Saturday, December 2, 2023

VNTB – Hồ sơ: Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là người ký lệnh về “Thẻ công dân”
Hà Nguyên
03.12.2023 4:02
VNThoibao



(VNTB) – Ngày 6-9-1946, quyền Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – ông Huỳnh Thúc Kháng dã ban hành Sắc lệnh 175B/NC-PC sử dụng “Thẻ công dân” thay cho “Thẻ căn cước”.

 Từ năm 1957, Thẻ công dân được thay bằng Giấy chứng minh nhân dân, gọi tắt là chứng minh thư hoặc giấy chứng minh. Từ năm 2016, Giấy chứng minh nhân dân được thay bằng Căn cước công dân. Ngày 27-11-2023, Quốc hội đã thông qua dự án luật Căn cước, đổi tên Căn cước công dân thành Thẻ căn cước, có hiệu lực kể từ 1-7-2024.

Sắc lệnh của Chủ tịch Huỳnh Thúc Kháng ký ban hành ngày 6-9-1946 có 6 điều cụ thể như sau:

“Điều thứ 1

Nay đặt ra một “thẻ công dân” cho tất cả các người Việt Nam bất luận đàn ông hay đàn bà tuổi từ 18 trở lên.

Điều thứ 2

Thẻ công dân sẽ ghi tên, họ, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, tên bố mẹ, nguyên quán, trú quán, chức nghiệp theo mẫu đính theo Sắc lệnh này.

Không bắt buộc phải ký hoặc dán ảnh vào thẻ.

Người lĩnh thẻ phải nộp cho Uỷ ban phát thẻ một số tiền 0$50 là giá in thẻ.

Điều thứ 3

Thẻ sẽ do Uỷ ban Hành chính xã, thị xã hoặc Uỷ ban Thành phố nơi nguyên quán hay trú quán của người công dân phát, dấu và chữ ký của Uỷ ban đã phát thẻ.

Điều thứ 4

Uỷ ban Hành chính sẽ giữ một quyển sổ kê tổng số thẻ đã phát cho các thành phố, các thị xã và các tỉnh.

Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố, thị xã phải giữ 1 quyển sổ kê tổng số thẻ đã phát cho các xã, khu phố.

Uỷ ban hành chính nơi phát thẻ phải giữ một quyển sổ kê danh sách những người lĩnh thẻ.

Điều thứ 5

Khi mất thẻ công dân phải trình ty Công an nơi mất và báo cho Uỷ ban hành chính nơi đã phát thẻ. Người công dân ấy có thể xin lĩnh thẻ khác tại Uỷ ban hành chính nơi phát thẻ đã mất và cũng phải nộp số tiền như trên. Khi phát thẻ mới này, thì Uỷ ban sẽ đề rõ là “Bản sao”. Khi thẻ hư nát cũng có thể xin được bản sao do Uỷ ban hành chính đã phát thẻ trước phát cho bản sao này cũng phải giá tiền như trên.

Những người dùng thẻ người khác hay cho người khác mượn thẻ sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến một năm và phạt tiền từ 10$ đến 300$ hoặc một trong hai thứ phạt ấy.

Điều thứ 6

Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp chiểu Sắc lệnh thi hành”.

Ở miền Nam Việt Nam, thẻ căn cước được ép nhựa dẻo có hình chìm nhiều con rồng có chất phát quang xanh.

Chục năm về trước, Bộ Công an từng phản đối việc thay đổi tên gọi từ “Chứng minh nhân dân” (CMND) sang “căn cước”, với lập luận như sau – trích góp ý về Dự luật căn cước công dân:

Soi xét lịch sử thế thì thấy, tuy có những giai đoạn gọi là căn cước hay thẻ công dân nhưng nhìn chung, thuật ngữ CMND đã được sử dụng rộng rãi từ lâu, đặc biệt kể từ sau năm 1975, thuật ngữ này sử dụng thống nhất trên toàn quốc. Một thuật ngữ được sử dụng có chiều dài như vậy, mặc nhiên nó định hình trong tư duy của người Việt, ai cũng hiểu mà không phải giải thích ngữ nghĩa của từ này là gì, là thế nào. Đó là điều chúng ta cần kế thừa, trước khi tính đến việc thay đổi nào đó sẽ gặp rắc rối ngay từ tên gọi.

Điều này cũng giống như khi chúng ta thảo luận về Hiến pháp 1992 sửa đổi, có ý kiến đề nghị sử dụng lại tên nước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Sau khi cân nhắc, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp thấy rằng, tên gọi “Cộng hòa XHCN Việt Nam” đã được sử dụng thống nhất từ sau 1975, đã quen thuộc với mọi người dân nên không cần thiết phải đổi, dễ gây xáo trộn.

Do chúng ta thống nhất dùng thuật ngữ CMND đã nhiều thập kỷ nên hầu hết các giấy tờ của cá nhân, tổ chức có liên quan đều sử dụng thuật ngữ này cũng như các thông số ghi trên CMND. Nếu thay đổi sẽ dẫn tới có cùng lúc hai tên gọi: vừa thẻ căn cước, vừa CMND, gây ra rắc rối, mâu thuẫn giữa chính các giấy tờ của công dân.

Chẳng hạn, giấy tờ nhà đất của người dân trước tới nay ghi CMND của người sử dụng, chuyển nhượng, nay lại “thò” thêm từ thẻ căn cước gây rắc rối, còn nếu phải chỉnh sửa cũng rất phiền nhiễu…

…Nay thì Bộ Công an kiên quyết đổi bằng được sang tên “căn cước”; và từ lập luận trên, cho thấy sắp tới đây được ‘quyền xét lại’ về cả việc tái lập tên gọi “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”.


 

No comments:

Post a Comment