Chuyến đi nước Việt Đàng Trong năm 1792-1793 (Phần 8)Tác giả: Sir John Barrow
Hồ Bạch Thảo biên dịch
5-5-2025
Tiengdan
06/04/2025
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6 và phần 7
Chương 10: Phác thảo tổng quát về cách cư xử, tính cách và tình trạng của dân bản địa Đà Nẵng (Turon)
3. Trang phục – Nhà cửa – Ẩm thực và phương tiện sinh kế – Sử dụng rộng rãi hải sản – Sản phẩm chế biến thực phẩm – Trình độ nghệ thuật và sản xuất thấp
Có rất ít sự hấp dẫn về bề ngoài và nét đẹp tổng quát của dân Việt Đàng Trong. Những người phụ nữ ở đây chỉ có chút vẻ đẹp mong manh; đúng là sự thiếu hụt nét quyến rũ cá nhân; ở một mức độ nào đó được bù đắp bằng tính khí vui vẻ và hoạt bát, hoàn toàn không giống người Trung Quốc buồn tẻ, ủ rũ và sống khép kín. Một khuôn mặt biểu cảm là kết quả của sự giáo dục và tình cảm, cũng như tập hợp các đặc điểm tinh tế và sự hoàn thiện tốt đẹp của sức khỏe, sự thoải mái, không phải lao động cực nhọc và tiếp xúc với những thay đổi của thời tiết, khó có thể mong đợi ở nước Việt Đàng Trong.
Trên thực tế, cả hai giới đều có đặc điểm thô, màu da thường đậm giống như dân Mã Lai và phong tục cũng phổ biến, nhai cau trầu giống như họ; khiến môi đỏ, hàm răng đen, bề ngoài trông khó coi hơn sắc đẹp tự nhiên mà trời ban cho. Y phục phụ nữ không có vẻ quyến rũ, mê hoặc. Y phục phổ thông bao gồm một áo vải rộng, màu nâu hoặc xanh dài xuống tận giữa đùi; quần Nam King hai ống rất rộng. Họ không quen dùng vớ hoặc giày; nhưng phái nữ lớp trên đi giày xăng đan hoặc dép.
Y phục đặc biệt trong ngày lễ; một bà mặc ba, bốn áo một lần với các màu và kích thước khác nhau, chiếc ngắn nhất khoác lên trên. Một phụ nữ ăn mặc vậy, trong bản in phụ lục đính kèm (*), đại diện cho một nhóm dân Việt Đàng Trong, có thể được coi là một vật mẫu công bằng về ngoại hình của họ. Mái tóc đen dài thường được thắt nút, tạo thành vương miện trên đầu, và đôi khi thả lỏng qua lưng, thông thường xuống tận đất. Người để tóc ngắn không bị cho là thô tục, mà tỏ ra là thoái hóa.
Y phục nam giới có rất ít đặc điểm để phân biệt với nữ giới; phần lớn hạn chế trong một tấm áo ngắn và chiếc quần. Một số người dùng khăn quấn xung quanh đầu theo kiểu khăn xếp; số khác đội nón hoặc mũ nhiều kiểu và vật liệu khác nhau; nhưng phần lớn nhằm che mặt khỏi tia nắng mặt trời. Cũng với mục đích này, họ dùng ô với giấy dày Trung Quốc; quạt che bằng lá cây Borassus, lá cọ, hoặc lông chim. Hòa điệu với quần áo xấu và ít ỏi, thường được ném lỏng lẻo qua vai để vừa với cơ thể, là những căn phòng tre thấp kém. Nói tóm lại, ánh mắt người lạ với quan niệm cao không thể gây ấn tượng về tình trạng hạnh phúc của những người này.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn về hoàn cảnh giữa người châu Âu và người dân nhiệt đới; khiến người châu Âu lần đầu tiên đến gặp người vùng nhiệt đới, dễ bị sai lầm khi cố gắng so sánh điều kiện tương ứng hai bên. Đối với người Âu châu thì nhiên liệu, y phục, chỗ ở không những cho họ tiện nghi mà còn giúp họ tồn tại. Đối với dân xứ nóng thì giá trị của lửa chỉ giúp họ ủ tro than nấu chín nồi cơm, hoặc châm đuốc để dâng cúng. Vải vóc huy hoàng chất đầy không gây cho họ ý vị mặn mà phải nghiêng lòng; quần áo chật và dày cảm thấy thiếu thoải mái, gây bất tiện trở ngại.
Ngay cả một chút quần mà anh ta thấy thích hợp để sử dụng, cũng thường xuyên ném sang một bên; vì nơi này trần truồng không phải là nỗi ô nhục, anh ta có thể mọi lúc, và ở mọi nơi, điều chỉnh y phục của mình theo cảm xúc và hoàn cảnh, mà không xúc phạm đến người khác, hoặc xấu hổ với chính mình; đấy là một lợi thế bị từ chối đối với người Âu.
Tuy rằng chúng tôi không mong đợi được trông thấy thành phố lớn hoặc lâu đài tráng lệ tại vùng phụ cận vịnh Đà Nẵng, nhưng đây là nơi buôn bán nổi tiếng với Trung Quốc, Nhật Bản; nên hơi thất vọng khi thấy một vài làng không quá một trăm nóc nhà và phần lớn là nhà tranh. Hậu quả phải chịu đựng do cuộc cách mạng [Tây Sơn] đã xảy ra, để lại tàn dư những kiến trúc lớn hơn và tốt hơn; trong vùng đất đồi còn dấu tích tường và đồn cũ; theo lời kể của sĩ quan chúng tôi đã bị bắt làm tù binh, cho biết, vẫn còn nhiều đồn như vậy tại Hội An (Fai-foo). Phần còn lại cũng thấy đồn điền và vườn trái cây, hoa thì trở nên hoang dại; nhưng không có dấu vết tỏ ra ngày xưa giàu có hoặc để lại ấn tượng về sự tráng lệ đã sụp đổ.
Thật sự đây là dấu tích thành phố Đông phương, chịu sự hủy hoại rồi biến mất. Những căn nhà tốt nhất tại đây chỉ có một tầng, phần lớn bằng gỗ, và gạch phơi nắng; loại gạch này cần phải lưu ý liên tục để bảo vệ chúng khỏi bị mục nát, biến thành đất. Những bức tường thành phố làm bằng vật liệu nhẹ, không bền, nên chẳng bao lâu thì bị đổ sụp xuống thành đống đất, rồi bị chôn vùi gấp bởi cây cỏ dại. Hệ thống tường thành phố khi xây dựng đã bị tính toán sai về sức chịu đựng. Đống đất lớn giữa bức tường liên tục đẩy gạch hoặc đá ra để cho rơi xuống hào, khiến vài năm sau mặt bằng của tường bị hỏng.
Nếu thành phố Bắc Kinh lớn và đông dân, một thành phố có lẽ lớn và đông dân nhất trên thế giới vì một sự tình cờ nào đó bị bỏ hoang, thì một vài thế kỷ sau sẽ không xóa bỏ hết mọi dấu vết về tổng thể của nó. Tuy nhiên, ít ngạc nhiên rằng vào thời Alexander, mọi dấu vết của những cung điện nguy nga tráng lệ được cho là của thành Troy đã biến mất, và thành phố Babylon kiêu hãnh, từng là chúa tể của thế giới trong nhiều thế kỷ qua, đã bị chôn vùi trong cát bụi. Mái nhà tranh tại Đà Nẵng nói chung sạch sẽ, vừa vặn, trông chắc chắn đủ che chở cho dân chúng khỏi ánh mặt trời mùa nắng, mưa nặng hạt trong mùa mưa.
Trên thị trường dường như không thiếu các hàng vải hoặc lụa cho y phục; trong nước còn sản xuất số lượng lớn hàng hóa khác nhau đóng góp vào việc nuôi dưỡng đám đông, và sự xa hoa theo đòi hỏi của lớp trên.
Hầu như mọi loài gia súc, ngoại trừ cừu, có rất nhiều; trong đó có những con vật ngắn sừng, heo chân ngắn, dê và rất nhiều gà, vịt. Họ ăn thịt chó giống như Trung Quốc, và ếch là món ăn phổ thông. Biển và đất liền không cạn nguồn cung cấp cho những người sống ở vùng ven biển. Ngoài các loại cá ngon, tối thiểu họ ăn ba loài giống Balistes, và nhiều Chaetodon; loài đề cập sau da có giải băng màu tím và vàng, vây có mắt, là loại cá đẹp. Phần lớn dùng lưới bắt cá; lại có loại rổ có nắp đậy, dùng mồi nhử cá vào rồi đóng nắp lại bắt. Chúng tôi quan sát họ bắt nhiều cá bay bằng cách dùng bình bằng đất nung cổ hẹp, nhử mồi bên trong bằng thịt heo hoặc ruột cá. Phần lớn động vật thân mềm được dân Việt Đàng Trong dùng làm thức ăn; chẳng hạn như sứa, đỉa biển, hải quỳ và doris. Họ còn bắt hải sâm đem chế biến làm thức ăn hạng sang hoặc đem bán. Dù rằng súc vật và rau được xem như thức ăn chính; tất cả những thức ăn có chất keo lấy từ biển và rong biển như fuci và rau diếp biển (Ulva) đều là loại ăn được.
Dân bản địa thuộc bờ biển các đảo tại Nhật dùng một phần thức ăn nuôi dưỡng là các loài rong biển, trong đó không có gì hơn là loài tảo nâu (fucus) được gọi là saccharinus. Xuất xứ từ lời kể của ông Thunberg, lá của nó còn được dùng để trang sức, tô điểm trên gói quà hoặc trái cây gửi cho người lạ. Cây này được đánh giá cao vì người ta cho rằng nó là nguồn tài nguyên nuôi dưỡng được cung cấp dồi dào, khiến các nước có thể lựa chọn, hoặc khi cần có thể tận dụng các sản phẩm khác nhau của nó.
Món thạch Chin-chou của Trung Quốc có thể được chế một phần bởi rong biển Fucus Saccharinus, khi xuất hiện qua hàng mẫu bán ở Anh cho thấy, thạch này được chế bằng nguyên liệu lấy từ ba hoặc bốn loại rong; thực sự có lý do để tin rằng phần lớn hai loại Fuci và Ulva được dùng cho mục đích này. Từ bờ biển đảo Robben tại mũi Hảo Vọng Giác (Good Hope), Nam Phi, nô lệ thường mang những rổ rong biển Fucus, lá giống như gươm, dài khoảng 6 inches [0.15 mét]. Những lá này đem rửa sạch, phơi đủ nắng để khỏi thối, ngâm với nước sạch trong vòng 5 hoặc 6 ngày, thay nước mỗi buổi sáng; sau đó luộc trong vài giờ với ít nước, nó sẽ trở thành thạch trong, chế thêm ít đường và nước chanh hoặc cam thì hương vị trở nên dễ chịu và sảng khoái như bất kỳ loại thạch nào!
Rất ít nước có thể khoe nhiều giống rong biển Fuci và Ulva hơn vùng bờ biển British Island; thế hệ sau có thể khám phá nó chứa đựng nhiều chất dinh dưỡng như một loại thực phẩm cho một số loài. Ngoại trừ Esculentus hoặc Tangle, Saccharinus nổi tiếng ở Iceland hơn là ở nước Anh; còn Palmatus hoặc Dulse thì dân Scotch bảo rằng giàu chất keo, nhưng tiếp xúc với rau khác như trộn lẫn với mùi thơm của hoa Violet hoặc giống Ulva, còn có tên là Laver, nổi tiếng tại bờ biển Wale; riêng phần còn lại có vẻ như bị bỏ quên.
Nhưng Chin-chou ở Trung Quốc gọi chính xác hơn là Hai-Tsai hoặc rau biển, không chỉ dùng riêng làm thức ăn, mà nó còn được sử dụng chất keo để tạo thêm độ trong suốt cho lớp giấy lớn hoặc vải lưới thô dùng cho cửa sổ hoặc đèn lồng; đèn này gồm những cành tre bắt chéo nhau, thường có hình thoi với những kẽ hở chứa đầy nhựa trong Hai-tsai.
Tương tự như vậy, người Việt Đàng Trong thu hoạch những cây tươi mọng nước thường mọc tại đầm lầy cát muối như các loài Salicornia, Arenaria, Crithmum Maritimum, hoặc Samphire và những thứ khác làm thành món súp, hầm hoặc ăn ở trạng thái thô để tạo độ thơm ngon cho gạo. Và từ hạt gạo này, với bàn tay khéo léo, họ chế ra bún tàu, thường gọi là Lock-soy, hoàn toàn trong trắng, giữ nguyên phẩm chất cao tại các nước Nhật và Trung Quốc; Trung Quốc đem xuất cảng với số lượng lớn. Dùng nó làm súp thì mềm dẻo; cũng có thể để nguyên với phẩm chất trong vắt, khiến người ta nghi ngờ rằng gạo là thành phần duy nhất tạo ra nó. Bún tàu Lock-soy của Trung Quốc thường mờ đục.
Đối với dân bản xứ vùng nhiệt đới, thức ăn từ con vật không cho là vật cần thiết số một, nên ít khi dùng. Dù rằng cá là thức ăn nuôi dưỡng phổ biến cho người dân ven biển, nhưng một bữa ăn với cơm, ít muối, ớt hoặc tiêu, một ít rong biển kể trên, là bữa ăn thịnh soạn của người dân các nước Đông phương. Tất cả những thứ ngoài bài viết này và hình ảnh đính kèm; ngay cả trầu và cau, cũng như thuốc phiện, rượu mạnh, được xem như thuộc thành phần sang trọng.
Về lúa gạo, tại nước Việt Đàng Trong có hai mùa chính trong năm; một mùa lúa chín vào tháng năm, vụ kia vào tháng mười. Trái cây các loại như cam, chuối, sung, táo, ổi, thạch lựu, và những thứ khác ít ưa chuộng hơn, được sản xuất rất nhiều ở mọi nơi trong nước. Họ có khoai mài ngon, và rất nhiều khoai lang ngọt. Gia súc không cho nhiều sữa; cũng giống như Trung Quốc, thứ này ít dùng, ngay cả cho trẻ con.
Ở Đà Nẵng, trẻ con đông, trông khỏe mạnh; nhưng lên 7-8 tuổi vẫn còn ở truồng. Thức ăn cho chúng dường như gồm có cơm, mía, dưa. Phần đông dân Việt Đàng Trong cũng giống như Trung Quốc, chỉ ăn hai bữa ăn trong ngày; một bữa vào khoảng 9 hoặc 10 giờ sáng; một bữa vào lúc mặt trời lặn. Mùa nắng, họ thường ăn trước cửa mái nhà tranh, trải chiếu ngoài trời; mọi người đều giống nhau, không ai cảm thấy xấu hổ vì bữa ăn tồi.
Ở vùng phụ cận Đà Nẵng, chúng tôi thấy vài đồn điền trồng mía và thuốc lá. Nước mía sau khi qua thanh lọc, xuất cảng sang Trung Quốc với dạng như kẹo dày có màu, trông giống tầng ong; còn thuốc lá tiêu thụ trong nước; trai gái, đủ mọi hạng tuổi đều hút. Tuy nhiên, bộ mặt của đất nước vẫn còn dấu vết yếu ớt trong việc canh tác, và kỹ thuật cùng cách sản xuất rõ ràng đang suy yếu. Trong nhà tranh có ít đồ đạc, chế tạo thô sơ, dùng tạm mà thôi. Nệm bao phủ nền nhà, đan khéo léo bằng các màu khác nhau; nhưng nghệ thuật làm nệm quá phổ thông trong nhiều nước ở phương Đông, đến nỗi những cái đẹp nhất hiếm khi được ngưỡng mộ.
Những đồ vật trong nhà phần lớn là cái bếp lò đất, một nồi bằng kim loại để nấu cơm, một cái xoong bằng miếng kính đồng hồ để xào rau, và vài chén, bát bằng đồ gốm. Những bình bằng gang phẩm chất ngang bằng Trung Quốc, trong khi đồ gốm thì kém hơn. Họ làm những đồ vật kim loại ở mức độ gọn gàng có thể chấp nhận được; cán gươm của các sĩ quan bằng bạc, không đến nỗi dở. Thực tế, cả hai nước đều sở hữu tài năng nhanh nhạy và toàn diện, nếu được khuyến khích đúng mức, sẵn sàng ở giai đoạn tiên tiến để đạt được tiến bộ rất nhanh trong nghệ thuật, khoa học và sản xuất.
Dưới sự bất lợi của một chính phủ tồi, sự khéo léo của họ đôi khi bùng nổ một cách bất ngờ; người đàn ông ở Quảng Châu (Canton), Quảng Đông có thể làm đồng hồ ngay từ cái nhìn đầu tiên, không phải là người yếu đuối hay tay vụng về. Tuy nhiên, nghệ thuật và sản xuất chưa cải tiến; đó là khuyết điểm căn bản của tất cả chính phủ ở Đông Phương, mà đất đai, khí hậu và các tiện ích khác không thể bù đắp nổi, nó chống lại, không cho con người đạt được sự vĩ đại và hạnh phúc.
Rào cản không thể vượt qua đối với sự vĩ đại và hạnh phúc của họ cũng do thiếu sự an toàn lâu dài về tài sản. Ở đây quyền thừa kế tài sản yếu hơn quyền chiếm hữu; nơi mà bàn tay quyền lực, không cần hình thức tố tụng pháp lý, có thể tước đoạt mảnh đất của tha nhân và gia đình họ dựa vào để sống, bất cứ lúc nào. Nơi mà người dân và tài sản không được che chở để tránh khỏi mưu mô thù hằn hoặc sự tham lam của những người có quyền lực. Chủ thể có thể có sự khuyến khích nào để xây dựng một ngôi nhà thanh lịch, cải thiện việc canh tác đất đai của mình, hướng tới sự hoàn hảo trong bất kỳ ngành nghệ thuật nào, hoặc mở rộng sự khéo léo, cần cù của mình, vượt xa tầm mức chỉ cung cấp những thứ cần thiết cho cuộc sống.
Một nhà hiền triết phương Đông đã nhận xét rằng: “Bằng chứng của một chính phủ công bằng và cảnh sát quản lý tốt, khi một người phụ nữ xinh đẹp đeo đầy đồ trang sức có thể đi ra ngoài, trong sự an toàn tuyệt đối“.
Nhà hiền triết này nói gì về chính phủ và cảnh sát, nơi một bà già yếu đuối và giàu có, bao quanh bởi một nhóm người hầu khỏe mạnh và nghèo khổ, giao phó bản thân và tài sản của mình cho họ và cho thế giới với thái độ bình tĩnh và tự tin, như thể sức mạnh thể chất của bà không hề thua kém họ; hoặc nơi mà tài sản của một đứa trẻ mồ côi còn yếu đuối hơn không chỉ được bảo đảm cho đến khi đứa trẻ đó đến tuổi biết suy xét, mà còn được nuôi dưỡng và cải thiện đôi khi gấp đôi giá trị ban đầu của nó.
Mặc dù tình trạng này có vẻ kỳ lạ đối với người dân ở bán cầu phía Đông, nhưng chúng ta vẫn có thể hài lòng khi biết rằng nó hoàn toàn đúng ở nhiều nơi trên thế giới phương Tây và không nơi nào đúng hơn là hòn đảo được ưa chuộng Great Britain.
Chú thích:
(*) Phụ lục: Một nhóm người Việt Đàng Trong:
No comments:
Post a Comment