Saturday, April 19, 2025

Mỹ : TT Trump “tuyên chiến” với Harvard – cuộc tấn công vào giới tinh hoa học thuật
Phan Minh
Đăng ngày: 18/04/2025 - 12:02Sửa đổi ngày: 18/04/2025 - 13:53
RFI

Đại học Harvard, với chính sách đa dạng (chủng tộc, giới tính, tôn giáo), là một đối trọng rõ rệt với chủ nghĩa Trump và thật khó tin khi trường này không bị tác động bởi cơn lốc MAGA (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) trong một thời gian dài. Nhưng giờ đây, trường đại học lâu đời nhất Hoa Kỳ đang đối đầu với một Nhà Trắng dường như tự cho rằng có quyền lực vô song, muốn sử dụng quyền lực đó để làm suy yếu những trụ cột trong giới tinh hoa xã hội Mỹ.

Sinh viên cầm cờ Palestine biểu tình phản đối việc 13 sinh viên bị cấm tốt nghiệp do các hoạt động bài Israel. Ảnh chụp ở đại học Harvard, Cambridge, bang Massachusetts, Hoa Kỳ, ngày 23/05/2024. © Ben Curtis / AP

Trước sự can thiệp mạnh mẽ từ Nhà Trắng, hiệu trưởng Harvard, ông Alan Garber, đã quyết không nhượng bộ và tuyên bố Harvard sẽ không “từ bỏ sự độc lập hay các quyền hiến định của mình”. Sự kiện trường đại học vốn nổi tiếng với việc đào tạo các tổng thống hơn là chống lại họ chính thức đối đầu với tổng thống Donald Trump tạo ra một trong những cuộc so găng lớn nhất giữa chính quyền và một định chế truyền thống tại Mỹ.

Trump và chiến lược tấn công ngành giáo dục đại học

Donald Trump và các cộng sự đã không ít lần chỉ trích các trường đại học hàng đầu của Mỹ, đặc biệt là các trường thuộc Ivy League như Harvard, Columbia, Yale và Princeton. Chính quyền Trump cáo buộc những học giả và giảng viên của các trường này là những người theo chủ nghĩa cực tả, thúc đẩy những chính sách “woke” liên quan đến vấn đề chủng tộc và giới tính. Tổng thống Trump cho rằng các trường đại học này đang nuôi dưỡng những tư tưởng cực đoan và xa rời các giá trị của đa số người Mỹ. Quan điểm của chủ nhân Nhà Trắng đã nhận được sự tán đồng của rất nhiều người Mỹ, đặc biệt là những người theo phong trào MAGA, với một tỷ lệ lớn là cử tri đảng Cộng Hòa không tin tưởng vào các cơ sở giáo dục đại học.

Những lời đả kích của Donald Trump nhắm vào các trường đại học không đơn thuần là một chiến lược nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng chính trị, mà đó còn là nỗ lực rộng lớn hơn nhằm thách thức các định chế quyền lực mà ông cho là đang thúc đẩy tư tưởng tự do, bao gồm các tòa án, những cơ quan liên bang và các phương tiện truyền thông. Sau khi tái cơ cấu đảng Cộng Hòa và Tối Cao Pháp Viện, Donald Trump duy trì chiến lược này bằng cách nhắm đến hệ thống giáo dục đại học, nhằm tạo ra một sự thay đổi mạnh mẽ về mặt tư tưởng, và từ đó đẩy đất nước thiên về cánh hữu.

Tấn công vào giới học thuật và tự do ngôn luận

Chính quyền Trump không chỉ tấn công các học giả và giảng viên được cho là có xu hướng thiên tả. Chính sách kiểm soát nhập cư của ông đã tạo ra một bầu không khí sợ hãi trên các khuôn viên trường đại học khi nhiều sinh viên bị tạm giữ và bị trục xuất. Hàng trăm sinh viên nước ngoài đã bị hủy visa với lý do quan điểm của họ có thể gây tổn hại đến lợi ích chính trị của Mỹ. Những cuộc biểu tình trong các trường đại học, đặc biệt là biểu tình phản đối chính sách của Israel, cũng bị nhân viên công lực giám sát chặt chẽ.

Chính sách này của Donald Trump không chỉ đe dọa các quyền tự do học thuật mà còn tạo ra một bầu không khí đàn áp. Những đe dọa từ chính quyền về việc cắt giảm tài trợ cho các trường đại học hàng đầu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nghiên cứu khoa học và y tế, đặc biệt là những nghiên cứu về các bệnh hiểm nghèo như ung thư hay Alzheimer.

Cuộc chiến với Harvard về nạn bài Do Thái và chính sách đa dạng

Một trong những nguyên nhân quan trọng tạo ra cuộc đối đầu giữa Donald Trump với các trường đại học là những cáo buộc về nạn bài Do Thái. Sau cuộc tấn công của tổ chức Palestine Hamas nhắm vào Israel, những cuộc biểu tình trong các trường đại học, bao gồm Harvard, đã trở thành mục tiêu đả kích của chính quyền Trump. Dân biểu Cộng Hòa Elise Stefanik, cựu sinh viên Harvard, chỉ trích hiệu trưởng các trường đại học lớn đã không mạnh mẽ lên tiếng về nạn bài Do Thái. Hậu quả là hiệu trưởng Harvard Claudine Gay phải từ chức.

Nhà Trắng cũng yêu cầu Harvard rà soát lại nhiều chương trình, khoa và bộ phận trong trường, vì cho rằng những nơi này có hành vi bài Do Thái nghiêm trọng cùng với những thành kiến khác. Chính quyền Trump cũng yêu cầu các trường đại học chấm dứt các chương trình đa dạng, bình đẳng và hòa nhập, bao gồm việc giảm quyền lực của giảng viên và chấm dứt việc tuyển dụng dựa trên chủng tộc, giới tính và tôn giáo. Những yêu cầu này phản ánh một sự can thiệp sâu rộng vào hoạt động của các trường đại học, một động thái chưa từng thấy trong lịch sử Hoa Kỳ.

Căng thẳng và đối đầu pháp lý

Ngoài ra, chính quyền Trump còn áp đặt những yêu cầu pháp lý khắc nghiệt, bao gồm cả việc yêu cầu các trường đại học phải bị điều tra về những cuộc biểu tình và các hoạt động bài Israel trên các khuôn viên trường. Từ đó có thể thấy cuộc chiến mà Donald Trump phát động với các trường đại học không chỉ về mặt chính trị mà còn về mặt pháp lý. Đơn cử là nhiều trường đại học, trong đó có Columbia, đã phải nhượng bộ, nhưng giới quan sát dự đoán rằng những vụ này sẽ được đưa ra tòa.

Một trong những nhân vật phản đối mạnh mẽ các yêu cầu của chính quyền là Lawrence Summers, nguyên bộ trưởng Tài Chính Mỹ và cựu hiệu trưởng Harvard. Ông nhận định những yêu sách này là hành động “ngoài pháp luật” và cho rằng chính phủ không thể thay đổi hoàn toàn các nguyên tắc Hiến Pháp vì lý do chính trị. Ông nhấn mạnh rằng mặc dù các trường đại học cần cải cách, nhưng không thể để chính phủ áp đặt các yêu cầu mang tính chính trị lên các tổ chức học thuật.

Cảm giác sợ hãi và sự áp bức tại các trường đại học

Trong khi chính quyền Trump tạo ra một bầu không khí căng thẳng, việc thực thi các chính sách nhập cư nghiêm ngặt đã dẫn đến sự xuất hiện của cảm giác sợ hãi sâu sắc tại các trường đại học. Các sinh viên, đặc biệt là sinh viên quốc tế và những người tham gia các cuộc biểu tình phản đối Israel, đã trở thành mục tiêu của cơ quan di trú. Một số sinh viên đã bị bắt giữ và bị trục xuất mà không có cáo buộc chính thức về những hoạt động phạm pháp, và điều này làm dấy lên lo ngại về quyền tự do ngôn luận và các quyền cơ bản của con người.

Các luật sư và các nhà bảo vệ quyền công dân đã cảnh báo rằng những hành động này có thể làm suy yếu hệ thống pháp luật và quyền lợi của sinh viên, đặc biệt là trong bối cảnh chính quyền đang tìm cách “ép buộc” sinh viên rời khỏi Mỹ thay vì thực hiện các thủ tục hợp pháp hóa giấy tờ.

Tác động lâu dài đến giáo dục đại học Mỹ

Cuộc đối đầu giữa chính quyền Trump và các trường đại học hàng đầu của Mỹ có thể gây ra tác động lâu dài đối với hệ thống giáo dục đại học ở Mỹ. Một số chuyên gia cảnh báo rằng nếu chính quyền thành công trong việc áp đặt các chính sách này, điều đó sẽ dẫn đến sự giảm sút về tự do học thuật và sự đa dạng về quan điểm trong các trường đại học Mỹ. Các trường đại học có thể sẽ mất đi sức hút đối với sinh viên quốc tế, những người đến từ khắp nơi trên thế giới để được học tập trong một môi trường tự do, nơi các quan điểm khác nhau được tôn trọng và tranh luận tự do.

Theo Jameel Jaffer, thuộc ban lãnh đạo đại học Columbia, việc tạo ra một bầu không khí sợ hãi có thể gây tổn hại không chỉ đối với sinh viên quốc tế mà còn đối với toàn bộ nền giáo dục đại học Mỹ, bởi chính sự đa dạng và tranh luận trong học thuật đã làm nên giá trị của các trường đại học Mỹ.

Nguồn : CNN

No comments:

Post a Comment