Tuesday, June 4, 2024

Đề thi vào lớp 10 chuyên văn: Tòa nhà hay viên gạch là tác phẩm nghệ thuật? 
Chu Mộng Long
3-6-2024
Tiengdan

Đề thi của Đại học Quốc gia, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10, chuyên ngành KHXH&NV, năm học 2024-2025:

Trang thầy giáo Phan Thế Hoài chia sẻ cái đề văn này với thắc mắc về việc trích một văn bản không có nguồn. Theo tôi, quan trọng không phải điều ấy. Rất có thể đoạn văn này do người ra đề tự tạo ra, tức người ra đề cũng là tác giả của đoạn văn. Tôi hình dung, tác giả phải có trình độ giáo sư hay tiến sĩ nên mới cả tin, xem nội dung văn bản là chân lý, bắt học trò phải nghị luận theo.

Đọc cả hai câu Nghị luận văn học lẫn Nghị luận xã hội, tôi đều ngạc nhiên về trình độ hiểu biết dẫn đến so sánh thô thiển của người ra đề. Với tư cách là người dạy lý luận văn học, tôi đặt câu hỏi và phản biện luôn.

1) Tòa nhà hay viên gạch là tác phẩm nghệ thuật?

Câu hỏi: “Công việc của người thợ làm gạch giúp liên tưởng gì về quá trình sáng tạo tác phẩm văn học của nhà văn?” Rõ ràng, người ra đề xác định không phải tòa nhà mà viên gạch mới là tác phẩm nghệ thuật. Vậy thì đáp án chỉ có thể là mô tả lại công việc của người làm gạch, từ đào, múc, nhào nặn, cắt đất, nung gạch và cho ra lò.

Học sinh không biết làm gạch là gì thì cắn bút. Còn nếu muốn biết thì phải đến lò gạch quan sát, theo dõi hết các công đoạn làm gạch. Mô tả mất chục trang rồi mới liên tưởng đến công việc của nhà văn. Hiển nhiên công việc viết văn sẽ được hình dung như người thợ làm gạch – một kiểu lao động chân tay mà hiểu biết chỉ đơn thuần là công việc máy móc của một người thợ thủ công.

Với định hướng như trong đề, không chừng học sinh muốn thưởng thức vẻ đẹp của một tòa nhà phải đập vỡ phần vôi vữa ra để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của từng viên gạch? Hay khi xem một tác phẩm hội họa, học sinh phải đi tìm hiểu công việc của người dệt vải và công việc chế biến màu sơn?

Tôi hiểu sự thô thiển ấy chắc chắn tiếp thu từ các giáo trình đại học. Bởi giáo trình nào cũng quanh đi quẩn lại “nghệ thuật phản ánh hiện thực” mà không phân biệt rõ ràng cặp phạm trù “chất liệu” và “hình thức”.

Một tác phẩm nghệ thuật là một hình thức được tổ chức từ những chất liệu nhất định. Chất liệu chỉ là thứ vô tri, chỉ có hồn dưới bàn tay nghệ sĩ khi tổ chức thành một chỉnh thể nghệ thuật, tức hình thức thẩm mỹ. Viên gạch làm nên tòa nhà, nhưng chính tòa nhà mới là tác phẩm nghệ thuật. Cũng như thế, bản thân từ ngữ chỉ là chất liệu được lấy từ đời sống, và từ ngữ chỉ có hồn sống động khi đã cấu thành văn bản, thậm chí linh hồn tác phẩm còn phải đợi đến cả sự đánh thức của quá trình đọc.

Có phân biệt hình thức và chất liệu thì mới thấy tác phẩm văn học như tòa nhà, và công việc nhà văn không phải giống như thợ làm gạch mà giống nhà thiết kế và xây dựng với óc sáng tạo thẩm mỹ độc đáo. Nói như Nam Cao: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”.

Hiểu thô thiển như người ra đề, cho nên mới tồn tại dạng cảm thụ, phê bình văn học khá phổ biến của giới học giả ở Việt Nam là chú giải từ ngữ, chẻ sợi tóc làm tư khi bình tán văn học. Thô thiển hơn là đi tìm hiểu công việc bếp núc của nhà văn để phán đoán về nội dung phản ánh hiện thực, chẳng khác nào muốn thưởng thức một món ăn ở nhà hàng, bất chấp màu sắc, hương vị đang có, cứ phải chạy ra sau bếp, thưởng thức đầu bếp cắt cổ heo hay vặt lông vịt.

2) Sự trưởng thành của một nhân cách giống như cục đất được nhào nặn, cắt gọt, nung chín thành cục gạch?

Đề hỏi: “Liên hệ với sự trưởng thành của bản thân mỗi con người trong cuộc sống, em có nhận thấy sự tương đồng với công việc của người thợ làm gạch?” Phải chăng là tác giả đề thi đã hiểu thô thiển cái minh triết cổ đại, rằng con người sinh ra từ đất, phải nhào nặn, cắt gọt, nung chín mới thành người?

Tôi bảo đảm người nguyên thủy cũng không hiểu thô thiển như vậy. Không chừng các em học sinh nghĩ rằng, cha mẹ chúng chỉ sinh chúng như cục đất, phải nhờ người khác làm công việc giống như thợ gạch nhào nặn, cắt gọt và nung chín cho chúng thành người?

Tâm lý học hiện đại không có cái suy nghĩ thô thiển như vậy. Mỗi trẻ em sinh ra đã là một con người hoàn chỉnh. Về sinh học, chúng kế thừa gene giống nòi với đầy đủ bộ phận, giác quan và trí tuệ người để thực hiện bản năng sinh tồn và ý thức sáng tạo. Về mặt văn hóa, mỗi đứa trẻ tự nó hấp thu lối sống, phong tục tập quán và ngôn ngữ của cộng đồng trước khi được giáo dục trong nhà trường, đến lượt nó không chỉ là một sản phẩm văn hóa mà còn là chủ thể văn hóa.

Sống, học tập và trưởng thành là cả một quá trình tương tác với môi trường tự nhiên, văn hóa xã hội, trong đó tự rèn luyện là chính chứ mỗi cá nhân không phải là cục đất do kẻ khác, dù là thầy cô nhào nặn, cắt gọt, nung chín. Tư duy sự trưởng thành của cá nhân do được kẻ khác nhào nặn, cắt gọt, nung chín, là bộ não của bọn độc tài, muốn biến trẻ em thành kẻ nô dịch.

Cải cách giáo dục mấy lần, nay vẫn muốn trẻ em vô tri như cục đất, để kẻ khác nhào nặn, cắt gọt, nung chín thành cục gạch? Tức trước sau vẫn vô tri, bị kẻ khác sử dụng như một thứ công cụ, chứ không phải là người trưởng thành với nghĩa đầy đủ là chủ nhân của chính nó và của đất nước?

Thiếu hiểu biết về con người ắt thiếu hiểu biết tối thiểu về văn học. Cả hai câu Nghị luận văn học và Nghị luận xã hội đều phản ánh trình độ của người ra đề với một sự thiếu hiểu biết đáng sợ. Không chừng năm nay báo chí và các nhà giáo lại tán dương có bài văn dài 24 trang nhờ học sinh chép như cái máy tự động về quy trình làm gạch? Khổ thân các cháu yêu văn và học văn!

No comments:

Post a Comment