VNTB – Ai đã bao che trong những đợt kê khai tài sản của tướng công an Đỗ Hữu Ca?
Trường Sơn
27.02.2024 5:57
VNThoibao
Bộ Công an cho biết, sau quá trình điều tra mở rộng vụ án hình sự “Trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” xảy ra tại Quảng Ninh và Hải Phòng, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã xác định hành vi của ông Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng đủ yếu tố cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự. Quá trình xét hỏi, ông Ca khai đã nhận tiền của doanh nhân nhưng “chưa tác động đến cá nhân, cơ quan chức năng nào để chạy án”. Ông Ca đã nộp lại toàn bộ số tiền 35 tỷ đồng cho cơ quan điều tra.
Lý lịch trích ngang cho biết ông Đỗ Hữu Ca sinh ngày 23-11-1958, quê ở xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng; trình độ chuyên môn có đến bốn bằng cấp bậc đại học là Đại học An ninh, Đại học Ngoại thương, Đại học Báo chí, Đại học Luật. Từ năm 2010, ông Đỗ Hữu Ca giữ chức vụ Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng đến năm 2019 thì nghỉ hưu theo chế độ.
Điều đáng lưu ý về vụ án nói trên là người bị ông Ca lừa tiền vốn là một “tay to” trong nghề buôn bán lậu hóa đơn. Phải thân lâu, quen sâu mới mạnh tay xuống tiền nhờ vả ông Ca tìm đường thoát tội. Suy luận một cách đơn giản thì rõ ràng là ông Ca đã không cần phân trắng – đen, sẵn sàng kiếm chác khi có cơ hội, dù đó là hoàn cảnh nào, đối tượng nào. Tướng như thế thì không thể nào cầm quân trấn áp tội phạm, bởi e rằng sẽ là ‘công ít tội nhiều’.
Tình tiết vụ án cho biết trong quá trình khám xét nơi ở của bị can Đỗ Hữu Ca, cơ quan chức năng phát hiện trên 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng lượng lớn tiền, vàng, ngoại tệ, trang sức, sổ tiết kiệm… đứng tên vợ ông Ca và các cá nhân khác.
Tại cơ quan điều tra, bị can Đỗ Hữu Ca cùng vợ đã khai số tài sản trên có được thông qua việc tiết kiệm từ tiền lương, bố mẹ để lại, quà lễ, Tết của các đơn vị và từ việc kinh doanh dự án. Kết quả điều tra xác định những tài sản trên không liên quan đến hành vi phạm tội của bị can Đỗ Hữu Ca. Tuy nhiên, việc vợ chồng ông này không thực hiện kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân về các hoạt động đầu tư kinh doanh liên quan tài sản này cần tiếp tục xác minh. Và từ khối tài sản khổng lồ của vợ chồng bị can Đỗ Hữu Ca đặt ra vấn đề quản lý tài sản của cán bộ, công chức, nhất là đối với cán bộ có chức vụ ở thành phố Hải Phòng.
Truy ngược thời gian về Bí thư Thành ủy Hải Phòng giai đoạn mà tướng Đỗ Hữu Ca giữ quyền sinh sát, người ta thấy nổi lên hai cái tên là Tô Huy Rứa, và Lê Văn Thành (1962 – 2023). Vào cuối năm 1999, Tô Huy Rứa được đồng hương Tổng bí thư Lê Khả Phiêu trên danh nghĩa Bộ Chính Trị bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Bí thư Đảng ủy quân sự thành phố Hải Phòng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (tháng 4 năm 2001), Tô Huy Rứa tái đắc cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Với ông Lê Văn Thành từng là Bí thư Thành ủy Hải Phòng từ năm 2015 đến năm 2021, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hải Phòng từ năm 2016 năm 2021.
Như vậy, về yêu cầu kê khai tài sản ở Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định rõ cán bộ, công chức không chỉ kê khai tài sản của mình một cách trung thực mà còn phải kê khai tài sản của người thân, bao gồm vợ hoặc chồng, con chưa thành niên, kể cả tài sản biến động… thì rõ ràng trong trường hợp tướng Đỗ Hữu Ca chỉ có giá trị hình thức.
Bên cạnh đó, việc kê khai, xác minh tài sản của cán bộ chủ chốt vẫn chưa được thông tin công khai để dân biết, dân giám sát. Và như vậy xem chừng ở nhiều tỉnh, thành khác, mai này lại xuất hiện những Đỗ Hữu Ca sở hữu khối tài sản kếch xù nhưng “qua mặt” được cơ quan quản lý thuế, gây thất thoát ngân sách.
Tướng như thế thì có đáng mặt làm tướng?
No comments:
Post a Comment