Mai Quốc Ấn - Bản chất chiến tranh thương mại và phản ứng của Việt Nam
mercredi 9 avril 2025
Thuymy
Ông này chỉ rõ việc hàng hóa Trung Quốc dán nhãn Việt Nam để đi vào Mỹ, và Mỹ không muốn thế! Thủ tướng Phạm Minh Chính đã họp Chính phủ và đưa ra thông điệp cụ thể: “Chống hàng hóa nhập khẩu từ nước thứ ba để xuất khẩu vào Mỹ.” Nghe cụm từ “nước thứ ba” thì hơi chung chung, nhưng cụ thể là từ nước nào thì rất dễ nhận diện: Việt Nam đang nhập siêu lớn nhất từ Trung Quốc.
Bản chất của cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Và Mỹ sẽ tấn công tất cả nếu tất cả ủng hộ Trung Quốc.
Cụm từ “tấn công tất cả” vẫn chung chung, thì chúng ta có thể hiểu đơn giản là dù trong top 10 hay trong top 20 quốc gia nhập siêu vào Mỹ thì Việt Nam đang đứng thứ ba danh sách và Trung Quốc thì luôn đứng đầu. Mỹ sẽ tấn công bằng thuế quan và các chính sách tài khóa khác với các quốc gia trong top thâm hụt thương mại.
Nhiều người khen ông Tô Lâm giỏi, song tôi lại nhìn nhận vị chính khách này có khác đôi chút.
Ông Tô Lâm “đăng cơ” chưa lâu thì chiến tranh thương mại ập đến. Trong rủi có may, cuộc chiến thương mại mà Mỹ tiến hành lại rất phù hợp với những cải cách quốc gia của ông Tô Lâm mà cốt lõi theo tôi là cải cách kinh tế. Thúc đẩy khoa học công nghệ và phát triển khối kinh tế tư nhân trong kinh tế thay vì các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI giải quyết ba vấn đề:
1- Trên thế giới, ví dụ về kinh tế tư nhân hiệu quả hơn kinh tế nhà nước là vô số. Kinh tế Nhà nước dễ tham nhũng hơn nên cái gì giao được cho tư nhân thì cứ giao, sẽ giúp nội lực thực sự của kinh tế Việt Nam vững vàng hơn.
2- Thúc đẩy kinh tế tư nhân mạnh lên và giảm phụ thuộc vào FDI là điều Mỹ cần. Trong quân sự, Việt Nam không cho quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại nước ta, thì trong kinh tế, Mỹ cũng muốn các dòng vốn “không phải Việt Nam” đừng núp bóng Việt Nam vào Mỹ. Nhất là Trung Quốc!
3- Khoa học công nghệ là chìa khóa thịnh vượng với bất kỳ quốc gia nào nếu đó là những sản phẩm khoa học công nghệ tự thân của nền kinh tế đó (thường đến từ tư nhân hơn là nhà nước). Đây mới là vấn đề cốt lõi nhất, và thật may là Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ của ông Tô có điều này.
Nhưng trong góc nhìn của cá nhân tôi, những người lãnh đạo quốc gia lẫn những “mưu sĩ” chấp bút cho các chính sách chiến lược quốc gia cần nhìn sâu vào hai “điểm trễ” của chính sách vĩ mô :
Một : Tính dự báo chậm nên các phản ứng sau đó (dù giỏi) mang tính đối phó nhiều hơn. Khi thấy nước mình mới chớm nhập siêu/xuất siêu thì cần lường trước các tình huống đối tác ta nhập siêu như Trung Quốc “được nước lấn tới” hay đối tác ta xuất siêu như Mỹ “dựng hàng rào thuế quan”.
Hai : Chiến lược quốc gia về khoa học công nghệ là một chiến lược quốc gia quan trọng trong số các chiến lược quốc gia đã ban hành từ năm 2020. Nhưng đến 2025 thì tôi (có doanh nghiệp khoa học công nghệ) mới thấy thực sự không khí làm việc triển khai mới bắt đầu (trước đó toàn thấy trên tivi). Nghĩa là sự chậm trễ này đến từ bộ máy chính phủ, mà những người đứng đầu bộ máy đều là Đảng viên.
Vì sự sự chậm trễ này, công dân Mai Quốc Ấn hay mọi công dân đều có quyền thẳng thắn phê bình Tổng Bí thư dù thông cảm rằng ông Tô Lâm mới lên làm Tổng Bí thư chưa lâu.
Tôi ủng hộ cải cách thể chế (đến mức rung chuyển như hiện nay) và các thông điệp chính trị có lợi cho dân và phần nào khắt khe trong việc nhìn nhận các cải cách của ông Tô Lâm. Và viết những bài dễ hiểu như vầy để bà con cô bác lao động bình dân dễ hiểu tình trạng quốc gia đang gặp phải và cần gì để phát triển nội lực để vững mạnh trước các biến động thế giới.
Nhìn vào các chiến lược quốc gia, trong 10 năm tới tôi thấy có 3 chiến lược cốt lõi cần ủng hộ:
1/ Chiến lược quốc gia về môi trường : Người Việt tăng tuổi thọ nhưng giảm chất lượng sức khoẻ vì ô nhiễm môi trường nên cần cải thiện môi trường đầu tiên. Một dân tộc không khỏe mạnh sẽ không đủ sức chống chọi với thời cuộc biến động và cũng chẳng thể phát triển nội lực.
2/ Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh : Xu thế toàn cầu này là bắt buộc. Chỉ có tăng trưởng xanh mới bền vững và mới tăng cơ hội xuất khẩu thay vì thành bãi rác công nghệ cũ, công nghệ gây ô nhiễm môi trường (tuyệt đại đa số từ Trung Quốc)
3/ Chiến lược quốc gia về khoa học công nghệ : Không tự chủ lĩnh vực khoa học công nghệ thì Việt Nam sẽ chỉ là “quốc gia làm thuê” cho FDI và xuất khẩu lao động. Mọi lĩnh vực mà không tự chủ khoa học công nghệ thì kinh tế, giáo dục, quốc phòng và an sinh xã hội sẽ vừa yếu, vừa thiếu. Đây là vấn đề cốt lõi nhất nếu muốn đất nước cất cánh.
Các cá nhân, doanh nghiệp nên đầu tư vào lĩnh vực của mình am hiểu nhưng nên xoay quanh ba chiến lược quốc gia nêu trên. Đó vừa là trách nhiệm với đất nước vừa là quyền lợi lớn khi các dòng vốn đầu tư dù là trong hay ngoài nước, công hay tư cũng sẽ tập trung vào đó cùng các ưu đãi mang tính chất chính sách và triển khai bằng luật xoay quanh các chiến lược quốc gia.
Tôi không phải đảng viên, cũng nhiều lần bày tỏ rõ tôi không yêu Đảng hay chính phủ. Nhưng tôi tin rằng trong Đảng và Chính phủ nước mình cũng có những người vị quốc và cống hiến cả đời cho đất nước (như ba tôi - một người cộng sản chân chính và có phần quá mức bonsevich, hihi). Cần ủng hộ những người vị quốc mà lời nói và hành động đồng nhất.
Nên ủng hộ ông Tô Lâm ở góc độ các chính sách cụ thẻ có lợi cho dân, cho nước. Xin nhấn mạnh lại là các chính sách, vì đánh giá chính trị gia nào cũng cần nhìn vào chính sách của vị đó đưa ra.
P/s: Tôi có gửi thư đề nghị (không phải kiến nghị) về khoa học công nghệ đến Ban Chỉ đạo trung ương về Khoa học công nghệ (ông Tô làm trưởng ban) và Hội đồng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia (ông Phạm Minh Chính là Chủ tịch hội đồng). Hôm qua thấy cán bộ văn phòng chính phủ liên lạc để thông báo gửi công văn trả lời, giọng rất lịch sự.
Đây là sự tiến bộ rõ so với thời trước vì trước đây tôi gửi kiến nghị mà chẳng có văn bản nào trả lời nói chi cán bộ liên lạc lại như bây giờ để thông báo. Cải cách bát đầu có tác dụng cụ thể đó chứ!
MAI QUỐC ẤN 09.04.2025
No comments:
Post a Comment