Friday, April 11, 2025

Rỉ tai Quốc hội sắp họp
Nguyễn Thông
11-4-2025
Tiengdan

Chuyện đang nóng sốt hạng nhất ở xứ này bây giờ không phải là thuế, là ông bà nào bị kỷ luật, ông bà nào sắp vào trung ương (dĩ nhiên là đảng, chứ trung ương hội nuôi ong chẳng hạn, thì kể làm gì), thằng DJ đánh vợ… mà là sáp nhập tỉnh/ xã.

Bỏ cấp huyện, thôi không bàn, bởi ông Tô Lâm đã quyết rồi, bàn thêm lại mang tiếng chống đối.

Trước hết, nói về xã. Cuối năm 2024, xã Thụy Hương quê tôi ở huyện Kiến Thụy (TP. Hải Phòng) bị sáp nhập với 2 xã khác (Đại Hà, Ngũ Đoan), đặt tên mới Kiến Hưng. Nghe cũng tạm. Quốc hội thông qua nghị quyết đàng hoàng.

Dân ba xã cũ chưa kịp quen với tên mới, nay nghe đâu lại chuẩn bị tách ra để nhập với mấy xã khác cho hợp xu thế thời đại, còn sẽ mang tên mới gì thì quả thật dân xã đếch biết. Chỉ tội mấy đứa trẻ con có giấy khai sinh từ đầu năm tới giờ, chẳng biết phải đổi lại nơi sinh xã Kiến Hưng không. Tên xã tồn tại đúng nửa năm, do đám quốc hội làm việc không biết trông trước ngó sau, bóc ngắn cắn ngắn.

Về tên mới của tỉnh sau sáp nhập, tôi thấy thiên hạ cứ lăn tăn, tranh luận, tiếc rẻ, rằng thì là mà. Theo tôi, tên nào cũng được, rồi cũng quen. Chả hạn Hải Phòng quê tôi bị đổi thành Hải Phẹt, Hải Móm, Hải Bánh, Phòng… cũng chả sao. Vài hôm quen ngay ấy mà. Trước kia có những tỉnh mất bu nó tên, giờ chẳng ai nhớ nó từng tồn tại, có sao đâu. Ví dụ, tôi bảo đảm giờ không mấy ai biết từng có tỉnh Nghĩa Lộ, hoặc các tỉnh Minh Hải, Cửu Long, Hoàng Liên Sơn, Hà Sơn Bình…

Về tỉnh lỵ, người ta cũng cãi nhau phải đặt tỉnh lỵ (trung tâm hành chính tỉnh/ thành) ở đâu. Nếu gộp 2 – 3 tỉnh/ thành làm một thì tỉnh lỵ cũ nào cũng muốn được là trung tâm tỉnh mới. Có người lý luận, bảo rằng phải đặt ở trung tâm để lãnh đạo dễ nắm bắt, chỉ đạo, dân đỡ đi xa vất vả, tiết kiệm tiền xăng xe, v.v..

Xin thưa, không cần vậy. Thời nay khác xưa rồi, 4 chấm 0 rồi, họp cũng có thể qua mạng, nói thầm hoặc liếc mắt đưa tình cũng không thoát, cần gì phải tụ bạ đàn đúm, họp bàn thì ít, ăn chơi thì nhiều. Dân có thể làm đủ mọi thủ tục qua mạng, trai gái lấy nhau cũng qua mạng (chỉ chừa ngủ), cần chi phải mò ra ủy ban xã hoặc lên tỉnh. Tỉnh lỵ đặt chỗ nào chả được. Ngay thủ đô còn lệch hẳn về một phía, đâu cần chuyển vào Huế, vẫn điều hành được đấy thôi.

Vấn đề là đừng nhân cơ hội này xây thêm trụ sở mới, chết tiền dân. Với đám trụ sở cũ dư thừa, đừng quanh quéo dùng vào việc này nọ, hãy giao ngay cho ngành giáo dục và y tế, chuyển công năng chúng để phục vụ dân, nhất là trẻ con đang thiếu chỗ học. Nhiều ông bà lý sự nhà ấy trụ sở ấy vốn được xây làm công sở, sao biến thành bệnh viện, trường học được. Dào, không muốn chuyển thì cãi vậy, chứ muốn, sửa lại mấy hồi. Cái nhà ủy ban xã cũ tôi, nếu giao tôi thầu sửa, bảo đảm nửa tháng xong, có thêm cả chục phòng học đẹp te. Các bố cứ rách việc.

Còn cái này nữa. Quốc hội sắp họp, dự định kỳ này sửa cả Hiến pháp. Hiến pháp sửa được thì không gì không thể sửa. Tôi đề nghị nhân vụ sắp xếp đơn vị hành chính lần này, thay đổi tên gọi. Tất cả tỉnh lỵ đều gọi là thị xã (như xưa từng dùng), không thành phố thành phiếc thuộc tỉnh gì cả.

Ngoài 5 thành phố (ngang cấp tỉnh) đã có, không lôi thôi thêm thành phố nào nữa, bỏ hẳn cụm từ “thành phố trực thuộc trung ương”. Tỉnh thành nào cũng trực thuộc trung ương hết, không còn sứ quân nữa. Nghe cái tên cũ, thị xã Lạng Sơn, thị xã Tây Ninh, thị xã Thanh Hóa mới yêu thương làm sao, muốn khóc, hu hu. Ghét những đứa nào đã từng vác xẻng chôn cái tên thị xã (tỉnh lỵ).

Nếu không bàn việc quốc sách, chỉ nghe mấy đứa lảm nhảm về áo dài tứ ngũ thân hoặc đốt vàng mã, đấu giá biển số đẹp, thì đừng họp nữa, giải tán đi.

No comments:

Post a Comment