả lời bốn câu hỏi. Trước hết, ai thiệt nhiều hơn ai ? Hoa Kỳ nhập cảng 439 tỉ đô la hàng Trung Quốc trong năm 2024, nhưng nếu tính cả việc đi vòng qua các nước khác như Việt Nam và Mêhicô, có thể lên đến 600 tỉ đô la. Ngược lại, Trung Quốc mua của Mỹ chỉ 143 tỉ đô la. Theo Donald Trump, Bắc Kinh cần Mỹ hơn.
Tuy nhiên thực tế phức tạp hơn nhiều. Việc duy trì thuế quan cao cho cả thế giới, đặc biệt với Trung Quốc vốn chiếm 1/3 sản lượng kỹ nghệ toàn cầu, là nguy hại cho kinh tế và chính trị. Tỉ trọng giá trị gia tăng từ nước ngoài trong hàng tiêu dùng ở Mỹ thuộc loại cao nhất thế giới và tiêu thụ chiếm 70 % GDP. Trung Quốc sản xuất 55 % thép thế giới và có một số mặt hàng không thể thay thế.
Thứ hai, Bắc Kinh có phương tiện kháng cự hay không ? Trung Quốc đã chịu đựng được trong thời kỳ Covid, và vẫn có thể né thuế thông qua các nước khác. Vũ khí quan trọng nhất của Bắc Kinh là hạn chế xuất khẩu đất hiếm và một số sản phẩm độc quyền. Tuy nhiên cú sốc sẽ nặng nề vì xuất khẩu chiếm 1/4 tăng trưởng, và tiêu thụ nội địa chậm chạp sau Covid.
Tăng trưởng Trung Quốc sẽ chỉ đạt 2 % trong năm nay, thấp nhất kể từ cuối thập niên 70. Không dễ tái thúc đẩy cỗ máy vì bị giảm phát từ hai năm qua. Dù sao sự chịu đựng của người dân Hoa lục, dưới chế độ độc tài vẫn mạnh hơn người Mỹ. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã dự đoán và chuẩn bị đối phó với Donald Trump nhiệm kỳ hai. Trung Quốc đang nắm giữ 1.000 tỉ đô la trái phiếu Mỹ, nếu bán ra hàng loạt sẽ làm tăng lãi suất ; nhưng như vậy trái phiếu giảm giá thì Bắc Kinh cũng bị thiệt.
Thứ ba, liệu Trung Quốc có phá giá đồng nhân dân tệ hay không ? Bắc Kinh có thể giảm giá một ít, nhưng sẽ phải chi trả nhiều hơn cho nguyên liệu nhập khẩu hầu hết bằng đô la, và làm Donald Trump thêm tức giận. Ông đã cho mở điều tra về thao túng tiền tệ của Bắc Kinh.
Cuối cùng, hậu quả cho thế giới sẽ ra sao ? Nỗi lo lớn nhất là hàng Trung Quốc sản xuất thừa không bán được cho Hoa Kỳ sẽ tràn ngập các thị trường khác, đặc biệt là châu Âu và Đông Nam Á. Brazil đã không ngần ngại bảo vệ sản xuất thép của mình, châu Âu đánh thuế xe điện Trung Quốc.
Lần đầu tiên bắt sống 2 lính Trung Quốc ở Ukraina : Nga quá thiếu quân
Về chiến tranh ở Ukraina, Le Figaro quan tâm đến việc « Kiev loan báo bắt sống được hai lính Trung Quốc chiến đấu cho quân đội Nga », sự kiện chưa từng thấy từ trước đến nay. Trong một video do chính quyền Ukraina công bố, một người lính châu Á trẻ tuổi mặc quân phục, tay bị trói, cố gắng trao đổi bằng vài tiếng Anh.
Trong một trận đánh gần làng Bilohorivka ở Donbass, những chiến binh lữ đoàn không vận 81 Ukraina đã bắt được anh ta trong một đợt tấn công của Nga, trên người có thẻ tín dụng và giấy tờ Trung Quốc. Không chịu nổi những tràng súng xối xả của drone Ukraina, anh này và hai người lính khác đã đầu hàng. Người lính Trung Quốc đã trả 300.000 rúp (3.100 euro) cho một trung gian ở Hoa lục để gia nhập quân đội Nga, hy vọng có được hộ chiếu Nga, được huấn luyện ở vùng Luhansk bị chiếm đóng. Một lính Trung Quốc khác cũng bị lữ đoàn cơ giới 157 bắt sống.
Đây là lần đầu tiên có được bằng chứng về sự tham gia của công dân Trung Quốc vào cuộc xâm lăng Ukraina. Sự kiện này gây ra trận động đất ngoại giao giữa Kiev với Bắc Kinh, kể cả với Matxcơva và Washington. Tổng thống Zelensky tuyên bố, sự can dự trực tiếp hay gián tiếp của công dân Trung Quốc trong cuộc chiến này ở châu Âu là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Putin sẵn sàng làm mọi thứ trừ việc chấm dứt chiến tranh. Tối qua, ông cho biết thêm đã nhận diện được ít nhất 155 người Trung Quốc đang chiến đấu chống lại Ukraina, đồng thời tố cáo Bắc Kinh biết rõ Matxcơva tuyển quân ở Hoa lục. Nhiều người Hoa khác cũng có thể đã mất mạng trong các trận đánh, chính quyền Ukraina đang tìm kiếm.
Ngoại trưởng Ukraina nhấn mạnh sự kiện này khiến họ phải đặt dấu hỏi về tuyên bố ủng hộ hòa bình của Trung Quốc. Bắc Kinh nói rằng cáo buộc trên không có căn cứ, còn Kremlin từ chối bình luận. Dù tự cho là trung lập, Trung Quốc chưa bao giờ lên án Nga xâm lăng Ukraina, và giúp Matxcơva tránh né cấm vận. Đặc biệt, Bắc Kinh cung cấp hình ảnh vệ tinh, thiết bị cho kỹ nghệ quân sự, linh kiện vi điện tử cho vũ khí Nga. Linh kiện Trung Quốc còn được tìm thấy trong drone Shahed của Iran, hỏa tiễn đạn đạo KN-24 của Bắc Triều Tiên, và nhất là hỏa tiễn Nga Kinzhal thường xuyên tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự Ukraina.
Phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Kỳ Tammy Bruce tố cáo Trung Quốc cung cấp gần 80 % mặt hàng lưỡng dụng mà Matxcơva cần cho cuộc chiến, và cho rằng sự hiện diện của lính Trung Quốc là « đáng lo ngại ». Chuyên gia quân sự Ukraina, Mykola Bielieskov nhận xét, Nga thiếu quân đến nỗi phải nhận nhiều lính đánh thuê Ấn Độ, Nepal, Cuba…và bây giờ đến Trung Quốc.
Pháp : Chiếc rương nữ trang bí mật của bà bộ trưởng Văn Hóa
Theo điều tra của Libération, bà Rachida Dati, bộ trưởng Văn Hóa, đứng hàng thứ tám trong chính phủ François Bayrou, đã giấu diếm cả một kho nữ trang không khai báo. Cả 35 bộ trưởng đều phải kê khai tài sản với cơ quan về minh bạch công quyền (HATVP). Bà bộ trưởng gốc Maroc khai sở hữu 5,6 triệu euro gồm bất động sản ở Pháp và Maroc, tài khoản ngân hàng, bảo hiểm nhân thọ…được cho là chỉ nhờ thu nhập nghề luật sư. Nhưng bà « quên » khai vô số nữ trang của các thương hiệu xa xỉ nổi tiếng.
Chỉ riêng những món đồ có giá trị trên 10.000 euro mới bị buộc phải khai báo, Libération đã truy được dấu vết của 19 món nữ trang có giá trị hơn 420.000 euro. Có thể kể : Đồng hồ của hiệu sang trọng Chopard, Cartier cẩn kim cương và saphir ; lắc tay vàng cẩn kim cương hiệu Bulgari, Chaumet… ; dây chuyền ngọc trai, hột xoàn ; bông tai vàng, ngọc bích, kim cương…toàn những nhãn hiệu đắt tiền nhất. Chiếc rương nữ trang của bà còn rất nhiều món khác « rẻ tiền » hơn, tổng cộng hơn nửa triệu euro.
Làm thế nào Rachida Dati có thể phóng tay mua sắm từ thù lao luật sư và lương thị trưởng ? Nhật báo nhắc lại bà Dati nhận được 900.000 euro từ tập đoàn Renault-Nissan, có hợp đồng béo bở với Cộng hòa Dân chủ Congo…Bà đang dòm ngó chức đô trưởng Paris, nhưng mối đe dọa từ vụ Renault vẫn đang treo lơ lửng. Không khai báo đầy đủ có thể lãnh án đến ba năm tù, 45.000 euro tiền phạt và mất quyền tranh cử.
Ông Trump hi vọng rằng sau các biện pháp của ông thì, các tập đoàn đa quốc buộc sẽ phải quay đầu về Mỹ. Điều này tôi nghĩ ông đã nhầm, vì các tập đoàn này khi đã đầu tư vào Mĩ, sẽ dẫn tới 02 vấn đề như sau :
ReplyDelete1-Các sản phẩm của họ khi sản xuất tại Mĩ giá thành bị đẩy lên rất cao, nhất là những ngành sử dụng nhiều nhân công.
2-Hàng hóa của họ khi sản xuất ra không bao giờ quay lại vào Trung Quốc được nữa, mà TQ lại là cái thị trường lớn thứ 02 sau Mỹ.
Tôi đoán rằng : Cái đích cuối cùng của ông Trump và giới tài phiệt Hoa Kỳ nhắm đến là : Để ngăn chặn hàng hóa TQ không đi vòng qua một nước thứ 03, buộc người Mỹ phải xây dựng một hàng rào thuế quan với các quốc gia : (Sẽ luôn thay đổi, theo thặng dư thương mại gữa hai bên của năm trước).
Trong cuộc chiến thương mại Mỹ Trung có 03 đối tác chịu tổn thương nặng lề nhất :
1-Hoa Kỳ.
2-Trung Quốc
3-Các tập đoàn đa quốc gia.