Thursday, April 17, 2025

Thuế đối ứng : Nhật Bản có những lá chủ bài nào để đàm phán với Mỹ ?
Thanh Hà
Đăng ngày: 17/04/2025 - 15:03Sửa đổi ngày: 17/04/2025 - 19:17
RFI

Thế giới đang chú ý nhiều đến đàm phán đầu tiên giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ tại thủ đô Washington hôm 16/04/2025, do Tokyo là một trong 5 đối tác thương mại có trọng lượng nhất của Mỹ. Đây cũng là « một cuộc trắc nghiệm về tầm nhìn của chính quyền Trump về một trật tự kinh tế và mậu dịch mới cho thế giới ». Tokyo có những lá bài nào để thuyết phục Nhà Trắng ngừng dùng đòn thuế quan nhắm vào hàng Nhật Bản xuất khẩu sang Hoa Kỳ ?

Ảnh minh họa về đàm phán thuế quan giữa Mỹ và Nhật. © Canva/ Chi Phuong

Từ khi tổng thống Trump lên cầm quyền, hàng Nhật bán sang Hoa Kỳ bỗng dưng chịu thêm ba nấc thuế hải quan :  thuế đối ứng 10 %, 25 % thuế ô tô và 25 % thuế nhôm, thép. Do vậy Nhật Bản là nền kinh tế đầu tiên điều đình với Hoa Kỳ trước hạn định 90 ngày ông đã để cho thế giới có thời gian « chuẩn bị ».

Theo báo tài chính Nhật Bản Nikkei, khi khai mào một cuộc thương chiến toàn cầu, một trong hai đầu não của chiến lược đó là bộ trưởng Tài Chính Scott Bessent theo đuổi 3 mục tiêu : Thứ nhất, tạo dựng lại một bộ mặt mới về kinh tế cho Hoa Kỳ, dựa trên tiêu thụ nội địa và sản xuất công nghiệp. Mục tiêu thứ nhì là giữ giá đồng đô la « ở mức vừa phải », tức vẫn là một đơn vị tiền tệ của thế giới, nhưng không quá mạnh so với các ngoại tệ khác, gây bất lợi cho xuất khẩu của Hoa Kỳ.

Mục tiêu thứ ba mà tỷ phú Bessent và cũng là một chuyên gia về ngân hàng và tiền tệ nhắm tới là « huy động các đồng minh của Washington cùng chia sẽ gánh nặng » với Hoa Kỳ. Trong đó có gánh nặng về an ninh mà ở đây bao gồm luôn cả vế « kiềm tỏa Trung Quốc »

Hôm 02/04/2025 công bố kế hoạch đánh thuế toàn cầu để « giải phóng nước Mỹ » khỏi hàng nhập khẩu của nước ngoài, chủ nhân Nhà Trắng áp thuế Nhật Bản 24 %, bởi vì Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại có thặng dự mậu dịch cao với Hoa Kỳ (gần 70 tỷ đô la năm 2024). Dù vậy, lấy lại cân bằng trong cán cân thương mại không phải là điểm quan trọng nhất trong số các mục tiêu mà chính quyền Trump nhắm tới.

Điều mà Mỹ trăn trở là như chính ông Bessent đã nhiều lần thổ lộ : « Hoa Kỳ không tự sản xuất thuốc men, không tự sản xuất được linh kiện bán dẫn (…) và trong ngành công nghiệp đóng tàu thì đã bị Bắc Kinh qua mặt » .

Mỹ là quốc gia nợ nhiều nhất thế giới

Cùng lúc về tài chính, Mỹ hiện là quốc gia mắc nợ nhiều nhất thế giới, với hơn 30.000 tỷ đô la, trong đó hơn 8.000 tỷ đô la công trái phiếu của nền kinh tế số 1 toàn cầu « do các nhà đầu tư ngoại quốc năm giữ ». Theo các thông kê gần đây nhất của Washington, Nhật Bản và Trung Quốc là hai quốc gia đứng đầu danh sách này, với tỷ lệ theo thứ tự là 12,45 % và 9 % công trái phiếu của Hoa Kỳ. Nói cách khác, Tokyo cũng như Bắc Kinh có đủ trọng lượng để can thiệp làm xáo trộn tỷ giá hối đoái của đồng đô la và nhất là chi phối lãi suất ngân hàng và qua đó gây bất ổn cho kinh tế Mỹ.

Tránh để kịch bản này xảy ra, Scott Bessent cùng với chiến lược gia kinh tế và tài chính của tổng thống Trump là Steve Miran chủ trương tạo nên một « trận chiến tiền tệ », mà mục tiêu sau cùng là « kềm hãm », thậm chí là phá giá đồng đô la, nhưng là phá giá theo nhịp độ do Washington áp đặt, tránh để phương hại đến xuất khẩu của Hoa Kỳ.

Trong mục tiêu thứ ba, Hoa Kỳ vừa đòi Nhật Bản tăng chi phí quân sự, tự túc hơn về an ninh, đồng thời phải là một đối tác đáng tin cậy khi Washington cần đối phó với Bắc Kinh trong một cuộc xung đột vũ trang.

Báo Nikkei Asia đánh giá : Trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Ryosei Akazawa ý thức được đối phương đang chờ đợi những gì trước khi bước vào đàm phán với các đại diện của Mỹ, mà quan trọng nhất là bộ trưởng Tài Chính Scott Bessent. Nhưng không ai lật ngửa hết các là chủ bài ngay từ hiệp đầu. Vẫn theo tờ báo này, dường như tại Nhà Trắng hôm qua, phía Nhật Bản tách bạch hồ sơ thương mại và tiền tệ (tức là hai mục tiêu đầu trong số 3 đòi hỏi của Mỹ), với vế quân sự.

Có khả năng là thủ tướng Shigeru Ishiba đã chỉ thị cho cánh tay mặt của ông, trưởng đoàn đàm phán Ryosei Akazawa, phải cứng rắn trên các vấn đề thương mại và tiền tệ, nhưng « nếu Washington đặt vế an ninh lên bàn cân, thì Tokyo có thể sẽ phải có những bước nhượng bộ tiếp theo » .

Trước mắt, mọi người chú ý đến cách đàm phán khéo léo của Nhật. Báo kinh tế Pháp Les Echos giải mã những nước cờ của Tokyo: Biết tổng thống Trump là người hiếu thắng và luôn luôn cần ghi điểm với công luận Hoa Kỳ, nên Nhật Bản chọn giải pháp « ít bình luận và không tuyên bố ồn ào, tránh để lâm vào thế đối đầu, mà chỉ tập trung vào các khía cạnh kỹ thuật và đề xuất những giải pháp mà chính quyền Trump có thể chấp nhận được ».

Tiếng nói của Nhật Bản có trọng lượng vì quốc gia này hiện là một trong những nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Tokyo có thể mặc cả với chính quyền Trump bằng một loạt đề xuất như mở thêm nhà máy, mua thêm khí hóa lỏng của Hoa Kỳ, đầu tư vào các dự án phát triển năng lượng tại Alaska … 

Nếu như với ngần ấy lợi thế mà Nhật Bản, đồng minh thân thiết nhất của Mỹ ở Châu Á Thái Bình Dương, cánh tay đắc lực trong chiến lược kềm tỏa Trung Quốc của Mỹ, mà vẫn không thuyết phục được chính quyền Trump về hồ sơ thuế quan, những đồng minh khác của Washington như Anh, Đức, Hàn Quốc hay Ấn Độ và Úc... liệu có cơ may nào để được « tha » hay không ? Đó là câu hỏi mà Stephen Innes, thuộc công ty quản lý tài sản SPI Asset Management, đã đặt ra. 

No comments:

Post a Comment