Nguyễn Quốc Việt – Làm phim lịch sử nhưng « Đào, Phở và Piano » đã đi quá xa thực tế
samedi 24 février 2024
Thuymy
Thường gã không dám bình gì về phim, vì biết mình không có chuyên môn. Thâm tâm gã cũng ý thức nên khích lệ để phim Việt phát triển. Hãy xem mặt hay, còn soi mặt thiếu sót thì ai không có, ngay cả các nền điện ảnh lớn như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng sơ suất đầy ra đó.
Tuy nhiên, với phim Đào, phở và piano thì gã phải xin góp vài thiển ý. Vài lời để mong tốt hơn chứ không hề phê phán, dìm xuống gì cả.
Và ở đây, gã xin nói về tên phim Đào, phở, piano được "giựt" theo kiểu sách báo "hiện đại" hay hại điện gì đó.
Không hiểu các nhà làm phim có tìm hiểu kỹ bối cảnh lịch sử cuộc chiến vệ thành Hà Nội mùa đông năm 1946? Nên nhớ đó là lúc nạn đói năm Ất Dậu - 1945 vừa qua đỉnh chết chóc khủng khiếp với 2.000.000 thi hài như bộ xương ở miền Bắc.
Sang năm 1946 mới chỉ tạm qua đói chứ chưa hề dứt hẳn, lại thêm phải "chia" lương thực cho mấy trăm ngàn quân Tưởng Giới Thạch sang giải giáp quân Nhật với hành động chẳng khác gì ăn cướp. Lúa gạo miền Nam gửi ra Bắc thì vẫn vô cùng khó khăn khi Thế chiến thứ hai vừa chấm dứt với sự đánh phá hạ tầng giao thông của máy bay đồng minh, lại tiếp tục nổ ra chiến tranh Việt Minh - Pháp khắp các liên khu từ Bắc vào Nam làm đường xá đứt đoạn, hư hỏng.
Gần 30 năm làm báo, gã đã nhiều lần gặp gỡ nhân chứng để viết về nạn đói năm Ất Dậu, về cuộc chiến vệ thành Hà Nội. Từ những chiến sĩ đội thành Hoàng Diệu, bà Mai Hương, ông Hoàng Giáp, tướng Lê Huy Phát, bạn bè tướng Vương Thừa Vũ, chỉ huy mặt trận thủ đô năm 1946 dưới quyền tướng Giáp, rồi những chứng nhân còn lại của trung đoàn Tây Tiến. Nhiều người trong số họ được học hành bài bản từ trường Bưởi (Chu Văn An), Đông Dương học xá bước vào cuộc kháng chiến ...
Và sự thật, gã chỉ được nghe những câu chuyện bi hùng trong cuộc chiến sinh - tử vô cùng khó khăn. Nhân dân Hà Nội và chiến sĩ phải chia nhau từng chén cháo, nửa nắm cơm, mẩu khoai nhỏ. Người không ở đầu chiến tuyến sẵn sàng nhịn đói để nhường miếng ăn cho chiến sĩ xung trận ... Vậy thì Phở ở đâu vậy trời? Có quá khiên cưỡng, gân gồng không trong bối cảnh lịch sử đói khổ và đạn bom này?
Rồi lại còn piano nữa mới lạ, một cái tứ na ná như phim Dương Cầm kinh điển của Hollywood.
Gã đã gặp và đã nghe các nhân chứng thời đó ra trận chỉ có một số nghệ sĩ mang theo mình cây phong cầm (accordion), violon, mandolin, guitare, sáo, chứ chưa bao giờ nghe kể về cây piano cả. Họ nói kể về chiến sĩ và âm nhạc thời Việt Minh nên lấy cây phong cầm hoặc sáo làm biểu tượng, đừng đem cây piano sang trọng, nặng nề ra mà không đúng chút nào. Còn nói người dân Hà thành vẫn chơi piano giữa vòng vây quân Pháp và đói ăn, đạn bom rầm rầm thì càng không hợp tình, hợp lý.
Gã hiểu tên phim cũng như tên sách báo đôi khi phải biết "giựt" chút để hút bạn đọc. Nhưng có giựt thì cũng nên giựt vừa phải thôi. Nếu là gã, có lẽ gã sẽ đặt tên phim Đào và Máu. Tên này chính xác với bối cảnh chiến tranh sinh - tử và lịch sử nước nhà thời ấy, mà không gân gồng, khiên cưỡng thái quá.
Phim ảnh có quyền hư cấu, nhưng với đề tài lịch sử không nên và không được phép "vẽ" nhiều quá.
NGUYỄN QUỐC VIỆT 24.02.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)
No comments:
Post a Comment