Saturday, April 19, 2025

Nguyễn Thành Phong – Thôi, đừng tâm tư nữa
vendredi 18 avril 2025
Thuymy


Có việc nghĩa ở Thái Nguyên, đầu giờ chiều đánh xe từ làng đi, chạy mấy trăm cây số, qua bốn, năm tỉnh. Thế mà chập tối vẫn kịp về Kinh thành dự cuộc rượu ở quán phía mạn ngoại ô Tây Bắc, cùng mấy cao nhân. Tiệc do doanh gia, văn sĩ Trần Quốc Quân ở Ba Lan về, đã mấy lần nhắn nhe hẹn hò tiếp đãi...

Vừa nâng chén chào mâm, Nguyên gia đầu bạc râu dài gióng giả : Ở đây có ba người vui, quê vẫn còn tên tỉnh, không mất gì, xin chia buồn với hai kẻ sắp mất tên.

Là bởi mâm rượu ngũ nhân, có ba người, Phạm Xuân Nguyên quê Hà Tĩnh, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu và luật sư Ngô Quốc Kỳ cùng quê Nghệ An, thuộc vào số tỉnh được giữ nguyên không nhập đổi gì đợt này. Hai kẻ, là Trần Quốc Quân quê gốc Hà Nam sắp nhập vào tỉnh mới Ninh Bình, và mình, quê Thái Bình thì nhập vào tỉnh mới Hưng Yên. Cả hai đều bay tên cũ, thủ phủ cũ sắp chuyển sang nơi mới.

Mình ậm ừ nói, chả biết mất hay được, còn tùy góc nhìn. Ông Quân trong họ tài danh Nam Cao, người Đại Hoàng, làng Vũ Đại, thì vẫn đấy, có mất tên "cầu tõm", Hà Nam danh giá nhất ông Cò, thì lại thành người quê cố đô, Hoa Lư lên phố mới. Tôi vẫn làng Phú La phủ Thần Khê. Trước, phải đi hơn sáu chục cây số mới về tới đất quê, giờ sang cầu qua sông Hồng, đã là tỉnh mình rồi.

Văn sĩ Quân gật gù, được mất gì chả quan trọng, cứ phải thay đổi đi cái đã. Luật sư Kỳ bảo, phải chờ Tàu xem, nó có biến, có thay đổi, thì mình mới mong thay đổi. Tiến sĩ Chu vừa viết một phản biện mạnh mẽ, sâu sắc về chuyện thời sự này. Rồi chuyện cứ xoay quanh...

Hóa ra tâm tư cũng lắm. Thì chuyện lớn đến như thế, quyết nhanh, làm nhanh ào ạt đến như thế, sao lại không có tâm tư ? Nhưng tâm tư này cũng chả phải lạ lẫm gì nữa. Trước đây mấy chục năm đã diễn ra rồi, có điều làm chưa thành công, để lại nhiều hệ lụy thôi. Chưa thành công thì phải làm lại, chứ giang sơn không thể mãi mãi cứ lắt nhắt manh mún, chỗ nào cũng thấy nhộn nhạo trụ sở với trùng điệp ghế quan ngồi mà không thấy không gian và tầm nhìn cho người dân ta ra cái tư thế của thời hội nhập với hiện đại đâu cả.

Cách đây hơn ngàn năm cũng đã có tâm tư như bây giờ đấy. Lý Công Uẩn lên ngôi năm 1009, chưa đầy một năm sau, đã làm cuộc dời đô ra thành Đại La, lập kinh kỳ Thăng Long, mở thời đại mới... Lúc ấy triều đình, bề ngoài nhất nhất tuân theo, nhưng trong lòng cũng cuồn cuộn tâm tư. Lý Công Uẩn mưu lược, phò mấy đời vua, từ lúc ôm xác Lê Long Việt khóc ngất, rồi nhẫn nại hộ giá Lê Long Đĩnh trác táng ngọa triều, rồi mới được suy tôn, mới uy quyền tập trung mà làm được việc lớn như thế.

TS Chu nói, đừng vội so sánh người nay với Lý Công Uẩn xưa. Mình bảo, tôi lan man lịch sử địa tí thôi, chứ đâu đã vội so sánh. Đại nghiệp đang khởi động, thành bại chưa biết đến đâu, thì làm sao so sánh được. Nhưng vẫn có thể hy vọng chứ.

Người nay cũng biết tiến lui nhẹ nhàng, cũng mưu lược để đi đến đại quyền, thống nhất đại quyền bằng cách thức chưa hề có. Rồi rõ ràng là đã nghiền ngẫm rất kỹ, nên khi lên nắm quyền là đã có ngay chủ thuyết mới mẻ và triển khai lập tức nhiều đại sự... Chúng ta đều rất mong muốn thay đổi. Thì đấy, bắt đầu thay đổi đấy. Và thế là rất đáng cho hy vọng chứ.

Lũ chúng ta, trong đời, đã từng đi qua và chứng kiến rất nhiều việc lớn diễn ra rồi, giờ vẫn đang được chờ đợi để xem sẽ ra sao nữa. Trước mặt, đang bày rượu ngon, mồi đẹp, bạn hiền. Thôi đừng tâm tư nữa, nâng chén tiếp đi thôi, để mà nhi nhiên chờ đợi...

NGUYỄN THÀNH PHONG 18.04.2025

No comments:

Post a Comment