Saturday, April 19, 2025

Mai Quốc Ấn – Văn hóa đặt tên
samedi 19 avril 2025
Thuymy


Văn hóa là cội rễ của hồn cốt dân tộc, là “chủ quyền mềm” của quốc gia !

Ngay cả khi Việt Nam bị đô hộ bởi giặc phương Bắc, dòng chảy văn hóa vẫn giúp người Việt nhắc nhau ngàn năm : “Vừa bằng cái thúng/Lại thủng hai đầu/Bên ta thì có, bên Tầu thì không !” (Cái khố - Ca dao)

Có một nhà thơ cộng sản là Nguyễn Khoa Điềm viết về văn hóa địa danh ở Việt nam vô cùng cô đọng và súc tích : “Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân.” Họ, là nhân dân, là yếu tố dưỡng nuôi văn hóa kiên trì, bền bỉ và vô tư đến mức có thể hy sinh thứ quý nhất là mạng sống để “Ta thà làm quỷ nước Nam. Không thèm làm vương đất Bắc !”

Làm văn hóa rất khó ! Trong đó, làm quản lý mà gắn với văn hóa cũng rất khó.

Trung ương sáp nhập tỉnh thành mà có nơi khen, có chỗ chê cũng là bình thường. Nhất là khen chê việc đặt tên phường xã sau sáp nhập. Việt Nam không thiếu những cái tên anh hùng gắn với địa phương mà họ sinh ra hay cống hiến. Đặt tên xã phường theo số thứ tự có lẽ không phù hợp với Việt Nam vì nó xuất phát từ phương Tây.

Sau khi nhà Nguyễn thắng nhà Tây Sơn, có một câu chuyện đáng suy nghĩ. Võ tướng Lê Văn Dũng là bại tướng thuộc Tây Sơn nhưng ông vẫn được người dân lập đình thờ ở Bình Trưng (Quận 2 cũ). Gia Định thành do Tả quân Lê Văn Duyệt trấn thủ nhưng tuyệt nhiên ông chẳng phá ngôi đình ấy. Đó là anh hùng trọng anh hùng ! Cũng là đại khí của một triều đình mà giai đoạn tồn tại của nó chứng kiến Việt Nam có diện tích lớn nhất lịch sử.

Người xưa đã vậy còn người nay ?

Thay vì đặt phường Phan Rang từ 1 đến 5, sao không đặt thêm tên phường như Chiêm Thành, Tháp Chàm, Chăm Pa… Giữ Hoàng Sa còn có những Ngụy Văn Thà. Ai vị quốc cũng xứng đáng vào sử sách !

Cải cách đến rung chuyển thì việc gấp quá sẽ dẫn đến sai sót hay sơ suất. Nhưng đặt tên một địa danh hành chính mới, có khi đơn giản chỉ là khôi phục một địa danh cũ có tính lịch sử mà lòng dân thuận theo vì “quen mặt, nhớ tên”. Lấy ý kiến nhân dân vốn cũng chẳng khó gì.

Đặt tên là để chính danh !

Đặt tên địa danh thì chỉ có nhân dân địa phương ấy mới là đối tượng chính danh cần phải tham vấn. Và “khó vạn lần dân liệu cũng xong” chẳng phải là điều cán bộ nào cũng được học sao ?

Nên, hãy nghe dân rồi đặt tên cho thuận lòng dân !

MAI QUỐC ẤN 19.04.2025

No comments:

Post a Comment