Saturday, December 2, 2023

VNTB – Xoá sổ 38 trường cao đẳng đào tạo giáo viên không chất lượng
Chánh Thành
03.12.2023 4:17
VNThoibao



(VNTB) – 38 trường cao đẳng đào tạo ra hàng chục ngàn sinh viên sư phạm không chất lượng. Giáo viên phải chạy biên chế, tiếp bia mua vui cho quan chức, dâm ô, đánh đập, làm tiền học sinh… Tương lai nào cho Việt Nam?

📌Xoá sổ hay chỉ là đổi tên?

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, cả nước đang có 103 trường đào tạo sư phạm, và Bộ GD-ĐT dự kiến đến năm 2030 sẽ giảm hơn một nửa, chỉ còn khoảng 50 trường. Dự thảo này cũng dự kiến sáp nhập 38 trường cao đẳng sư phạm và cao đẳng đa ngành có đào tạo sư phạm.

Bộ GD-ĐT nhìn nhận, mạng lưới các trường sư phạm có sự phân bổ chưa đồng đều. Sự tập trung của một số trường đại học sư phạm lớn tại các trung tâm kinh tế xã hội của đất nước. Bên cạnh đó vai trò của các trường cao đẳng sư phạm ngày càng mờ nhạt.

Trên thực tế, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng vẫn chưa đủ năng lực và chuyên môn để giảng dạy mà phải liên thông lên hệ đại học thêm hai năm nữa. Điều này gây lãng phí rất lớn cho ngân sách, người học và các nguồn lực xã hội. Nhưng việc xoá sổ 38 trường này cũng gây nhiều nghi ngờ trong dư luận xã hội.

Cô M.V., một giáo viên về hưu bày tỏ quan ngại với phóng viên Việt Nam Thời Báo rằng “việc xoá sổ hệ cao đẳng sư phạm cũng có thể chỉ là thay tên trường, còn thực tế chất lượng thì vẫn không thay đổi”.

“Bắt buộc giáo viên mầm non phải có bằng đại học, nhưng chương trình đào tạo lại dành phân nửa thời gian để học những thứ không liên quan như triết học Mác-Lênin và chính trị. Thậm chí các sinh viên sư phạm mầm non cũng bị bắt buộc học quân sự cả một học kỳ. Như vậy thì rất lãng phí và không thể cải thiện chất lượng giáo viên”. Cô M.V. đánh giá.

📌Những thế hệ giáo viên không chất lượng, biến chất

Hiện nay mỗi năm có khoảng hơn 20.000 sinh viên sư phạm tốt nghiệp từ các trường, khoa trên cả nước. Con số này không đủ đáp ứng nhu cầu hàng năm (cần bổ sung 43.000 giáo viên, cán bộ giáo dục mỗi năm). Tuy ngành giáo dục luôn thiếu người là vậy. Thế nhưng trên thực tế, cử nhân sư phạm muốn đi dạy thì lại phải chạy biên chế để được hành nghề bán chữ.

Tháng 4 năm 2022, một người dân chia sẻ trên báo VNExpress rằng vợ anh ấy đã phải bỏ ra “120 triệu và nhiều khoản nhỏ khác”, để xin làm làm giáo viên dạy tiếng Anh hợp đồng cho một trường tiểu học. Anh này kể lại rằng vị trí này không được nhận lương hàng tháng mà chỉ được nhận vào cuối học kỳ hoặc cuối năm. Nếu muốn nhận lương hàng tháng thì phải “chạy vào biên chế nhà nước” với số tiền cao hơn nhiều so với mức 120 triệu đồng.

“Hầu hết trường hợp ‘dạy hợp đồng’ đều không có lương hàng tháng cố định mà chỉ nhận lương theo giờ dạy. Nhưng người ta chạy tiền làm giáo viên chủ yếu là lấy cái danh, cái ‘mác’ để có thể mở lớp dạy thêm bên ngoài. Số tiền thu từ các lớp dạy thêm có thể gấp 10 lần số lương ở trường”. Cô M.V. kể với phóng viên Việt Nam Thời Báo.

Như vậy, dù thiếu người dạy, nhưng muốn dạy thì vẫn phải lo tiền. Mua ghế giáo viên xong rồi ép học sinh phải đi học thêm. Người giáo viên, từ một nghề cao quý, trở thành những kẻ bán điểm, chạy trường, thu tiền bảo kê học sinh ngay trong trường học.

“Thời gian này kinh tế đi xuống, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng không xin được việc làm thì cũng không có tiền học liên thông, càng không có tiền chạy biên chế. Đa số các bạn cùng khoá của em phải đi làm công nhân thay vì đi dạy. Tuy cực, nhưng công nhân mỗi tháng cũng cao hơn đi dạy, và cũng không phải chạy chọt hoặc luồn cúi với cấp trên như làm giáo viên”. Một cựu sinh viên cao đẳng sư phạm, đang làm công nhân ở Bình Dương, tâm sự với phóng viên Việt Nam Thời Báo.

📌Tiếp bia, làm tiền, dâm ô, đánh đập học sinh…

Không chỉ dạy thêm, làm tiền học sinh. Giáo viên hiện nay còn phải đi tiếp bia, hầu hạ các quan chức cộng sản như những cô gái “bán bia ôm”. Tình trạng này xảy ra ở khắp nơi trong cả nước. Khi có quan lớn ở tỉnh, hoặc trung ương “vi hành” tới địa phương, lãnh đạo tại đó sẽ điều động các cô giáo trẻ tới ăn nhậu, tiếp bia hầu hạ cán bộ.

Tháng 12, năm 2022, một giáo viên mầm non ở Đắk Nông đã tố cáo hiệu trưởng nhà trường thường xuyên điều giáo viên đi tiếp khách “VIP”. Cụ thể, khi có cán bộ thuộc đồn biên phòng, hải quan hoặc công an tỉnh tới làm việc với địa phương; thì các giáo viên trẻ sẽ bị “điều động” đi uống rượu, “tiếp khách”… ngay trong giờ hành chính hoặc có cả thứ 7 và chủ nhật.

Tháng 11 năm 2016, một số giáo viên ở Hà Tĩnh phản ánh rằng phải đi ăn uống, tiếp bia rượu và hát hò chiêu đãi các quan chức cấp cao. Giải thích với báo chí tại thời điểm đó, trưởng phòng GDĐT thị xã Hồng Lĩnh cho rằng việc giáo viên nữ tham gia phục vụ, tiếp khách và bị ôm vai bá cổ “là chuyện bình thường trong cuộc sống”.

Đây chỉ là hai điển hình giáo viên dám lên tiếng phản ánh. “Những trường hợp buộc phải cắn răng đi tiếp rượu, hầu hạ quan chức vẫn diễn ra thường xuyên nhưng không ai dám nói ra. Vì nói ra là bị trù dập, mất việc. Làm giáo viên hơn 30 năm, tôi chưa bao giờ thấy nghề giáo lại nhục nhã như bây giờ”. Cô M.V., một giáo viên về hưu buồn bã tâm sự với phóng viên Việt Nam Thời Báo.

Cùng với đó là các tệ nạn xảy ra hàng ngày, hàng giờ bởi những người làm giáo dục hiện nay, như đánh đập, hành hạ, thậm chí dâm ô với học sinh…

“Việc xoá sổ, sáp nhập hay đổi tên trường sư phạm không giải quyết căn nguyên của vấn đề. Phải đổi mới triệt để hệ thống giáo dục hiện nay, cải cách từ gốc tới ngọn ngành sư phạm, từ thi cử, con người, tới lương bổng, chính sách, bộ máy… Thậm chí nếu cần thiết thì phải đập đi xây lại, thanh lọc cơ chế thì mới có thể thu hút, đào tạo ra những người thầy, người cô có chất lượng cao cho đất nước. Cô M.V. đề xuất giải pháp.

Xin lấy tuyên bố nổi tiếng của Nelson Mandela, cố tổng thống vĩ đại của Nam Phi thay cho lời kết. “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân chết dưới bàn tay các bác sĩ của nền giáo dục ấy. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay các kỹ sư của nền giáo dục ấy. Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy. Nhân loại chết dưới bàn tay các học giả tôn giáo của nền giáo dục ấy. Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia.”


 

 

No comments:

Post a Comment