Thursday, December 21, 2023

VNTB – Việt Nam tiếp tục ‘độc quyền chính trị’ về công đoàn
Hoài Nguyễn
21.12.2023 2:35
VNThoibao



(VNTB) – Nếu quan tâm đến quyền lợi chính trị, sẽ thấy có độ chênh rất xa về cách hiểu của “công đoàn nhà nước” với “công đoàn độc lập”. Theo đó không hề có tình trạng “đa nguyên” đảng phái như kỳ vọng…

 “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động…”. Còn tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được xác định là tổ chức xã hội nghề nghiệp đơn thuần, chỉ làm chức năng đại diện bảo vệ quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của người lao động trong phạm vi quan hệ lao động.

Trong cách vận hành của pháp luật Việt Nam thì tổ chức chính trị – xã hội là các tổ chức được thành lập bởi những thành viên đại diện cho lực lượng xã hội nhất định, thực hiện các hoạt động xã hội rộng rãi và có ý nghĩa chính trị, nhưng các hoạt động này không nhằm tới mục đích giành chính quyền.

Tổ chức xã hội – nghề nghiệp được hình thành trên nguyên tắc tự nguyện của những thành viên cùng chung lợi ích hay cùng giai cấp, cùng nghề nghiệp, cùng sở thích; Tổ chức xã hội nhân danh chính tổ chức mình để tham gia hoạt động quản lý nhà nước. Trong trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định, tổ chức xã hội mới hoạt động nhân danh nhà nước; Tổ chức xã hội hoạt động theo điều lệ do các thành viên trong tổ chức xây dựng hoặc theo quy định của nhà nước; Tổ chức xã hội hoạt động nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các thành viên và tham gia vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Theo Hiến pháp 2013, thì ở Việt Nam có 6 tổ chức chính trị – xã hội, bao gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam.

Nhân sự của cả 6 tổ chức trên về nguyên tắc là được sự “phân công” từ các cấp cơ quan Đảng, không có yếu tố của “phổ thông đầu phiếu” từ những thành viên/ hội viên của tổ chức đó.

Nói như vậy không có nghĩa là phần nhân sự quản lý này sẽ “dân chủ hơn” với các tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Bởi trên thực tế thì những người đứng đầu ở tở chức xã hội – nghề nghiệp như Đoàn Luật sư, Hội khuyến học, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam… đều có những chủ nhiệm, chủ tịch là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, và nhân sự này được “cơ cấu” vào vai trò lãnh đạo để “thống nhất quản lý”.

Trở lại với phân biệt “công đoàn” có yếu tố “chính trị”, và “không chính trị” theo cách lập luận từ phía lãnh đạo Đảng. Theo đó thì bên cạnh những tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thành lập để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, có thể sẽ xuất hiện những tổ chức ra đời nhằm mục đích xấu, gây mất an ninh, trật tự. Do vậy cần phải nhấn mạnh đến vấn đề “quyền chính trị” hoàn toàn khác nhau giữa hai loại hình về “công đoàn”.

 Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, có đoạn: “Quản lý tốt sự ra đời, bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, có các biện pháp phù hợp, hiệu quả để thu hút, vận động, định hướng tổ chức này gia nhập Công đoàn Việt Nam. Tăng cường tuyên truyền để người sử dụng lao động, công nhân, người lao động  nhận diện các hành vi lợi dụng việc thành lập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất an ninh trật tự”.

Như vậy, xem chừng rốt cuộc thì sớm muộn gì thì Đảng cũng sẽ “vô hiệu hóa” giấc mơ về những “công đoàn độc lập” của giới dân chủ Việt Nam.


No comments:

Post a Comment