Sunday, April 6, 2025

Nói Với Người Cộng Sản: THÁNG 4 VIỆT NAM- 50 NĂM ĐÃ QUA

Tiến Văn
06/04/2025
DLSN

Thưa quí vị đảng viên lão thành cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,

Chúng ta đã bắt đầu bước vào tháng Tư. Năm nay, tháng Tư có một điểm hết sức đặc biệt, đây là tháng Tư thứ 50 sau ngày Sài Gòn, thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa bị rơi vào tay cộng sản.

Vì lí do này, chuyên mục của chúng ta trong suốt tháng Tư này sẽ dành riêng cho việc tưởng nhớ 50 năm xảy ra sự kiện đau thương chung của toàn dân tộc.

Từ đó, mỗi năm, khi đến tháng Tư, người Việt Nam ởtrong nước luôn luôn thấy đảng Hồ-Tàu cho tổ chức các sự kiện, tin tức, lễ hội có tính chất vui mừng, ca ngợi ngày Sài Gòn thất thủ như một chiến công, chiến thắng của toàn dân tộc.

Năm nay đảng Hồ-Tàu đang cho thực hiện nhiều hoạt động ầm ĩ hơn, tốn kém hơn cho sự kiện lịch sử này. Năm nay bọn chóp bu nâng tầm quan trọng cho sự kiện này tới mức bọn chúng đã điều hẳn một thứ trưởng công an làm trưởng tiểu ban an ninh về cái gọi là “Lễ kỉ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Chúng ta đều hiểu rằng, chừng nào đảng Hồ-Tàu còn tồn tại, bọn chóp bu của đảng này sẽ còn tiếp tục cho tổ chức các hoạt động lố bịch trước một thảm họa của dân tộc.

Nhưng, sau 50 năm, rất nhiều người Việt Nam đã nhìn nhận ra những sự thật lịch sử bất chấp mọi tuyên truyền bóp méo của đảng Hồ-Tàu.

Hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau nghe một số tâm tình từ một trí thức miền Bắc về sự kiện tháng Tư 1975.

Khi vào Sài Gòn tháng 7 năm 1975, cái hấp dẫn chủ yếu với tôi là… núi sách ở chợ sách đường Đặng Thị Nhu và các tủ sách gia đình. Tôi hối hả mua, mượn về đọc, rồi chở ra Hà Nội! Vốn khao khát những kiến thức mới về khoa học xã hội nhân văn và văn học thế giới mà những nguồn sách tiếng Pháp ở Hà Nội rất hạn chế, tôi mê mệt với đống sách biên khảo của Lê Thanh Hoàng Dân, Nguyễn Hiến Lê… sách của NXB Lá Bối, các truyện dịch của nhiều tác giả khác nhau, từ Dostoivevski đến Kazanzaki, Remarque, Herman Hesse… các tạp chí văn chương và nghiên cứu như Sáng Tạo, Văn, Bách Khoa…

Về lĩnh vực báo chí: Do báo chí là hoạt động mà đảng Cộng sản phải nắm rất chặt làm công cụ tuyên truyền dẫn dắt công luận nên ảnh hưởng của báo chí miền Nam (một nền báo chí đúng nghĩa) đối với báo chí sau 1975 thì chủ yếu ở mặt nghiệp vụ làm báo… Ảnh hưởng của lối làm báo ấy có thể thấy rất rõ đối với các tờ báo ở Thành Phố đã bị đổi tên* (rõ nhất ở các báo Tuổi Trẻ, Lao động Chủ nhật…) và ngày càng rõ với các tờ báo ở Hà Nội…

Về lĩnh vực giáo dục: Giáo dục là lĩnh vực mà đảng Cộng sản nắm còn chặt hơn báo chí để thi hành chính sách biến con người thành công cụ. Có lẽ vì thế thực tình tôi chưa thấy được nhiều ảnh hưởng cụ thể của giáo dục miền Nam đối với giáo dục sau 1975, đặc biệt là nền giáo dục đại học theo đường lối “tự do học thuật, tự trị đại học”…

Về lĩnh vực văn học: Nếu văn học miền Bắc trước 1975 nói đại quát là nền văn học tuyên truyền nhằm phục vụ chiến tranh, “văn học phải đạo”, văn chương “đồng phục”, bị kiểm soát chặt chẽ, bị cô lập với thế giới… thì văn học miền Nam trước 1975 là một nền văn học của đời sống tự nhiên, của con người tự nhiên, chân thực và hết sức đa dạng, đang phát triển mạnh mẽ trong một xã hội tự do và gắn bó với thế giới văn minh…

Thật vô cùng đáng tiếc là dòng chảy đang cuồn cuộn ấy đã bị chặn đứng vì biến cố 30/4/1975, khiến cho văn học đương đại Việt Nam bị khựng lại rất lâu, mãi cho đến nay chưa phục hồi được cái đà phát triển.

Tóm lại, nhìn một cách tổng thể, toàn bộ đời sống miền Nam, trong đó có đời sống văn hoá, văn học, trong 45 năm qua đã dần dần “giải phóng” người dân miền Bắc khỏi cái nhà tù lớn trong đó con người bị buộc phải giả tạo, “gồng mình” hoặc bị mê hoặc mà mù quáng tuân phục trong thời chiến và theo “định hướng XHCN”…[1]

Đến nay nó vẫn tiếp tục đóng góp vào tiến trình “giải Cộng” gian lao của đất nước! Chắc chắn sẽ đến một ngày, đất nước chứng kiến một cuộc phục hưng văn hoá, văn học, đi tiếp con đường mà văn hoá, văn học miền Nam đã đi. Con đường TỰ DO, NHÂN BẢN, HỘI NHẬP QUỐC TẾ.

Thưa quí vị và anh chị em, đó là những tâm sự công khai của nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng người đang sống tại Sài Gòn. Ông Hoàng Hưng đã sinh ra trên đất Bắc và trưởng thành hoàn toàn trong chế độ cộng sản. Ông từng là nhà báo của tờ Lao Động có trụ sở tại Hà Nội.

Năm mươi năm là một khoảng thời gian rất dài đối với đời sống của con người, song, đây chỉ là một chấm rất nhỏ trong lịch sử của một quốc gia. Lịch sử sẽ phải đổi thay một khi sự thật đã được nhìn ra.

Hoàng Ân cùng Tiến Văn tạm biệt và xin hẹn quí vị, quí bạn trong chương trình tuần sau.

06/04/2025

[1] nguồn: https://vanviet.info/van-de-hom-nay/ve-anh-huong-cua-van-ho-viet-nam-cong-ho-van-ho-mien-nam-sau-1975/

 

No comments:

Post a Comment