Saturday, June 22, 2024

Việt Nam nói họ cam kết bảo vệ nhân quyền, hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương
VOA Tiếng Việt
22/06/2024
VOA

Đại sứ Việt Nam Mai Phan Dũng phát biểu tại Geneva hôm 19/6/2024. Photo UN Web TV.



Phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva hôm 19/6, phái đoàn Việt Nam nói rằng họ tôn trọng những nỗ lực bảo vệ nhân quyền và cam kết hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, giới vận động lại nghi ngờ những lời hứa của chính quyền Việt Nam.

Tại buổi đối thoại với Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, Đại sứ Việt Nam Mai Phan Dũng, trưởng phái đoàn Việt Nam tại Geneva, phát biểu qua lời của người phiên dịch.

“Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ của chúng tôi đối với những nỗ lực của Cao ủy và Văn phòng của ngài trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, đặc biệt trong cuộc chiến thích ứng với biến đổi khí hậu là rất quan trọng đối với chúng tôi”.

“Nằm trong số các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam thừa nhận sự liên hệ giữa biến đổi khí hậu và nhân quyền”, ông Dũng nói trong phiên đối thoại được trang UN Web TV tường thuật trực tiếp. “Chúng tôi cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, đồng thời hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương”.

Nhà ngoại giao Việt Nam nói thêm rằng nước này đảm bảo tính minh bạch và cách tiếp cận toàn diện, có sự tham gia các bên và công bằng trong quá trình chuyển đổi năng lượng, theo bức thư cùng nội dung phát biểu của ông Dũng gửi Cao ủy.

Ngoài ra, ông Dũng nói rằng Việt Nam kiên quyết ủng hộ các nguyên tắc cơ bản của tính phổ quát, vô tư, khách quan, không chọn lọc, không can thiệp vào công việc nội bộ và cam kết tiếp tục thúc đẩy đối thoại và hợp tác chân thành, hiệu quả với tất cả các quốc gia thành viên và các cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.

Giới hoạt động cho nhân quyền và khí hậu Việt Nam bày tỏ sự nghi ngờ về những cam kết trên của chính phủ Việt Nam.

“Nhà nước Việt Nam nhiều lần nói rằng họ cam kết đạt được một nền kinh tế phát thải carbon ở ngưỡng bằng 0 vào năm 2050, thế nhưng hiện nay họ lại đang liên tiếp xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện than lạc hậu và độc hại nằm trong quy hoạch điện lực giai đoạn 2021-2030", nhà hoạt động Nguyễn Văn Tráng ở Thụy Sĩ, nêu nhận định với VOA hôm 21/6.

Ông Tráng nói thêm rằng có những bằng chứng cho thấy chính phủ Việt Nam “đang làm ngược với các lời hứa của mình”, đó là “một mặt họ cam kết chuyển đổi năng lượng xanh, mặt khác họ đàn áp khốc liệt và bỏ tù có động cơ chính trị những chuyên gia bảo vệ môi trường”, như bà Hoàng Thị Minh Hồng, ông Mai Phan Lợi, ông Đặng Đình Bách, ông Bạch Hùng Dương và bà Ngụy Thị Khanh.

Từ Pháp, nhà hoạt động nhân quyền Trần Đức Tuấn Sơn nói với VOA rằng xu hướng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam “ngày càng khốc liệt”, với việc bắt bớ gia tăng đối với những tiếng nói bất đồng chính kiến và nhiều nhà hoạt động môi trường bị tuyên án tù.

“Chính phủ Việt Nam lúc nào cũng hô hào là Việt Nam tôn trọng nhân quyền, và không có ai là tù nhân lương tâm tại nước này, nhưng thật sự không phải như vậy”, ông Sơn đưa ra nhận định cá nhân. “Chúng tôi tin rằng với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức phi chính phủ, nhiều người sẽ biết đến tình hình nhân quyền Việt Nam và các cơ quan quốc tế sẽ tạo áp lực đúng mức lên chính quyền Việt Nam”.

“Để có thể biến các cam kết thành những cải cách thật sự, xã hội dân sự và những người bảo vệ môi trường là những đối tác không thể thiếu đối với bất cứ chính phủ nào”, ông Tráng nói thêm.

No comments:

Post a Comment