Saturday, April 19, 2025

Các phóng viên nhập cảnh vào Mỹ: Hãy cẩn thận với những thứ có trong điện thoại của quý vị
Asia Sentinel
Dương Lệ Chi biên dịch
18-4-2025
Tiengdan

Tóm tắt: Ủy ban Bảo vệ Nhà báo ban hành ‘cảnh báo an toàn’ cho các nhà báo quốc tế

Trong một dấu hiệu khác cho thấy, mối nguy hiểm ngày càng tăng đối với nền báo chí tự do ở Mỹ, khi Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) có trụ sở tại New York đã ban hành một khuyến cáo an toàn mới, cảnh báo các nhà báo quốc tế và nhân viên truyền thông có kế hoạch đến Mỹ, thông báo cho họ về những rủi ro tiềm ẩn từ chính quyền Trump thù địch mà họ có thể phải đối mặt khi nhập cảnh, chính quyền này đã thể hiện thái độ thù địch chưa từng có đối với báo chí chính thống kể từ khi Trump nhậm chức ngày 20 tháng 1.

Trong một tuyên bố chuẩn bị gửi đến các tổ chức tin tức, CPJ cho biết họ đang tìm cách nói với các phóng viên “cách chuẩn bị trước khi đi du hành, các mối quan ngại về sự an toàn khi ở Mỹ và nơi tìm kiếm danh sách kiểm tra an toàn kỹ thuật số“.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới có trụ sở tại Paris cho biết, cuộc tấn công của Mỹ vào các phương tiện truyền thông công cộng ở nước ngoài “là một phần của cuộc tấn công chung của phong trào MAGA chống lại báo chí. Nhân danh một tầm nhìn quanh co về quyền tự do ngôn luận, Donald Trump thực tế đang săn lùng những ý kiến ​​không phù hợp với mình. Một số cơ quan báo chí, bắt đầu với hãng tin AP, không còn được tiếp cận tòa Bạch Ốc và Air Force One nữa, thay vào đó là các cơ quan [báo chí] mang tính hòa giải hơn. Việc kiểm chứng thông tin cũng bị ngăn chặn trên các mạng xã hội do những người bạn của [Trump] làm chủ là Zuckerberg và Musk. Từ ngày 14 tháng 3, các phương tiện truyền thông công cộng quốc gia cũng lo sợ về nguồn tài trợ của họ. Trong 10 năm qua, Hoa Kỳ liên tục bị tụt hạng trong bảng xếp hạng tự do báo chí của RSF, trong đó lên án “việc từ bỏ vai trò lịch sử của Hoa Kỳ là nước bảo vệ quyền tự do báo chí’.”

Sau khi một nhà khoa học người Pháp bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ hồi tuần trước, rõ ràng là vì lý do nhà khoa học này đã ghi lại một ý kiến ​​cá nhân mang tính chỉ trích trên điện thoại di động của mình về chính sách nghiên cứu của chính quyền Trump, một số quan chức sắp đến Hoa Kỳ gồm các quan chức Liên minh Châu Âu băng qua Đại Tây Dương để họp đang bắt đầu mang theo cái gọi là “điện thoại dùng một lần” và máy tính trong các chuyến đi đến Mỹ, mặc dù chưa có nhà báo nào được báo cáo là đã bị quay trở lại.

Trong một bản tin được chuẩn bị trước, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP), nói rằng: “Tất cả các hành khách qua biên giới Mỹ đều phải chịu sự kiểm tra của CBP. Trong những trường hợp hiếm hoi, các nhân viên CBP có thể khám xét điện thoại di động, máy tính, máy ảnh hoặc các thiết bị điện tử khác của hành khách trong quá trình kiểm tra”. Cơ quan này nói rằng, việc khám xét các thiết bị điện tử ở biên giới “thường là một phần không thể thiếu để xác định ý định của một cá nhân khi nhập cảnh vào Mỹ và do đó cung cấp thêm thông tin có liên quan đến khả năng được chấp nhận của công dân nước ngoài theo luật nhập cư của Hoa Kỳ”.

Trong tuyên bố của CPJ, Katherine Jacobsen, điều phối viên chương trình của Hoa Kỳ, Canada và Caribe, nói: “Hướng dẫn này được đưa ra trong bối cảnh gia tăng lo ngại về các hạn chế đi lại tiềm tàng của Hoa Kỳ đối với hơn 40 nước (theo một dự thảo kế hoạch của chính quyền Trump) và các báo cáo về việc tăng cường giám sát và khám xét các thiết bị tại biên giới Mỹ”.

Bà Jacobsen cho biết, nếu công việc của các nhà báo liên quan đến việc đi đến Hoa Kỳ, “điều quan trọng là phải chuẩn bị. CPJ khuyến nghị bắt đầu bằng việc đánh giá rủi ro cơ bản và lập kế hoạch trước chuyến đi của quý vị. Biết những người liên lạc khẩn cấp của quý vị là ai, viết ra và thiết lập thói quen kiểm tra khi quý vị đi du hành”.

Bà nói rằng, các nhà báo nên biết rằng “việc từ chối tuân theo các viên chức biên giới Hoa Kỳ — chẳng hạn như từ chối mở khóa thiết bị điện tử — có thể dẫn đến việc bị tịch thu thiết bị đó. Trong một số trường hợp, thậm chí có thể dẫn đến việc bị từ chối nhập cảnh, tùy thuộc vào tình trạng nhập cư của quý vị. Nếu quý vị có nguy cơ cao là sẽ bị câu lưu, hãy để các thiết bị cá nhân và các thiết bị công việc ở nhà. Sử dụng các thiết bị riêng biệt, sạch sẽ và một SIM điện thoại mới chỉ chứa dữ liệu cần thiết cho chuyến đi“.

Mặc dù điều này có thể đặt ra những câu hỏi tại biên giới, nhưng bà cho biết, “nó giúp giảm thiểu việc tiếp xúc với các vật liệu nhạy cảm. Hãy chuẩn bị cho các câu hỏi của nhân viên biên phòng về lý do tại sao bạn qua biên giới mà không có thiết bị cá nhân hoặc thiết bị cho công việc của mình“.

CPJ đã cung cấp sự hỗ trợ khẩn cấp hoặc lời khuyên về an toàn cho bất kỳ nhà báo nào gặp sự cố nhưng “xin lưu ý rằng do nhu cầu cao, CPJ không thể phản hồi cho tất cả mọi người và ưu tiên các tình huống khẩn cấp“. Một viên chức khác của CPJ có trụ sở tại Asis cho biết, hỗ trợ khẩn cấp của tổ chức bảo vệ báo chí nói chung, đã tăng đột biến gần đây mặc dù ông không đưa ra thông tin chi tiết.

Hiệp hội các nhà báo chuyên nghiệp tại Washington DC (SPJDC) cho biết hồi tháng 2 rằng, có 314 vụ vi phạm quyền tự do báo chí ở Mỹ trong năm 2024 theo U.S. Press Freedom Tracker, với các hành động từ cơ quan lập pháp Kansas cấm đưa tin từ Hạ viện, đến một phóng viên Colorado bị bóp cổ bên ngoài đài truyền hình của mình, cho đến nhiều lệnh khám xét đối với các tổ chức tin tức.

SPJDC cho biết: “Mọi thứ sẽ không tốt hơn trong năm 2025. Các quan chức của Chính quyền Trump đã đe dọa, họ sẽ tăng cường điều tra các vụ rò rỉ thông tin cho báo chí; truy tố hình sự nhiều hơn đối với các nhà báo và tăng cường giám sát của chính phủ đối với báo chí. Một báo cáo gần đây từ Tổng thanh tra Bộ Tư pháp nêu chi tiết về các vụ tịch thu trái phép hồ sơ của phóng viên trong năm 2020-2021.

Các hành động gần đây của Lầu Năm Góc đã lấy lại không gian làm việc mà các tổ chức tin tức lâu năm như New York Times và National Public Radio sử dụng, SPJDC cho biết. Các không gian này đã được trao cho các nhóm tin tức phi truyền thống khác, một số trong số họ vẫn chưa có phóng viên chuyên trách tại Lầu Năm Góc”.

Với việc nhắm vào Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ, có mạng lưới lâu đời hàng thập niên, nhằm mở rộng ảnh hưởng của Mỹ ở nước ngoài, ít nhất 84 nhà báo của cơ quan này ở Mỹ với thị thực lao động có thể phải đối mặt với việc trục xuất, bao gồm ít nhất 23 người “đối mặt với rủi ro nghiêm trọng là sẽ bị bắt ngay lập tức khi họ tới và có khả năng bị bỏ tù”, theo Tổ chức Phóng viên Không Biên giới và liên minh gồm 36 tổ chức nhân quyền.

No comments:

Post a Comment