Saturday, February 24, 2024

Sổ Tay Thượng Dân K’ Tien – Y Phép
tuongnangtien
Thứ Năm, 02/22/2024 - 07:31
RFA


Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm (Hoài Thu) của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên – ngày ấy – vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa!

Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn … cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.

Thảng hoặc, họ mới xuất hiện trên đường phố và luôn luôn đi hàng một (như thói quen của những kẻ thường chỉ di chuyển bằng những lối mòn nhỏ hẹp trong rừng) và ai cũng gùi đầy ắp củi ngo, măng le hay mác mác … - tùy mùa. Số lâm sản này, đều bị đám “bạn hàng” người Kinh dành giật nhau mua cho bằng hết, mua bán mà cứ như cảnh cướp giựt giữa ban ngày vậy.

Người miền núi không quen chuyện trả giá mặc cả (và cũng chả rành rẽ gì mấy về mệnh giá tiền tệ ở miền xuôi) nên đưa bao nhiêu họ cũng gật đầu, chứ chả ai dám phiền hà hay thắc mắc gì ráo trọi.

Tiền kiếm được thường chỉ đủ để cho mỗi người ăn một đĩa cơm. Ai may mắn lắm, gặp được một người Kinh mua hàng còn chút lòng nhân, mới có dư chút đỉnh để mua thêm mớ lòng phèo (cột bằng sợi lạt) xách tòng teng trở lại bản làng xa.

Tôi chứng kiến cảnh này nhiều lần, nhiều đến nỗi khi vừa đủ lớn khôn tôi đã có ý định sẽ ra ứng cử dân biểu quốc hội địa phương, và sẽ tìm mọi cách để chấm dứt tệ nạn này. Trời – tiếc thay – không mấy khi chiều lòng người nên thay vì trở thành ông nghị sỹ (như dự tính) tôi lại thành một anh lính trận, rồi một thằng tù binh vì … thất trận!

Số tôi lận đận, đã đành. Chuyện khó đành hơn là đời sống của những người dân bản địa ở Tây Nguyên cũng thế, cũng bầm dập và te tua thấy mẹ luôn, kể cả những kẻ đã từng thuộc về bên thắng cuộc :

“Chính quyền cộng sản đã chiêu dụ khoảng từ 6 đến 7.000 người Thượng tập kết, những người này được chở từ cảng Qui Nhơn đến Hà Nội để sau đó được đi huấn luyện tại Trường các dân tộc ít người miền Nam, những thành phần ưu tú sau đó được đưa di huấn luyện tại Trường sư phạm trung ương, chỉ vài người thật xuất sắc mới được đưa sang Bắc Kinh đào tạo thêm.

Ước mơ duy nhất của các chiến sĩ gốc Tây Nguyên trong suốt 20 năm thoát ly đi tập kết, 20 năm tham gia đấu tranh giành độc lập, để thấy Tây Nguyên tự trị ngày nay tan vào mây khói”. (Ya Biloh. “Việt Nam-Đất & Người: Nguyên nhân giải thể Phong trào Tây Nguyên Tự Trị.” Thông Luận: 06/2005).

Nguyên cả Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam còn “tan vào mây khói” thì xá chi cái Mặt Trận Giải Phóng Tây Nguyên. Khách quan mà nói thì vô ơn là thái độ thường tình của thế nhân, chứ chả riêng chi cái đám cộng sản VN. Họ chỉ khác thiên hạ ở chỗ là chuyên lấy oán thù để đền ơn đáp nghĩa (trắng trợn tước đoạt đất đai, phân biệt sắc tộc, kỳ thị tôn giáo … ) và không từ bất cứ một thủ đoạn tàn ác nào để dồn dân bản địa vào bước đường cùng.

Tức nước vỡ bờ!

Đã có nhiều cuộc nổi dậy liên tiếp (vào những năm 2001, 2004, và 2011) từ hơn hai thập niên qua. Biến động mới nhất xẩy ra vào ngày 11 tháng 6 năm 2023. Rạng sáng hôm đó, một nhóm người Tây Nguyên đã tấn công trụ sở Công an xã Ea Tiêu và Ea Ktur (Darlac) khiến cho 9 người thiệt mạng.

Ngay sau đó là một cuộc truy lùng và trả thù vô cùng rùng rợn. Ngoài lực lượng vũ trang, cùng với xe đặc chủng và xe bọc thép, nhà đương cuộc Hà Nội, còn khuyến khích người Kinh địa phương (kể cả trẻ con) dùng giáo mác, gậy gộc để săn tìm và đánh đập những người dân bản địa.

Cảnh tượng hãi hùng này khiến cho bất cứ ai còn chút lương tri cũng phải thấy “đau lòng”, theo như nguyên văn cách dùng từ của blogger Dương Quốc Chính: “Xem mấy video được cho là người dân đi truy bắt khủng bố mà thấy đau lòng. Nhất là thấy cảnh đã bắt được nghi phạm, người ta quay video cận cảnh mặt để tra khảo. Những video này mà người đồng bào xem được sẽ càng đẩy thêm sự phẫn uất lâu nay.

Gọi là toàn dân, nhưng nhìn mặt và giọng nói là thấy người Kinh đi bắt người Thượng, giọng nói trong tất cả các video thì toàn Thanh Nghệ… Cả trẻ con cũng cầm gậy đi cùng người lớn … anh em Kinh tộc đang hô hào rất khát máu, đòi báo thù, diệt tộc người ta.”

Quyết tâm “báo thù” và “diệt tộc” được thể hiện rất rõ qua phiên tòa vô cùng bất nhân vào hồi đầu năm nay. Báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 20 tháng 01 năm 2024, đi tin:

“Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự khủng bố tại Đắk Lắk đã tuyên án đối với 100 bị cáo về các tội danh: khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, khủng bố, tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, che giấu tội phạm xảy ra tại huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk)… Tòa tuyên phạt 10 án chung thân.”


Nghe cứ y như là phiên xử của một vụ đảo chánh (hụt) vậy. Đưa ra tòa cả trăm bị cáo, tuyên án cả chục án chung thân mà vũ khí của “phe khủng bố” bầy ra không đầy nửa manh chiếu cói (hai con dao, ba viên đạn, vài cây súng săn tự chế) vậy mà cả thế giới đều im thin thít!

Tây Nguyên tưởng chừng như đang chết lặng giữa cường quyền và bạo lực thì Y Phép xuất hiện khiến cho cả làng báo xôn xao:
Nhà báo Nguyễn Tâm lược thuật:

Chàng trai đi hái tiêu thuê, lỡ đâm vào chiếc xe bán tải làm vỡ đèn nên đã ngồi lại gần 2 tiếng chờ chủ xe để gửi tiền bồi thường. Khoảng 17h ngày 27/1, anh Y Phép (28 tuổi, người dân tộc Ê đê, ngụ xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) trên đường từ rẫy đi hái tiêu thuê về lán trại ở xã Nâm N'Jang (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông), do tránh chiếc xe công nông nên đã tông vào xe bán tải đỗ sát đường, làm vỡ đèn hậu.

Chủ xe là anh Đặng Công Sơn (38 tuổi, ngụ huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), trong lúc lên thăm rẫy ở xã Nâm N'Jang đã đỗ xe bán tải sát bên đường. Khi gặp anh Sơn, anh Y Phép trình bày việc mình đâm trúng xe. Đồng thời cho biết hôm nay anh đi hái tiêu thuê được 250.000 đồng, xin trả trước 200.000 đồng, còn 50.000 đồng xin giữ lại mua sữa cho con nhỏ. Tuy nhiên, anh Sơn từ chối nhận tiền và động viên anh Y Phép ra về.

Đến trưa ngày 28/1, anh Y Phép tiếp tục tìm tới rẫy để tặng anh Sơn mấy cân tiêu đi mót nhặt của những vườn đã thu hái xong. Anh Sơn tặng lại 500.000 đồng, nhưng anh Y Phép nhất quyết không nhận mà chỉ nhận mấy bộ quần áo anh Sơn thường mang đi làm từ thiện.

FB Võ Hồng Ly bổ túc:

Câu chuyện về lòng tử tế này vẫn chưa dừng lại ở đó. Trước sự thật thà của chàng trai người Ê Đê, anh chủ xe sau đó đã đến thăm nhà anh Y Phép. Chàng trai Y Phép dù nhà rất nghèo, ngày chỉ ăn lá mì, nhưng khi có khách đến chơi thì anh đã rất hiếu khách và làm thịt gà mời khách.

Câu chuyện đã được anh chủ xe đăng tải trên mạng xã hội và đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người. Một số nhà hảo tâm đã cùng nhau mua tặng anh Y Phép một chiếc xe máy mới để thay thế chiếc xe máy đã nát tươm. Nhìn chàng trai Ê Đê đứng bẽn lẽn nhận chiếc xe mới tinh có được lần đầu tiên trong đời mà ai nấy cũng vừa thấy vui, vừa thấy thương chàng trai thật thà…

Cảm ơn anh Y Phép, người chủ xe và những nhà hảo tâm đã khiến cho ngày Xuân trở nên ấm áp và giúp gieo thêm nhiều mầm hy vọng về những điều tử tế tốt đẹp vẫn còn tồn tại trong cuộc sống đầy nhiễu nhương này.

Nhà thơ Trần Ngọc Tuấn cảm thán: “Tự nhiên mình rưng rưng nước mắt”! Tôi cũng thế, “tự nhiên” cũng thoáng chút “cay cay”.

Ai mà không xúc động hoăc nghẹn lời khi bất ngờ bắt gặp một Y Phép thuần hậu, chân chất hiền lành như ngô khoai lúa gạo (cùng với một người dân miền xuôi bao dung, thân ái và nhân ái) giữa một Tây Nguyên đang ngùn ngụt hận thù và máu lửa. Họ đều tựa như hai nhân vật bước ra từ huyền sử (“trăm trứng trăm con”) tự ngàn xưa vậy.

Mặc cho cường quyền và bạo lực, mặc cho những mảnh trời đã sập và đang sụp, bao giờ mà Tây Nguyên vẫn còn giữ được nguyên vẹn tình người thì vùng đất thân yêu này – chắc chắn – rồi sẽ hồi sinh.

No comments:

Post a Comment