VNTB – Giá lúa đang giảm mạnh sau Tết Giáp ThìnThới Bình
27.02.2024 5:57
VNThoibao
Giá lúa đồng loạt giảm mạnh cả miền Tây Nam bộ
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (FTA) hiện các loại lúa được bán từ 7.400 – 8.000 đồng/kg, nhiều thương lái bỏ cọc, dừng thu mua dù lúa đang đến thời gian thu hoạch. Cụ thể ở tỉnh An Giang, giá lúa IR 504 ở mức 8.200 – 8.400 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 8.400 – 8.600 đồng/kg, giảm 200 – 400 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 8.400 – 8.600 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 8.300 – 8.500 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg; Nàng Hoa 9 duy trì ổn định ở mức 8.600 – 8.700 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg. Riêng lúa Nhật giá không đổi, ở mức 7.800-8.000 đồng/kg.
Ghi nhận chung tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giao dịch lúa mới chậm. Giá lúa các loại giảm tiếp khiến thương lái đồng loạt bỏ cọc, còn nông dân chủ động chào bán lúa rất nhiều. Đặc biệt, với lúa đã thu hoạch hoặc lúa chín vàng chưa có người mua. Một số thương lái đi xem lúa giá thấp để mua giao hợp đồng đã ký, còn đối với lúa đã cọc giá cao trước đó thì họ bỏ cọc. Giao dịch lúa ngưng trệ.
Bà Lê Kim Mai (xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cho biết đã chấp nhận bán với giá 7.400 đồng/kg, thấp hơn lúc mới nhận cọc là 1.300 đồng/kg, vì nếu không bán thì thương lái bỏ cọc, phải tìm thương lái mới. Bà Mai nói thêm: “0,5 ha lúa ở đồng Mỹ Thạnh Trung này thương lái chấp nhận mua, còn 0,7 ha lúa Đài thơm ở xã Mỹ Lộc, tôi phải thuê người phơi lúa chờ ngày giá lúa tăng hoặc tìm được người mua, vì thương lái đã thông báo bỏ cọc”.
Theo báo cáo nhanh của ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng Giám đốc Công ty Phước Thành 4 (tỉnh Vĩnh Long) cho biết, hiện một số công ty chỉ mua đủ trả nợ những hợp đồng năm 2023 nên số lượng không đáng kể. Bên cạnh đó, người dân xuống giống vụ lúa Đông – Xuân đồng loạt và sức mua yếu nên giá lúa giảm thấp. “Thị trường diễn biến khó lường nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay chỉ mua nhỏ giọt, thậm chí án binh bất động, không dám mua gạo lưu kho. Giá lúa tại ruộng hiện từ 7.200 – 8.000 đồng/kg tùy theo giống lúa”, ông Thành cho biết thêm.
Giá lúa giảm vì thời gian qua tăng quá cao?
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1-2024 cả nước xuất khẩu 512.265 tấn gạo, tương đương 362,26 triệu USD, giá trung bình 707,2 USD/tấn, tăng 4% về lượng, tăng 7% về kim ngạch và tăng 2,8% về giá so với tháng 12-2023; còn so với tháng 1-2023 thì tăng mạnh 42,6% về khối lượng, tăng 94,1% về kim ngạch và tăng 36,2% về giá. Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 53,6% trong tổng lượng và chiếm 39% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 280.944 tấn, tương đương gần 194,28 triệu USD.
Trên thị trường gạo châu Á, gạo 5% tấm của Thái Lan được báo giá ở mức 615 USD/tấn, tăng nhẹ so với mức 610 USD/tấn của tuần trước. Các nhà giao dịch cho rằng giá tăng là do sự biến động của đồng baht, trong khi nhu cầu vẫn yếu và không có giao dịch lớn nào diễn ra. Họ cũng lưu ý rằng nguồn cung mới dự kiến sẽ dần được bổ sung vào thị trường trong tháng tới.
Trong khi đó, Bangladesh có thể nhập khẩu 500.000 tấn gạo trong năm tính đến tháng 6-2024 để hạ nhiệt giá gạo trong nước. Đầu tháng này, chính phủ Bangladesh đã cắt giảm thuế nhập khẩu gạo từ mức 63% xuống 15%.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện giá gạo 25% tấm ở mức 584 USD/tấn; gạo 5% tấm ở mức 609 USD/tấn; gạo 100% tấm ổn định ở mức 508 USD/tấn.
Ông Phạm Thái Bình – Giám đốc điều hành Công ty Trung An, cho rằng giá lúa Việt Nam những tháng cuối năm 2023 tăng cao là do doanh nghiệp Việt Nam ký kết hợp đồng, bán gạo trước thời điểm giao hàng cuối năm, cuối vụ… phải mua lúa bằng mọi giá, kể cả khi nông dân neo giá cao quá mức. Như vậy, thời điểm đó sức mua “nóng” mà nguồn cung hạn chế thì giá sẽ tăng. Nay “cầu” giảm, sức mua ít thì giá lúa giảm là hết sức bình thường.
Hơn nữa, hiện nay Việt Nam không chấp nhận giá gạo cao đột biến như cuối năm 2023 nên giá lúa giảm so với cuối năm 2023 là điều hết sức bình thường, không phải là hiện tượng đột biến (!?).
No comments:
Post a Comment