Saturday, April 19, 2025

Chuyến đi nước Việt Đàng Trong năm 1792-1793 (Phần 10)
Tác giả: Sir John Barrow
Hồ Bạch Thảo biên dịch
19-4-2025
Tiengdan

Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6 — phần 7 — phần 8 và phần 9

Chương 11: Ưu điểm về giao dịch thương mại với nước Việt Đàng Trong

1. Bán đảo và bến cảng Đà Nẵng – Quan điểm của Pháp muốn nhượng lại nó – Tầm quan trọng của Đà Nẵng đối với Anh, đặc biệt là trong thương mại với Trung Quốc – Sản phẩm xuất khẩu của nước Việt Đàng Trong – Phương thức thiết lập quan hệ với quốc gia này – Phản đối giao phó việc ngoại giao cho những người buôn bán.

Giám mục Bá Đa Lộc khi thương thảo hiệp ước giữa vua Louis 16 và vua nước Việt Đàng Trong đã thể hiện rõ ràng sự gắn bó tuyệt vời với vua nước Việt Đàng Trong, nhưng cũng không quên để ý đến lợi ích của vua Louis. Điều khoản trong hiệp ước chứng tỏ rằng, khi đặt bán đảo Đà Nẵng nhượng cho Pháp, Giám mục tốt bụng đã không hề vô tâm trước những lợi thế bờ biển nước Việt Đàng Trong sở hữu. Ông ta dường như nhận thức một cách rõ ràng rằng, nước Pháp một khi chiếm giữ cái gáy của đất này, có khả năng bảo vệ nó vĩnh viễn tại phương Đông.

Thật sự mũi đất Đà Nẵng đối với nước Việt Đàng Trong so với Gibralter đối với Tây Ban Nha (Spain), khác biệt ở chỗ thế của xứ trước bất khả xâm phạm; kèm thêm sự thuận lợi quan trọng của bến cảng, che chở mọi nguồn gió suốt các mùa trong năm; chiếm hữu mọi sự cần thiết cho bến cảng lớn, nơi mà tàu bè luôn được làm mới, ở đó có nhiều rảnh nước trong tưới bón cho thung lũng quanh bến cảng. Gần một đảo nhỏ, nối liền với bán đảo bởi một eo đất không bị nước bao phủ, tàu bè với kích cở nào cũng có thể hạ xuống. Đối diện với nó, bán đảo nối dài bằng phẳng cho phố thị nhỏ với xưởng hải quân, kho chứa súng; có khả năng phòng thủ hữu hiệu với một nhúm người.

Một đảo nhỏ gọi là Cù Lao Chàm (Callao), vị trí cách phía nam vịnh Đà Nẵng 30 dặm Anh, cũng nằm trong vùng đất chuyển nhượng. Đảo này hoàn toàn cai quản con đường vào sông chính ở Hội An (Faifoo), nơi này là thị trường xưa buôn bán với người nước ngoài, đối diện là cửa sông. Ở đây có thung lũng màu mỡ, đầy nước; các tàu thuyền ngoại quốc mọi cở, có thể đậu một cách an toàn.

Quan điểm của Pháp khi xác định một phần bờ biển, hiển nhiên từ toàn bộ nội dung của hiệp ước nêu trên, rõ ràng là hướng đến việc xây dựng và trang bị cho lực lượng hải quân; lực lượng này một ngày nào đó sẽ chiếm hữu lãnh thổ của chúng ta ở phía đông; và không có gì chắc chắn rằng nỗ lực này sẽ không được tiếp tục; và nước Pháp đế quốc có thể không hoàn thành được những gì mà nước Pháp quân chủ trước kia chỉ có trong sự chiêm ngưỡng.

Việc họ bị loại trừ hoàn toàn khỏi bờ biển Ấn Độ (Hindostan) khiến nước Việt Đàng Trong trở nên hấp dẫn hơn; đặc biệt là từ nơi này, có thể giúp cho hoạt động thương mại có giá trị của chúng ta với Trung Quốc, cũng như quyền sở hữu của chúng ta ở Ấn Độ bị tổn hại và khó chịu. Sự độc lập chiếm hữu nơi này có thể cho phép kẻ thù tích cực gây rối chống lại kinh dinh của chúng ta ở phương đông.

Mặt khác, những lợi thế mà nó mang lại cho lợi ích thương mại và hải quân của chúng ta ở khu vực này của thế giới hẳn phải khiến nó được cân nhắc ở mức độ cao hơn so với những gì đã được ban tặng. Tôi không muốn bị hiểu ở đây là đang nói về phần này của nước Việt Đàng Trong theo quan điểm thuộc địa. Có lẽ chúng ta đã sở hữu nhiều thuộc địa nhất có thể duy trì được và nhiều lãnh thổ nhất có thể hữu ích cho nhà nước, nhưng chúng ta chưa bao giờ có thể có quá nhiều điểm an ninh cho hoạt động thương mại của mình, cũng như không có quá nhiều nơi tiện lợi cho việc vận chuyển.

Việc nhấn mạnh vào sự cần thiết phải duy trì hoạt động thương mại của chúng ta và chính sách tăng cường các tiện ích phân phối thành quả của ngành công nghiệp sản xuất của chúng ta sẽ hoàn toàn không cần thiết. Sự mất mát về thương mại không thể tránh được mất mát về thứ hạng mà nước Anh hiện đang nắm giữ trong thang bậc các nước. Pháp, một nước có lãnh thổ lớn tỷ lệ với dân cư; nói chung khí hậu thuận lợi, nhiều đất tốt, có nhiều sản phẩm khác nhau có thể chịu đựng được khi tỏ ra coi thường thương mại nước ngoài. Và nói một cách khinh thường với quốc gia chỉ phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chính mình, sự khốn khổ, thiếu may mắn, tàn phá xảy ra chắc chắn được sửa chữa mà không có sự giúp đỡ của ngoại thương.

Nhưng đây không phải là trường hợp đề cập đến nước Anh. Chúng ta cần liếc mắt đến sản phẩm vô số các tiệm lớn, kho hàng tại thủ đô chứa trữ, số đông tàu thuyền tại bến cảng, hiển nhiên kỹ nghệ đất nước mướn nhiều nhân công, sản xuất nhiều sản phẩm từ vật liệu thô ngoại quốc hơn là vật liệu từ trong nước. Gần như mọi nhà từ Tyburn Turnpike (Luân Đôn), hoặc từ Hype Park Corner (Luân Đôn), cho đến Whitechapel (Luân Đôn) đều là cửa hàng hoặc nhà kho; và tối thiểu 2/3 cửa hàng và nhà kho này đều chứa hàng từ vật liệu thô ngoại quốc. Ở đó, bất kỳ sự kiểm soát hạn chế nào đối với sự thịnh vượng thương mại của chúng ta và sự vượt trội mà chúng ta hiện đang được hưởng ở nước ngoài, chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại nhất cho đất nước nói chung.

Trên thực tế, có lẽ đã tiến xa hơn một chút trong sự nghiệp này để có thể rút lui an toàn; mọi nỗ lực hiện tại phải được thực hiện để giữ vững vị thế của chúng ta, để bảo vệ và bảo đảm an ninh lâu dài cho hoạt động thương mại vốn cho phép chúng ta có thể đánh giá sức mạnh của mình trước một kẻ thù không thể lay chuyển và mạnh mẽ. Có thể cần thiết cho cái móng của con sư tử British vươn ra vồ mọi mục tiêu, nhắm tăng an ninh cho nước Anh dũng cảm và nền kỹ nghệ, cùng tinh thần mạo hiểm của nước này đã thu hoạch và sáp nhập vào lãnh thổ của mình.

Nhưng ngoài vấn đề an ninh, chiếm giữ bán đảo mạnh Đà Nẵng, một mặt có thể giúp cho hạm đội đáng giá của chúng ta thực hiện tốt việc buôn bán với Trung Quốc; mặt khác sự khó chịu không thể không mang lại cho chúng ta, nếu nó nằm trong tay kẻ thù năng động. Những lợi thế quan trọng mà công ty thương mại Đông Ấn của chúng ta sẽ đạt được, khi có một bến cảng an toàn ở khu vực này của thế giới, nơi có thể cung cấp nước và mọi loại bồi dưỡng, không được đánh giá thấp. Chỉ xét về mặt này mà thôi, nếu sự quản lý đoàn tàu thiếu bén nhạy, bảo trì sức khỏe thủy thủ kém hiệu quả như thường lệ, có được cảng như vậy để lui tới khi tàu quá chậm vì thời tiết hoặc gió mùa, thì thật quý giá. Có rất nhiều yếu tố thúc giục chúng ta hướng về việc thiết lập giao dịch với nước Việt Đàng Trong; nhưng tôi chỉ trình bày hạn chế một vài quan sát tôi phải đưa ra cái nhìn ngắn gọn về những lợi thế mà công ty Đông Ấn có thể thu hoạch được trong việc buôn bán với Trung Quốc, bởi thiết lập hãng xưởng trên bán đảo Đà Nẵng.

Buôn bán với Trung Quốc hết sức quan trọng và có lợi thế khiến công ty Đông Ấn quan tâm sâu rộng; tôi tin rằng được phổ quát thừa nhận, và nó đáng được xem xét kỹ lưỡng theo quan điểm quốc gia, nhưng cần ít bằng chứng. Nó sử dụng trực tiếp 20 ngàn tấn hàng từ nước Anh và gần 3.000 thủy thủ; dùng hàng len của ta và những sản phẩm khác ở mức độ đáng kể; và nó mang lại cho ngân khố một khoản thu nhập hàng năm khoảng 3 triệu bảng Anh. Đó là sự hỗ trợ to lớn cho uy tín của công ty Đông Ấn, có thể được nói một cách nghiêm ngặt là nó thu được lợi nhuận thực sự; lý do để cho lợi thế siêu việt thành hiển nhiên.

Đến Ấn Độ, Công ty thương mại có quyền lực như quốc gia có chủ quyền; đến Trung Quốc, Công ty thương mại như thương nhân. Vâng, không thể nghi ngờ gì nữa là cán cân thương mại giữa Anh và Trung Quốc có lợi rất nhiều cho Trung Quốc, và cán cân này được rút từ tiền cứng (1) của Anh với số tiền khoảng nửa triệu bảng Anh mỗi năm. Thoi vàng đưa ra để mua trà, chuyển đổi thành vốn sản xuất và cho đến nay đã được biến thành lợi nhuận lớn từ các quốc gia lục địa châu Âu.

Ngoài ra nước Anh điều hành thương mại đáng kể giữa Ấn Độ và Trung Quốc, cán cân thương mại có hại nhiều cho Trung Quốc (2), cũng như trong trường hợp khác, cán cân chống lại nước Anh. Với châu Âu nói chung, cán cân thương mại vẫn được duy trì, mặc dù có lợi rất nhiều cho Trung Quốc; và đồng đô la Tây Ban Nha được chuyển đến đó để thanh toán, số dư này sẽ không bao giờ được đưa trở lại lưu thông nữa, mà được chuyển đổi thành một hình dạng mới và hoàn toàn khác, vẫn bị khóa trong nước.

Trong tất cả các chính quyền chuyên chế, nơi mà luật pháp không đủ để bảo vệ an ninh tài sản, đất đai và nhà cửa được coi là quá hữu hình tỏ ra giàu có. Mục đích của mọi người có thu nhập vượt quá chi phí là bảo đảm giá trị lớn nhất có thể thu lại trong không gian nhỏ nhất, để trong ngày đen tối được dễ dàng che giấu. Trong những nước này, lợi tức buôn bán của họ thường được tích trữ bằng kim loại quý. Trường hợp như vậy, tôi tin rằng có nhiều ở Ấn Độ, và còn nhiều hơn ở Trung Quốc; và Trung Quốc có thể xem như một nơi chứa ngầm tiền tệ châu Âu vĩnh viễn.

Số tiền cứng hàng năm chảy vào Trung Quốc cũng ít gây hậu quả cho chúng ta; miễn là chúng ta cung cấp cho lục địa châu Âu hàng mang về, sản phẩm ta sản xuất tại trong nước hoặc thuộc địa, những kim loại đào được từ mỏ tại Potosi (3) cuối cùng cũng tìm đường đến sông Thames (4); hay nói một cách khác, suốt thời gian này cán cân thương mại thế giới có lợi cho nước Anh. Tuy nhiên, mặc dù đây có thể là trường hợp hiện tại; nhưng vẫn mong muốn đạt được sự cân bằng trong thương mại giữa quốc gia này và Trung Quốc, và qua đó chấm dứt tình trạng tuồn chảy tiền tệ hàng năm mà Trung Quốc cần.

Theo ý tôi, thân mật bang giao với nước Việt Đàng Trong có thể ảnh hưởng đến mục đích này. Nước này cung cấp nhiều hàng hóa có giá trị thích hợp với thị trường Trung Quốc, và có thể mở ra lổ thông hơi mới và đáng giá cho nguồn hàng ta sản xuất, vị trí nó lại nằm trên con đường trực tiếp từ Anh đến Trung Quốc; vậy nên cần có sự cân nhắc không thể để ra ngoài.

Chẳng hạn rừng tại đây sản xuất nhiều loại gỗ thơm như gỗ hồng, gỗ đại bàng, gỗ đàn hương; tất cả các thứ đó được chấp nhận cao tại thị trường Trung Quốc và giá đắt. Quế ở nước Việt Đàng Trong mặc dù có hạt thô và hương vị cay nồng nhưng được người Trung Quốc ưa chuộng hơn quế Tích Lan (Ceylon); người ta bảo nó thuộc loài quế Cassia chứ không phải là cây Laurus.

Gạo là thứ đòi hỏi không thể thiếu được của dân Quảng Châu; đường và ớt tiêu cũng được chấp nhận như vậy; tất cả những thứ này sản xuất rất nhiều tại vùng thung lũng màu mỡ nước Việt Đàng Trong. Giá đường tại Đà Nẵng khoảng 3 đô las cho 60 kg (133 lbs); ớt tiêu 8 đô las cho số lượng như vậy, riêng gạo giá chỉ bằng nửa đô la.

Ngoài 3 sản phẩm đó, có thể cộng thêm trái cau, bạch đậu khấu, gừng và các loại hương liệu khác; tổ yến có thể thu hoạch số lượng lớn tại các đảo dọc theo bờ, và nổi danh trên biểu đồ mang tên Hoàng Sa (Paracels) (5). Bichos do Mar, hay rắn biển, đúng hơn là sên biển, và thường được gọi là trepan trong ngôn ngữ thương mại; cùng với vây cá mập, Moluscas hoặc mỡ biển, và các sản phẩm biển khác có chất lượng thuộc dạng thạch [gelatin] dù là động vật hay thực vật, luôn luôn được người Trung Quốc ưa chuộng.

Ngoài ra nó cung cấp những sản phẩm giá trị khác như nhựa cây sơn, chàm, ngà voi, bông, tơ lụa; và vàng, bạc, đồng thì hầu như không thiếu tại nước này. Cán gươm của các sĩ quan và khóa giây nịt tại đây làm bằng bạc, nhưng đôi khi tôi thấy làm bằng vàng. Thật sự họ bảo rằng một mỏ nhiều vàng mới khám phá ra gần Huế, thủ đô phía bắc. Bạc thì đem ra thị trường bán từng thỏi, dài 6 inches [15 cm], giá khoảng 11 đô la Tây Ban Nha.

Tất cả những đồ vật nêu trên rất thích hợp với thị trường Trung Quốc; chúng ta có thể đổi được bằng súng, đạn, gươm, đồ ăn, và các loại sản phẩm bằng đồng, sắt, y phục len mỏng, len cừu, hàng vải Manchester, vải mỏng thô Bengal, cửa hàng hải quân, thuốc phiện, và vài thứ thuốc khác. Các mặt hàng bản chất như thế này, khi được vận chuyển đến các cảng nước Việt Đàng Trong, thường được thanh toán trước từ 20 đến 30 phần trăm và giá trị của chúng, được trả bằng các thỏi bạc.

Còn một điều khác cần cứu xét về việc sắp xếp chiếm hữu bến cảng trên bờ biển nước Việt Đàng Trong, hoặc tối thiểu có hãng xưởng tại đó, rất cần thiết cho công ty Đông Ấn (East India company). Chúng ta đều biết rằng, chính phủ Trung Quốc có ý định đuổi tất cả mậu dịch ngoại quốc ra khỏi cảng và những giải pháp rất nghiêm túc đã được đưa ra qua hậu quả đó. Trong trường hợp này việc buôn bán vẫn tiếp tục có thể bằng lợi thế phương tiện những thuyền junk của lái buôn Trung Quốc sẽ mang trà và tơ lụa đến Đà Nẵng hoặc chỗ khác của bờ biển, tránh khỏi bị đánh thuế tàu ngoại quốc tại Quảng Châu. Nhưng trong trường hợp như vậy, chúng ta sẽ không có cơ sở nào khác trong phạm vi hàng hải của Trung Quốc, như người Tây Ban Nha ở Manilla, người Bồ Đào Nha ở Ma Cao và người Hà Lan ở Batavia. Thuyền junk Trung Quốc sẽ nắm giữ toàn bộ hoạt động thương mại, và nước Anh sẽ phụ thuộc rất nhiều vào họ về phần chia sẻ mà họ có thể yêu cầu để cho phép họ vào các cảng thích hợp.

Tuy nhiên nếu nước Việt Đàng Trong không muốn cắt nhượng bất cứ bờ biển hoặc đảo lân cận nào cho ngoại bang; sau khi may mắn thời cuộc thuận lợi cho chính quyền hợp pháp [của Nguyễn Vương], trong trường hợp đó, chúng ta vẫn có thể thu được những lợi ích quan trọng từ giao dịch thương mại đơn thuần. Chỉ riêng gỗ mà nước này có khả năng cung cấp, thích hợp cho việc đóng tàu, mục tiêu cần thiết cao của chính phủ ta.

Xưởng tàu tại Bombay (Ấn Độ), và xưởng định xây tại đảo Prince of Wales (Gia Nã Đại) đòi hỏi nguồn cung cấp gỗ tếch (teak) và gỗ khác có giá trị. Nếu Bombay có ý định khuyến khích việc xây dựng hạm đội; người ta có thể ngờ rằng không biết trong vài năm sau kể từ bây giờ, toàn bộ vùng biển Malabar (Ấn Độ) có thể cung cấp nổi nguyên liệu, để có trong kho một con tàu duy nhất trang bị 24 khẩu súng. Ngay hiện nay vật liệu giá trị đều cạn kiệt, và những vật dụng cần thiết để đóng một tàu chiến lớn, nếu mua được cũng gặp khó khăn đáng kể và trì hoãn. Nguồn cung cấp gỗ teak, thả trôi theo giòng sông AyerWaddy từ xứ Ava, hay sau này gọi là đế quốc Miến Điện cũng bấp bênh như vậy; đó là nguồn lớn mà từ đó vật liệu có thể cung cấp cho bến cảng Prince of Wales.

Tuy nhiên, chúng ta có ít hy vọng và tin tưởng vào sự ủng hộ của chính quyền Rangoon. Nước Pháp đã ảnh hưởng tại đây cũng như phần khác của Đông Ấn, một sự nổi trội rõ ràng vượt xa tất cả các nước châu Âu khác; và họ sẽ không thất bại trong việc phát huy tối đa ảnh hưởng đó. Để làm cho kế hoạch lớn của chúng ta về việc tăng cường hải quân bằng cách thiết lập bến tàu xây dựng tại đảo Prince of Wales trở nên vô nghĩa, họ sẽ thực hiện hiệu quả nhất bằng cách đóng cửa sông AyerWaddy, như vậy cắt nguồn cung cấp gỗ rất thích hợp cho mục đích của chúng ta.

Sông Sài Gòn, thường gọi là Cambodia, chảy ra biển tại miền cực nam nước Việt Đàng Trong; qua rừng cây dày đặc nguy nga, chiếm giữ mọi cây cần thiết cho kiến trúc hàng hải, như teak, thiết mộc, cây poon; cây poon cao mà thẳng, giống như cây thông của Na Uy, làm cột buồm rất tốt. Trong rừng ở nước Việt Đàng Trong cũng có cây ebony, cedars, mimosas, walnuts, và thực sự phần lớn cây trồng tại Ấn Độ. Xuôi dòng sông tuyệt vời này, tất cả các lọai gỗ có thể đưa đến đảo Prince of Wales, thuận tiện hầu như tại Rangoon (Miến Điện).

Đã trình bày vắn tắt một vài lợi điểm quan trọng, việc kết giao thân thiện với nước Việt Đàng Trong mong muốn được thi hành; bước kế tiếp được quyết định là cách thức thiết lập kết giao hiệu quả nhất. Với quan điểm này, có thể không phải là thiếu sót khi tìm hiểu xem cho đến nay, liệu có bất kỳ bước nào được thực hiện để hoàn thành mục đích mong muốn như vậy.

Cố gắng đầu tiên mở đầu cho việc tiếp xúc thân thiện với nước này được thực hiện bởi Mr. Hastings (6) vào năm 1778, khi ông ta nhận được sự ủng hộ của vài đại diện về kết quả lợi ích cho biện pháp như vậy. Ông đã được thuyết phục để cấp phép cho một công ty thương mại gửi vài con tàu chở hàng hóa, đồng thời giao phó một loại ủy ban bán ngoại giao mang tính chất công khai cho một quý ông có liên hệ trong công ty đó hành xử.

Bất kể động cơ nào ảnh hưởng đến hành vi của ông Hastings trong trường hợp này, kết quả của chuyến đi có thể dễ dàng dự đoán trước. Thương gia tại đây, cũng như ở Trung Quốc, bị coi thường rất nhiều, và chính phủ sở tại cũng không trọng đãi khi cho phép người nước ngoài nhập cảnh bừa bãi vào cảng của mình. Do đó, cho dù hệ thống độc quyền của công ty Đông Ấn có bị phản đối đến mức nào, và sự khôn ngoan của chính sách cấm các tàu Anh tăng gấp đôi tại mũi Good Hope bị nghi ngờ, trong khi những tàu mang cờ các quốc gia khác được hưởng lợi từ sự hạn chế như vậy.

Tôi quyết định rằng việc buôn bán với Trung Quốc và nước Việt Đàng Trong không bao giờ nên mở cửa cho các thương nhân cá nhân. Người Trung Quốc nói riêng, rất ghét việc thần dân của họ buôn bán bừa bãi với người nước ngoài, đến nỗi chính phủ chỉ định riêng một nhóm thương gia được phép giao dịch với người lạ, và một trong số họ có nghĩa vụ trở thành người bảo đảm cho sự công bằng và hành vi tốt của thuyền trưởng và thủy thủ đoàn của mọi con tàu ghé thăm cảng Quảng Châu.

Tất cả các giao dịch được các quốc gia này coi là một loại cờ bạc, trong đó số lượng người chơi gian lận vượt xa số lượng người chơi công bằng. Những cám dỗ thật sự của lợi nhuận lớn mà thương mại đôi khi mang lại, rất khó chống lại, và khi lợi ích cá nhân cạnh tranh với dịch vụ công, thì dịch vụ công rất dễ bị lợi ích cá nhân lấn át. Do đó, nếu không chấp nhận tính phi tự do của châm ngôn Trung Quốc, sự thiếu chính sách là rõ ràng khi giao các công việc của chính phủ vào tay những người ở bất kỳ hình thức nào liên quan đến các mối quan tâm của thương mại. Dù người buôn bán danh dự đến đâu trong giao dịch, anh ta cũng không thể chịu trách nhiệm về hành vi tốt của toàn bộ đoàn tàu, cũng như với hàng hóa mà anh ta chuyển giao cho người khác quản lý, anh ta không thể cùng lúc chuyển giao tính cương trực và nguyên tắc.

Nhưng ngoài những gian lận và thủ đoạn thường thấy trong thương mại, vẫn có điều gì đó trong giao dịch thương mại không phù hợp với hoạt động ngoại giao. Có vài lý do để tin rằng, tất cả những người được dùng trong thương vụ Hastings đã cư xử đúng mực với sự kiên nhẫn và thận trọng. Nhưng sau khi ghé thăm nhiều cảng khác nhau trên bờ biển nước Việt Đàng Trong, và giao dịch với nhiều phe phái khác nhau đang đấu tranh giành chính quyền đất nước này (7). Họ đều bị tất cả các phe nghi ngờ và không may bị lôi kéo vào sự thù địch thật sự với chính quyền Huế [bấy giờ do chúa Trịnh nắm giữ]; tại nơi này, đoàn tàu trốn thoát trong gang tấc để khỏi bị lấy và thủy thủ tránh được cái chết, mặc dù bị bắt buộc phải để lại đồ vật chưa bán được, nhưng cũng mang về được một số lượng lớn các thỏi bạc. Bản tường thuật lý thú về toàn bộ giao dịch được đăng trong Asiatic Annual Register năm 1801.

Chuyến thứ hai và cũng là chuyến cuối cùng giao dịch với nước Việt Đàng Trong xảy ra hai năm trước (tức năm 1791); bấy giờ các vị đại diện đưa tin cho Giám đốc công ty Đông Ấn về lợi điểm có thể thu hoạch được trong việc nối kết với nước này và thái độ thuận lợi của Quốc vương hiện tại đối với nước Anh, từ đó hy vọng thành công có thể đạt được. Một nghị quyết được Tòa cho phép, cho gửi đến Trung Quốc một viên chức đã hồi hưu từ hãng tại Quảng Châu, với chỉ thị thực hiện chuyến đi bí mật đến gặp vua nước Việt Đàng Trong (Nguyễn Vương Phúc Ánh). Viên chức này khi đến Quảng Châu thấy sức khỏe yếu kém của mình không thể thực hiện chuyến đi mệt mỏi đến nước Việt Đàng Trong, nên chuyển giao nhiệm vụ cho một viên quản lý tàu hàng thuộc công ty tại hãng; ông này không để mất thời gian, đến ngay triều đình nước Việt Đàng Trong.

Thật sự nhà vua đã gặp anh ta, nhưng đã đón tiếp anh ta một cách lạnh lùng và xa cách, đến mức lộ ra rằng gặp anh ta càng ngắn thì chính quyền nước Việt Đàng Trong càng bằng lòng. Thật sự anh ta thấy rằng xung quanh quốc vương Nguyễn Ánh toàn là người Pháp, và chính anh ta không biết một chút gì về ngôn ngữ nước này, và cũng không ai trong phái bộ của anh biết. Những lời đề nghị hiến tặng, và giải thích về nhiệm vụ của phái bộ, đều qua thông dịch của các Thừa sai người Pháp. Nhưng những người này ít có ý định thân thiện với người Anh có thể đã biết được, mà không gửi đến nước Việt Đàng Trong chuyên viên về thông tin; và hậu quả của việc đưa lời đề nghị thông qua họ (Thừa sai) đến nhà vua dễ dàng có tác dụng ngược lại hoàn toàn, nếu không muốn nói là khinh thường. Hành vi của mọi người xung quanh triều đình đối với đại sứ của công ty khiến cho khả năng đề xuất mà ông ta đưa từ chủ của mình đã bị hiểu sai hoàn toàn: Chún-g thật sự có thể được người Pháp diễn giải thành những lời lăng mạ. Công ty Đông Ấn rút ra kết luận về việc thất bại hoàn toàn của chuyến đi rằng, vua nước Việt Đàng Trong không có thiện chí với nước Anh.

Tuy nhiên, theo tôi, tính đúng đắn của kết luận này có thể được đặt câu hỏi. Dù quý ông được cử đi thi hành sứ mệnh này có đủ trình độ đến đâu về mọi mặt; ngoại trừ việc không biết một chữ nào trong văn viết hoặc một âm tiết nào trong ngôn ngữ nói của nước này, thì việc thiếu phương tiện truyền thông thiết yếu dường như đủ để khiến mục đích của sứ mệnh hoàn toàn thất bại.

Về lời khai chung của một số ông người Anh, những người cách đây vài năm tại triều đình nước Việt Đàng Trong, và của các sĩ quan Pháp phục vụ tại triều đình này có thể được coi là có trọng lượng: Về việc đặt niềm tin vào các tuyên bố được công khai trong các bản chỉnh sửa; về việc các hành động có thể được coi là phát triển tình cảm; và về việc chúng tôi có thể đánh giá về khuynh hướng của người dân trong thời gian lưu trú tại Đà Nẵng; khiến tôi có xu hướng kết luận ngược lại, rằng cả vua nước Việt Đàng Trong cũng như người dân sẽ không hề phản đối mối quan hệ mật thiết với người Anh, miễn là chính phủ Anh trực tiếp đưa ra những lời đề nghị phù hợp với họ, chứ không phải thông qua những người Pháp mà hoàng đế nợ họ rất nhiều về nghĩa vụ cá nhân, và cũng không thông qua phương tiện của công ty buôn Đông Ấn.

Nơi mà định kiến ​​của người dân không cho phép bất kỳ danh dự nào được thêm vào nghề thương gia; trong khi sự kính trọng nhất được dành cho một ủy ban hoàng gia, cấp bậc quan chức và thành tựu văn học; thì việc phản đối những quan điểm đã ăn sâu và lâu đời như vậy là thiếu chính trị, cũng như không có lợi.

Tôi nghe nói rằng, đã có một lần được dự tính ngay sau khi đình chiến của Amiens để theo dõi liên lạc với triều đình Bắc Kinh, được bá tước Macartney mở ra một cách thuận lợi với một sứ quán lộng lẫy để tiến hành từ Toàn quyền Bengal (Bangladest). Những người tự mãn với sự thành công của biện pháp như vậy chắc hẳn đã biết rất ít về tính khí và tính cách của Chính phủ Trung Quốc.

Tôi không ngần ngại khi nói rằng tất cả sự lộng lẫy và tráng lệ của công ty Đông Ấn, trừ khi có sự đồng hành của Ủy ban Hoàng gia, sẽ không mang lại cho Đại sứ sự tôn trọng và đáng kể hơn năm chiếc áo nhung viền ren vàng rộng có thể mang lại cho Mynheers Titsing và Van Braam (8). Nếu không có nghi vệ như Banhadur (9) vĩ đại từ Bengan, thì cũng giống như hai người Hà Lan ngoan ngoãn kia, chắc chắn sẽ phải chịu rủi ro bị nhốt trong chuồng ngựa.

Do đó, cho dù có nên duy trì liên lạc với triều đình Bắc Kinh hay cố gắng thiết lập quan hệ với người nước Việt Đàng Trong; thì cả hai trường hợp đều sẽ hợp lý và có lợi cho chính trị khi vị Đại sứ được giao nhiệm vụ từ nhà vua và tiến hành nhiệm vụ của mình trên con tàu của nhà vua.

_________

Chú thích:

1. Tiền cứng: Tiền được bảo đảm bằng kim loại quý hoặc tài sản.

2. Dù tác giả không nói ra, nhưng đây là trường hợp nha phiến. Công ty Đông Ấn cho trồng nha phiến ở Ấn Độ, mang sang Trung Quốc bán, thu được nhiều vàng, nên xảy ra Chiến Tranh Nha Phiến sau đó mấy chục năm.

3. Potosi là thành phố thuộc miền nam Bolivia, Nam Mỹ; nơi có nhiều hầm mỏ kim loại nổi tiếng.

4. Sông Thames thuộc nước Anh.

5. Paracels, tức Hoàng Sa. Xin lưu ý, vào thời điểm 1793, tác giả John Barrow người Anh đã xác nhận đảo Hoàng Sa thuộc nước Việt Đàng Trong.

6. Warrent Hastings (sinh ngày 6-12-1732, mất ngày 22-8-1818), là nhà cai trị thuộc địa Anh. Ông từng giữ chức Thống đốc xứ Bengal (Bangladest) từ năm 1772-1785.

7. Năm 1778 khi Hastings cho điều tàu Anh đến buôn bán ở nước Việt Đàng Trong thì ở nơi này do ba phe chiếm giữ. Ở miền Nam, Nguyễn Vương chiếm giữ, phe Tây Sơn thỉnh thoảng mang quân đến tranh giành; từ phía nam Trung Phần đến Quảng Nam thuộc nhà Tây Sơn; từ Huế ra Bắc thuộc chúa Trịnh. Bấy giờ người Anh buôn bán dọc theo bờ biển với cả ba phe, không chính thức ngoại giao với phe nào nên bị nghi ngờ, do đó gặp rủi ro.

8. Van Braam (sinh ngày 30-7-1758, mất ngày 17-5-1822) là sĩ quan hải quân nổi tiếng của Hà Lan, cấp bậc Phó đô đốc.

9. Banhadur (sinh ngày 24-10-1775, mất ngày 7-11-1862) là vị vua thứ 20 của Ấn Độ.

No comments:

Post a Comment